Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: Không liêm, không sạch thì không nói được ai

Trọng Bằng| 27/11/2020 18:06
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Khẳng định kiểm tra là một chức năng lãnh đạo của Đảng, là nhiệm vụ của toàn Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng lưu ý, cán bộ kiểm tra phải là những chiến sỹ kiên cường, có dũng khí đấu tranh, chính trực và hơn ai hết phải liêm, phải sạch. Không liêm, không sạch thì không nói được ai, không kiểm tra, giám sát, không kỷ luật được người khác.

Ngày 27/11, tại Hà Nội, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Cùng dự có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đại diện lãnh đạo các bộ, ban ngành và đại diện lãnh đạo Ủy Ban kiểm tra các cấp trong cả nước.

Đây là hội nghị rất quan trọng nhằm đánh giá, khẳng định những việc làm được, thấy rõ những hạn chế, trao đổi kinh nghiệm giữa các cấp ủy, tổ chức đảng, Ủy ban kiểm tra các cấp và đặc biệt là chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

tbt-gs.jpg
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: Kiểm tra là một chức năng lãnh đạo của Đảng, là nhiệm vụ của toàn Đảng; lãnh đạo mà không kiểm tra coi như không lãnh đạo

Phát biểu tại hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao những kết quả đạt được của ngành kiểm tra trong nhiệm kỳ qua đã góp phần tích cực, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, vai trò và tầm quan trọng của ngành kiểm tra trong việc giữ gìn sự trong sạch của Đảng.

 Bên cạnh đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng chỉ rõ một số tồn tại hạn chế như một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa quan tâm đúng mức công tác kiểm tra giám sát, việc kiểm tra, giám sát còn dàn trải, hình thức, chưa thực sự đi sâu vào các lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm, còn có tổ chức đảng thiếu bản lĩnh, dĩ hòa vi quý, cá biệt có dấu hiệu bao che cho cán bộ đảng viên có chức, có quyền vi phạm, sự phối hợp công tác giữa Ủy ban kiểm tra với các cơ quan có liên qua có lúc, có việc thiếu chặt chẽ.

Cho rằng hiện nay, đất nước ta đang đứng trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới với nhiều thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Sự nghiệp đổi mới, hội nhập quốc tế, phát triển đất nước đang chuyển sang giai đoạn mới, yêu cầu cao hơn, ngày càng đi vào chiều sâu, khó khăn, phức tạp hơn so với trước. Bối cảnh trong nước, quốc tế đã có nhiều thay đổi, đang diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng nêu rõ thực trạng hiện nay, khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên còn có nguy cơ gia tăng về số lượng, phức tạp và nghiêm trọng hơn về mức độ, tính chất, quy mô và tinh vi trong cách vi phạm. Các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, "lợi ích nhóm," "bệnh thành tích," "tư duy nhiệm kỳ," "lạm quyền," "lộng quyền," vi phạm nguyên tắc tổ chức đảng đang còn nghiêm trọng.

Cùng với việc quán triệt, thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII và các văn bản của Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; phương hướng, nhiệm vụ công tác kiểm tra, giám sát nhiệm kỳ khoá XIII mà Báo cáo tại Hội nghị đã nêu, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng và Ủy ban kiểm tra các cấp cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau đây:

Một là, phải tiếp tục nhận thức thật sâu sắc và đầy đủ hơn nữa vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Ủy ban kiểm tra các cấp.

Kiểm tra, giám sát là một trong những phương thức lãnh đạo của Đảng, một bộ phận quan trọng trong toàn bộ công tác xây dựng Đảng. Đảng ta khẳng định, kiểm tra là một chức năng lãnh đạo của Đảng, là nhiệm vụ của toàn Đảng; lãnh đạo mà không kiểm tra coi như không lãnh đạo. Mọi tổ chức đảng và đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng và đều phải chịu sự kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật của Đảng. Kiểm tra, giám sát là "thanh bảo kiếm để chữa lành các vết thương."

Hai là, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước theo hướng tăng cường trách nhiệm, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng. Tập trung hoàn hiện cơ chế kiểm tra, giám sát đối với công tác cán bộ, thực thi quyền lực của người có chức, có quyền; sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; phòng, chống tham ô, lãng phí, lợi ích nhóm. Khuyến khích và bảo vệ cán bộ, đảng viên, người đứng đầu dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì sự phát triển của đất nước.

Tăng cường phối hợp giữa kiểm tra, giám sát của Đảng với thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử của Nhà nước, chống tư tưởng quyền anh, quyền tôi, "cua cậy càng, cá cậy vây”. Có cơ chế phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội, truyền thông, báo chí và nhân dân đối với công tác kiểm tra, giám sát.

Ba là, công tác kiểm tra, giám sát phải được tiến hành thường xuyên, toàn diện, công khai, dân chủ, thận trọng và chặt chẽ, trong đó lấy cảnh báo, phòng ngừa, ngăn chặn là chính. Phải giữ vững các nguyên tắc của Đảng, coi trọng chứng cứ, không suy diễn, không áp đặt, không thành kiến, thực hiện đúng phương châm "Chủ động, chiến đấu, giáo dục, hiệu quả." Kết hợp chặt chẽ giữa xây và chống; xây là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược lâu dài; chống là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách.

Bên cạnh việc phát huy hiệu quả công tác kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, cần tăng cường nâng cao chất lượng công tác kiểm tra chấp hành và công tác giám sát. Đây là việc làm thường xuyên, có tính phòng ngừa, kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh, ngăn chặn những hành vi vi phạm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thiếu gương mẫu trong cuộc sống với mục đích "trị bệnh cứu người," giữ được cán bộ.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng nêu rõ, nhiệm kỳ qua, chúng ta đã có nhiều cố gắng và xử lý có kết quả nhiều tổ chức đảng và đảng viên vi phạm, góp phần quan trọng vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Sắp tới cần phải tập trung kiểm tra toàn diện hơn các lĩnh vực như sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; về chấp hành nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, lĩnh vực kinh tế-tài chính, hành chính, tư pháp, lĩnh vực y tế, giáo dục, quản lý báo chí, sử dụng nguồn viện trợ, tài trợ của nước ngoài, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và đặc biệt là kiểm tra công tác tổ chức và cán bộ.

Chú trọng kiểm tra, giám sát cán bộ có biểu hiện tham nhũng; bị nhiều phản ánh, tố cáo tham nhũng; cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và cán bộ được quy hoạch vào các vị trí lãnh đạo, quản lý.

Kiên quyết xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong công tác cán bộ. Tập trung chỉ đạo kiểm tra những nơi có vấn đề phức tạp, dư luận quan tâm, các lĩnh vực, địa bàn dễ nảy sinh tiêu cực, tham nhũng.

Khi đã phát hiện có dấu hiệu vi phạm phải kịp thời kiểm tra, xem xét, giải quyết dứt điểm; kết luận rõ ràng, minh bạch; xử lý phải công tâm, khách quan; việc xử lý kỷ luật phải nghiêm minh và công khai kết quả xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng để góp phần giáo dục, răn đe, cảnh tỉnh, ngăn ngừa vi phạm.

Bốn là, các cấp ủy, nhất là người đứng đầu, phải tổ chức thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng theo chức năng, nhiệm vụ và tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn cấp ủy, tổ chức đảng cấp dưới thực hiện công tác kiểm tra, giám sát.

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, rõ rệt hơn trong công tác kiểm tra, giám sát ở địa phương, cơ quan, đơn vị mình. Khắc phục cho được tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm trong công tác kiểm tra, giám sát.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng đề nghị Ủy ban Kiểm tra Trung ương tăng cường chỉ đạo Ủy ban kiểm tra cấp dưới trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng; tránh tình trạng "trông chờ, nghe ngóng," "nhẹ trên, nặng dưới" hoặc bao che sai phạm của các địa phương, cơ quan, đơn vị.

Năm là, để hoàn thành nhiệm vụ kiểm tra, giám sát trong bối cảnh hiện nay, điều quan trọng quyết định là phải tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ kiểm tra; phải tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Các cơ quan kiểm tra cùng với các cơ quan nội chính, thanh tra, điều tra, kiểm sát, xét xử phải thật sự là những "thanh bảo kiếm" sắc bén, có phẩm chất đạo đức trong sáng, trong sạch, chí công vô tư, có dũng khí đấu tranh ngăn chặn những việc làm sai trái, lợi ích nhóm, mưu lợi cá nhân.

Cán bộ kiểm tra phải là những chiến sỹ kiên cường, có bản lĩnh, nắm chắc các cơ chế, chính sách, Điều lệ Đảng, các quy chế, quy định của Đảng và Nhà nước; đặc biệt phải có dũng khí đấu tranh, chính trực và hơn ai hết phải liêm, phải sạch. Không liêm, không sạch thì không nói được ai, không kiểm tra, giám sát, không kỷ luật được người khác.

Phải chống tiêu cực ngay trong các cơ quan và cá nhân những người làm công tác chống tiêu cực. Phải không ngừng nâng cao trình độ, kiến thức; luôn phấn đấu, rèn luyện tác phong công tác, không kiêu ngạo, không say sưa với thành tích, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, tâm huyết, kiên quyết và trách nhiệm cao trong nghề nghiệp; phải thực sự gương mẫu trong cuộc sống và công tác, thực sự công tâm, khách quan, đặt lợi ích của Đảng, của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết, trước hết. Phải là những "Bao công" trong thời đại mới.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lưu ý, nhiệm vụ công tác kiểm tra, giám sát trong thời gian tới hết sức nặng nề. Cán bộ kiểm tra luôn phải đối mặt, đấu tranh với những sai phạm, tiêu cực của đồng chí, đồng đội và cả những người thân; luôn phải đấu tranh với chính mình để không phạm phải những cám dỗ đời thường.

“Đó là thách thức không nhỏ. Tôi chia sẻ với những khó khăn, thách thức mà các đồng chí đang phải đối mặt; song, Đảng, nhân dân tin tưởng vào bản lĩnh, ý chí của người cán bộ kiểm tra-người lính xung kích trên mặt trận đấu tranh với những sai phạm, tiêu cực trong Đảng”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước bày tỏ tin tưởng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: Không liêm, không sạch thì không nói được ai