Trong khi Tổ chức Động vật châu Á kêu gọi cộng đồng ủng hộ nhằm chấm dứt Lễ hội chém lợn tàn bạo tại thôn Ném Thượng, thì người dân nơi đây muốn giữ lại phong tục này, thậm chí nhiều người tỏ ra gay gắt cho rằng “không chém lợn coi như làng mất lễ hội".
Chém lợn đã chuyển thành… chọc tiết lợn?
Trước sự kiện ngày 27/1, Tổ chức Động vật Châu Á phát động chiến dịch cùng ký tên kêu gọi các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh và Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị chấm dứt lễ hội chém lợn tại thôn Ném Thượng, Tiên Du, ông Nguyễn Tử Quỳnh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh đã trả lời báo chí rằng, hình thức chém lợn đã được tỉnh đã chỉ đạo, chuyển đổi sang hình thức khác phù hợp hơn từ cách đây 2 năm. Thay vì chém lợn như trước, đã chuyển sang hình thức dân gian thường gọi là chọc tiết lợn, nhưng làm một lán quây kín bên trong, sau đó chia thịt ra bên ngoài
Tuy nhiên trao đổi với PV, bà Phan Thị Thùy Trinh, đại diện truyền thông của Tổ chức động vật Châu Á tại Việt Nam cho biết, thực tế trong năm 2014 vẫn diễn ra phần lễ chém lợn tại lễ hội được tổ chức ở đình làng Ném Thượng (Bắc Ninh). Bà Trinh cũng một lần nữa khẳng định “Những hình ảnh, video về lễ hội chém lợn do Tổ chức động vật Châu Á cung cấp thuộc bản quyền của tổ chức này và do chính nhân viên của Tổ chức thực hiện vào ngày 5/2/2014” (Những hình ảnh do tổ chức cung cấp cho báo chí vào ngày 27/1 – PV)
Hai năm gần đây, dân làng đã thay chém lợn bằng việc cắt cổ lợn
Cụ thể hơn, bà Trinh mô tả, phần lễ chém lợn vẫn được tổ chức tại khu vực trung tâm đình làng Ném Thượng, tuy nhiên, các con lợn thay vì bị chém thì chuyển sang cứa cho đứt lìa đầu bằng đao. Và người dân vẫn có thể thấm tiền vào máu lợn, trước sự chứng kiến của hàng nghìn người và trẻ em.
Qua đó, bà Trinh nhấn mạnh: "Đây là danh dự của tổ chức chúng tôi khi đưa ra kiến nghị này. Có còn hiện tượng đó thì chúng tôi mới mong chấm dứt".
Dân Ném Thượng muốn giữ tục chém lợn
Được biết, Lễ hội chém lợn gắn liền với truyền thuyết vị tướng nhà Lý tên Đoàn Thượng khi đánh trận đã trốn trên núi Nghè, chém lợn rừng nuôi quân rồi phá vòng vây thoát ra. Những đời vua Trần sau này vẫn tôn vinh, ghi nhận công lao của Đoàn Thượng khi bao lần phò vua Lý chống giặc ngoại xâm. Để tưởng nhớ người có công khai khẩn vùng đất này, nhân dân lập đền thờ Lý thành hoàng và hàng năm tổ chức lễ hội chém lợn, nhắc nhau về truyền thống xưa.
Hẳn qua những hình ảnh và sự phân tích trên các phương tiện truyền thông những ngày gần đây về lễ hội này, nhiều người sẽ nghĩ rằng, người Ném Thượng sẽ suy ngẫm nhiều hơn về tục chém lợn, ít nhiều có sự chuyển dịch trong tư tưởng và hành động, nhưng những gì VnExpress tìm hiểu tại làng Ném Thượng khiến dư luận một lần nữa "nổi sóng".
Theo tờ báo này phản ánh, ông Trần Văn Hân (67 tuổi) cho biết, nhà nào được dân làng chọn cho chăm nuôi "cụ ỉn" đều tự hào lắm. Ngày lễ hội (mồng 5 và mồng 6 tháng Giêng âm lịch hàng năm), gia chủ mặc áo dài, trang phục đỏ, chuẩn bị xôi, cỗ làm lễ rước "cụ ỉn" ra đình. Làng Thượng những ngày lễ hội bừng sáng bởi cờ, lộng, trống rước. "Cụ ỉn" sau khi được rước quanh làng sẽ về giữa sân đình và được khai đao chém tế thánh. Dân làng, khách thập phương hàng nghìn người đứng kín quanh khu vực đình háo hức xem nghi lễ này.
Người lớn, trẻ em vẫn quệt máu lên tiền cầu may
Trước việc Sở Văn hoá Bắc Ninh không cho tổ chức tục lệ này ở sân đình. Thay vì chém "cụ ỉn", nay người làng Thượng chỉ khai đao trước sân đình, rồi lui vào hậu cung 5 - 7 người sẽ chọc tiết, mổ thịt lấy khoanh cổ "cụ ỉn" tế thánh, ông Hân cho biết: "Các cụ làng tôi bức xúc lắm khi bị yêu cầu thay đổi nét truyền thống của lễ hội. Mong muốn của chúng tôi là được giữ gìn phong tục của cha ông. Đây là dịp để con cháu khắp nơi tụ về, cùng nhau nhắc lại chuyện xưa, để giáo dục truyền thống anh dũng, bất khuất, tinh thần đoàn kết chống giặc của đội quân Lý thành hoàng. Tục nuôi lợn tế Thánh còn khuyến khích người dân đua nhau chăn nuôi để mỗi năm có những 'ông ỉn' tốt", ông Hân nói.
Từng nhiều năm là Phó Ban tổ chức lễ hội chém lợn, chỉ huy khai đao, ông Nguyễn Đình Lợi (61 tuổi), chém lợn là phong tục truyền thống gợi về cái đẹp, khí thế hào hùng của Lý thành hoàng xưa nên người dân làng Thượng ai cũng muốn giữ. Cá nhân ông thấy hình ảnh "máu chảy, đầu rơi" diễn ra vào đầu năm chưa hợp lý, nhất là khi tổ chức trước sự chứng kiến của nhiều người, cả trẻ nhỏ. Ông Lợi ủng hộ việc thay đổi chém lợn ở hậu cung, tuy nhiên, lễ hội nhất định phải giữ lại.
"Đề xuất của Tổ chức động vật châu Á về chấm dứt lễ hội chém lợn, tôi không đồng ý. Chúng ta thay đổi những gì chưa phù hợp với xã hội hiện đại nhưng vẫn phải giữ được nét truyền thống, bản sắc của dân tộc, vùng miền", ông Lợi nói.
Ông Nguyễn Đăng Quy, 86 tuổi thì giận dữ: “Chém lợn là lễ hội của làng chúng tôi từ hàng trăm năm nay. Diễn lại tích để tưởng nhớ vị tướng quân chém lợn rừng nuôi quân. Tại sao lại gọi việc đó là dã man?”, đồng thời cho rằng, cắt cổ hay chọc tiết lợn ở chỗ kín đáo thì không còn giữ được tính nguyên bản nghi lễ.
Còn Nguyễn Văn Cường (24 tuổi) đại diện cho lớp người trẻ khi nói về tục chém lợn thì “không có vấn đề gì". Cường cho rằng, so với một số lễ hội khác như chọi trâu (Hải Phòng), đâm trâu (Tây Nguyên) và đặc biệt những gì mình và bạn bè có thể tìm thấy trên Internet, hình ảnh chém lợn trong lễ hội của làng "không thấm tháp gì".
"Truyền thống" - dung hòa hay loại bỏ?
Với những ý kiến trái chiều xung quanh Lễ hội chém lợn tại làng Ném Thượng, T.S Bùi Trọng Hiển – Viện văn hóa nghệ thuật Việt Nam trao đổi trên báo chí, thực tế trong thời gian qua, chúng ta tiến hành phục hồi các nét văn hóa truyền thống dân tộc và trong số đó có những thứ khó phù hợp với số đông thời đại ngày nay. Lễ hội chém lợn này cũng vậy. Tuy nhiên, đây là lễ hội của nhân dân nên theo T.S Hiền việc nói cấm hẳn cũng khó. Vì vậy, cần có sự thông cảm giữa cả hai bên.
"Máu chảy, đầu rơi" dịp năm mới nhằm "ôn lại truyền thống cha ông" dung hòa hay loại bỏ?
"Người dân nơi đây cũng cần phải thông cảm cho cái nhìn bên ngoài. Bởi thực tế, hành động chém bay con lợn, sau đó dùng tiền bôi máu vào thể hiện tín ngưỡng vụ lợi, tranh giành, hiến sinh... có từ thời nguyên thủy. Rõ ràng đây là hành động phản cảm, tạo sự ghê rợn. Nhất là nếu trẻ con mà nhìn thấy thì tác động sẽ rất xấu, dễ gây ảnh hưởng không tốt. Ở nhiều nước phát triển, người ta còn phải dùng điện để làm các con vật chết đi nhanh chóng và không bị đau đớn. Do vậy, theo tôi, chúng ta nên giấu dần đi" - TS Hiền bày tỏ.
Với ý kiến này, “sự thông cảm giữa cả hai bên” cũng thật không dễ hình dung. Với những gì bài viết này nêu ở trên khẳng định một điều, người dân Ném Thượng vẫn muốn duy trì tục chém lợn của làng, không những thế họ tự hào, nuối tiếc, thậm chí cả nổi giận trước dư luận khi chỉ trích về sự tàn bạo của tục lệ đó. Điều này không khỏi khiến chúng ta phải suy ngẫm, trong khi nhiều nước trên thế giới, cả những quốc gia hay vùng lãnh thổ được cho là có những hủ tục lạc hậu nhất cũng đang dần thay đổi, có sự nhận thức và chuyển dịch tích cực trong tư duy hành động. Thì tại Việt Nam ta, một đất nước vốn nổi tiếng với sự thân thiện, yêu hòa bình. Người Việt từ xưa tới nay luôn có truyền thống vị tha, nhân đạo lại tồn tại những thôn, làng muốn “cầu may”, “ôn lại truyền thống” bằng sự chém giết “máu chảy, đầu rơi” vào dịp năm mới để “hiến tế” chờ “Thánh linh” như vậy.
Liệu rằng, đây có nên được cho là một tục lệ truyền thống "mang bản sắc bản sắc của dân tộc, vùng miền" như người dân Ném Thượng tư duy hay không?; đồng thời, trước sự man rợ của tục lệ này có cần được dung hòa hay cần loại bỏ ngay khỏi một xã hội văn minh tiến bộ, đặc biệt khi chúng ta đang hội nhập ngày càng sâu rộng với sự phát triển của thế giới?
Chỉ biết rằng, khi thực hiện bài viết này, tác giả đã nhận được vô số sự đồng thuận và tâm đắc với ý kiến của ông Phan Ðình Tân - Chánh văn phòng, người phát ngôn Bộ VH-TT&DL, Bộ VH-TT&DL không ủng hộ những hành vi có tính chất bạo lực, man rợ tại các lễ hội như lễ hội chém lợn ở Bắc Ninh. Sống trong thế giới văn minh này, chúng ta nên cổ vũ những hoạt động văn minh, văn hóa, còn những hoạt động không văn minh, mang tính chất bạo lực, man rợ thì chúng ta phải hạn chế.