Văn hóa - Du lịch

“Tống cựu nghinh tân” đón chào những may mắn trong năm mới

N.T.D 08/02/2024 17:09

Một trong những phong tục, nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt mỗi dịp Tết đến, xuân về là tục “Tống cựu nghinh (nghênh) tân”, đưa cái cũ đi, đón cái mới đến. Người dân dọn dẹp, sơn sửa nhà cửa, tống tiễn những khó khăn vất vả năm cũ và dành chỗ cho những may mắn trong năm mới.

Trải qua bao biến động của thời gian, các phong tục tập quán của người Việt trong dịp Tết Nguyên đán vẫn được gìn giữ. Một trong những phong tục trở thành thông lệ và có ý nghĩa vô cùng quan trọng đó là dọn dẹp nhà cửa trước Tết để "Tống cựu nghinh tân".

Theo quan niệm truyền thống, Tết Nguyên đán có ý nhĩa nhân văn vô cùng sâu sắc, thể hiện sự trường tồn và khao khát của con người về sự hài hòa Thiên – Địa – Nhân. Tết Nguyên đán là cái Tết đầu tiên trong năm gắn liền với những hình ảnh hoa đào, bánh chưng xanh, câu đối đỏ và những mong muốn một khởi đầu may mắn, bình an, tốt đẹp.

affqwwq.jpg
Ảnh minh họa.

Đây cũng là dịp mọi người trở về nhà sum họp, quây quần bên nhau sau một năm dài bộn bề với bao công việc, cùng nhau “Tống cựu nghinh tân”: vứt bỏ những muộn phiền, lo toan, những thứ xui xẻo, khó khăn vất vả; chuẩn bị đón những điều tươi mới, tốt đẹp trong năm mới. Bởi vậy, người Việt đều mong muốn ngôi nhà của mình được gọn gàng, sạch sẽ, thơm tho và bày biện, trang trí rực rỡ trong dịp Tết.

ewwef.jpg
Ảnh minh họa.

Đồng thời, người Việt từ bao đời nay luôn quan niệm một ngôi nhà khang trang, sạch sẽ, gọn gàng, ngăn nắp dịp đầu năm sẽ đón được nhiều may mắn, hạnh phúc vào nhà. Và phong tục dọn dẹp nhà cửa đón Tết đã trở thành một nét văn hóa không thể thiếu trong mỗi gia đình Việt trong dịp này.

Phong tục dọn dẹp nhà cửa thường được nhiều gia đình thực hiện sau khi làm lễ đưa ông Công ông Táo về trời. Mọi người, mọi nhà sẽ dọn dẹp gọn gàng sạch sẽ từ trong nhà ra đến ngoài cửa, nhiều ngôi nhà còn được “thay áo mới”, bàn ghế, đồ dùng trong gia đình được lau chùi, sắp xếp lại. Công việc dọn dẹp nhà cửa sẽ được kết thúc vào ngày 29-30 Tết. Đây như một bước đệm để chào đón phúc lộc, tài khí và an khang, thịnh vượng.

ewfewfew.jpg
Ảnh minh họa.

Ngoài ý nghĩa đó thì một ngôi nhà thơm tho, ngăn nắp và đầy đủ hơn sẽ giúp các thành viên trong gia đình được gắn kết hơn, có được tâm trạng phấn chấn, vui tươi để sẵn sàng cho những dự định, kế hoạch trong năm mới. Đồng thời, các thành viên trong gia đình cũng sẽn tự tin hơn trước những người bạn đến chơi Tết với gia đình.

Cùng đi qua các phố phường khắp cả nước trong những ngày cuối năm sát Tết này chắc hẳn ai cũng bị cuốn theo sự hối hả, tất bật sắm sửa cho Tết Nguyên đán. Đến ngày 29 tháng Chạp, “dấu hiệu Tết” hầu hết đã xuất hiện trong các gia đình, ngôi nhà được dọn dẹp sạch sẽ, ngăn nắp và trang trí rực rỡ với những câu đối đỏ, hoa đào, hoa mai...

quqwffqw.jpg
Ảnh minh họa.

Chị T.T. Ngân (TP Hưng Yên, Hưng Yên) chia sẻ: "Năm nào cũng vậy, từ 23 tháng Chạp cả nhà tôi đã cùng nhau bắt đầu dọn dẹp nhà cửa, sắp xếp lại đồ đạc với quan niệm dọn bỏ những điều không may của năm cũ để tạo một không gian sống tươi mới, chuẩn bị đón năm mới với những điều may mắn, tài lộc hơn”.

Cùng chia sẻ về việc dọn dẹp nhà cửa trước Tết, anh T.H.Tiến (Huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) cho hay: "Dọn dẹp nhà cửa chuẩn bị đón Tết đã trở thành một thói quen của các thành viên trong gia đình của tôi từ lâu. Vì mỗi người ai ai cũng đều mong muốn ngôi nhà của mình sạch đẹp, mới mẻ để đón chào những may mắn, bình an trong năm mới. Đặc biệt, việc dọn nhà cùng nhau giúp các thành viên trong gia đình được chia sẻ và gắn kết, gần gũi hơn với nhau, xóa bỏ mọi muộn phiền, lo toan, chuẩn bị một tinh thần tươi mới, hân hoan để đón chào năm mới”.

qwqff.jpg
Ảnh minh họa.

Những năm gần đây, ngoài việc dọn dẹp, trang trí nhà cửa bằng các cây hoa, cây cảnh thì nhiều nhà còn trang trí góc Tết xưa. Không gian Tết xưa trong những ngôi nhà hiện đại đã góp phần giáo dục các thành viên trong gia đình, đặc biệt là thế hệ trẻ những giá trị của Tết Việt. Qua đó gìn giữ và tôn vinh nét đẹp văn hóa, tín ngưỡng của Tết Nguyên đán.

Ngoài tục dọn dẹp, trang hoàng lại nhà cửa trước Tết Nguyên đán thì người Việt cũng rất quan tâm dọn dẹp bày biện lại bàn thờ - “ngôi nhà của gia tiên” để đón gia tiên về ngự trong “ngôi nhà” sạch sẽ, thơm tho, gọn gàng, sum vầy đón tết cùng con cháu. Đây là việc làm tỏ lòng thành kính của con cháu đối với gia tiên - một nét văn hóa tín ngưỡng của người Việt được gìn giữ qua bao đời.

Trong phong thủy, không phải đồ vật nào cũng có thể giữ lại trong nhà vì được cho là không tốt với đường tài lộc của gia chủ. Cùng với việc dọn dẹp nhà cửa các gia đình cũng nên bỏ đi những đồ cũ, hỏng như: Tấm thảm cũ, quần áo cũ, rách, giày rách hỏng hoặc đã lâu không sử dụng, đồng hồ chết, gương vỡ, hoa héo, cây chết...

Vì vậy, để công việc và cuộc sống của bạn được cải thiện hơn, hãy thay đổi thói quen dùng hoa khô mà thay vào đó là những bình hoa tươi đầy sức sống và đừng quên thay mới thường xuyên khi hoa đã tàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Tống cựu nghinh tân” đón chào những may mắn trong năm mới