Địa bàn Khu kinh tế Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa đang là điểm “nóng” của dịch Covid-19. Riêng huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, tính đến ngày 21-7, đã có 520 ca nhiễm Covid-19 (toàn tỉnh là 713 ca dương tính). Chính quyền địa phương đang triển khai mọi biện pháp để ngăn dịch bệnh lây lan vào các khu công nghiệp và nhà máy sản xuất tại vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh Khánh Hòa.
Bảo vệ khu “đầu mối” xăng dầu
“Tại kho ngoại quan xăng dầu Vân Phong, chúng tôi đã áp dụng “3 tại chỗ”: Làm việc tại chỗ, ăn tại chỗ và nghỉ ngơi tại chỗ. 2 ca trực tại kho 14 ngày, 1 ca trực tại nhà dự bị để sẵn sàng thay thế cho ca đã làm việc tại kho, khi thay ca phải xét nghiệm âm tính. Riêng các xe chở xăng dầu khu vực Tây Nguyên xuống nhận hàng phải thực hiện “1 cung đường - 2 điểm giao” (chỉ chạy 1 đường duy nhất vào kho và điểm giao - nhận).
Đối với tàu vận tải trong và ngoài nước, khi cập cảng bơm xăng dầu, các lực lượng làm nhiệm vụ trên tàu và ở cảng như: Biên phòng, Hải quan, Y tế,... phải mang quần áo bảo hộ y tế, giữ khoảng cách 2 mét khi làm việc” - Ông Nguyễn Trần Trung, Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Liên doanh Kho ngoại quan xăng dầu Vân Phong (Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam) chia sẻ thông tin.
Kho ngoại quan xăng dầu Vân Phong, xã Ninh Phước, thị xã Ninh Hòa là kho chứa lớn nhất Việt Nam, chuyên cho các hãng xăng dầu nước ngoài thuê làm kho chứa, thường xuyên đón tàu chở dầu cỡ lớn cập cảng. Kho chứa này giống như điểm “trung chuyển” xăng dầu, phân phối về các tỉnh, thành phố trong cả nước bằng đường biển.
Phía đường bộ, xe ôtô một số tỉnh Tây Nguyên đến nhận xăng dầu ở kho Vân Phong. Có thể nói, “đầu mối” xăng dần Vân Phong rất quan trọng về an ninh năng lượng quốc gia. Công tác phòng chống dịch Covid-19 tại kho ngoại quan xăng dầu Vân Phong nói riêng và cả Khu kinh tế Vân Phong cực kỳ quan trọng.
Nhà máy đóng tàu biển Hyundai Việt Nam nằm sát với Kho ngoại quan xăng dầu Vân Phong, tổng số người lao động lên đến 4.000 người, công ty đã chủ động cho công nhân nghỉ phép trước thời gian (phép hằng năm thường nghỉ vào tháng 8, tháng 9). Nhà máy nhiệt điện Vân Phong 1 có tổng vốn đầu tư 2,4 tỷ USD, hiện đang có 3.200 công nhân làm việc trên công trường, dự kiến, nhà máy đưa vào vận hành năm 2023.
Nhằm đảm bảo an toàn phòng dịch cho công trường, nhà máy nhiệt điện, ngành y tế Khánh Hòa đã lấy mẫu xét nghiệm cho 100% lao động; tất cả kỹ sư, công nhân, nhà thầu phụ,... phải thực hiện nghiêm ngặt công tác phòng dịch. Toàn bộ lao động phải đi bằng xe đưa đón của công ty để kiểm soát không có người nào “đi ngang về tắt” qua các ổ dịch.
Dự kiến, tháng 8-2021, Nhà máy nhiệt điện Vân Phong 1 sẽ có 6.000 người làm việc trên công trường, tạo nên áp lực rất lớn cho công tác phòng chống dịch Covid-19. Nếu như không có biện pháp mạnh mẽ, dứt khoát, ngay lập tức ở công trường xây dựng, sẽ dẫn đến nguy cơ dịch Covid-19 “tấn công” vào bất cứ lúc nào.
Bài học phòng dịch tại Bắc Giang, Bắc Ninh còn nguyên giá trị để tỉnh Khánh Hòa và doanh nghiệp đúc rút kinh nghiệm từ thực tiễn, áp dụng vào phòng chống dịch tại các nhà máy, cảng, khu công nghiệp ven biển. Đáng lưu ý là đại bộ phận công nhân lao động phổ thông tại các nhà máy lớn ở Nam Vân Phong được tuyển dụng trong thị xã Ninh Hòa, nơi hầu hết các xã, phường đã xuất hiện ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng.
Xét nghiệm 100% người dân trong địa bàn phong tỏa
Hiện nay, thị xã Ninh Hòa đã thành lập 188 “Tổ Covid cộng đồng” và 28 tổ truy vết, lấy mẫu. Ông Nguyễn Vĩnh Thạnh, Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa cho biết: “Theo chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, trong 3 ngày, thị xã Ninh Hòa đã lấy mẫu xét nghiệm 100% người dân ở các xã, phường thực hiện phong tỏa và 50% người dân ở các xã, phường còn lại. UBND thị xã kiến nghị, sớm có kết quả xét nghiệm để chính quyền sàng lọc và có phương án phòng, chống dịch kịp thời”.
Trực tiếp đi kiểm tra các khu sản xuất và các xã có số ca dương tính cao, đang thực hiện phong tỏa nghiêm ngặt, ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đề ra giải pháp: “Chính quyền địa phương phải thực hiện thật nghiêm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Giai đoạn giãn cách này là “thời điểm vàng” để thị xã Ninh Hòa chống dịch tốt, tách F0 ra khỏi cộng đồng. Nếu không quyết liệt giai đoạn này, bỏ qua thời gian quyết định thì nhiều nguy cơ xảy ra, diễn biến dịch sẽ vô cùng khó lường. Riêng người lao động ở các nhà máy, xí nghiệp nằm trong Khu kinh tế Vân Phong phải được lấy mẫu xét nghiệm liên tục, thực hiện tốt “3 tại chỗ”, vừa chống dịch, vừa sản xuất kinh doanh”.
Thị xã Ninh Hòa đang thực hiện phong tỏa từ quốc lộ 1A xuống bờ biển (theo chiều rộng), từ xã Ninh Ích đến xã Ninh Thọ (chiều dài), thị xã Ninh Hòa.
Ngoài các địa phương này, các xã, phường có trên 10 ca nhiễm Covid-19 cũng phải phong tỏa. Đối với các nơi chưa có ca nhiễm, phải tổ chức khai báo y tế nghiêm túc, cần thiết có thể thực hiện phong tỏa trên tinh thần nhà cách ly với nhà, thôn cách ly với thôn, xã cách ly với xã nhằm không để dịch bệnh tiếp tục lây lan.
“Chính quyền các địa phương phải chăm lo đời sống người dân trong khu cách ly, khu phong tỏa. Không được để người dân thiếu đói, các trường hợp ốm đau phải được chữa trị kịp thời. Bên cạnh việc phòng, chống dịch thì thị xã Ninh Hòa phải tiếp tục thực hiện các mục tiêu kinh tế, tạo điều kiện tối đa để các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh bình thường” – Chủ tịch Nguyễn Tấn Tuân yêu cầu.
Những ngày qua, Sở Công thương tỉnh Khánh Hòa phối hợp với thị xã Ninh Hòa lên phương án cụ thể việc tổ chức các loại hình bán hàng để cung cấp thực phẩm đến từng hộ dân trong khu phong tỏa. Sở Y tế tỉnh hỗ trợ cho thị xã Ninh Hòa lực lượng lấy mẫu, cung ứng đầy đủ hóa chất, vật tư, test-kit.
UBND tỉnh Khánh Hòa đã đồng ý cho thị xã Ninh Hòa thực hiện cách ly F1 tại nhà theo các quy định của Bộ Y tế. Trong thời điểm thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, thành phố Nha Trang, thị xã Ninh Hòa và huyện Vạn Ninh đã phát phiếu đi chợ cho người dân để kiểm soát, duy trì nghiêm quy định phòng chống dịch.
“Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần này ở tỉnh Khánh Hoà bắt đầu từ cảng cá Hòn Rớ, thành phố Nha Trang, sau đó lan ra nhiều huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Khánh Hòa. Trong đó, nhiều xã ven biển có số người dương tính cao. Trước tình hình đó, BĐBP Khánh Hòa đã lập 20 tổ, chốt trên khu vực biên giới biển với gần 100 cán bộ, chiến sĩ tham gia, phối hợp với lực lượng phòng, chống dịch các địa phương thực hiện nhiệm vụ.
Các đồn Biên phòng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, nhắc nhở bà con làm ăn trên biển tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng chống dịch” – Đại tá Trần Thanh Hà, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng BĐBP Khánh Hòa cho biết.