Giao thông

TP.HCM áp dụng quy trình '1-3-7' để giải ngân hơn 100.000 tỷ đồng

Kim Sáng 10/02/2025 - 11:38

Hơn 100.000 tỷ đồng là mức giải ngân vốn đầu tư công cao nhất của TP.HCM từ trước đến nay.

TP.HCM gánh thêm 20% vốn chưa giải ngân năm 2024

Năm 2025, TP.HCM được giao kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công khoảng 85.000 tỷ đồng, tăng 6,2% so với kế hoạch năm 2024.

Trong đó, nguồn vốn ngân sách Trung ương là 3.237 tỷ đồng, chiếm 3,8% kế hoạch vốn (nguồn vốn ODA là 100 tỷ đồng); nguồn vốn ngân sách TP.HCM là 80.912 tỷ đồng, chiếm 96% Kế hoạch vốn (nguồn vốn ODA đối ứng và vốn vay là 4.202 tỷ đồng); nguồn vốn ngân sách cấp huyện là 164 tỷ đồng, chiếm 0,2% kế hoạch vốn (huyện Hóc Môn, huyện Nhà Bè có dự án đầu tư công sử dụng ngân sách cấp huyện).

Theo kế hoạch đầu tư công năm 2025. Đối với nguồn vốn ngân sách Trung ương, Dự án xây dựng nút giao thông An Phú được phân bổ 330 tỷ đồng; đường Vành đai 3 đoạn qua thành phố (bao gồm cầu Kênh Thầy Thuốc) 1.547 tỷ đồng; Dự án xây dựng, mở rộng quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh) 80 tỷ đồng; Dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên 1.180 tỷ đồng; Dự án vệ sinh môi trường TP.HCM - giai đoạn 2 là 100 tỷ (ODA).

Nguồn vốn ngân sách thành phố. Dự án từ nguồn vốn ODA vay lại từ vốn vay nước ngoài của Chính phủ 3.217,2 tỷ đồng; Dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài 984,7 tỷ đồng; Dự án PPP và dự án phục vụ dự án PPP 140,7 tỷ đồng; Dự án cho vay hỗ trợ giảm nghèo và cho vay giải quyết việc làm 901 tỷ đồng; Chương trình kích cầu đầu tư là 150 tỷ đồng.

z6249915155529_61fab4f62f0abb3b7346a191445f4aad.jpg
TP.HCM đặt mục tiêu giải ngân hơn 100.000 tỷ đồng trong năm 2025.

Bố trí vốn cho nhiệm vụ quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là 13,5 tỷ đồng; Bố trí vốn cho các dự 6 án sử dụng vốn ngân sách thành phố tập trung là 48.782,1 tỷ đồng; Vốn cho các dự án trước đây sử dụng nguồn vốn ngân sách cấp huyện và vốn ngân sách thành phố bổ sung có mục tiêu cho các quận là 255 tỷ đồng;

Bố trí vốn cho các dự án sử dụng vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách TP cho ngân sách 5 huyện và TP Thủ Đức là 7.690 tỷ đồng (phần vốn này do ngân sách cấp huyện quản lý); Chi đầu tư phát triển cho kế hoạch đầu tư công của các huyện và TP Thủ Đức từ nguồn vốn ngân sách thành phố là 2.024,4 tỷ đồng.

z6076825638573_aed199ca9730423922b727ce3ab242c9.jpg
Cầu Rạch Đỉa nối quận 7 và huyện Nhà Bè, TP.HCM thông xe trong năm 2024.

Đối với 16.753,2 tỷ đồng còn lại, TP.HCM sẽ bố trí vốn khi các dự án khởi công mới trong năm 2025 đủ điều kiện.

Các dự án sử dụng vốn cân đối ngân sách cấp huyện do Hội đồng nhân dân cấp huyện quyết định.

Bên cạnh 85.000 tỷ đồng vốn đầu tư công được giao năm 2025, TP.HCM phải gánh thêm khoảng 20% vốn chưa giải ngân hết của năm 2024 chuyển sang.

Như vậy, tổng nguồn vốn cần giải ngân của TP.HCM lên tới 105.000 - 110.000 tỷ đồng. Đây là mức giải ngân cao nhất từ trước đến nay.

Áp dụng quy trình "1-3-7"

Để tránh tình trạng "áp lực" giải ngân vào cuối năm, TP.HCM đặt ra lộ trình giải ngân cụ thể.

Theo đó, quý I/2025, TP.HCM đặt mục tiêu đạt tối thiểu 15% kế hoạch, quý II từ 35% trở lên, quý III từ 70% trở lên, quý IV phải đạt ít nhất 95%.

Hiện TP.HCM đã phân bổ gần 67.400 tỉ đồng, phần còn lại sẽ được phân bổ trong quý I/2025 để đảm bảo tiến độ triển khai dự án.

TP.HCM cũng yêu cầu trước tháng 5/2025 phải hoàn tất giải phóng mặt bằng cho các dự án từ năm 2024 chuyển sang.

Với các dự án mới, việc bàn giao mặt bằng phải hoàn tất chậm nhất vào tháng 9/2025 để kịp khởi công. Thành phố cũng điều chỉnh phân cấp, chuyển một số dự án từ các ban quản lý cấp thành phố về quận, huyện và TP Thủ Đức để đẩy nhanh tiến độ.

z6198270413235_dde5631fb7f28d4e43bf157f7a7a3e0d.jpg
Thi công trên dự án Vành đai 3 TP.HCM.

TP.HCM sẽ áp dụng quy trình "1-3-7": 1 ngày để phân công nhiệm vụ; 3 ngày phải có báo cáo tiến độ ban đầu và 7 ngày phải hoàn thành hoặc nêu rõ lý do nếu chưa xong để siết chặt kỷ luật giải ngân.

Trước đó, năm 2024, TP.HCM được giao 79.200 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến ngày 15/1/2025, thành phố mới giải ngân được 56.630 tỷ đồng, đạt 71,4% kế hoạch.

Phần lớn số vốn này được giải ngân mạnh vào tháng cuối cùng của năm. Theo thống kê, từ ngày 7 - 24/12/2024, tỷ lệ giải ngân của TP.HCM tăng vọt từ 33% lên 63,5%.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP.HCM áp dụng quy trình '1-3-7' để giải ngân hơn 100.000 tỷ đồng