Tòa án Việt Nam và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong bối cảnh hội nhập quốc tế

Nhóm PV| 30/09/2021 21:35
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tại Diễn đàn Pháp luật Quốc tế khu vực Châu Á –Thái Bình Dương lần thứ 11 diễn ra chiều 30/9, TS. Nguyễn Văn Du, Phó Chánh án TANDTC Việt Nam trình bày tham luận với chủ đề: “ Tòa án Việt Nam và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong bối cảnh hội nhập quốc tế”.

Tham luận gồm 4 phần: Tổng quan về pháp luật bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam; Thẩm quyền của Tòa án Việt Nam; Kết quả xét xử và Định hướng nâng cao năng lực giải quyết các vụ án về sở hữu trí tuệ của Tòa án Việt Nam.

chanh-an-du-1(1).jpg
Diễn đàn Pháp luật Quốc tế khu vực Châu Á –Thái Bình Dương lần thứ 11, điểm cầu tại TANDTC.

Trình bày tổng quan về pháp luật bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam, Phó Chánh án Nguyễn Văn Du cho biết có 3 nội dung cốt lõi, gồm:

Thứ nhất, pháp luật Việt Nam bảo hộ các loại đối tượng quyền sở hữu trí tuệ rất đa dạng; quy định rõ các điều kiện bảo hộ đối với từng loại đối tượng, cơ chế xác lập quyền, nội dung quyền, giới hạn quyền, cơ chế bảo vệ, thực thi quyền và các chế tài đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Các quy định về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ được quy định trong Hiến pháp năm 2013, Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009 và 2019) cùng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật này và các Luật khác có liên quan như Luật Khoa học và công nghệ, Luật Hải quan, Luật Chuyển giao công nghệ.

Thứ hai, Việt Nam hiện là thành viên của nhiều Điều ước quốc tế mang tính cốt lõi về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ như Công ước Pa-ri (Paris) về Bảo hộ sở hữu công nghiệp; Công ước Berne về Bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật; Công ước Rome về Bảo hộ người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm và tổ chức phát sóng; Công ước quốc tế về Bảo hộ giống cây trồng mới (Công ước UPOV); Công ước Stockholm về việc thành lập Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO); các điều ước quốc tế về thuận lợi hóa thủ tục đăng ký quốc tế quyền sở hữu trí tuệ, như Hiệp ước Hợp tác sáng chế ; Thỏa ước và Nghị định thư Ma-đrít (Madrid) về Đăng ký quốc tế nhãn hiệu và hiện đang trong quá trình chuẩn bị gia nhập Hệ thống La Hay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp.

Thứ ba, các quy định của Luật sở hữu trí tuệ của Việt Nam là một trong những cơ sở cho việc xây dựng các phương án đàm phán liên quan đến sở hữu trí tuệ trong các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia gần đây như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc; Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu; Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực.

Việc tham gia các công ước, điều ước quốc tế nói trên đã thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc bảo hộ mọi hình thức sở hữu trí tuệ và tìm cách hài hòa hóa, tăng cường các tiêu chuẩn bảo vệ, bảo đảm thực hiện hiệu quả ở cấp quốc gia cũng như quốc tế. Nhiều văn bản pháp luật về sở hữu trí tuệ của Việt Nam đã được sửa đổi, bổ sung nhằm hài hòa hóa và tuân thủ các quy định và nghĩa vụ của quốc gia thành viên trong các hiệp định, hiệp ước nêu trên.

anh-du.jpg
Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Du trình bày tham luận tại hội nghị.

Thẩm quyền của Tòa án Việt Nam trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ
Về thẩm quyền của Tòa án Việt Nam trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, Phó Chánh án Nguyễn Văn Du cho biết: Tòa án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết các vụ án liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ theo thủ tục tố tụng dân sự, tố tụng hình sự và tố tụng hành chính.

Nếu tranh chấp sở hữu trí tuệ thuần tuý là tranh chấp dân sự, thuộc thẩm quyền của Toà án cấp huyện; Nếu tranh chấp sở hữu trí tuệ thuần tuý là tranh chấp dân sự nhưng có đương sự hoặc đối tượng sở hữu trí tuệ ở nước ngoài, thuộc quyền của Toà án cấp tỉnh; Nếu tranh chấp sở hữu trí tuệ giữa cá nhân, tổ chức với nhau và đều có mục đích lợi nhuận được coi là tranh chấp thương mại, kinh doanh và thuộc thẩm quyền của Toà án cấp tỉnh.

Ngoài ra, pháp luật Việt nam cũng xử lý hình sự Tội sản xuất, buôn bán hàng giả; Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm; Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi và Tội lừa dối khách hàng. 

Thẩm quyền giải quyết theo thủ tục hành chính, theo quy định của pháp luật, Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục tố tụng hành chính các khiếu kiện đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính do cơ quan có thẩm quyền ban hành liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ.

Kết quả xét xử các vụ án về quyền sở hữu trí tuệ

Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Du cũng dẫn ra một số kết quả xét xử các vụ án về quyền sở hữu trí tuệ tại Tòa án Việt Nam thời gian qua.

Theo số liệu thống kê, việc xử lý các vụ tranh chấp, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp dân sự tại Tòa án chỉ chiếm tỷ lệ rất thấp. Trong các năm từ 2016 đến 9/2021, các Tòa án Việt Nam đã giải quyết 40 vụ án dân sự và 150 vụ án kinh doanh thương mại. Số lượng các vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị xử lý về hình sự cũng không nhiều, chỉ có 21 vụ án được giải quyết trong thời gian từ 2016 đến 2021.

anh-du2.jpg

Thực tiễn xét xử các vụ án trong lĩnh vực bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho thấy, mặc dù số vụ án đưa đến Tòa án giải quyết không nhiều nhưng có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây và tính chất vụ án ngày càng phức tạp.

Ông cũng nhận định, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, tài sản sở hữu trí tuệ ngày càng đa dạng và phong phú, đặc biệt trong kỷ nguyên công nghiệp 4.0. Dự báo, các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này ngày càng tăng và càng nguy hiểm hơn về tính chất vi phạm, có tổ chức chặt chẽ không chỉ ở Việt Nam mà còn mở rộng đến các tổ chức và cá nhân nước ngoài. Vì vậy Việt Nam cần phải tiếp tục hoàn thiện thể chế, các Tòa án cần nâng cao kiến thức chuyên môn và kỹ năng giải quyết các vụ án trong lĩnh vực này. Điều này đặt ra nhu cầu cấp thiết cho Tòa án Việt Nam là phải chuyên môn hóa việc giải quyết các tranh chấp về sở hữu trí tuệ. Chính vì vậy, Việt Nam đang nghiên cứu khả năng thành lập Tòa sở hữu trí tuệ nhằm chuyên môn hóa hoạt động xét xử các vụ án trong lĩnh vực này.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, Tòa án Việt Nam đã và đang nâng cao chất lượng giải quyết các vụ án về quyền sở hữu trí tuệ theo phương châm đảm bảo sự công bằng, chính xác và nhanh chóng nhằm hướng đến sự tin tưởng của các bên trong tranh chấp, công chúng, các nhà đầu tư nước ngoài vào hệ thống Tòa án Việt Nam. Những thông tin, kinh nghiệm mà quý vị chia sẻ tại Diễn đàn này là nguồn tài liệu quý để Tòa án Việt Nam tham khảo nhằm nâng cao chất lượng xét xử các vụ án về sở hữu trí tuệ tại Việt Nam trong tương lai, Phó Chánh án Nguyễn Văn Du cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tòa án Việt Nam và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong bối cảnh hội nhập quốc tế