Trao đổi kinh nghiệm về kỹ năng hòa giải, đối thoại trong giải quyết các vụ án dân sự, hành chính

Trần Minh Giang| 05/03/2018 17:40
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Từ ngày 5-9/3, TANDTC tổ chức Tọa đàm về đổi mới và tăng cường công tác hòa giải, đối thoại trong giải quyết các vụ án dân sự, hành chính.

Tham dự tọa đàm có lãnh đạo TANDTC, các Thẩm phán TANDTC, các chuyên gia pháp luật và Thẩm phán TAND TP Hà Nội, Hải Phòng và Thẩm phán TAND tỉnh Bắc Ninh…

Hòa giải là quy trình xử lý xung đột

Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền nhấn mạnh, hoà giải, đối thoại trong tố tụng dân sự và hành chính ngày càng đóng vai trò quan trọng trong giải quyết các vụ án tại Toà án, là phương thức hiệu quả bảo đảm quyền tự định đoạt, quyền tự quyết định của đương sự. Hoà giải giúp giải quyết triệt để và hiệu quả tranh chấp mà không phải mở phiên toà xét xử, tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của đương sự, Nhà nước và toàn xã hội; hạn chế kháng cáo, kháng nghị; nâng cao tỷ lệ và rút ngắn thời gian giải quyết vụ án. Kết quả hoà giải còn góp phần hàn gắn rạn nứt giữa các đương sự, giữ gìn ổn định trật tự xã hội, tạo đồng thuận và xây dựng khối đoàn kết trong nhân dân - đây là kinh nghiệm của nhiều nền tư pháp tiến bộ trên thế giới.

Trao đổi kinh nghiệm về kỹ năng hòa giải, đối thoại trong giải quyết các vụ án dân sự, hành chính

Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền phát biểu tại buổi tọa đàm

Với mong muốn đổi mới và tăng cường công tác hòa giải, đối thoại trong giải quyết các vụ án dân sự, hành chính, Ban cán sự đảng TANDTC đã ban hành “Kế hoạch triển khai thí điểm về đổi mới, tăng cường hoà giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, hành chính tại Hải Phòng”. Buổi toạ đàm có sự tham gia của Thẩm phán Gordon Low, là chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong hoạt động xét xử, công tác hoà giải, đồng thời các Thẩm phán TANDTC Việt Nam giới thiệu, trao đổi về các quy định của pháp luật Việt Nam liên quan đến hòa giải là cơ hội quý báu để các Thẩm phán tìm hiểu sâu về những quy định liên quan đến hòa giải, đối thoại trong việc giải quyết những vụ án dân sự, hành chính, đặc biệt là những kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực này.

Truyền đạt những kiến thức hòa giải tại buổi tọa đàm, Thẩm phán Gordon Low, chuyên gia pháp luật cao cấp của Hoa Kỳ đã khái quát lại việc áp dụng phát luật của các quốc gia trong giải quyết những tranh chấp dân sự, hành chính. Theo đó, trong bất kỳ xã hội nào, đặc biệt là khi việc sử dụng hệ thống pháp luật rất tốn kém (về tiền bạc, thời gian…), nhưng nhiều tranh chấp thuộc thẩm quyền của Tòa không cần đưa ra trước tòa để giải quyết. Những tranh chấp này được giải quyết thông qua việc sử dụng bên thứ ba trung lập- hay còn gọi là hòa giải viên. Mục đích của cả tranh tụng và hòa giải đều là giải quyết tranh chấp; mục tiêu của cả hai đều là giải quyết công bằng, nhanh chóng và ít tốn kém. Tranh tụng là một quy trình chấm dứt xung đột, còn hòa giải là quy trình xử lý xung đột. Nếu hòa giải không giúp giải quyết vấn đề thì các bên vẫn có thể quay lại con đường tranh tụng; 3 tiếng hòa giải vẫn tốt hơn là 3 ngày xét xử tại Tòa án. Trong hòa giải thì bên thứ 3 (hòa giải viên) không quyết định cuối cùng mà là các bên đưa ra quyết định cuối cùng.

Trau dồi cho hòa giải viên kỹ năng đàm phán, thương lượng

Thông qua buổi tọa đàm, Thẩm phán Gordon Low đã truyền đạt cho các đại biểu tham dự xây dựng kỹ năng đàm phán, thương lượng, hòa giải có hiệu quả; phải biết bình tĩnh và không được bối rối, không được để căng thẳng tác động đến lời nói. Hòa giải viên phải dự kiến trước những trở ngại; phải kiên nhẫn, tháo vát và biết sử dụng các kỹ thuật có tính sáng tạo, hài hước nhằm xây dựng sự đồng thuận; giúp các bên hoàn thiện các đề nghị, gói gọn lại những phản đối và nhận thấy rằng thỏa thuận là lựa chọn tốt nhất; giúp các bên đưa thỏa thuận đó trở thành văn bản.

Trao đổi kinh nghiệm về kỹ năng hòa giải, đối thoại trong giải quyết các vụ án dân sự, hành chính

Thẩm phán Gordon Low trao đổi kinh nghiệm về kỹ năng hòa giải

Quá trình hòa giải, hòa giải viên thực hiện vai trò chủ động tích cực chứ không chỉ là người đưa tin; giữ cho các trao đổi trong trật tự cho phép; giữ cho cả hai bên cùng xử lý vấn đề khi có tiến bộ và khả năng đạt được giải pháp. Hòa giải viên trực tiếp hoặc gián tiếp mời các bên cùng xây dựng lịch trình và các quy tắc nền tảng của mình; tạo ra bầu không khí mà các bên có thể lắng nghe và nói chuyện với nhau trên cơ sở tôn trọng nhau. Khi hòa giải, hòa giải viên phải biết nêu ra những nghi ngại về quan điểm của các bên; luôn luôn giúp một bên thấy và hiểu được quan điểm của bên kia; đánh giá về chi phí, lợi ích, ngắn hạn và dài hạn của việc giải quyết tranh chấp. Bên cạnh đó, hòa giải viên giúp các bên tìm kiếm các con đường để giải quyết tranh chấp; chỉ ra những lĩnh vực hợp tác hoặc cùng có lợi của hai bên; đánh giá các giải pháp có thể áp dụng. Khi hòa giải, các bên có thể giải quyết tranh chấp của mình mà không bị giới hạn bởi các quy định nghiêm ngặt về thủ tục, chứng cứ và luật nội dung.

Chính vì vậy, vai trò của hòa gỉải viên là cung cấp cho các bên tranh chấp một quy trình tổ chức về việc hòa giải có thể diễn ra; đóng vai trò là cầu nối giữa tất cả các bên, đảm bảo công bằng, lịch sự; giúp tạo ra một không gian an toàn, bình đẳng cho tất cả các bên để cùng đối thoại; giúp họ xác định nhu cầu, mong muốn và định ra ranh giới trong tranh chấp. Khi hòa giải, hòa giải viên hỏi các bên về tính hợp lý trong quan điểm của họ, giúp họ nhận ra tính hợp pháp trong quan điểm của bên đối lập; giúp các bên kiểm tra quan điểm của mình và khuyến khích họ đưa ra các giải pháp phù hợp với lợi ích của họ.

Trao đổi kinh nghiệm về kỹ năng hòa giải, đối thoại trong giải quyết các vụ án dân sự, hành chính

Quang cảnh buổi tọa đàm

Hòa giải viên phải giải thích về hòa giải, tạo bầu không khí tin tưởng, đảm bảo cho các bên thấy được trách nhiệm trong việc đưa ra một giải pháp xử lý vấn đề. Thông qua việc hỏi đáp, hòa giải viên có sự linh hoạt, kiên nhẫn, không cứng nhắc; biểu hiện được sự đồng cảm, hướng cho các bên trao đổi đầy đủ về lợi ích cũng như nhu cầu của mình; tạo cho hai bên cơ hội ngang nhau để giải quyết mâu thuẫn xảy ra tranh chấp. Mặt khác, hòa giải viên cần thu thập càng nhiều tình tiết càng tốt, thấu hiểu nội tình và bản chất của vẩn đề; thể hiện sự quan tâm tới cảm xúc của các bên; lắng nghe, có các câu hỏi nhằm vạch ra hoặc kích thích thảo luận để các bên tìm ra giải pháp mà tất cả đều có thể chấp nhận. Hòa giải viên không áp đặt ý kiến cá nhân hoặc kinh nghiệm của mình đối với các bên; tránh thể hiện sự nghiêng ngả, hoặc thiên vị, hoặc chống lại bất kỳ bên nào; tránh đưa ra những phản hồi hoặc cảm xúc đối với một thông điệp cụ thể; không chỉ trích bên này với bên kia.

Một hòa giải viên phải kiểm soát được tuần tự các vấn đề thảo luận qua việc xây dựng chương trình, làm chậm lại quá trình hoặc chuyển hướng; họ có thể hoãn việc thảo luận về quan điểm cho đến khi tìm hiểu được mối quan tâm của các bên; họ có thể đẩy nhanh đối với các chủ đề mà họ tin rằng có thể đưa các bên xích lại gần nhau. Kỹ năng giao tiếp trung lập của hòa giải viên có khả năng đưa các bên hiểu nhau hơn để có một thỏa thuận giải quyết tranh chấp có lợi cho cả hai bên, qua đó các bên có thể làm việc và hợp tác với nhau để đưa ra giải pháp mà cả hai đều thấy hợp lý.

Suốt quá trình hòa giải, hòa giải viên cần đánh giá mình đã tác động tới phiên làm việc như thế nào và làm gì để cải thiện tranh chấp; cho phép các bên tự mình tìm câu trả lời hoặc giải pháp của mình; giúp các bên tìm hiểu những lợi ích và các lựa chọn giải quyết; xây dựng các thỏa thuận giúp đóng lại vụ việc. Khi kết thúc hòa giải, hòa giải viên cần cảm ơn các bên đã sẵn sàng hòa giải; chúc mừng họ đã chân thành hợp tác, đã cùng nhau tìm ra một giải pháp tốt nhất để hóa giải các tranh chấp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trao đổi kinh nghiệm về kỹ năng hòa giải, đối thoại trong giải quyết các vụ án dân sự, hành chính