Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNS) được giảm án

Mạnh Hùng| 11/11/2021 18:13
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sau nhiều ngày xét xử và nghị án kéo dài, chiều 11/11, HĐXX phúc thẩm TAND cấp cao tại Hà Nội đã tuyên án đối với 12 bị cáo có đơn kháng trong vụ án xảy ra tại Tổng công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO) và các bên có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án.

gang-theo-thai-nguyen-anh-tai.jpg
Thẩm phán Mai Anh Tài, chủ toạ phiên toà đọc bản tuyên án đối với các bị cáo

Theo đó, HĐXX cấp phúc thẩm đã quyết định chấp nhận một phần kháng cáo, giảm nhẹ hình phạt cho ba bị cáo: Đậu Văn Hùng (nguyên Tổng GĐ Tổng công ty Thép Việt Nam – VNS) mức án 3 năm tù nhưng cho bị cáo được hưởng án treo về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí”; bị cáo Hoàng Ngọc Diệp (nguyên thành viên HĐQT TISCO) bị tuyên phạt 2 năm tù nhưng cho bị cáo được hưởng án treo về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và bị cáo Uông Sỹ Bính nhận mức án 18 tháng tù (án sơ thẩm là 2 năm tù) về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí”.

Đối với các bị cáo còn lại, HĐXX quyết định giữ nguyên bản án sơ thẩm, trong đó có bị cáo Trần Trọng Mừng (nguyên Tổng giám đốc TISCO) lĩnh án 9 năm 6 tháng tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí”.

Về trách nhiệm dân sự, HĐXX tuyên buộc các bị cáo phải liên đới bồi thường cho TISCO 830 tỉ đồng.

gang-thep-thai-nguyen-cac-bi-cao-nghe-tuyen-an.jpeg
Các bị cáo đứng nghe HĐXX tuyên án

Theo nhận định của HĐXX phúc thẩm, lời khai của các bị cáo tại phiên phúc thẩm phù hợp với lời khai của chính các bị cáo tại quá trình điều tra và tại phiên tòa sơ thẩm.

HĐXX nhận thấy hành vi của các bị cáo đã xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức. Trong vụ án này, hầu hết các bị cáo đều giữ chức vụ quan trọng tại TISCO và VNS nhưng đã không thực hiện đúng những quy định của hợp đồng, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước. Dự án hiện nay bị tạm dừng, các trang thiết bị bị hư hỏng, ảnh hưởng đến kinh tế, gây mất niềm tin trong quần chúng nhân dân.

Xét kháng cáo của các bị cáo, bản án sơ thẩm đã đánh giá đúng vai trò, hành vi phạm tội của các bị cáo để đưa ra quyết định hình phạt phù hợp. Ngoài ra, bản án sơ thẩm cũng đã xem xét đầy đủ hoàn cảnh phạm tội, tình tiết giảm nhẹ đối với từng bị cáo.

Tại phiên phúc thẩm, các bị cáo xuất trình bổ sung các tình tiết giảm nhẹ mới nhưng HĐXX xét thấy đây đều là các tình tiết giảm nhẹ đã được Tòa cấp sơ thẩm áp dụng.

Trong đó, bị cáo Đâụ Văn Hùng và Hoàng Ngọc Diệp tại giai đoạn xét xử phúc thẩm, các bị cáo đã chủ động nộp tiền khắc phục hậu quả, án phí dân sự, hình sự sơ thẩm, cụ thể: Đậu Văn Hùng đã nộp tổng số tiền hơn 60 tỷ đồng; Hoàng Ngọc Diệp nộp tổng số tiền là hơn 6 tỷ đồng (các bị cáo đã khắc phục toàn bộ hậu quả). Bị cáo Uông Sỹ Bính mặc dù tuổi cao, hoàn cảnh khó khăn nhưng bị cáo đã tích cực nộp tiền khắc phục hậu quả, án phí hình sự sơ thẩm với tổng số tiền là hơn 50 triệu đồng….

Bên cạnh đó, bị cáo Hùng hiện đang phải chữa nhiều bệnh không thể đi lại nên có cơ sở cho bị cáo được hưởng an treo.

Nói về số tiền các bị cáo đã khắc phục, theo HĐXX, số tiền đó chưa đảm bảo ½ số tiền phải bồi thường nên chưa có cơ sở chấp nhận kháng cáo. Riêng bị cáo Hùng và Diệp đã khắc phục toàn bộ số tiền thiệt hại mà 2 bị cáo bị tuyên buộc.

Theo nội dung bản án, HĐXX có đủ cơ sở kết luận Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Công ty Gang thép Thái Nguyên do TISCO làm chủ đầu tư, cấp quyết định đầu tư là HĐQT Tổng công ty Thép Việt Nam (VNS). Năm 2007, đơn vị trúng thầu xây dựng là Tập đoàn KH-CN và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC). Giá trị hợp đồng trọn gói hơn 160 triệu USD.

Các bị cáo trong vụ án đã không thực hiện đúng quy định của pháp luật, không đạt được hiệu quả của dự án mà còn gây thất thoát số tiền đặc biệt lớn.

Cụ thể, sau hơn 11 tháng khởi công, MCC chưa hoàn thành thiết kế chi tiết các hạng mục, chưa lựa chọn và ký được hợp đồng với nhà thầu phụ, chưa thi công bất kỳ hạng mục nào của gói thầu nhưng đề nghị kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng. MCC còn đề nghị điều chỉnh giá hợp đồng EPC.

Theo HĐXX, bị cáo Mừng và bị cáo Mai Văn Tinh (nguyên Chủ tịch HĐQT VNS) đã chỉ đạo các cá nhân có liên quan thuộc TISCO và VNS tổ chức, thực hiện việc điều chỉnh dự toán chi phí phần C, tham gia ký hợp đồng thầu phụ thực hiện phần C của Hợp đồng EPC số 01 theo hình thức hợp đồng theo đơn giá…, tạo điều kiện để MCC có lý do chối bỏ trách nhiệm thực hiện Hợp đồng trên, chấp thuận không có căn cứ VINAINCON làm nhà thầu phụ thực hiện phần C của Hợp đồng EPC số 01, trong khi VINAINCON không đủ năng lực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNS) được giảm án