TP.HCM đề xuất nới điều kiện tham gia hoạt động công cộng

Thảo Nguyên| 02/10/2021 18:07
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

TP.HCM đề xuất không bắt buộc người tiêm đủ liều vắc xin phải có “thời gian tiêm liều cuối tối thiểu 14 ngày” khi tham gia các hoạt động công cộng.

UBND TP.HCM vừa có văn bản góp ý dự thảo Hướng dẫn tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" theo yêu cầu của Bộ Y tế.

Qua nghiên cứu nội dung dự thảo hướng dẫn của Bộ Y tế, Chủ tịch UBND TP.HCM cơ bản thống nhất đối với 5 chỉ số làm căn cứ đánh giá mức thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Tuy nhiên, UBND TP.HCM cũng đề nghị điều chỉnh một số nội dung.

tiem.jpeg
Điểm tiêm chủng cộng đồng tại Nhà thi đấu Lãnh Binh Thăng (TP.HCM). Ảnh: Độc Lập

Cụ thể, ở nội dung "đã tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19, có chứng nhận tiêm chủng thời gian tiêm liều cuối tối thiểu 14 ngày và không quá 12 tháng", UBND TP.HCM đề nghị bỏ nội dung "thời gian tiêm liều cuối cùng tối thiểu 14 ngày".

Với nội dung "Đã khỏi bệnh Covid-19: Có xác nhận khỏi bệnh Covid-19 của cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 hoặc trạm y tế cấp xã (đối với trường hợp điều trị tại nhà)”, UBND TP.HCM đề nghị bổ sung nội dung "không quá 6 tháng".

Theo dự thảo hướng dẫn tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" do Bộ Y tế đang lấy ý kiến của các địa phương và bộ ngành, có 5 chỉ số quan trọng để đánh giá cấp độ dịch bệnh.

Chỉ số 1: Số ca mắc mới tại cộng đồng/100.000 người/tuần.

Chỉ số 2: Tỷ lệ người trên 18 tuổi được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin phòng Covid-19.

Chỉ số 3: Tỉnh, thành phố có kế hoạch thiết lập cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 theo mô hình tháp 3 tầng; bảo đảm tối thiểu 2% số giường hồi sức cấp cứu tại các cơ sở y tế trực thuộc tỉnh/thành phố trên tổng số ca mắc mới theo dự báo tình hình dịch tại địa phương ở cấp độ 4.

Chỉ số 4: 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn (xã) có oxy y tế và 100% các quận, huyện, thị xã, thành phố (huyện) có kế hoạch thiết lập trạm y tế lưu động và tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng.

Chỉ số 5: Tỷ lệ tiêm chủng vắc xin cho người từ 50 tuổi trở lên theo lộ trình (tối thiểu 80% người trên 65 tuổi được tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 áp dụng trong tháng 10/2021; tối thiểu 80% người trên 50 tuổi được tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 áp dụng từ tháng 11/2021).

Căn cứ các tiêu chí này, địa phương đánh giá cấp độ dịch theo 4 mức: Cấp 1 (xanh - bình thường mới); cấp 2 (vàng - nguy cơ trung bình); cấp 3 (cam - nguy cơ cao); cấp 4 (đỏ - nguy cơ rất cao). Quy mô đánh giá ở cấp xã và có thể ở phạm vi như tổ/đội, khu dân cư, xóm/khóm/ấp, thôn/bản, buôn/sóc/làng... hoặc phạm vi nhỏ hơn.

Từ đánh giá này, địa phương sẽ quyết định các biện pháp hành chính và y tế phù hợp theo cấp độ dịch.

Theo dự thảo trên, tiêm đủ liều vắc xin là điều kiện để người dân tham gia các hoạt động đông người tại nơi công cộng.

Trước đó, ngày 30/9, UBND TP.HCM đã ban hành Chỉ thị 18 về việc tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn thành phố.

Theo Chỉ thị 18, từ 18h ngày 30/9, người dân khi tham gia lưu thông sử dụng mã QR khai báo di chuyển của ứng dụng VNEID và mã QR có thể hiện lịch sử tiêm chủng của ứng dụng Y tế HCM hoặc Sổ sức khỏe điện tử (đến khi ứng dụng PC-COVID chính thức đưa vào hoạt động).

Trường hợp không có mã QR, người dân xuất trình các giấy tờ sau: F0 đã khỏi bệnh dưới 180 ngày; đã tiêm chủng (ít nhất 1 mũi đối với loại vắc xin tiêm 2 mũi và ít nhất 14 ngày sau tiêm) khi được cơ quan chức năng yêu cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP.HCM đề xuất nới điều kiện tham gia hoạt động công cộng