Ngày 26/11, TAND cấp cao tại TP. HCM đã tuyên bản án phúc thẩm với vụ án tranh chấp hợp đồng, vay tiền xảy ra tại dự án Khu dân cư xã Mỹ Khánh, Long Xuyên, tỉnh An Giang. Theo đó, bản án phúc thẩm đã tuyên hủy bỏ tất cả các hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất do giả tạo.
Trước đó, tại phiên xét xử ngày 23/11, phát biểu quan điểm xử lý vụ án, đại diện VKSND cấp cao tại TP.HCM cho rằng bản án cấp sơ thẩm đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Phan Ngọc Thanh yêu cầu bị đơn ông Vương Tấn Thành phải trả số tiền nợ 6 tỷ đồng và lãi suất theo quy định là có căn cứ.
Đối với yêu cầu hủy tất cả các hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất của bị đơn, xét thấy lời khai của bị đơn là có cơ sở, phù hợp với các tình tiết khách quan của vụ án. Từ những căn cứ này, có đủ cơ sở để xác định hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất do nguyên đơn là ông Thanh và DNTN Cang Trường (ủy quyền cho ông Thành ký kết) là giao dịch vô hiệu, giả tạo nhằm che giấu hợp đồng vay tài sản. TAND tỉnh An Giang chấp nhận yêu cầu của bị đơn tuyên các hợp đồng vô hiệu là có căn cứ.
Đối với yêu cầu độc lập của DNTN Cang Trường yêu cầu ông Thanh phải trả lại 4 GCNQSDĐ, đại diện VKSND cấp cao tại TP.HCM xét thấy do hợp đồng giữa các bên vô hiệu toàn bộ nên ông Thanh phải có trách nhiệm trả. Với các căn cứ này, VKSND cấp cao tại TP.HCM đã đề nghị HĐXX cấp phúc thẩm bác toàn bộ kháng cáo của phía nguyên đơn và giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm.
Sau thời gian nghị án, căn cứ vào các tài liệu của vụ án, HĐXX phúc thẩm nhận thấy, đối với yêu cầu khởi kiện của ông Thanh yêu cầu ông Thành, bà Tú Anh (bị đơn) phải trả số tiền 6 tỷ đồng và lãi phát sinh là do hai bên tự nguyện ký kết, không bị ép buộc, có công chứng. Như vậy, Tòa án cấp sơ thẩm tuyên ông Thành phải trả tiền nợ và lãi là có căn cứ. Tuy nhiên, ông Thanh yêu cầu ông Thành trả lãi theo lãi suất thỏa thuận 1,5%/tháng là trái quy định tại điều 476 Bộ Luật Dân sự 2005 nên không được công nhận. Bản án sơ thẩm xác định số tiền lãi của 6 tỷ đồng là 2,85 tỷ đồng là đúng quy định.
Đối với số tiền nguyên đơn bà Võ Thị Thơm khởi kiện yêu cầu ông Thành phải trả số tiền 1,980 tỷ đồng, HĐXX thấy rằng, mặc dù giấy ghi nhận nợ đứng tên bà Thơm, (giữa bà Thơm và ông Trần Quốc Tài (tên khác là Ích) không có quan hệ vợ chồng) nhưng đủ căn cứ khẳng định ông Thành đã vay của ông Tài và bà Thơm số tiền 1,980 tỷ đồng và trả được số tiền 1, 2 tỷ đồng và đã nhận lại 6 GCNQSDĐ của DNTN Cang Trường.
Đối với yêu cầu phản tố của bị đơn và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đề nghị hủy các hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, HĐXX cho rằng: Ngày 05/01/2016, ông Vương Tấn Thành đại diện cho DNTN Cang Trường ký hợp đồng chuyển nhượng 10 GCNQSDĐ cho ông Thanh với giá 2 tỷ đồng. Ông Thanh không chứng minh được đã thanh toán số tiền 2 tỷ đồng từ việc chuyển nhượng 10 lô đất nêu trên để khẳng định mình đã mua. HĐXX nhận thấy hợp đồng chuyển nhượng thể hiện thanh toán đủ tiền nhưng các bên không có tài liệu chứng minh việc thanh toán này. Mặt khác sau khi ký hợp đồng chuyển nhượng, 10 GCNQSDĐ đều do ông Ích, bà Thơm quản lý. Sau khi ông Thành trả tiền thì hai người trả lại 1 GCNQSDĐ (tương ứng với 200 triệu đồng). Hiện nay, ông Thành đã nhận được 6/10 GCNQSDĐ theo hợp đồng vay tiền ngày 05/01/2016.
Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện nguyên đơn cho rằng việc trả GCNQSDĐ là do các bên thỏa thuận. Lời trình bày của nguyên đơn là mâu thuẫn với sự thật khách quan cũng như lời thừa nhận của ông Tài, bà Thơm. “Từ những căn cứ trên, HĐXX xét thấy, đủ căn cứ xác định hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ngày 05/01/2016 giữa ông Thành và ông Thanh là giao dịch giả tạo nhằm che giấu một giao dịch khác để bảo đảm khoản vay 6 tỷ. Tòa cấp sơ thẩm tuyên bố hợp đồng trên vô hiệu là có căn cứ”- Bản án phúc thẩm nêu rõ.
Bên cạnh đó, đối với yêu cầu phản tố của ông Thành và 4 hộ dân đề nghị hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa 4 hộ dân tại dự án Khu dân cư xã Mỹ Khánh với ông Phan Ngọc Thanh. HĐXX cho rằng, đủ căn cứ chứng minh, liên danh Công ty TNHH Xây dựng Tấn Vương và DNTN Cang Trường (do ông Thành làm đại diện) là người giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất với 4 hộ dân. Các hộ dân đều có lời khai nhận tiền từ ông Thành, không biết ông Thanh là ai. Ông Thanh cho rằng mình chuyển nhượng hợp pháp từ các hộ dân nhưng không chứng minh được. Do vậy, hợp đồng chuyển nhượng này giữa ông Thanh và 4 hộ dân là vô hiệu.
“HĐXX xét thấy kháng cáo của ông Thanh, bà Thơm là không có căn cứ, không được chấp nhận. Đề nghị bác toàn bộ kháng cáo của VKSND cấp cao tại TP.HCM là có căn cứ, được chấp nhận. Do kháng cáo không được chấp nhận nên ông Thanh, bà Thơm phải chịu án phí phúc thẩm.”- bản án phúc thẩm nêu rõ.
Liên quan tới sự việc này, trước đó, Báo Công lý đã có đăng tải một số bài viết phản ánh cán bộ của Văn phòng ĐKĐĐ chi nhánh Long Xuyên (thuộc Sở TN&MT An Giang) đã có hành vi làm giả hồ sơ để chuyển quyền sử dụng đất nằm trong dự án của 4 hộ dân nêu trên cho ông Phan Ngọc Thanh. Về sự việc này, ngày 26/4/2019, UBND TP Long Xuyên cũng có văn bản số 1686/UBND –NC gửi Báo Công lý, trong đó cho biết, căn cứ biên bản báo cáo của UBND xã Mỹ Khánh, UBND TP Long Xuyên thì việc ký khống vào Biên bản xác định ranh giới, mốc giới do Văn phòng ĐKĐĐ chi nhánh Long Xuyên lập mà không đo thực địa theo báo chí phản ánh là đúng sự thật.
Đồng thời, tại bản án sơ thẩm, TAND tỉnh An Giang cũng khẳng định Văn phòng ĐKĐĐ chi nhánh Long Xuyên xác nhận thay đổi thông tin biến động cho ông Phan Ngọc Thanh mà không báo cáo xin ý kiến UBND TP Long Xuyên, UBND tỉnh An Giang là chưa làm hết trách nhiệm. Căn cứ theo quy định của Luật Đất đai 2013 là không đúng về trình tự thủ tục và quản lý đất đai, chủ trương của Đảng, Nhà nước đối với chính sách đầu tư.
Sau khi báo chí phản ánh, đối với sự việc này, ngày 26/4/2019, UBND tỉnh An Giang có văn bản số 350/UBND-NC gửi Báo Công lý khẳng định: Quan điểm của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh An Giang là không bao che sai phạm của cán bộ, đảng viên. Việc kết luận liên quan đến Văn phòng ĐKĐĐ chi nhánh Long Xuyên cùng với các cá nhân có liên quan khác có sai phạm hay không phải được xem xét khách quan, toàn diện theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, không chủ quan, định kiến một chiều.
Mong rằng, sau khi bản án phúc thẩm của TAND cấp cao tại TP.HCM đã có hiệu lực, các cơ quan chức năng tỉnh An Giang sẽ có “động thái” xử lý quyết liệt với những sai phạm, không để tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh” tiếp tục tái diễn, ảnh hưởng tới môi trường đầu tư của tỉnh.