Trong số 40% số bài thi môn văn kỳ thi THPT quốc gia 2019 đã được chấm tại hội đồng chấm thi TP.HCM, mới chỉ có 1 bài thi đạt điểm cao nhất là 9 điểm.
Ngày 2/7, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc dẫn đầu đoàn công tác của Bộ đã đến kiểm tra công tác chấm thi kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 tại hội đồng chấm thi TP.HCM.
Làm việc với đoàn công tác, ông Nguyễn Văn Hiếu - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, Trưởng ban chấm thi báo cáo tình hình chấm thi của địa phương. Cụ thể, chiều 27/6, Sở GD&ĐT đã tổ chức tập huấn cán bộ làm phách bài thi; ngày 28/6 thực hiện làm phách bài thi trong cả ngày, sau đó bàn giao bài thi cho tổ chấm.
Từ ngày 30/6, Sở GD&ĐT TP.HCM bắt đầu chấm thi môn Ngữ văn kỳ thi THPT quốc gia 2019 tại trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3).
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc và đoàn kiểm tra trao đổi với lãnh đạo Sở GD&ĐT TP.HCM về công tác chấm thi
Để đảm bảo công tác chấm thi, Sở GD&ĐT TP.HCM đã huy động 2.000 người, trong đó môn Ngữ Văn đến gần 700 cán bộ, gồm khoảng 620 cán bộ chấm thi, 80 cán bộ kiểm tra soi dò, đối sánh, còn lại phụ trách làm phách. Các phòng thi chấm thi được lắp ít nhất 3 camera. Dự kiến bài tự luận chấm trong 5 ngày và hoàn thành vào ngày 4/7.
Ông Hiếu cũng thông tin thêm, số lượng bài thi môn Ngữ văn năm nay khoảng hơn 68.000 bài thi, sau khi thực hiện 2 vòng độc lập, những bài thi có điểm chênh lệch nhiều sẽ được chấm kiểm tra. Đến sáng nay, đã chấm được 40% số lượng bài thi, có một bài đạt điểm cao nhất đã được chấm là 9 điểm.
Các bài thi trắc nghiệm của thí sinh TP.HCM do ĐH Bách Khoa, ĐH Kinh tế - Luật và ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) phụ trách chấm. Dự kiến sẽ chấm xong toàn bộ bài thi trắc nghiệm vào ngày 5/7.
Qua kiểm tra công tác chấm tại TP.HCM, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc đánh giá cao sự nghiêm túc, tuân thủ các quy trình, quy chế cũng như chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất, công tác an ninh tại điểm chấm thi của địa phương này.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cũng lưu ý với Ban chỉ đạo hội đồng thi THPT quốc gia tại TP.HCM, do lượng bài thi lớn của hơn 70.000 thí sinh nên các khâu trong công tác chấm thi phải nhịp nhàng, chính xác, đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt theo đúng quy trình, quy chế.
Tất cả các cán bộ tham gia công tác này phải được tập huấn kỹ quy chế, thường xuyên nhắc nhở, kiểm tra. Việc chấm kiểm tra phải đảm bảo tối thiểu 5% tổng số bài thi. Đồng thời đặc biệt chú ý chấm kiểm tra kỹ các bài thi đạt điểm cao.