Chính trị

Trao quyền cho địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia

Duy Tuấn - Nguyên Thảo 30/10/2023 - 12:33

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, sáng 30/10, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG). Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên thảo luận.

Trình bày báo cáo của đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các CTMTQG về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”…. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, đây là lần đầu tiên Quốc hội giám sát giữa kỳ, với 3 CTMTQG.

Chậm giải ngân

Với chương trình xây dựng nông thôn mới, theo đoàn giám sát, tiến độ giải ngân vốn ngân sách trung ương năm 2022 và giai đoạn 2021-2025 còn chậm so với yêu cầu, nhất là vốn sự nghiệp. Đến ngày 30/06 mới giải ngân được 9,17% kế hoạch vốn của năm.

301020230841-z4830563020567_35c38c79c1c98af40c92d7337e62ca00.jpeg
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm

“Một số địa phương thiếu quyết liệt và có dấu hiệu chững lại trong chỉ đạo thực hiện xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư phát triển ngân sách trung ương phân bổ chậm, tỉ lệ đối ứng còn cao gây khó khăn cho một số địa phương, nhất là các tỉnh nghèo”, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nói

Theo đoàn giám sát, tính đến 30/6, cả nước có 6.022 xã (73,65%) đạt chuẩn nông thôn mới; 263/644 đơn vị cấp huyện (40,8%) được công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới.

Về giảm nghèo, việc phân bổ ngân sách trung ương còn chậm; giải ngân vốn ngân sách trung ương năm 2022 (đến 31-1-2023) đạt 35,63% kế hoạch (vốn đầu tư phát triển đạt 45% kế hoạch; vốn sự nghiệp đạt 6,39% kế hoạch).

Với chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, kết quả giải ngân đạt thấp, từ năm 2022 đến tháng 6-2023 giải ngân được khoảng 18,9% so với kế hoạch trung hạn. Giải ngân vốn sự nghiệp năm 2022 đạt 5,2%, năm 2023 (đến 30-6) giải ngân được 3,9% kế hoạch năm. Do đó, chương trình khó có thể hoàn thành mục tiêu giải ngân đến hết năm 2025.

Đoàn giám sát nhấn mạnh: “Thực tế đời sống đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp rất nhiều khó khăn, kinh tế, xã hội phát triển chậm. Tỉ lệ hộ nghèo, cận nghèo và nguy cơ tái nghèo cao, khoảng cách giàu nghèo có xu hướng gia tăng. Khả năng đạt mức thu nhập bình quân tăng 2 lần so với năm 2020, giảm 50% số xã đặc biệt khó khăn, hoàn thành các chỉ tiêu đến năm 2025 ở vùng dân tộc thiểu số theo mục tiêu rất khó khăn”.

Còn hiện tượng không muốn thoát nghèo để hưởng trợ cấp

Phản ánh thực tiễn triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia tại địa phương, Đại biểu Trần Nhật Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cho rằng, còn hiện tượng các xã miền núi không đăng ký phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới đến năm 2025, vì các xã miền núi vùng cao thuộc vùng đặc biệt khó khăn khi đạt chuẩn nông thôn mới, không còn thuộc đối tượng xã đặc biệt khó khăn, sẽ không còn được hưởng các chế độ an sinh xã hội như: bảo hiểm y tế, hỗ trợ gạo cho học sinh, chế độ cho cán bộ, công chức, viên chức.

301020231017-tran-nhat-minh.jpeg
Đại biểu Trần Nhật Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An

Đại biểu cho rằng “đây là vấn đề đáng lo ngại, cần được quan tâm xử lý sớm. Bất cập này đã được đề cập trong báo cáo của Chính phủ tại Kỳ họp thứ 5, theo đó, một số bộ, ngành chưa kịp thời có giải pháp khắc phục hạn chế tác động của các quyết định công nhận xã thôn khu vực I, II, III vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 đã làm ảnh hưởng đến việc thụ hưởng chính sách của các đối tượng đang sinh sống, học tập, công tác tại các thôn xã đặc biệt khó khăn nay trở thành thôn, xã nông thôn mới”. Đại biểu đề nghị, chính phủ cần có giải pháp cụ thể, khả thi, thiết thực để tháo gỡ, khắc phục vấn đề này.

Theo đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam, nguyên nhân căn cơ mà người dân chưa muốn thoát nghèo là cách làm và chất lượng của các chương trình chưa có sự bền vững, tính bền vững chưa cao cả trước mắt và lâu dài. Do đó, người dân cảm thấy chưa yên tâm khi thoát nghèo, hết chương trình, hết dự án thì “nghèo lại hoàn nghèo”. Vì vậy, đại biểu Tạ Văn Hạ đề nghị cần quan tâm đến cách làm và chất lượng của các chương trình, "phải đảm bảo mang tính bền vững cao, đây mới là căn cơ".

Đáng lưu ý, theo Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định, thực tế giám sát cho thấy, có nguyên nhân trực tiếp dẫn tới tái nghèo là gia đình có người ốm. “Tỉ lệ biến chứng gặp rất cao ở địa phương nghèo; một người thân trong gia đình bị đột quỵ phải lên thành phố chữa bệnh là tất cả tiền dự trữ trong nhà đội nón ra đi; chưa kể phải vay mượn khắp nơi. Ra viện về nhà kèm theo tàn phế không còn khả năng lao động lại là một gánh nặng để gia đình phải chăm sóc…”- Đại biểu Hiếu nói. Đại biểu đề nghị chính phủ đặc biệt chú ý đến tiêm chủng và dinh dưỡng, phát triển chuyên ngành lão khoa tại địa phương…

Sử dụng chung, lồng ghép nguồn vốn chính sách Nhà nước

Để tổ chức thực hiện hiệu quả, tạo sự đồng bộ, thuận lợi, tránh sự chồng chéo trong quá trình tổ chức thực hiện, đại biểu Phạm Thị Kiều – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành trung ương nên quy định thống nhất một cơ chế quản lý, sử dụng chung, lồng ghép nguồn vốn chính sách Nhà nước để thực hiện cho 3 CTMTQG. “Vì mỗi chương trình ban hành một cơ chế quy định riêng, dễ gây nhiều khó khăn cho các địa phương trong quá trình áp dụng thực hiện, đồng thời dễ gây bất đồng, chồng chéo trong quá trình tổ chức thực hiện”, đại biểu Kiều nói.

301020230916-pham-thi-kieu.jpeg
Đại biểu Phạm Thị Kiều – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông

Đại biểu Phạm Thị Kiều cũng đề nghị nghiên cứu thành lập một mô hình văn phòng điều phối chung trực thuộc UBND cấp tỉnh để thực hiện có hiệu quả 3 chương trình.

Cùng quan điểm này, Đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, việc ban hành bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới là phù hợp nhưng đối với các vùng, khu vực thuộc đối tượng chính sách, có đối tượng chính sách cần có lộ trình thực hiện cho phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và tập quán cư trú, không thể đánh đồng với các địa phương có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.

Đại biểu Tiến đề nghị, xem lại tiêu chí phân bổ vốn và tỷ lệ vốn đối ứng nông thôn mới cho các địa phương có tổng số xã không nhiều, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cho phù hợp với thực tiễn. Tăng cường công tác phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương trong việc giải quyết các vấn đề có liên quan. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát cũng như giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư.

Làm rõ trách nhiệm để xây dựng chính sách tốt hơn.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương đề nghị Đoàn giám sát chỉ ra những nguyên nhân chủ quan dẫn tới những hạn chế của Chương trình, gắn với trách nhiệm cụ thể của từng bộ, ngành. Tuy nhiên, đại biểu nhận thấy đánh giá của Đoàn giám sát "vẫn trên tinh thần nương nhẹ và có lúc còn chung chung khi chỉ ra trách nhiệm và những hạn chế tương đối giống nhau giữa Chính phủ và các bộ, ngành". Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị rà soát lại phần đánh giá để chỉnh sửa, bổ sung sao cho "đảm bảo cụ thể hóa trách nhiệm và tránh trùng lặp chung chung".

301020231058-nguyen-thi-viet-nga.jpeg
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương.

Tranh luận với đại biểu Nga sau đó, Đại biểu Nguyễn Công Long - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai cho rằng, trách nhiệm của Chính phủ và các Bộ, ngành đã rõ, tuy nhiên đây là một chương trình lớn, cần làm rõ trách nhiệm của Quốc hội về việc thiết kế chương trình. Đại biểu đặt câu hỏi tại sao không thiết kế cùng một chương trình, thay vì 3 chương trình để đảm bảo tính tổng thế? Thiết kế chương trình một cách khoa học hơn? Đại biểu mong rằng trong dự thảo Nghị quyết, "Quốc hội cũng thẳng thắn nhìn nhận trách nhiệm của mình trong việc hoạch định và xây dựng chính sách này".

Theo Đại biểu Nguyễn Văn Huy - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình, việc giám sát có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần thúc đẩy trách nhiệm, cũng như tháo gỡ khó khăn vướng mắc, góp phần hoàn thiện cơ chế chính sách để đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình.

Chiều nay, quốc hội tiếp tục thảo luận về nội dung này. Dự kiến, tại phiên họp, các thành viên Chính phủ có liên quan sẽ giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trao quyền cho địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia