Phong trào thi đua

Tòa Hành chính (TAND TP.HCM): Nỗ lực vượt khó, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao

Quang Trung 13/11/2023 - 12:50

Hơn 10 năm qua, lần đầu tiên tỷ lệ giải quyết án hành chính của TAND TP.HCM vượt chỉ tiêu Quốc hội và TANDTC đề ra. Đây là kết quả của sự nỗ lực, phấn đấu vượt khó của tập thể lãnh đạo, Thẩm phán TAND TP.HCM, Tòa Hành chính suốt nhiều năm qua.

Nhận diện những khó khăn, vướng mắc

Chỉ tiêu giải quyết án hành chính luôn là trăn trở, áp lực và cũng là mục tiêu phấn đấu của TAND các cấp, nhưng đối với một thành phố lớn như TP.HCM thì chỉ tiêu này càng khó đạt được.

Mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng suốt hơn 10 năm qua, tỷ lệ giải quyết án hành chính hàng năm của TAND TP.HCM chỉ đạt từ 30 – 40%. Trong khi đó, chỉ tiêu giải quyết án hành chính do Quốc hội đặt ra là trên 60%, riêng chỉ tiêu của TANDTC là phải từ 65% trở lên.

Thẩm phán Trương Thế Trọng, Chánh tòa Tòa Hành chính chia sẻ, án hành chính bản thân nó đã tồn tại nhiều khó khăn, phức tạp. Tất cả quan hệ giữa người dân với nhà nước đều là hành chính, án hành chính bao trùm tất cả các lĩnh vực về hoạt động quản lý nhà nước, từ bị xử phạt vi phạm giao thông đến thuế, hải quan, nhà cửa, đất đai…

Án hành chính chịu sự điều chỉnh của nhiều pháp luật chuyên ngành, liên quan đến nhiều sở, ngành, lĩnh vực. Lượng án thụ lý hàng năm nhiều, tính chất ngày càng phức tạp, Thẩm phán giải quyết án hành chính gặp nhiều khó khăn, phải mày mò, nghiên cứu nhiều văn bản pháp luật chuyên ngành.

z4875503207716_f2e6d1ef4a39dea75b1e61fa27f32b5a(1).jpg
Một phiên tòa xét xử án hành chính

Chẳng hạn như một người nhập bộ sách từ nước ngoài về, hải quan buộc tái xuất do sách chưa được phép lưu hành tại Việt Nam, qua giám định của cơ quan quản lý về văn hóa, hải quan căn cứ vào đó buộc phải tái xuất. Người dân không đồng ý và khởi kiện hải quan, khi giải quyết, Thẩm phán phải thẩm định hồ sơ, đối chiếu với nhiều văn bản pháp luật chuyên ngành.

Mặc khác, theo quy định, người bị kiện có trách nhiệm phải cung cấp tài liệu cho người dân. Tuy nhiên, trên thực tế, việc cung cấp tài liệu của người bị kiện cho người dân, Tòa án lại không đầy đủ. Trong khi đó, đối với án hành chính việc chuẩn bị tài liệu đủ hay không đủ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng xét xử.

Các khiếu kiện vụ án hành chính hiện nay chủ yếu là khiếu kiện đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai. Người bị kiện chủ yếu là UBND, Chủ tịch UBND các cấp. Khi nhận được thông báo triệu tập của Tòa án, người bị kiện hoặc người đại diện theo pháp luật của người bị kiện là Chủ tịch UBND thường ủy quyền cho cấp phó của mình tham gia tố tụng tại Tòa án.

Tuy nhiên cấp phó được ủy quyền thường có văn bản xin vắng mặt trong quá trình giải quyết vụ án vì lý do bận công việc nên thường chỉ có người bảo vệ quyền và lợi ích của người bị kiện (là cán bộ của các sở, ban, ngành, luật sư…) tham gia phiên tòa nhưng không có quyền quyết định.

Việc xin vắng mặt của người bị kiện tại Tòa án tuy không trái pháp luật nhưng gây khó khăn cho việc giải quyết vụ án, ảnh hưởng đến chất lượng kiểm tra, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại, tranh luận để làm rõ các tình tiết của vụ án. Việc đánh giá chứng cứ tại phiên tòa bị ảnh hưởng rất nhiều khi vắng mặt người bị kiện, rất nhiều vụ án đã phải hoãn xét xử hoặc tạm ngừng phiên tòa để xác minh, thu thập bổ sung tài liệu, chứng cứ.

Do vậy, vụ án hành chính thường bị kéo dài, gây tâm lý bức xúc cho người khởi kiện vì không được đối thoại, tranh tụng để làm rõ những vấn đề mà trong quá trình khiếu nại đến các cấp hành chính có thẩm quyền, người khởi kiện chưa được giải thích rõ hoặc tuy đã được giải thích nhưng vẫn còn khúc mắc, chưa thông suốt…

Từ thực tiễn cho thấy, những vụ án nào người bị kiện trực tiếp tham gia phiên tòa thì chất lượng tranh tụng cao, bản chất vụ án nhanh chóng được làm sáng tỏ. Nhiều vụ án thông qua tranh tụng có sự tham gia đầy đủ của các bên đương sự đã làm thay đổi cục diện của việc tranh chấp, do các bên đã nhận thức rõ hơn về vấn đề đang tranh chấp dẫn đến việc người khởi kiện thay đổi yêu cầu khởi kiện hoặc tự nguyện rút đơn khởi kiện; có trường hợp người bị kiện sửa đổi hoặc hủy bỏ quyết định hành chính, chấm dứt hành vi hành chính do nhận thấy có vi phạm.

Bên cạnh đó, số lượng án hành chính thụ lý nhiều, tăng theo từng năm, tính chất càng phức tạp, thiếu người, thiếu phương tiện làm việc cũng là rào cản trong việc giải quyết án hành chính.

Nhiều giải pháp đột phá đạt hiệu quả cao

Từ việc nhận diện những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết án hành chính, lãnh đạo TAND TP.HCM, Tòa Hành chính đã đề ra nhiều giải pháp để tháo gỡ từng khó khăn, vướng mắc cụ thể. Cùng với đó là sự nỗ lực, quyết tâm và đoàn kết của tập thể Tòa Hành chính, tỷ lệ và chất lượng giải quyết án hành chính được nâng lên.

Với 50 biên chế, trong đó 30 Thẩm phán và 20 Thư ký, năm 2023, Tòa Hành chính đã giải quyết 671/1.032 vụ, đạt tỷ lệ 65,02%, trong đó có 996 vụ sơ thẩm, 36 vụ phúc thẩm. Tỷ lệ án bị hủy, sửa 0,64%. Bên cạnh đó, Thẩm phán Tòa Hành chính còn giải quyết 91 vụ án dân sự. Đặc biệt, 100% Thẩm phán của Tòa Hành chính không có án quá hạn luật định.

Thẩm phán Trương Thế Trọng, Chánh tòa Tòa Hành chính chia sẻ, kết quả đạt được là do nỗ lực, quyết tâm, áp dụng nhiều biện pháp. Với phương châm mục tiêu là 1, giải pháp 10, biện pháp phải là 20.

Trước hết là sự quan tâm thường xuyên của Ban lãnh đạo cơ quan, Đảng ủy và tập thể Tòa Hành chính tích cực soát xét, kiểm tra từng hồ sơ vụ án, tháo gỡ kịp thời những vụ việc khó, có vướng mắc. Văn phòng đã phối hợp tốt với Tòa Hành chính sắp xếp phòng xử, trang thiết bị.

z4875501185137_c0ade4ed6188f500676860d1503ba0b3(1).jpg
Phó Chánh án TAND TP.HCM Nguyễn Thị Thùy Dung chụp ảnh với tập thể Tòa Hành chính trước tòa nhà Quốc hội

Ban lãnh đạo, Phó Chánh án phụ trách cùng với Ban lãnh đạo Tòa Hành chính yêu cầu từng Thẩm phán có kế hoạch giải quyết án từ đầu năm, bảng kế hoạch phải thể hiện các nội dung về đối tượng khởi kiện, quyền khởi kiện, thời hiệu khởi kiện, tư cách đương sự trong vụ án, đặc biệt là những công việc Thẩm phán sẽ làm, cần thu thập chứng cứ gì, vướng mắc phát sinh...từ đó giúp cho việc định hướng thu thập chứng cứ của từng hồ sơ, khả năng kiểm tra hồ sơ chặt chẽ, nhanh gọn.

Song song đó, các Thẩm phán Tòa Hành chính được chia thành các tổ Thẩm phán, mỗi tổ đi sâu nghiên cứu và thực hiện việc giải quyết vụ án theo từng lĩnh vực của quản lý nhà nước bị khiếu kiện như: Tổ chuyên thụ lý giải quyết các khiếu kiện liên quan đến nhà đất; nhóm chuyên thụ lý giải quyết các khiếu kiện về thuế; tổ chuyên thụ lý giải quyết các khiếu kiện về xử lý vi phạm hành chính; tổ chuyên thụ lý giải quyết các khiếu kiện về hoạt động của các doanh nghiệp... nếu xảy ra vướng mắc tập thể tổ sẽ cùng nhau bàn bạc, thống nhất, nếu vẫn còn vướng mắc thì trao đổi với tập thể lãnh đạo Tòa. Trường hợp vẫn còn vướng mắc thì trao đổi với Ủy ban Thẩm phán để cùng tháo gỡ.

Định kỳ lãnh đạo Tòa Hành chính kiểm tra kế hoạch giải quyết của từng Thẩm phán.

Mặc khác, Ban cán sự Đảng TAND TP.HCM đã ký Quy chế phối hợp với Ban cán sự Đảng UBND TP.HCM. Từ đó, Tòa TAND TP.HCM thường xuyên gửi văn bản kèm theo danh sách các đơn vị chậm nộp chứng cứ, tài liệu để đề nghị Ban cán sự Đảng UBND TP.HCM chỉ đạo các Sở, ngành, UBND quận, huyện, TP. Thủ Đức sớm phản hồi, có ý kiến và cung cấp chứng cứ cho Tòa. UBND TP.HCM cũng đã kịp thời chấn chỉnh và Tòa đã nhận được phản hồi tích cực từ các Sở, ngành, UBND quận, huyện, TP. Thủ Đức để kịp thời đưa vụ án ra xét xử.

Số lượng án hành chính thụ lý tiếp tục tăng theo từng năm và ngày càng phức tạp, để hoàn thành chỉ tiêu do Quốc hội và TANDTC giao, trong thời gian tới, Tòa Hành chính tiếp tục kế thừa, phát huy những kết quả đã đạt được và rút kinh nghiệm trong công tác xét xử. Tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan có liên quan.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ giải quyết án hành chính cho đội ngũ Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Tòa án. Thường xuyên tổng kết, rút kinh nghiệm, giải đáp vướng mắc trong các quy định của pháp luật cũng như thực tiễn xét xử các vụ án hành chính.

Đồng thời, tiếp tục nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đội ngũ Thẩm phán; khắc phục triệt để tình trạng Thẩm phán nể nang, ngại va chạm khi giải quyết, xét xử các vụ án hành chính.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tòa Hành chính (TAND TP.HCM): Nỗ lực vượt khó, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao