Tư vấn pháp luật

Trẻ em có được đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không?

Việt An (ghi) 20/03/2023 08:25

Tôi muốn tặng cho con tôi dưới 16 tuổi một căn nhà để cháu đứng tên. Tôi muốn hỏi: Trẻ em có được đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không?

Trả lời:

Về vấn đề này, Thạc sỹ, luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty Luật TNHH Đức An, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội tư vấn như sau:

Theo khoản 1 Điều 97 Luật Đất đai 2013 quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được cấp cho người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất theo một loại mẫu thống nhất trong cả nước.

thu-tuc-cap-giay-su-dung-dat-lan-dau.jpg
Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, điểm a khoản 1 Điều 5 Thông tư số 23/2014/TT-BTNMT được sửa đổi bởi khoản 4, khoản 5 Điều 6 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT thể hiện thông tin về người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất tại trang 1 của Giấy chứng nhận như sau:

"1. Ghi thông tin về người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được cấp Giấy chứng nhận theo quy định sau:

a) Cá nhân trong nước thì ghi “Ông” (hoặc “Bà”), sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân (nếu có), địa chỉ thường trú. Giấy tờ nhân thân là Giấy chứng minh nhân dân thì ghi “CMND số:…”; trường hợp Giấy chứng minh quân đội nhân dân thì ghi “CMQĐ số:…”; trường hợp thẻ Căn cước công dân thì ghi “CCCD số:…”; trường hợp chưa có Giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân thì ghi “Giấy khai sinh số…”;”

Như vậy, pháp luật đất đai hiện không có quy định cụ thể về độ tuổi được đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) và không phân biệt cá nhân là người thành niên, người chưa thành niên hay trẻ em, mà chỉ quy định cá nhân nói chung đều được cấp giấy chứng nhận sử dụng đất nên về nguyên tắc, việc đứng tên trên sổ đỏ không hạn chế về độ tuổi.

Ngoài ra, Điều 21 Bộ luật Dân sự 2015 còn quy định 03 mốc độ tuổi của người chưa thành niên, mà theo đó có những điều kiện tham gia giao dịch, nhất là giao dịch về bất động sản là khác nhau. Cụ thể:

Người chưa đủ 06 tuổi thì giao dịch sẽ do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện.

Người từ đủ 06 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.

Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký (phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý).

Đối với con là thành viên của hộ gia đình, đối với đất cấp cho hộ gia đình, theo khoản 29 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013, hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất. Theo đó, con cái có chung quyền sử dụng đất với cha mẹ nếu có đủ các điều kiện như sau:  Có quan hệ huyết thống (con đẻ), nuôi dưỡng (con nuôi); Đang sống chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất. Cùng nhau đóng góp, cùng nhau tạo lập để có quyền sử dụng đất.

Trường hợp tặng cho con từ đủ 06 (sáu) tuổi đến chưa đủ 15 (mười lăm) tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý con bạn có quyền đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi có bố mẹ là người giám hộ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trẻ em có được đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không?