Trạm bê tông không phép ở Nghệ An: “Mập mờ” cách giải quyết của chính quyền địa phương

Nhóm PV| 16/12/2018 07:28
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mặc dù cùng vi phạm, cùng bị "điểm mặt, chỉ tên" nhưng cách xử lý của chính quyền địa phương khiến cho dư luận đặt ra nhiều nghi vấn về sự bao che, chống lưng vì có công ty bị kiểm tra, có công ty lại "ung dung" như không hề liên quan.

Sau khi báo Công lý phản ánh vấn đề ai đã "bảo kê" cho hàng loạt trạm bê tông không phép hoạt động ở huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), rất nhiều ý kiến phản hồi tích cực đồng thời mong muốn báo Công lý tiếp tục làm rõ trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương cũng như có hình thức xử lý những đơn vị vi phạm.

Ngày 10/12, PV Báo Công lý đã có buổi làm việc với lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn của huyện Quỳnh Lưu để tìm hiểu và làm rõ cách xử lý những vi phạm của chính quyền địa phương.

Trao đổi với PV, ông Trần Viết Phát – Phó phòng TNMT huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) cho biết, ngay khi báo phản ánh về sự việc, lãnh đạo huyện đã chỉ đạo lực lượng chuyên môn xuống kiểm tra, yêu cầu xử lý dứt điểm và có báo cáo cụ thể.

"Chúng tôi đã làm việc với trạm trộn bê tông thương phẩm của Công ty CPXL Giang Sơn tại xã Quỳnh Giang. Quá trình kiểm tra và ghi nhận khu vực sản xuất của công ty về cảnh quan môi trường chưa được đảm bảo, sản phẩm sản xuất ra chưa được sắp xếp gọn gàng. Phía công ty đã san lấp mặt bằng mặc dù chưa hoàn tất hồ sơ, thủ tục", ông Phát nói và cho biết thêm hiện Công ty CPXL Giang Sơn đã bị xử phạt hành chính và yêu cầu phải hoàn trả lại mặt bằng trước ngày 15/12/2018.

Trạm bê tông không phép ở Nghệ An: “Mập mờ” cách giải quyết của chính quyền địa phương

Biên bản làm việc của phòng TNMT huyện Quỳnh Lưu với Công ty CP XL Giang Sơn

Về phía Công ty TNHH Hồng Đào, mặc dù không được cấp phép để làm trạm trộn bê tông nhưng vẫn ngang nhiên xây dựng, lắp đặt trạm trộn hoạt động trong thời gian dài qua. Bằng cách nào đó, Công ty này "che giấu" được trạm trộn của mình vì nhiều năm liền cơ quan chức năng không biết đến và cũng không kiểm tra. 

Trạm bê tông không phép ở Nghệ An: “Mập mờ” cách giải quyết của chính quyền địa phương

Hành lang an toàn giao thông vẫn tiếp tục bị vi phạm

Khi PV đặt câu hỏi về trạm trộn bê tông của công ty TNHH Hồng Đào, ông Trần Viết Phát tỏ ra khá “ bất ngờ” vì không biết trong khuôn viên đó lại có trạm trộn bê tông. Mặc dù vị Phó phòng chuyên trách này thừa nhận, trong mục đích thuê đất của Công ty TNHH Hồng Đào không có nội dung lắp trạm trộn bê tông như bây giờ.

"Hợp đồng thuê đất Công ty này từ năm 2009 - 2010, khi đó bản thân tôi chưa làm việc ở đây. Trong 2 năm qua chúng tôi cũng chưa kiểm tra đơn vị này nên không biết họ sử dụng mục đích là đúng hay sai", Phó phòng TNMT huyện lý giải.

Khi PV liên hệ với ông Nguyễn Sơn Hà – Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện thì ông Hà cho biết hiện đã giao cho xã Quỳnh Giang kiểm tra và báo cáo kết quả về huyện. Ông Hà cũng cho biết thêm, hiện ông đang đi họp, cán bộ chuyên viên đi tập huấn nên đề nghị PV xuống làm việc với Giám đốc Công ty CPXL Giang Sơn.

Trạm bê tông không phép ở Nghệ An: “Mập mờ” cách giải quyết của chính quyền địa phương

Trạm trộn bê tông vẫn hoạt động bình thường

Khi PV đặt tiếp câu hỏi tại sao cùng vi phạm nhưng cơ quan chức năng của huyện chỉ kiểm tra, xử lý Công ty CPXL Giang Sơn mà không xử lý Công ty TNHH Hồng Đào, thì hai vị lãnh đạo phòng đều tỏ ra lúng túng và không trả lời được.

Trao đổi với PV, ông Hoàng Văn Bộ - Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu cho biết: "Sau khi tiếp nhận thông tin, tôi đã giao cho các phòng, ban liên quan kiểm tra. Đồng thời chỉ đạo phải giải quyết dứt điểm, không để xảy ra tình trạng bao che hay nâng đỡ cho sai phạm”.

Tuy nhiên ông Bộ cũng không trả lời câu hỏi của PV về việc tại sao cơ quan chức năng của huyện lại không kiểm tra, xử lý vi phạm của Công ty TNHH Hồng Đào.

Sự vào cuộc kiểm tra của các phòng ban chuyên môn cũng như chính quyền sở tại phần nào thể hiện sự nghiêm túc, không tạo tiền lệ xấu cho những trường hợp khác. Tuy nhiên, việc kiểm tra và xử lý lại diễn ra không đồng bộ, cùng bị "điểm mặt, chỉ tên" vi phạm nhưng có đơn vị bị xử lý, có đơn vị lại không đã tạo ra sự nghi ngờ trong dư luận, dấy lên những câu hỏi về việc cơ quan chức năng có bao che, chống lưng cho sai phạm không? Thiết nghĩ UBND huyện Quỳnh Lưu cần nghiêm túc kiểm tra và khách quan xử lý những đơn vị vi phạm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trạm bê tông không phép ở Nghệ An: “Mập mờ” cách giải quyết của chính quyền địa phương