Khó có nguy cơ xảy ra "bong bóng" bất động sản trong năm 2015 và có thể cả năm 2016", đây là nhận định của ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) về khả năng năng xảy ra "bong bóng" bất động sản quay trở lại như trước đây.
Theo ông Lê Hoàng Châu, nhận định trên được đưa ra dựa trên cơ sở nền kinh tế nước ta chỉ mới đang trên đà hồi phục, tăng trưởng tín dụng năm 2014 ở mức 12,62%, dự kiến năm 2015 cũng chỉ ở mức khoảng 16%, trong khi mức tăng trưởng tín dụng năm 2007, năm đỉnh điểm của "bong bóng" bất động sản lên đến 37,8%. Mặt khác, Chính phủ đang giữ vững được ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, đang thực hiện chính sách tiền tệ, tín dụng chặt chẽ và linh hoạt, đang tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại. Hiện nay, không có tình trạng buông lỏng tín dụng, nợ xấu được kiểm soát và đang dần trở về mức hợp lý; giao dịch bất động sản hiện vẫn đang diễn ra bình thường; chưa xuất hiện hiện tượng đầu cơ, đẩy giá ảo trên thị trường bất động sản.
Theo HoREA, thị trường bất động sản Thành phố trong 7 tháng đầu năm 2015 tiếp tục đà hồi phục mạnh hơn trên tất cả các phân khúc thị trường. Trong đó, phân khúc nhà ở có quy mô vừa và nhỏ (căn hộ 1 - 2 phòng ngủ) với giá bán vừa túi tiền (trên dưới 1 tỷ đồng/căn hộ) đang được phát triển tại tất cả các quận, huyện của thành phố. Cùng với đó, nhiều dự án thuộc phân khúc bất động sản cao cấp được khởi công xây dựng, chào bán trên thị trường, trong đó có nhiều hiệu uy tín trong phân khúc bất động sản cao cấp như Công ty Đại Quang Minh, Công ty Novaland, Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Phú Mỹ Hưng... Trong phân khúc bất động sản cao cấp hiện nay ngoài khu đô thị Nam Sài Gòn, các dự án đang có xu thế dịch chuyển phát triển sang phía Đông Thành phố, từ quận Bình Thạnh, quận 1, quận 4 sang quận 2, quận 9.
Về tình hình giải quyết hàng tồn kho bất động sản, UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết có nhiều kết quả khả quan. Theo số liệu rà soát, vào cuối năm 2012, có 14.490 căn hộ tồn kho. Lũy kế đến nay, các chủ đầu tư đã giải quyết bán được 11.088 căn, còn lại 3.402 căn. Kết quả giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, tại TP. Hồ Chí Minh đến hết tháng 6/2015 các ngân hàng thương mại đã ký cam kết tín dụng 4.677 tỷ đồng, đã giải ngân được 2.009 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 6,69% gói tín dụng ưu đãi), trong đó, có 1.498,4 tỷ đồng cho cá nhân vay và 510,6 tỷ đồng cho 3 doanh nghiệp vay. Bên cạnh đó, giao dịch bất động sản trong 6 tháng đầu năm 2015 tại TP. Hồ Chí Minh cũng tăng mạnh, với hơn 7.000 giao dịch thành công, tăng gấp 2,8 lần so với cùng kỳ năm 2014, giá chào bán tăng nhẹ ở thị trường thứ cấp từ 3-5%.
Phân tích về các nguyên nhân giúp cho thị trường bất động sản phục hồi trong thời gian qua, ông Lê Hoàng Châu cho rằng, trước hết, đó là nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp bất động sản trong việc tái cấu trúc doanh nghiệp, tái cơ cấu đầu tư, phát triển hoạt động hợp tác, mua bán chuyển nhượng dự án, mua bán sáp nhập doanh nghiệp (M&A) đã giúp triển khai các dự án mới và tái khởi động lại, làm hồi sinh các dự án "trùm mền", giải quyết một phần hàng tồn kho và nợ xấu. Mặt khác, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan đến thị trường bất động sản, trong đó có những quy định thông thoáng cho Việt kiều được mua và sở hữu nhà như người trong nước, cho người nước ngoài nhập cảnh hợp pháp được mua và sở hữu nhà trong các dự án nhà ở thương mại, thực hiện bảo lãnh trong bán, cho thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai.
Theo ông Lê Hoàng Châu, các yếu tố khác góp phần cho thị trường bất động sản phục hồi đó là niềm tin của người tiêu dùng, của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, các ngân hàng được tăng cường đã hỗ trợ tích cực cho thị trường và góp phần thúc đẩy giao dịch tăng mạnh; thị trường bất động sản cũng đã tạo được sức hấp dẫn, thu hút sự quan tâm đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài.
Về vấn đề cần lưu ý đối với thị trường bất động sản hiện nay, ông Lê Hoàng Châu cho rằng, phân khúc bất động sản cao cấp đang có chiều hướng phát triển rất nhiều, rất mạnh nhưng vẫn còn trong tầm kiểm soát. Mặt khác, việc phá giá đồng nhân dân tệ của Trung Quốc có thể tác động đến hiệu quả của hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước, việc làm của người lao động, đến thu nhập và sức mua của người dân, từ đó có thể sẽ có tác động tiêu cực ở một mức độ nào đó đến thị trường bất động sản trong trung và dài hạn.