TP. Hồ Chí Minh: Điểm sáng về tấm lòng nhân ái

Nguyễn Linh Giang| 29/04/2014 10:34
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

TP. HCM là một trung tâm kinh tế - văn hóa, xã hội lớn của cả nước; hàng năm tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt trên 12%. Bên cạnh sự phát triển kinh tế khá ấn tượng và thành công thì ở TP.HCM vẫn còn tồn tại các đối tượng nghèo, hộ nghèo.

Đây là vấn đề day dứt của lãnh đạo TP Hồ Chí Minh… 

Chương trình xóa đói giảm nghèo (XĐGN) của TP Hồ Chí Minh ra đời năm 1992, qua 22 năm hoạt động đã đạt được những kết quả to lớn, trở thành cứu cánh cho các hộ đói nghèo trên khắp 24 quận, huyện. TP Hồ Chí Minh đã xóa được hộ đói, từng bước giảm các hộ nghèo, trở thành địa phương đi đầu trong cả nước trong phong trào XĐGN.

Chương trình XĐGN thành công

Những năm trước, gia đình chị Nguyễn Thị Thuận Thu, ở phường 25, quận Bình Thạnh có cuộc sống rất khó khăn do nguồn thu nhập bấp bênh, lại còn phải lo cho hai con ăn học. Tuy nhiên, nhờ tiếp cận được 15 triệu đồng từ nguồn quỹ vay vốn vì người nghèo mà gia đình chị đã mua được một chiếc xe gắn máy cho chồng chạy xe ôm để nâng cao thu nhập, còn hai con của chị được trợ cấp từ học bổng Nguyễn Hữu Thọ. Gia đình bà Diệp Lệ Nguyên ở đường Trần Tuấn Kiệt (phường 5, quận 5)  cũng đã được hỗ trợ để thoát nghèo. Trước đây, cả nhà có 4 nhân khẩu nhưng thu nhập bình quân đầu người chỉ ở mức 11 triệu đồng/người/năm. Mặc dù cố gắng làm ăn, nhưng thu nhập hàng tháng không đủ trang trải cho cuộc sống. Ban giảm nghèo - tăng hộ khá của phường đã giúp gia đình bà Nguyên tiếp cận được nguồn quỹ xóa đói giảm nghèo, giới thiệu việc làm cho chồng bà Nguyên, đến nay thu nhập bình quân của gia đình bà Nguyên đạt trên 19 triệu đồng/người/năm. Đó là hai trong hàng nghìn trường hợp hộ nghèo trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã vươn lên thoát nghèo.

TP. Hồ Chí Minh: Điểm sáng về tấm lòng nhân ái

Bí thư Thành ủy TP HCM Lê Thanh Hải chúc mừng các gương điển hình vượt nghèo và các tổ tự quản giảm nghèo tiêu biểu

Ông Nguyễn Văn Xê, Phó Giám đốc Sở Lao động- TBXH, kiêm Phó Ban chỉ đạo Xóa đói giảm nghèo TP Hồ Chí Minh, cho biết: Ban đầu, chuẩn nghèo của TP Hồ Chí Minh đưa ra là người có thu nhập 3 triệu đồng/năm (đối với dân nội thành) và 2,5 triệu đồng/năm (đối với dân ngoại thành). Nếu so sánh với chuẩn chung của cả nước (nội thành 1,8 triệu đồng/người/năm, ngoại thành 1,2 triệu đồng/người/năm) thì ở TP Hồ Chí Minh số hộ nghèo còn giảm xuống gấp nhiều lần so với chuẩn của thành phố đang áp dụng. Qua 10 năm triển khai chương trình, đến năm 2001 TP Hồ Chí Minh đã không còn hộ đói, giảm được đáng kể hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 7% tổng số hộ dân thành phố. Chương trình Xóa đói giảm nghèo của TP Hồ Chí Minh cũng chính thức đổi thành chương trình “Giảm nghèo, tăng hộ khá”. Sau nhiều lần nâng mức đánh giá tiêu chuẩn hộ nghèo, năm 2005, TP Hồ Chí Minh đã áp dụng tiêu chuẩn hộ nghèo là hộ có thu nhập dưới 6 triệu đồng/năm (chung cho cả nội thành và ngoại thành). Với tiêu chuẩn mới này, toàn TP Hồ Chí Minh có 51.089 hộ nghèo. Đến năm 2009, TP Hồ Chí Minh đã nâng mức chuẩn hộ nghèo lên là hộ có thu nhập dưới 12 triệu đồng/người/năm. Với mức chuẩn mới này, theo Ban chỉ đạo Chương trình thì toàn TP Hồ Chí Minh còn khoảng 30.000 hộ nghèo (chiếm 1,6% tổng hộ dân thành phố), giảm hơn 122.000 hộ nghèo so với năm 2009. Đến cuối năm 2013, TP Hồ Chí Minh đã kéo giảm được số hộ nghèo xuống dưới 1% và kết thúc sớm chương trình giảm hộ nghèo, tăng hộ khá giai đoạn 3 trước hai năm so với kế hoạch.

Các hộ nghèo có ở các địa bàn nhưng tập trung vào 15 phường, xã nghèo thuộc các huyện Bình Chánh, Cần Giờ, Nhà Bè. Nguyên nhân nghèo là do thiếu sự phấn đấu, do bệnh tật, không có khả năng lao động, thiếu vốn làm ăn… Lực lượng hộ nghèo còn được “bổ sung” thêm từ nguồn dân nhập cư. Theo ông Nguyễn Văn Xê, hiện còn có thêm các hộ nghèo là do hệ qủa của sự bất hợp lý trong công tác giải tỏa, quy hoạch treo. Điển hình như hàng trăm hộ thuộc diện nghèo ở phường 28 (quận Bình Thạnh) và khu vực dọc kênh Hàng Bàng (phường 12, quận 6). Với thực trạng hộ nghèo biến động như vậy, mặc dù Chương trình XĐGN của TP Hồ Chí Minh đã đạt được những kết quả to lớn nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm.

Giúp cho “cần câu” chứ không phải “con cá”

Ông Nguyễn Văn Xê, Phó trưởng Ban Chỉ đạo XĐGN TP Hồ Chí Minh cho biết: “Mục tiêu chung của Chương trình XĐGN là ưu tiên đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng làm chuyển biến bộ mặt phường xã nghèo trọng điểm, tiếp tục giảm hộ nghèo và chống tái nghèo nhằm từng bước hạn chế khoảng cách hộ giàu và hộ nghèo thành phố”. TP Hồ Chí Minh đã thành lập Quỹ XĐGN và qũy này đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của các cơ quan, doanh nghiệp và người dân thành phố. Với phương châm “cho cần câu chứ không cho cá”, đến nay nhờ nguồn vốn vay từ Quỹ XĐGN mà nhiều gia đình không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu. Một trong những ưu đãi của chương trình này là cho vay vốn không có điều kiện, tức không nhất thiết phải thế chấp như các hình thức vay vốn khác của ngân hàng. Khi cho vay, vấn đề được quan tâm hàng đầu là việc sử dụng nguồn vốn đó bằng cách nào để thu lại hiệu qủa kinh tế cao. Theo đó, Quỹ XĐGN của TP Hồ Chí Minh đang quản lý hơn 252,735 tỷ đồng và hỗ trợ vốn cho 31.976 hộ nghèo và Quỹ tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội TP Hồ Chí Minh đã cho hơn 50.000 lượt hộ nghèo vay vốn với số tiền hơn 800 tỷ đồng. Cùng với những hỗ trợ về vốn, các cấp, các ngành đã phối hợp chặt chẽ để hướng dẫn các hộ nghèo sau khi được vay vốn cách phát triển kinh tế, tăng thu nhập ổn định và lâu dài.

TP. Hồ Chí Minh: Điểm sáng về tấm lòng nhân ái

Chị Thái Thị Thức, xã Qui Đức, huyện Bình Chánh nhờ trồng phong lan đã vượt nghèo

Nhờ nguồn vốn từ Chương trình XĐGN, nhiều hộ dân ở TP Hồ Chí Minh đã thoát khỏi nghèo khó. Anh Nguyễn Văn Lẫy ở ấp Bình Hạ Đông (xã Thái Mỹ, Củ Chi) nhờ được vay 7 triệu đồng để trồng khổ qua lai F1 đã cho thu nhập 30triệu đồng/năm. Ông Nguyễn Văn Men ở ấp Tân Điền (xã Lý Nhơn, Cần Giờ) được vay 2 triệu đồng để khai hoang, làm muối. Sau đó, ông Men được vay thêm 5 triệu đồng để vừa làm muối vừa nuôi tôm, kết quả thu lãi trên 30triệu đồng/năm, xây được căn nhà mới trang trang. Đáng chú ý hơn là mô hình tổ chăn nuôi  bò sữa ở xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh. Với số vốn đầu tư mỗi hộ nhận được từ Chương trình XĐGN là 13 triệu đồng, sau 24 tháng các hộ trong tổ chăn nuôi bò không những trả xong vốn mà còn lãi được từ 20 đến 25triệu đồng/hộ.

Những thành công từ Chương trình XĐGN của TP Hồ Chí Minh là đáng trân trọng và khích lệ. Nhiều hộ nghèo, khó khăn nhờ chương trình này đã được vực dậy. Đây là điểm sáng về tấm lòng nhân ái. Ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh nhận xét: “TP Hồ Chí Minh đã thực hiện thành công chương trình giảm hộ nghèo, tăng hộ khá và thực hiện vượt chỉ tiêu trước hai năm (dự kiến là năm 2015 hoàn thành). Từ kết quả trên, TP Hồ Chí Minh quyết định từ năm 2014 nâng chuẩn hộ nghèo lên 16triệu đồng/người/năm”. Tính ra, mức chuẩn mới này của TP Hồ Chí Minh đã vượt cao so với chuẩn của cả nước và tiếp cận mức chuẩn hộ nghèo thế giới. Tuy nhiên, để Chương trình XĐGN thực sự có hiệu qủa hơn thì cần có sự hợp sức của toàn xã hội, trước tiên là nhận thức tư tưởng trong các cấp lãnh đạo, các ban ngành về tầm quan trọng và ý nghĩa to lớn của Chương trình XĐGN; quan trọng hơn, điều kiện tiên quyết là làm cho người nghèo, hộ nghèo tự ý thức việc phấn đấu vượt khó, giảm nghèo - tự mình thay đổi để vươn lên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP. Hồ Chí Minh: Điểm sáng về tấm lòng nhân ái