Ở đâu đó, những hành vi tàn ác đối với trẻ em vẫn đang diễn ra. Nạn bạo hành trẻ em gây bức xúc trong xã hội và không một lý do nào có thể biện hộ cho điều đó.
Hàng loạt các vụ bạo hành trẻ em gây chấn động dư luận
Khi nói về những vụ trẻ em bị bạo hành chắc hẳn nhiều người chưa quên được sự việc bé TrầnThị Kim Ngân, 4 tuổi, bị chính mẹ ruột và cha dượng thường trú Đồng Nai đánh đập dã man gây chấn động dư luận. Mặc dù biết bé Ngân bị nhiều vết thương trên người nhưng cả bố và mẹ đều không chịu đưa bé đi cấp cứu. Chỉ đến khi bà con trong xóm trọ phát hiện bé nằm bất tỉnh ở góc phòng, kiến bu khắp người thì sự việc mới bị phát giác và mọi người đưa cháu tới bệnh viện.
Hay vì lý do bán vé số không mang đủ tiền về, một bà mẹ ở Bình Thuận đã đi mua 1 lít xăng về và tưới lên người con gái rồi châm lửa đốt. Ngọn lửa bùng cháy khiến cháu bé hoảng loạn ôm chầm lấy mẹ để cầu cứu. Tuy nhiên một lần nữa, người mẹ này lại nhẫn tâm đẩy con ra. Bé chỉ được cứu khi chạy ra ngoài đường và được người dân gần đó sơ cứu, dập lửa rồi đưa đến bệnh viện cấp cứu.
Những đứa trẻ bị người lớn hành hạ, đánh đập đến nhập viện khiến nhiều người xót xa
Tương tự vụ bà mẹ ở Lâm Đồng cũng tưới xăng lên người con trai 13 tuổi của mình rồi châm lửa đốt, vì tội trốn học đi chơi game. Rồi như cháu Lê Văn Hải, 3 tuổi ở Bình Dương bị cha dượng đi uống rượu về đạp vào bụng gây chấn thương nặng. Bé được xác định bị vỡ ruột già, vỡ đại tràng nên các bác sĩ phải nối hậu môn tạm ra ngoài. Kết quả giám định thương tật của Hải là 41%.
Hay mới đây, sự việc cháu Mạch Thu N (8 tuổi, trú tại phường Cam Giá, TP Thái Nguyên) bị mẹ nuôi đánh gãy ngón chân nhưng vẫn bắt phải làm việc hàng ngày. Nguyên nhân của sự việc được mọi người cho biết là do thời gian trước người mẹ nuôi này đi xem bói, thầy bói phán cháu N không hợp tuổi với bà mẹ nuôi nên việc làm ăn của bà này không thuận lợi.
Những ảnh hưởng nặng nề tới trẻ nhỏ
Trên đây là những vụ việc được báo chí phanh phui, người dân tố giác, chính quyền phát hiện, nhưng vẫn còn rất nhiều trường hợp như vậy diễn ra khắp nơi trên cả nước. Không ai dám đảm bảo chắc chắn nạn bạo hành không diễn ra hàng ngày đối với các cháu nhỏ.
Theo các chuyên gia, việc trẻ bị bạo hành có thể bị những tổn thương nghiêm trọng tới sức khỏe, thể chất. Nghiêm trọng hơn, trẻ bị bạo hành cũng dễ bị chấn thương tâm lý, tự kỷ, thậm chí mắc phải những vấn đề tâm thần.
Những trường hợp trẻ bị đánh đập đều khiến cơ thể bị tổn thương nhất định. Ngoài những vết thương bầm tím, rách da, chảy máu dễ dàng nhìn thấy thì còn một số chấn thương như ảnh hưởng não, chấn thương phổi, lá lách, gan…Những tổn thương này nếu không được phát hiện và cấp cứu kịp thời có thể khiến trẻ bị tử vong.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, ở những trường hợp bị bạo hành khi còn nhỏ hầu hết những đứa trẻ này bị ám ảnh cả đời. Nhiều người trong số đó trở nên sống khép kín, gặp trở ngại trong giao tiếp xã hội. Họ cũng có biểu hiện mặc cảm, thiếu tự tin vào bản thân.
Nghiêm trọng hơn, việc bạo hành làm trẻ mất niềm tin vào người lớn, tình yêu thương. Khi trưởng thành có thể trở nên cục súc, nóng nảy dễ có hành vi bạo lực. Nhiều người chấn thương tâm lý dẫn tới những hành động hung hăng, thậm chí có hành vi tự hại, luôn muốn tự làm đau mình để giảm stress căng thẳng. Một số người từng bị bạo hành khi còn nhỏ có hành vi lệch chuẩn về tình dục như khẩu dâm, ác dâm…
Thông tin từ Bộ LĐ-TB&XH cho biết, Bộ đã xây dựng đường dây nóng (số 18001567) để ghi nhận, tư vấn và xử lý những vấn đề liên quan tới trẻ em. Mỗi năm đường dây này nhận khoảng 300.000 cuộc gọi. Tuy nhiên, việc truyền thông quảng bá đường dây chưa thường xuyên, đa số người dân chưa biết.
Theo khảo sát của Tổng cục Thống kê với sự hỗ trợ của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), có gần 80% số trẻ em Việt Nam từ 2-14 tuổi bị cha mẹ hoặc người chăm sóc hay những người khác trong gia đình trừng phạt bằng bạo lực. Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm Bộ Công an cũng cho biết, mỗi năm trung bình có từ 1.600 - 1.800 vụ xâm hại trẻ em nghiêm trọng được phát hiện (kể cả xâm hại tình dục).
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Nhiều ý kiến cho rằng, chính sự thờ ơ của cộng đồng và sự thiếu trách nhiệm của chính quyền địa phương dẫn đến thực trạng trẻ bị bạo hành vẫn tiếp diễn. Trẻ em bị bạo hành, ngay trong gia đình, trong nhà trường và cả ngoài xã hội. Không riêng gì ở vùng sâu, vùng xa, mà ngay tại những thành phố lớn cũng không phải là chuyện hiếm.
Cần có những giải pháp mạnh mẽ và thiết thực hơn
Nhà nước ta đã ban hành nhiều bộ luật để bảo vệ quyền trẻ em. Tuy nhiên sự thờ ơ, vô cảm hoặc tâm lý nể nang, sợ bị trả thù, đã khiến những người xung quanh không can thiệp hoặc tố giác. Công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi các quy định pháp luật về bảo vệ các quyền của trẻ em nhiều nơi còn chưa tốt.
Để giải quyết được vấn đề này, thiết nghĩ cần có sự kết hợp của nhiều ngành... đặc biệt cần phải nâng cao giáo dục, nhận thức, trách nhiệm của người lớn đối với quyền trẻ em. Cần phải thực hiện các hoạt động truyền thông, giáo dục, phổ biến kiến thức, pháp luật, kỹ năng bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ, giáo viên, cộng đồng và bản thân trẻ em.
Ngoài ra cũng cần tiếp tục củng cố và kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về bảo vệ, chăm sóc trẻ em từ Trung ương đến cơ sở; xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành trong đó xác định rõ trách nhiệm của các ngành, các tổ chức trong việc thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Phát triển đội ngũ cán bộ xã hội, cộng tác viên, tình nguyện viên đến tận thôn, bản, khu, ấp…
Tăng cường nhân lực và nâng cao chất lượng hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em, thiết lập nhiều đường dây nóng để phản ánh thực trạng bạo hành trẻ em.
Có thể nói, liên tiếp những bạo hành trẻ em xảy ra trong thời gian qua không chỉ đã gây hậu quả nghiêm trọng xâm phạm sức khỏe, thể chất và tinh thần của trẻ em, mà còn đi ngược lại với truyền thống đạo đức xã hội, khiến dư luận xã hội rất băn khoăn lo lắng.
Đã đến lúc các cơ quan chức năng, các tổ chức chăm sóc, bảo vệ trẻ em, mỗi gia đình, mỗi cá nhân phải nghiêm túc nhìn nhận về trách nhiệm chăm sóc và bảo vệ trẻ em.