Tranh chấp tại dự án Khu dân cư xã Mỹ Khánh: Viện Kiểm sát đề nghị bác toàn bộ kháng cáo của nguyên đơn

Thái Bình| 23/11/2020 22:30
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 23/11, TAND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh đã đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án tranh chấp hợp đồng vay tiền, quyền sử dụng đất giữa ông Phan Ngọc Thanh và ông Vương Tấn Thành liên quan tới dự án Khu dân cư xã Mỹ Khánh, Long Xuyên, tỉnh An Giang.

Trước đó, liên quan tới vụ việc này, Báo Công lý đã đăng tải một số bài viết. Nội dung phản ánh, trong quá trình thực hiện dự án Khu dân cư trung tâm xã Mỹ Khánh, Long Xuyên, An Giang để hoàn thiện tiêu chí nông thôn mới, ông Vương Tấn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Tấn Vương có vay 6 tỷ (thực chất là 5 tỷ, ghi giấy thành 6 tỷ) của ông Phan Ngọc Thanh, làm tại một ngân hàng chi nhánh Long Xuyên.

Khi vay tiền ông Thanh đặt điều kiện phải bảo đảm thế chấp bằng việc làm hợp đồng chuyển nhượng 5 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) của 4 hộ dân, 10 GCNQSDĐ của DNTN Cang Trường và sẽ trả lại đất và tiền theo giao ước. Thế nhưng sau đó, ông Thanh một mặt tách riêng hợp đồng vay tiền để kiện ra Tòa đòi trả 6 tỷ và làm thủ tục chuyển nhượng các GCNQSDĐ của 4 hộ Bìa, Kiều, Tú, Vạt yêu cầu bồi thường mới trả lại giấy.

Ngày 30/7/2019, căn cứ các tài liệu của vụ án, bản án sơ thẩm của TAND tỉnh An Giang khẳng định chấp nhận một phần khởi kiện của ông Thanh buộc ông Thành phải trả 6 tỷ đồng và tính lãi suất theo pháp luật. Đối với các hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất, HĐXX sơ thẩm xác định có đủ căn cứ xác định hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất được công chứng vào ngày 05/01/2016 giữa bên nhận chuyển nhượng là ông Phan Ngọc Thanh và bên chuyển nhượng là DNTN Cang Trường, ủy quyền cho ông Vương Tấn Thành ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất là giao dịch giả tạo nhằm che giấu một giao dịch dân sự khác, để bảo đảm số tiền vay 6 tỷ đồng được ký kết cùng ngày 05/01/2016. Đồng thời, HĐXX cũng xác định hợp đồng chuyển nhượng giữa ông Thanh và 4 hộ dân có đất nằm trong dự án Khu dân cư xã Mỹ Khánh là giao dịch giả tạo. Chính vì vậy, HĐXX sơ thẩm tuyên bố các hợp đồng vô hiệu toàn bộ.

z2192936093937_98123552f015d576c390a62f21a62c02(1).jpg
Dự án Khu dân cư xã Mỹ Khánh, Long Xuyên, An Giang

HĐXX sơ thẩm còn nhận định, do đây là hợp đồng giả tạo nhằm che giấu một giao dịch dân sự khác, tức giao dịch này nhằm bảo đảm số tiền vay 6 tỷ đồng, thực chất không có nhận tiền từ hợp đồng này, cũng chưa giao nhận đất và chưa làm thủ tục sang tên theo Luật Đất đai năm 2013. Vì vậy, bản án không đặt ra vấn đề giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu.

Tại phiên tòa phúc thẩm, trả lời HĐXX, đại diện nguyên đơn của ông Phan Ngọc Thanh trình bày nội dung và quan điểm kháng cáo đối với phần tính lãi suất tiền nợ và lãi đối với số tiền 6 tỷ đồng. Nguyên đơn yêu cầu bị đơn là ông Vương Tấn Thành phải trả cả lãi và gốc là hơn 11 tỷ đồng và khoản tiền vay nợ giữa bà Võ Thị Thơm (cùng là nguyên đơn trong vụ án) với ông Thành là hơn 2,8 tỷ đồng. Đồng thời, người bào chữa của nguyên đơn còn cho rằng, các hợp đồng chuyển nhượng đất giữa ông Thanh và 4 hộ dân đều đúng quy định của pháp luật do đã được công chứng, các bên tự nguyện ký kết.

Đối đáp lại phần tranh luận của nguyên đơn, bị đơn là ông Vương Tấn Thành và đại diện theo ủy quyền của 4 hộ dân đều khẳng định, tất cả các hộ dân đều chuyển nhượng đất cho ông Thành, không phải cho ông Thanh. Tại cơ quan điều tra, 4 hộ dân còn khẳng định không biết ông Thanh là ai. Thời điểm xảy ra tranh chấp, bản thân ông Thanh còn không biết đất mình ở đâu. Đồng thời, căn cứ vào biên bản làm việc ngày 28/11/2016, tại UBND xã Mỹ Khánh giữa ông Thành và ông Nguyễn Văn Minh (đại diện ủy quyền của ông Thanh) có nội dung về việc vay tiền để chuyển nhượng quyền sử dụng đất có liên quan đến các hộ dân nằm trong dự án. Các bên đã thống nhất trả 8 tỷ đồng, nếu không thanh toán sẽ cho người rào lại đất. “Nếu là đất của ông Thanh mua thì sao lại có thỏa thuận trả tiền, nếu không trả thì lại rào lại...?”- phía bị đơn trình bày quan điểm.

z2192936105228_6b328399cb5200102962a66a408a1bc5.jpg
Đại diện nguyên đơn và bị đơn của vụ án tại phiên tòa sơ thẩm

Bên cạnh đó, phía bị đơn còn khẳng định kết hợp với lời khai của người dân tố cáo ông Thanh tại cơ quan điều tra thì đủ cơ sở xác định hợp đồng tại văn phòng công chứng giữa ông Thanh và các hộ dân là hoàn toàn giả cách. Từ những căn cứ này, phía bị đơn mong rằng HĐXX xem xét giữ nguyên bản án sơ thẩm, bác toàn bộ kháng cáo của phía nguyên đơn.

Trong khi đó, phát biểu quan điểm tại phiên tòa, đại diện VKSND cấp cao tại TP.HCM cho rằng bản án cấp sơ thẩm đã chấp nhận tiền nợ và lãi suất theo quy định là có căn cứ. Đối với yêu cầu hủy tất cả các hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất của bị đơn, xét thấy lời khai của bị đơn là có cơ sở, phù hợp với các tình tiết khách quan của vụ án. Từ những căn cứ này, có đủ cơ sở để xác định hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất do ông Thanh và DNTN Cang Trường là giao dịch vô hiệu, giả tạo nhằm che giấu hợp đồng vay tài sản. TAND tỉnh An Giang chấp nhận yêu cầu của bị đơn tuyên các hợp đồng vô hiệu là có căn cứ. Đối với yêu cầu độc lập của DNTN Cang Trường yêu cầu ông Thanh phải trả lại 4 GCNQSDĐ, đại diện VKSND cấp cao tại TP.HCM xét thấy do hợp đồng giữa các bên vô hiệu toàn bộ nên ông Thanh phải có trách nhiệm trả. Với các căn cứ này, VKSND Cấp cao tại TP.HCM đề nghị HĐXX cấp phúc thẩm bác toàn bộ kháng cáo của phía nguyên đơn và giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm.

Sau thời gian nghị án, HĐXX quyết định sẽ tuyên án vào ngày 26/11/2020.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tranh chấp tại dự án Khu dân cư xã Mỹ Khánh: Viện Kiểm sát đề nghị bác toàn bộ kháng cáo của nguyên đơn