Trắng tay vì chủ hụi ôm gần chục tỷ đồng rồi “mất tích”

Quốc Huy| 01/08/2021 20:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hàng chục hộ dân tại tiểu khu 7, 8, 9 thị trấn Thiệu Hóa (Thanh Hóa) mất ăn, mất ngủ vì chủ hụi Phạm Văn Sơn bỗng "mất tích" khỏi địa phương hơn 1 tháng nay cùng số tiền gần chục tỷ đồng.

Lao đao vì chủ hụi bỗng dung “mất tích”.

Hàng chục người dân tiểu khu 7,8,9, thị trấn Thiệu Hóa (huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa) và xã Đông Thanh (Đông Sơn, Thanh Hóa) vừa có đơn trình báo cơ quan công an về việc ông Phạm Văn Sơn (CCCD mang tên Phạm Đăng Sơn, SN 1972, trú tại tiểu khu 8, thị trấn Thiệu Hóa) có hành vi “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” thông qua hình thức chơi hụi. Ngoài ra, nhiều người dân còn tin tưởng, gửi hàng trăm triệu đồng cho ông Sơn để lấy lãi hằng tháng. Uớc tính số tiền nghi bị chiếm đoạt lên tới gần chục tỷ đồng.

Bà Lê Thị Sử (63 tuổi, trú tại tiểu khu 8, thị trấn Thiệu Hóa) chia sẻ: “Chúng tôi thấy vợ chồng ông Sơn có điều kiện kinh tế khá giả nên tin tưởng, gom tiền gửi, mong kiếm chút lãi hằng tháng. Ai ngờ lãi chưa thấy được bao nhiêu thì ông Sơn đã đi khỏi địa phương. Bao nhiêu tiền tích cóp từ buôn mớ rau, bán con cá ngoài chợ nay không cánh mà bay”, bà Sử nói và cho biết, số tiền bà gửi cho ông Sơn để lấy lãi là 240 triệu đồng”.

1(5).jpg
Nạn nhân trong vụ vỡ hụi này đa phần là người già

Chị Nguyễn Thị Hà (trú tại tiểu khu 7) cũng vì nghe lời nịnh nọt "đường mật" của ông Sơn mà lâm vào cảnh "tiền mất tật mang": “Ông Sơn nói với các hộ dân rằng, các bác có tiền thì gửi cho tôi. Tôi đảm bảo gửi cho tôi còn chắc hơn gửi tiền cho ngân hàng. Tôi cam kết trả lãi cao hơn ngân hàng lấy tiền mà tiêu. Chúng tôi tin tưởng nên gửi tiền cho ông ấy không mảy may nghi ngờ. Giờ mọi việc vỡ lở, không biết khi nào mới đòi lại được số tiền 250 triệu đồng đã gửi cho ông Sơn".

Bà Nguyễn Thị Thúy (Đông Thanh, Đông Sơn) chia sẻ, cách đây không lâu, vì tin tưởng ông Sơn, bà đã dùng toàn bộ số tiền tích lũy được để tham gia hội thăm, với hy vọng dành dụm ít tiền, trang trải học phí cho con gái. Nào ngờ… .

“Vì tin tưởng ông Sơn, tôi đã chơi 5 suất hội thăm, mỗi xuất đóng 5 triệu đồng/tháng. Tôi đóng đến lần thứ 9 với số tiền lên tới 225 triệu đồng. Vì cần tiền cho con gái đóng học, nên cuối tháng 5/2021 tôi gọi điện báo cho ông Sơn để xin rút tiền hội, nhưng ông Sơn chỉ trả 90 triệu đồng và hẹn 1 tháng sau sẽ trả nốt. Đến hẹn, tôi gọi vào số máy của ông Sơn để xin thanh toán số tiền nói trên, nhưng không liên lạc được”, chị Thúy cho hay.

Nghi ngờ ông Sơn cầm số tiền trên bỏ trốn, chị Thúy cùng nhiều người dân tại tiểu khu 7,8,9 đã kéo đến nhà ông Sơn để “ba mặt một lời”, thì nhận được tin ông Sơn đã đi khỏi địa phương trước đó nhiều ngày. Không riêng gì chị Thúy mà hàng chục người dân khác tại xã Đông Thanh và tại thị trấn Thiệu Hóa cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.

Không chỉ “bùng” hụi, theo phản ánh của người dân, ông Phạm Văn Sơn còn tìm cách huy động tiền của người dân và trả lãi hằng tháng cho họ. Hầu hết người dân tại tiểu khu 7,8,9 thị trấn Thiệu Hóa và người dân xã Đông Thanh đều có trong tay tờ "giấy gửi tiền" giữa bên gửi (người dân) và bên nhận gửi (ông Sơn). Đến tháng, họ đem giấy này đến nhà ông Sơn để lấy lãi như cam kết. Khi biết tin ông Sơn đã đi khỏi địa phương, nhiều cụ già lụ khụ, chống gậy tìm đến nhà vợ Sơn để đòi số tiền tiết kiệm đã gửi cho Sơn nhưng bất thành.

Những người được cho là "nạn nhân" của vụ "vỡ hụi", cho vay lấy lãi đa phần là nông dân quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời và người già hết tuổi lao động. Khoản tiền mà họ tích góp được từ việc buôn thúng bán, bán mẹt, làm nông nghiệp, đều đem gom góp gửi cho ông Sơn để lấy lãi.

Cụ Trần Hợp Chức (81 tuổi, trú tại tiểu khu 8, thị trấn Thiệu Hóa) cũng lâm vào tình cảnh khốn khổ khi nghe tin ông Sơn bỗng dưng dời khỏi địa phương. Khuôn mặt cụ rầu rĩ như nhà có đám, bởi đã trót mang khoản tiền nhang khói, công đức của con cháu trong họ cúng tín, đem gửi cho ông Sơn để lấy lãi hằng tháng. Ai ngờ, lời lãi chưa thấy đâu thì mọi thứ đổ bể.

Tương tự, hoàn cảnh của chị Lê Thị Thủy (tiểu khu 8) cũng không kém phần bi đát. Vì tin lời ông Sơn, bà Thủy đã dùng số tiền 100 triệu đồng mà con gái đã dành dụm, gửi về chữa bệnh cho bố, đem gửi cho ông Sơn để hằng tháng lấy tiền lãi, mua thuốc cho chồng. Nhưng bà Thủy vừa gửi tiền cho ông Sơnc hưa lâu thì nghe tin ông Sơn bỏ đi khỏi địa phương.

“Khi đến nhà họ vợ ông Sơn thách thức rằng, các ông bà mang tiền đến nhà tôi gửi chứ tôi không đến nhà ông bà vay đâu”, bà Thủy bức xúc nói.

Thống kê sơ bộ ban đầu của người dân cho thấy, có khoảng hơn 50 cá nhân chủ yếu tập trung ở tiểu khu 7,8,9 (huyện Thiệu Hóa) và xã Đông Thanh (Đông Sơn) đã gửi tiền cho ông Sơn dưới danh nghĩa “giấy gửi tiền” để lấy lãi. Số còn lại tham gia chơi hụi.

Tổng cả số tiền gửi và chơi hụi mà ông Sơn đứng "cái" lên tới gần 10 tỷ đồng. Người gửi nhiều nhất khoảng gần 1 tỷ đồng, ít nhất cũng vài chục triệu đồng. Hiện cơ quan Công an đã vào cuộc, điều tra làm rõ nội dung đơn tố giác của công dân.

Nhiều rủi ro từ chơi hụi, họ.

Bình luận về sự việc này, Luật sư Trần Đức Phượng, đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh cho rằng, hụi, họ hay phường là những hình thức huy động vốn khá phổ biến trong trong đời sống của người Việt, đặc biệt là ở khu vực nông thôn. Về bản chất, hình thức này giúp các thành viên cùng tham gia góp vốn có được một khoản tiền lớn để phát triển kinh tế mà không phải chịu lãi suất cao.

Song hình thức này hiện nay đã bị biến tướng, khi các chủ hụi lợi dụng lòng tin của người dân để huy động vốn nhằm chiếm đoạt tài sản. Những vụ vỡ hụi, họ xảy ra trên địa bàn cả nước trong thời gian qua thêm một lời cảnh báo cho người dân về sự cả tin trong hoạt động tài chính có tính "truyền thống" này.

"Các hình thức hụi họ trong nhân dân có tính chất tương trợ lẫn nhau, theo đó một nhóm người tập hợp nhau lại cùng định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp và lĩnh, được quy định trong Bộ Luật dân sự 2015 và Nghị định 19/2019/NĐ-CP (trước đây là Nghị định số 144/2006/NĐ-CP).

2(2).jpg
Bao nhiêu tiền tích cóp của bà Sử đang “bặt vô âm tín” cùng chủ hụi

Tuy nhiên, trên thực tế, không ít chủ hụi có mục đích, ý định riêng khi lập hụi để gom nhiều khoản tiền của người khác và sử dụng cho mục đích riêng đó, dẫn đến vỡ hụi (không có tiền trả cho người góp) hoặc bỏ trốn khỏi địa phương. Nhiều vụ việc vỡ hụi mà chủ hụi bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (tạo ra các thành viên góp giả, không có việc chơi hụi,…) hoặc tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” (tạo ra hụi chơi nhưng sau đó chiếm đoạt luôn các phần của người góp).

Do vậy, chơi hụi họ chỉ phù hợp với những quan hệ thân quen biết nhau, thông tin phải rõ ràng ngay từ đầu về các thành viên, thông tin giữa các thành viên,….để tránh gặp phải những trường hợp đáng tiếc trên", vị Luật sư cho hay.

Cũng theo Luật sư Phượng: "Với việc người vay tiền của các tổ chức, cá nhân dưới hình thức này hay hình thức khác, mà có hoạt động trả lãi, sẽ đưa người cho vay/người gửi vào tình thế rủi ro. Riêng chủ hụi, nếu có hoạt động vay tiền, rồi dùng cho các mục đích khác (cho vay lại, đi đầu tư,…) thì người cho vay càng đối mặt với nhiều rủi ro vì hoạt động của họ mang hình thức huy động vốn hơn là việc chơi hụi, họ đơn thuần.

Thượng tá Lê Viết Thuận – Trưởng Công an huyện Thiệu Hóa cho biết, Công an huyện đã nhận thông tin được nửa tháng nay, hiện hồ sơ về vụ việc này cũng đã được xác minh cơ bản, đang làm thủ tục để chuyển Công an tỉnh theo thẩm quyền.

Ông Thuận cũng chia sẻ thêm, qua công tác nắm tỉnh hình hiện đối tượng Sơn đã bỏ trốn khỏi địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trắng tay vì chủ hụi ôm gần chục tỷ đồng rồi “mất tích”