Kết quả của cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở ngày 1-4-2009 tại Việt Nam cho thấy số lượng người cao tuổi đang tăng nhanh hơn bất kỳ nhóm dân số nào khác, chỉ số già hóa dân số gia tăng nhanh chóng, trong khi đó tỷ số hỗ trợ tiềm năng lại giảm đáng kể.
Một buổi khám bệnh cho các cụ già cao tuổi nông thôn
Thông tin này được đưa ra tại buổi họp báo “Già hóa dân số Việt Nam: các thách thức đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước” do Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình, và Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tổ chức vừa qua tại Hà Nội.
Chỉ số già hóa dân số Việt Nam tăng nhanh
Theo đánh giá của UNFPA, Việt Nam đang già hóa với một tốc độ chưa từng có trong lịch sử do tuổi thọ bình quân ngày càng tăng lên trong khi tỷ suất sinh và tỷ suất chết giảm.
Tiến sĩ Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình cho biết, theo Tổng điều tra dân số và nhà ở ngày 1-4-2009, số người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên là 9% thì đến năm 2010, tỷ lệ này là 9,4% (tăng 0,4%). Theo Tiến sĩ Trọng, thời điểm này, Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn “già hóa dân số”. Ông cũng dự báo, trong tương lai, tốc độ già hóa sẽ không phải 0,4%/năm mà sẽ là 0,5%-0,6% và đến năm 2025, Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ dân số “già”.
Đáng chú ý, thời gian để Việt Nam chuyển đổi từ cơ cấu dân số “già hóa” sang cơ cấu dân số “già” sẽ ngắn hơn nhiều so với các quốc gia có trình độ phát triển cao hơn. Nếu Thụy Điển phải mất tới 85 năm, Nhật Bản 26 năm, Thái Lan là 22 năm để chuyển từ “già hóa” sang “già” thì dự báo ở Việt Nam, thời gian này là khoảng 20 năm.
Theo Tiến sĩ Giang Thanh Long, Phó Viện trưởng Viện Chính sách công và Quản lý, Đại học Kinh tế quốc dân, trong khi tuổi thọ của người Việt ngang với tuổi thọ của người cao tuổi ở các nước có thu nhập cao hơn, thì “tuổi thọ khỏe mạnh” của họ lại thấp hơn. Trung bình, mỗi người cao tuổi ở Việt Nam phải chịu gánh nặng bệnh tật tới 14 năm trong tổng số hơn 70 năm sống trong cuộc đời. Chi phí chữa bệnh cho một người cao tuổi gấp 7-8 lần so với chi phí chữa bệnh cho một trẻ em.
Hiện nay, Việt Nam có khoảng 73% người cao tuổi sống ở nông thôn, trong số đó, rất ít người được hưởng lương hưu hoặc trợ cấp, đa phần sống bằng sức lao động của mình hoặc hỗ trợ từ gia đình. Thực tế này rất đáng quan tâm bởi trong lúc đất nước bắt đầu hội nhập sâu rộng mà có tới 70% người cao tuổi không có tích luỹ về mặt vật chất cho tuổi già. Do vậy, một loạt các vấn đề kéo theo, đặc biệt là nhu cầu lớn nhất của người cao tuổi (dù có khác nhau theo vùng miền, trình độ) phần lớn là mong được chăm sóc sức khoẻ.
Về đời sống vật chất, tinh thần, 60% số cụ cho là họ sống khó khăn, song chỉ khoảng 13% các cụ gặp trắc trở về tinh thần, 20% cảm thấy thoả mái, còn lại cảm thấy bình thường. Kết quả của cuộc Tổng điều tra cũng cho thấy số lượng phụ nữ cao tuổi chiếm ưu thế so với nam giới cao tuổi, tập trung vào phụ nữ goá chồng, cứ 100 cụ ông thì có tới 140 cụ bà, tuổi càng cao thì số cụ bà lại càng nhiều hơn so với số các cụ ông. Đây chính là biểu hiện của hiện tượng “nữ hóa dân số cao tuổi.” Ở Việt Nam, phụ nữ cao tuổi thường phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn so với nam giới cao tuổi xét về thu nhập, tình trạng khuyết tật và khả năng tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm y tế.
Theo khảo sát của Tổng cục Thống kê, có từ 60-70% người cao tuổi có bệnh, cần được chăm sóc sức khoẻ, bao gồm các nhu cầu về giáo dục sức khoẻ, dinh dưỡng; về điều trị các bệnh cấp và mãn tính; nhu cầu về điều kiện để thực hiện chăm sóc dài ngày, phục hồi chức năng, điều dưỡng; về dinh dưỡng và các bệnh liên quan đến dinh dưỡng. Thống kê còn cho thấy, trung bình một người cao tuổi mắc 2,69 bệnh.
Thực tế, sau khi Pháp lệnh Người cao tuổi và các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành có hiệu lực, ngành y tế đã chỉ đạo các cơ sở y tế cả nước thực hiện tốt công tác này. Nhưng hệ thống chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi vẫn chưa được tổ chức thành hệ thống.
Hiện nay, vấn đề khó khăn là còn một số yếu tố làm ảnh hưởng đến sự tiếp cận dịch vụ y tế của những người cao tuổi như tâm lý (người già thường không chủ động và nhiều khi ngại vì sợ phát hiện ra bệnh nên thường không chủ động đi khám, sớm phát hiện và chữa bệnh), điều kiện kinh tế, cơ sở y tế xa xôi...
Những thách thức
Già hóa dân số là xu hướng tất yếu khi kinh tế, xã hội mỗi quốc gia ngày một phát triển, đời sống vật chất của người dân được nâng cao. Già hóa dân số không phải là một gánh nặng, tuy nhiên, nó sẽ làm cho gánh nặng kinh tế - xã hội trở nên nghiêm trọng hơn nếu không có những bước chuẩn bị và thực hiện các chiến lược, chính sách thích ứng.
Trong khi phần lớn các nước trên thế giới, cơ cấu dân số già đến sau khi kinh tế đã phát triển, cơ cấu nền kinh tế đã ít nhiều thích ứng với cơ cấu dân số già thì ở nước ta, cơ cấu dân số già đến sớm, khi kinh tế đất nước mới đang trong thời kỳ phát triển. Do đó, các chế độ chính sách đảm bảo cho người cao tuổi được sống vui, sống khỏe, sống có ích, được chăm sóc chu đáo là một bài toán khó khăn.
Thứ nhất, già hóa dân số sẽ khiến cấu trúc gia đình thay đổi. Con người sống lâu hơn, sinh ít con hơn và cũng ít quyền được lựa chọn chăm sóc hơn. Hiện tại, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, tinh thần cho người cao tuổi ở nước ta chưa phát triển, đa số người cao tuổi vẫn sống nương tựa vào con cháu. Các chuyên gia lo lắng, nếu nhịp độ già hóa dân số vẫn tăng nhanh đều như hiện nay thì chỉ trong khoảng vài chục năm tới, người cao tuổi ở nước ta sẽ gặp khó khăn về vấn đề chỗ ở.
Thứ hai, già hóa dân số khiến thời gian sống sau nghỉ hưu tăng lên, làm gia tăng áp lực lên hệ thống y tế và hệ thống trợ cấp lương hưu. Đồng nghĩa với việc hệ thống bảo trợ xã hội cần được cải thiện. Tuy nhiên, việc này không dễ thực hiện bởi ngân quỹ quốc gia còn hạn chế, hệ thống khám chữa bệnh chuyên khoa cho người già chưa phát triển.
Hiện cả miền Bắc mới chỉ có duy nhất Viện Lão khoa Quốc gia là bệnh viện chuyên khoa dành cho đối tượng người cao tuổi. Những chính sách an sinh xã hội cũng mới chỉ trợ giúp, đáp ứng được một phần nhu cầu cơ bản của một bộ phận người cao tuổi như: người già neo đơn, không nơi nương tựa, người trên 85 tuổi...
Thứ ba, già hóa dân số sẽ khiến những thách thức kinh tế mới nổi lên. Cơ cấu dân số trong độ tuổi lao động giảm đi, cơ cấu nghề nghiệp sẽ thay đổi, gánh nặng kinh tế cho người lao động trẻ cũng cao hơn... Tất cả những hệ lụy đó nếu không được giải quyết thỏa đáng sẽ là thách thức to lớn cho sự phát triển toàn diện của đất nước trong tương lai không xa.
Chăm sóc người cao tuổi cả về đời sống vật chất và tinh thần là một nội dung quan trọng trong chính sách mà Đảng và Chính phủ Việt Nam luôn nhấn mạnh trong tất cả các giai đoạn phát triển của đất nước. Tuy nhiên, các chính sách và chương trình này mới chỉ được điều chỉnh một cách từ từ và chậm thay đổi dẫn tới các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi chưa thực sự phát triển; khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng dành cho người cao tuổi còn thấp; quỹ hưu trí dành cho lực lượng lao động cao tuổi chưa thực sự ổn định và còn có nhiều bất cập liên quan tới bất bình đẳng giới và bất bình đẳng giữa các thế hệ; vẫn còn có nhiều bất cập liên quan tới việc thụ hưởng các chương trình an sinh xã hội khác.
Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn già hóa dân số với tốc độ nhanh và thời gian chuẩn bị thích ứng không còn nhiều nên cần phải hoạch định những chiến lược, chính sách thực tế, xác đáng để thích ứng với tình hình đó. Vì vậy, các chính sách, chiến lược cần phải dựa trên các bằng chứng về mối quan hệ qua lại giữa “dân số già” với tăng trưởng kinh tế và phúc lợi xã hội. Điều quan trọng, quyết định nhất chính là việc giáo dục ý thức mỗi cá nhân về việc “lo cho tuổi già từ khi còn trẻ” bởi lo cho mình cũng chính là lo cho gia đình, cộng đồng và các thế hệ tương lai.
Nhật Minh - Phương Dung