Dù ủng hộ chủ trương thực hiện dự án đường vành đai 3, nhưng nhiều hộ dân thuộc diện thu hồi đất để làm dự án tại TP Thủ Đức (TP.HCM) đang kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét lại giá bồi thường đất nông nghiệp vì còn nhiều bất cập, chưa hợp lý.
Kiến nghị xem xét lại giá đền bù đất nông nghiệp
Đường Vành đai 3 là dự án giao thông có quy mô lớn nhất khu vực phía Nam, giúp kết nối nhiều tỉnh thành Đông Nam Bộ. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 75.000 tỷ đồng với tổng chiều dài khoảng 76km, đi qua các địa phương gồm: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An.
Tại TP.HCM, dự án có chiều dài khoảng 47,51km, đi qua các địa bàn gồm: TP. Thủ Đức và các huyện Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn. Diện tích đất thu hồi để thực hiện là 410 ha với 1.738 hộ dân bị ảnh hưởng (TP. Thủ Đức 595 trường hợp, Củ Chi 418 trường hợp, Bình Chánh 393 trường hợp, Hóc Môn 332 trường hợp).
Theo số liệu của TP.HCM, hiện công tác GPMB dự án đường Vành đai 3 đoạn qua địa bàn TP.HCM đạt khoảng 94%. Cụ thể, tại huyện Hóc Môn đạt 100%, Củ Chi đạt 98%, Bình Chánh là 95,3%. Trong khi đó, công tác GPMB tại TP. Thủ Đức hiện chỉ mới được khoảng 86%.
Một trong những nguyên nhân khiến việc GPMB ở TP. Thủ Đức còn chậm là do nhiều hộ dân có đất (đất ở mặt tiền đường lớn) thuộc diện thu hồi chưa chấp nhận giá đền bù mà cơ quan quản lý nhà nước đưa ra.
Cụ thể, theo đơn thư phản ánh của ông Lê Minh Thắng (ngụ tại quận Bình Thạnh), gia đình ông có hơn 3.300m2 đất tại địa chỉ số 200 Nguyễn Xiển (phường Trường Thạnh, TP. Thủ Đức) bị thu hồi để triển khai dự án đường Vành đai 3, trong số hơn 3.300m2 đất trên, có 108m2 đất thổ cư, còn lại là đất trồng cây lâu năm.
Ông Thắng cho biết, giá bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các hộ dân có đất bị thu hồi để thực hiện dự án đường Vành đai 3 đoạn qua TP. Thủ Đức, TP.HCM được thực hiện theo văn bản số 314/CSBT-HĐBT ngày 26/4/2023 của UBND TP. Thủ Đức.
Bản thân gia đình ông và các hộ dân thuộc diện thu hồi đất rất ủng hộ chủ trương thực hiện dự án đường Vành đai 3 của TP.HCM nói chung và TP. Thủ Đức nói riêng nhằm phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông, kinh tế, xã hội… Tuy nhiên, ông Thắng cho rằng, văn bản trên có một số bất cập, đó là: Hệ số K của đất ở tại đô thị, đất trồng cây lâu năm nằm ngay mặt tiền đường lớn lại thấp hơn so với đất nằm trong hẻm, đất không tiếp giáp đường.
Cụ thể, giá đất trồng cây lâu năm tại phường Trường Thạnh, vị trí tiếp giáp đường Nguyễn Xiển, Nguyễn Duy Trinh, Tam Đa chỉ áp dụng hệ số K là 17,0489 lần; trong khi đó có một số vị trí không tiếp giáp đường Nguyễn Xiển, Nguyễn Duy Trinh, Tam Đa lại được tính hệ số K là 22,1528 lần.
Theo ông Thắng, mức định giá đất nông nghiệp trong dự án thành phần 2 đường Vành đai 3 đoạn qua TP.HCM trên địa bàn TP. Thủ Đức dao động từ 5,8 - 7,6 triệu đồng/m2 (dựa trên đơn giá đất theo Quyết định 02/2020/QĐ-UBND) không bám sát theo giá thị trường. Với thị trường hiện tại thì giá đất trồng cây lâu năm mặt tiền đường Nguyễn Xiển cũng đã trên 50 triệu đồng/m2. So sánh giữa giá đất trồng cây lâu năm và đất thổ cư thì chênh lệch đến 10 lần.
“Mức giá đền bù giữa đất nông nghiệp nằm trong khu dân cư, khu có quy hoạch đất thổ cư, mặt tiền đường chính của TP. Thủ Đức có khoảng cách quá lớn đối với đất thổ cư (chênh lệch khoảng 65 triệu đồng/m2). Trong khi đó, tiền thuế chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp lên đất thổ cư chỉ 2,7 triệu đồng/m2. Như vậy người dân có đất nông nghiệp bị thiệt thòi quá lớn, dù đất nông nghiệp đó nằm tờ bản đồ, cùng thửa đất, sát ranh, cùng mặt tiền với những khu đất thổ cư”, ông Thắng bức xúc.
Một trường hợp tương tự như ông Thắng là ông Bùi Thanh Tuấn, ngụ tại phường Trường Thạnh, TP. Thủ Đức. Ông Tuấn cho biết, mức giá đền bù đất trồng cây lâu năm quá thấp, nhất là tại vị trí mặt tiền đường Nguyễn Duy Trinh, giá đền bù chỉ 7,6 triệu đồng/m2, chưa bằng 1/10 giá giao dịch trên thị trường bất động sản, tức chênh lệch khoảng 65 triệu đồng/m2, chưa sát giá thị trường.
Ông Tuấn cũng đưa ra dẫn chứng về sự chênh lệch giá đền bù đất nông nghiệp giữa hai địa phương liền kề nhau, cùng một dự án đi qua, cụ thể, mảnh đất của ông hiện có nhà ở và xưởng sản xuất, kinh doanh ổn định, tạo việc làm cho 30 công nhân. Nếu so sánh với giá đền bù cùng dự án đường Vành đai 3 đi qua tỉnh Bình Dương (giáp ranh với quận 9, nay là TP. Thủ Đức), thì giá đền bù đất của Bình Dương cho người dân cao hơn TP.HCM.
Cụ thể, tỉnh Bình Dương áp dụng chính sách đền bù, giải tỏa đối với những hộ dân thuộc diện thu hồi đất tại địa bàn tỉnh này để triển khai dự án đường Vành đai 3 là: Đất nông nghiệp được đền bù bằng 50% giá đất thổ cư, đất phi nông nghiệp là 60% và đất thương mại là 80% của đất thổ cư.
“Như vậy, cùng một dự án đường Vành đai 3 mà giá đất bồi thường của tỉnh lẻ cao hơn so với giá bồi thường của TP.HCM là bất hợp lý”, ông Tuấn cho hay.
Một trường hợp khác là ông Phan Duy Đệ (ngụ tại quận Bình Thạnh) có 465m2 đất mặt tiền đường Nguyễn Duy Trinh bị thu hồi để thực hiện dự án đường Vành đai 3 cũng phản ánh mức giá đền bù đất nông nghiệp thấp và chưa hợp lý.
Ông Đệ cho biết, với mức giá đền bù đất nông nghiệp dao động từ 5,8 – 7,6 triệu đồng/m2 là quá thấp, không theo sát giá thị trường. Đơn giá đền bù này theo Quyết định số 02/2020/QĐ-UBND ngày 16/1/2020 của UBND TP.HCM và căn cứ hệ số giá đất quá thấp. Hiện tại, mức giá đền bù như trên chỉ bằng 1/8 mức giá thị trường, quá thiệt thòi cho người dân.
Ông Đệ cũng dẫn chứng một bất hợp lý khác là giá đất mặt tiền đường Nguyễn Duy Trinh - tuyến đường huyết mạch của TP. Thủ Đức, nhưng mức đền bù cao hơn các đường hẻm, đường sâu bên trong chỉ 500.000 đồng/m2.
“Thậm chí cả những khu đất ở phường Long Trường không trồng được cây gì, chỉ xe máy mới đi vào được, cách đường Nguyễn Duy Trinh hơn 1km nhưng mức đền bù đã 6 triệu đồng/m2, trong khi đất mặt tiền đường Nguyễn Duy Trinh chỉ được đền bù 7,6 triệu đồng/m2, điều này là chưa hợp lý”, ông Đệ cho biết.
Ông Đệ kiến nghị thành phố không nên áp dụng bảng giá đất nông nghiệp theo Quyết định số 02 nhân với hệ số giá đất lỗi thời nữa, bởi tính theo phương pháp này sẽ không sát với giá thị trường, gây bức xúc trong dân.
Cơ quan chức năng nói gì?
Trao đổi với báo chí, ông Trần Đình Na, Phó Trưởng phòng nghiệp vụ 3 – Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng TP. Thủ Đức, TP.HCM, cho biết: Theo quy định của Luật Đất đai thì UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm quyết định về giá bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa phương mình quản lý. Vì vậy, tuy cùng một dự án nhưng mỗi địa phương (TP. Thủ Đức và tỉnh Bình Dương) sẽ có sự khác nhau về giá đền bù đất. Nên việc người dân so sánh như vậy là khập khiễng.
Cũng theo ông Na, đặc thù đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương bị thu hồi để triển khai dự án đường Vành đai 3 là đất có diện tích nhỏ, nằm trong những khu dân cư đông đúc nên mới có giá như vậy. Còn đất nông nghiệp ở TP. Thủ Đức là những thửa đất có diện tích lớn, đất nông nghiệp thuần.
“Đối với giá đền bù đất thổ cư thì tỉnh Bình Dương không thể cao hơn so với TP. Thủ Đức được. Vừa rồi giá đền bù đất thổ cư trên trục đường Nguyễn Xiển đoạn thuộc Bình Dương giá chỉ có 30 triệu đồng/m2, trong khi đoạn tại TP. Thủ Đức có giá đền bù hơn 60 triệu đồng/m2”, ông Na thông tin.
Liên quan đến hệ số K của đất trồng cây lâu năm nằm ngay mặt tiền đường lớn thấp hơn đất nằm trong hẻm, đất không tiếp giáp đường, ông Na cho biết, UBND TP. Thủ Đức đã giao cho đơn vị thẩm định giá độc lập (Công ty Thẩm định giá Đông Dương) thẩm định theo giá thị trường, tiến hành từ cuối năm 2022 và đầu năm 2023. Sau đó đưa ra được mức giá từng vị trí và được hội đồng thẩm định duyệt giá. Mức giá khảo sát được duyệt chia cho Đơn giá đất theo Quyết định số 02/2020/QĐ-UBND ngày 16/1/2020 của UBND TP.HCM sẽ ra hệ số K.