Chưa bao giờ người nuôi tôm ở Đồng bằng sông Cửu Long lao đao như năm nay bởi tôm chết trên diện rộng. Những năm trước khi vào mùa mưa nông dân đã bắt đầu thu hoạch tôm sú nhưng năm nay đồng tôm xơ xác. Từ giữa tháng 3 đến nay, tôm nuôi ở các tỉnh ven biển bắt đầu nhiễm bệnh và chết hàng loạt.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Thị Xuân Thu khảo sát tình hình tôm chết ở Sóc Trăng ngày 25-5-2011
Nuôi tôm không khoa học
Tại tỉnh Bạc Liêu, tôm nuôi công nghiệp, bán công nghiệp chết 2.650/8.600ha. Chỉ có diện tích hơn 80ha nuôi tôm theo phương thức quảng canh thì chưa thấy tôm chết.
Chỉ tính riêng ở tỉnh Sóc Trăng thiệt hại có thể đã trên 1.000 tỷ với 92% diện tích mặt nước thả nuôi bị nhiễm bệnh và chưa có dấu hiệu dừng lại. Điều đáng quan ngại, dịch bệnh hoành hành trước sự gần như là “bó tay” của các cơ quan chuyên môn và cả các nhà khoa học. Tính đến cuối tháng 5, toàn tỉnh đã có 6.806 hộ nuôi với diện tích tôm bị thiệt hại 6.197ha, số lượng 337,5 triệu con tôm giống nuôi từ 1,5-2,5 tháng. Trong đó, khoảng 4.200 hộ phải thu hoạch “non” 960 tấn tôm kích cỡ từ 100-120 con/kg, bán giá 45.000- 50.000 đồng/kg bằng 25-30% so với giá tôm thu hoạch đúng kỳ.
Ông Võ Thành Quân, Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Tố, huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng, cho biết: “Toàn xã thả nuôi được 800ha, nhưng theo thống kê chưa đầy đủ đã bị thiệt hại 90%, trong đó có nhiều hộ thả đi thả lại 3-4 lần nhưng tôm vẫn chết”.
Ông Nguyễn Văn Nhiệm, Chủ tịch Hiệp hội tôm Mỹ Thanh, huyện Trần Đề nói: “Diện tích nuôi tôm của các hội viên trên 2.600ha, đến nay có hơn 1.300ha thả nuôi bị thiệt hại gần như hoàn toàn. Hiện chúng tôi khuyên các hội viên vệ sinh ao nuôi, chờ điều kiện thuận lợi sẽ thả tiếp. Chưa năm nào người nuôi tôm bị thiệt hại nhiều như năm nay”. Thông tin từ Chi cục Thú y tỉnh Sóc Trăng ước tính, thiệt hại của người nuôi tôm trong tỉnh này có thể đã trên 1.000 tỷ đồng.
Còn ở Trà Vinh, huyện Duyên Hải là địa phương nuôi tôm chủ lực của tỉnh, Phòng NN&PTNT cho biết, cũng đã xuất hiện tình trạng tôm chết rải rác. Trước tình hình dịch bệnh trên khiến người nuôi tôm phải thu hoạch sớm hơn dự kiến.
Ông Nguyễn Văn Khởi, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Sóc Trăng, cho biết: “Toàn tỉnh Sóc Trăng có khoảng 48.000ha nuôi tôm sú, vụ này nông dân thả nuôi được khoảng 23.500ha nhưng đến nay đã chết khoảng 16.500ha, hiện nay tôm vẫn chết rải rác. UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng kiểm tra, tìm giải pháp nhằm hạn chế thiệt hại cho người nuôi tôm nhưng điều này là rất khó bởi tôm chết ồ ạt, không thể kiểm soát được”.
Chưa có thuốc đặc trị
Ông Lương Ngọc Lân, Giám đốc Sở NN&PTNT Bạc Liêu, cho biết, Sở đã mời cán bộ Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II về nghiên cứu tìm nguyên nhân. Theo thông tin ban đầu từ Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II, tôm chết tại các tỉnh ĐBSCL trong thời gian qua chủ yếu do hoại tử trên gan, tụy; bệnh lây nhanh qua môi trường nhiệt độ cao và độ mặn cao. Phương pháp cải tạo ao trước khi nuôi và phòng ngừa là chính, chứ chưa có loại thuốc đặc trị bệnh này. Còn ông Nguyễn Văn Khởi, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Sóc Trăng nói: “Không có thuốc trị thì rất khó ngăn chặn dịch bệnh”.
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu, tỉnh Sóc Trăng cần có biện pháp cứng rắn hơn trong công tác quản lý nguồn nước nhằm nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường đối với người nuôi. Thứ trưởng nhấn mạnh rằng, hiện nay người nuôi đang “tự giết mình” bằng việc hủy hoại môi trường nước mà không hay. Thứ trưởng cũng đề nghị các đơn vị trực thuộc Bộ phối hợp cùng ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng tập trung giám sát môi trường, nghiên cứu dịch tễ để có thể xác định được những tác nhân có thể gây ô nhiễm môi trường, từ đó có biện pháp khống chế hiệu quả.
NHÓM PV MIỀN TÂY