Đoàn công tác của TANDTC Việt Nam do đồng chí Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án TANDTC làm Trưởng đoàn đã tham dự Hội nghị cấp cao về liêm chính tư pháp, diễn ra tại Doha, Quatar từ ngày 25-27/02/2020.
Chuyến tham dự được thực hiện theo lời mời của Cơ quan Phòng chống Ma túy và Tội phạm của Liên Hợp quốc (UNODC) và Nhà nước Qatar.
Mạng lưới liêm chính tư pháp toàn cầu là một trong những kết quả chính của Chương trình toàn cầu của UNODC trong việc thực hiện Tuyên bố Doha nhằm mục đích hỗ trợ các quốc gia thành viên tham gia thực hiện các hoạt động cốt lõi của Tuyên bố Doha được thông qua tại Đại hội Liên hợp quốc lần thứ mười ba về phòng chống tội phạm và tư pháp hình sự năm 2015.
Mạng lưới liêm chính tư pháp toàn cầu được ra mắt vào tháng 4 năm 2018 tại Viên, Áo trong một sự kiện cấp cao quy tụ hơn 350 thành viên, bao gồm 35 Chánh án và các thành viên cấp cao khác đại diện các cơ quan tư pháp đến từ 106 quốc gia và 40 hiệp hội tư pháp.
Theo đó, Hội nghị diễn ra với sự tham gia của các Thẩm phán được tổ chức dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc. Sự kiện đã kết luận với việc thông qua các điều khoản tham chiếu của Mạng lưới và Tuyên bố Doha mang tính bước ngoặt về liêm chính tư pháp.
Ngoài ra, Mạng lưới hỗ trợ các cơ quan tư pháp tăng cường liêm chính tư pháp và ngăn ngừa tham nhũng trong hệ thống tư pháp, bao gồm thông qua việc thúc đẩy các cơ hội kết nối mạng lưới, tạo điều kiện tiếp cận các nguồn lực và tập trung vào các thách thức hiện có và liên quan đến liêm chính tư pháp.
Đồng chí Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án TANDTC phát biểu tại Hội nghị cấp cao Liêm chính Tư pháp, Doha 2020
Mục đích của Hội nghị cấp cao thứ hai lần này tại Doha nhằm: nắm giữ các thành tựu của Mạng lưới kể từ khi ra mắt và thảo luận về nhiệm vụ được thực hiện trong các lĩnh vực ưu tiên Kế hoạch hoạt động năm 2018-2019; thảo luận về những thách thức hiện tại và mới nổi liên quan đến liêm chính tư pháp và tìm ra những nỗ lực của các cơ quan tư pháp để giải quyết những thách thức đó; xác định các lĩnh vực ưu tiên cho hoạt động của Mạng lưới trong tương lai.
Tham gia Hội nghị lần này, Đoàn công tác TANDTC Việt Nam do đồng chí Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án TANDTC làm Trưởng đoàn đã tìm hiểu các khuyến nghị mang tính đột phá hướng tới việc làm thế nào để các Thẩm phán và cán bộ Tòa án cùng nhau xây dựng một nền tư pháp trong sạch, liêm chính.
Đoàn công tác TANDTC Việt Nam dự Hội nghị
Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án TANDTC Việt Nam tham gia thảo luận những giải pháp và kết quả mà Việt Nam đang thực hiện trong việc nâng cao liêm chính và đạo đức, ứng xử của Thẩm phán cũng như cán bộ Tòa án. Trong đó, tập trung thảo luận sâu các chủ đề như giáo dục đạo đức tư pháp; cơ chế miễn trừ tư pháp và những thách thức trong quản trị tư pháp; giải quyết các tranh chấp dân sự thông qua trực tuyến-cơ hội và thách thức; các vấn đề liêm chính liên quan đến giới; và sử dụng trí tuệ nhân tạo trong hoạt động tư pháp.
Ngoài ra, đại diện cho Đoàn, đồng chí Nguyễn Trí Tuệ cũng đã chia sẻ và đề xuất những bước đi mang tính chiến lược nhằm tiệm cận với sự phát triển chung và giao thoa giữa các nền tư pháp trên thế giới để cùng nhau xây dựng liêm chính tư pháp cũng như thực hiện nghiêm túc và hiệu quả Tuyên bố Doha.
Trong vòng hơn một năm hoạt động, Mạng lưới liêm chính tư pháp toàn cầu đã tạo nên một thành công lớn từ phong trào toàn cầu để củng cố sự liêm chính tư pháp cũng như mức độ tham gia và quan tâm từ các cơ quan tư pháp. Các hoạt động của Mạng lưới đã được thực hiện dựa trên một kế hoạch hoạt động đầy tham vọng giai đoạn 2018-2019 do Ban cố vấn xây dựng.
Đến nay, Mạng lưới đã đạt được một số thành tựu cụ thể bao gồm: hoàn thiện các Công cụ đào tạo đạo đức tư pháp rộng rãi; sự phát triển của một số sản phẩm tri thức; việc tổ chức các cuộc họp và cơ hội kết nối; và cung cấp hỗ trợ và hướng dẫn đồng cấp.