Hiện nay, Tòa án đã cải cách hành chính, thực hiện công khai, minh bạch trình tự, thủ tục, tạo điều kiện tốt nhất để các tổ chức công đoàn khởi kiện chủ doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật về BHXH.
Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Thanh Hóa, trên địa bàn vẫn còn tình trạng chây ỳ, nợ đọng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) ở nhiều doanh nghiệp ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi chính đáng của người lao động.
Tính đến hết ngày 30/11/2022, trên địa bàn tỉnh có 2.012 doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT, BHTN từ 3 tháng trở lên với số tiền nợ là 410,377 tỷ đồng. Trong đó, có 623 mã đơn vị nợ từ 03 đến dưới 06 tháng với số tiền nợ 39,363 tỷ đồng; 372 mã đơn vị nợ từ 06 đến dưới 12 tháng với số tiền nợ 30,730 tỷ đồng; 483 mã đơn vị nợ từ 12 tháng trở lên với số tiền nợ 229,721 tỷ đồng; 534 mã đơn vị nợ khó thu (giải thể, phá sản, dừng hoạt động sản xuất kinh doanh, chủ bỏ trốn...) đã dừng tính lãi với số tiền nợ 110,526 tỷ đồng.
Cơ quan bảo hiểm đánh giá, có nhiều nguyên nhân dẫn đến các doanh nghiệp, đơn vị chây ỳ, nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN như: Mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát tuy nhiên nhiều đơn vị vẫn chưa phục hồi được hoạt động sản xuất, nhất là đơn vị có số lao động lớn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh; một số đơn vị ngừng hoạt động không có khả năng thanh toán; một số đơn vị chậm được thanh toán vốn các hợp đồng, công trình, dự án dẫn đến không nộp được tiền BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động.
Ngoài ra xuất phát từ ý thức tuân thủ pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN của người sử dụng lao động chưa nghiêm, không thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong việc thu nộp BHXH, BHYT, BHTN, một số đơn vị hành chính sự nghiệp thụ hưởng ngân sách nhà nước cũng nợ BHXH, BHYT, BHTN. Do việc xử lý sau thanh tra, kiểm tra tại các doanh nghiệp nợ còn nhiều hạn chế, chưa có biện pháp xử lý triệt để các trường hợp vi phạm về trốn đóng, nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN. Nhiều doanh nghiệp không thực hiện kết luận sau thanh tra, kiểm tra.
Hiện nay, cơ quan Tòa án đã cải cách hành chính, thực hiện công khai, minh bạch trình tự, thủ tục, tạo điều kiện tốt nhất để các tổ chức công đoàn khởi kiện chủ doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật về BHXH. Trên thực tế số vụ việc được công đoàn lựa chọn đưa ra Tòa án chưa nhiều dẫn tới quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động vẫn bị xâm phạm. Đa phần các tổ chức công đoàn vẫn còn e ngại sự can thiệp, tác động của chủ doanh nghiệp hoặc chưa nắm bắt đầy đủ, toàn diện quy định của pháp luật, dẫn tới tâm lý “vô phúc đáo tụng đình” vẫn đang đè nặng.
Để giải quyết bài toán hóc búa này, BHXH tỉnh Thanh Hóa đã phân công trách nhiệm cho cán bộ lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc thu nợ; hằng tháng gửi thông báo kết quả đóng BHXH, BHYT, BHTN đến chủ sử dụng lao động và cử cán bộ chuyên quản đến đơn vị quyết liệt để đôn đốc nộp BHXH, BHYT, BHTN. Thành lập các đoàn thanh tra đột xuất đơn vị nợ và thanh tra chuyên nghành đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN. Gửi Công văn đôn đốc nợ và yêu cầu thực hiện trích chuyển với tất cả các đơn vị nợ từ 03 tháng trở lên; Phối hợp với Phòng thanh tra- kiểm tra rà soát để tham mưu cho lãnh đạo nghành chuyển cơ quan công an những đơn vị có dấu vi phạm việc thực hiện pháp luật về đóng BHXH, BHYT, BHTN.
Tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương ban hành các văn bản chỉ đạo đôn đốc công tác thu nợ BHXH, BHYT, BHTN. Tổ chức triển khai thực hiện nghiêm Công văn số 9647/UBND-KTTC, ngày 06/7/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc chấn chỉnh việc chậm trích, nộp BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; Triển khai thực hiện Quy chế phối hợp số 1999/QCPH-BHXH-TCT ngày 09/7/2021 về chia sẻ dữ liệu và phối hợp công tác giữa BHXH Việt Nam và Tổng cục Thuế.
Tăng cường phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp, Liên đoàn Lao động tỉnh, Công an tỉnh, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Thanh Hóa, Hiệp hội Doanh nghiệp, Đảng ủy Khối cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh và các đơn vị có ký quy chế phối hợp để vận động, đôn đốc các doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT, BHTN chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN.
Duy trì chuyên mục “Nói không với nợ đọng BHXH, BHYT” trên các cơ quan thông tấn báo chí; công khai danh tính các đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tiếp tục phối hợp thu, thu nợ BHXH, BHYT, BHTN trong các doanh nghiệp qua các ngân hàng (Ngân hàng Đầu tư và phát triển, Công Thương, Ngoại thương, Liên Việt Chi nhánh Thanh Hóa, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong công tác đăng ký tham gia, giải quyết các chế độ chính sách về BHXH, BHYT, BHTN cho người tham gia và thụ hưởng. Triển khai đồng bộ việc giao dịch điện tử đối với các đơn vị, doanh nghiệp tham gia BHXH; thực hiện kết nối hệ thống thông tin giám định BHYT; tổ chức tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thông qua dịch vụ bưu chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, người lao động khi tham gia và thụ hưởng chế độ BHXH, BHYT, BHTN.
Cơ quan bảo hiểm tích cực phối hợp với Công an tỉnh Thanh Hóa, Hiệp hội Doanh nghiệp triển khai Điều 214 “Tội gian lận BHXH, BHTN”, Điều 215 “Tội gian lận BHYT”, Điều 216 “Tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động” theo Bộ luật Hình sự đến các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh. Định kỳ hàng quý tổng hợp, báo cáo tình hình nợ BHXH, BHYT, BHTN với Tỉnh ủy, UBND tỉnh, đặc biệt là tình hình trốn đóng, nợ đóng đến Thường trực cấp ủy, HĐND, UBND và các đơn vị hữu quan trên địa bàn để lãnh đạo và phối hợp chỉ đạo, tổ chức thực hiện, đồng thời đề nghị không biểu dương khen thưởng các doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT, BHTN.