(Tiếp theo kỳ trước)
Trong thời điểm trước ngày Toàn quốc kháng chiến, các Tòa án Quân sự đã trấn áp nhiều phần tử phản cách mạng, như đã tuyên xử tử hình tên quản Dưỡng phạm tội bắn vào đoàn nhân dân đi biểu tình ở tỉnh Hà Đông; trừng trị bọn phản động Quốc dân Đảng, Đại việt duy tân đã gây ra nhiều vụ tống tiền, ám sát, gây bạo loạn (ở Vĩnh Yên, Yên Bái, Phú Thọ, Lào Cai...), phá đê sông Cà Lồ (Phúc Yên), điển hình là vụ chôn sống người ở phố Ôn Như Hầu (Hà Nội); vụ âm mưu phá cầu Chim Sơn (Quảng Nam) lật đổ chuyến xe lửa chở bộ đội Nam tiến; vụ Nguyễn Tiến Lãng, một viên quan cao cấp trong triều đình Huế, con nuôi của tên thực dân cáo gà Rơ-nê Rô-banh, Thống sứ Bắc Kỳ v.v...
Từ ngày Toàn quốc kháng chiến (19-12-1946) trở về sau, các Tòa án Quân sự và Tòa án nhân dân đã góp phần tích cực chống những âm mưu đen tối của thực dân Pháp “Dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”, tăng cường chiến tranh gián điệp, tăng cường nội gián, biệt kích, xúc tiến việc đưa những tên phản động nhất trong hàng giáo đạo thiên chúa, trong các đảng phái phản động (Quốc dân Đảng, Đại Việt), trong giai cấp địa chủ vào nắm bộ máy ngụy quân, ngụy quyền hòng tiêu diệt lực lượng kháng chiến, phục hồi lại chính quyền thực dân, phong kiến.
Các Tòa án đã hoạt động lưu động khắp nơi ở cả hậu phương và tiền tuyến, nhiều khi ở sát vị trí của địch và cả trong những vùng du kích, căn cứ du kích nằm sâu trong lòng địch ở Nam Bộ, Bình Trị Thiên, Liên khu 5 và vùng đồng bằng Bắc bộ. Nhiều phiên Tòa đã được tổ chức ngay tại xã, thôn, xóm, ấp có hàng ngàn người tham dự; đã đưa ra xét xử và nghiêm trị bọn việt gian phản động, bọn gián điệp, bọn phản động lợi dụng tôn giáo để hoạt động phá hoại như vụ gián điệp ở Hưng Yên (Nghệ An), Phát Diệm, Châu Sơn (Ninh Bình), Tang Điện, Hạ Trại (Nam Định), Sơn Hà (Tây Nguyên) v.v...
Đặc biệt, các Tòa án nhân dân vùng tạm chiếm đã góp phần bảo vệ chính quyền kháng chiến trong các khu căn cứ du kích, góp phần chống càn quét, chống bắt lính bắt phu, bảo vệ nhân dân, bảo vệ cơ sở cách mạng ở vùng sau lưng địch. Nhiều cán bộ tư pháp hoạt động trong dịch hậu đã chịu đựng gian khổ, sát cánh với nhân dân đấu tranh diệt tề trừ gian, được nhân dân thương yêu, che chở, đùm bọc và tin tưởng.
Từ ngày hòa bình lập lại 1954, các Tòa án nhân dân đã góp phần tích cực trong việc trấn áp bọn gián điệp, chống phá cách mạng như vụ Nguyễn Quang Hải, vụ Trần Minh Châu (tức Cập); bọn thổ phỉ, đặc vụ biệt kích; bọn phản động lợi dụng tôn giáo nhất là đạo Thiên chúa để hoạt động phá hoại, như vụ Quỳnh Yên, bọn cầm đầu các tổ chức phản cách mạng thực hiện âm mưu của Mỹ - Diệm phá hoại công cuộc cải cách xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và gây cơ sở chuẩn bị chiến tranh xâm lược. Nhiều hành động phá hoại của chúng như dụ dỗ, cưỡng ép tổ chức người trốn đi với địch, tung luận điệu phản tuyên truyền, chống phá các chính sách, gây tâm lý chiến tranh, phá hoại thành quả của cải cách ruộng đất, gây những vụ nổi loạn, bạo động, phá hoại trong xí nghiệp, gây phong trào đón vua, xưng vua ở miền núi... đã bị các Tòa án nghiêm trị.
Quán triệt Nghị quyết 39-NQ/TW ngày 20-1-1962 của Bộ Chính trị về việc tăng cường đấu tranh trấn áp bọn phản cách mạng, các Toà án nhân dân đã trừng trị kịp thời và nghiêm khắc mọi hoạt động phản cách mạng, đặc biệt là đối với các hoạt động gián điệp, biệt kích, hoạt động tổ chức phản cách mạng, hoạt động chiến tranh tâm lý, tiến tới quét sạch địch ở miền Bắc, để bảo vệ công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà. Tòa án nhân dân cũng đã thiết thực phục vụ cuộc vận động hợp tác hoá nông nghiệp kết hợp hoàn thành cải cách dân chủ ở miền núi, bằng cách mở phiên Tòa xét xử kịp thời và nghiêm trị một số địa chủ cường hào gian ác, thổ phỉ, đặc vụ, phản cách mạng ở miền núi...
Đồng thời với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ dân chủ cộng hòa, các Tòa án nhân dân cũng đã góp phần cùng với các Tòa án nhân dân đặc biệt nghiêm trị bọn địa chủ cường hào gian ác và bọn địa chủ phản động trên mặt trận phản phong kiến. Từ ngày hòa bình lập lại, trong phạm vi trách nhiệm và khả năng của mình, Tòa án nhân dân cũng đã góp phần xứng đáng trong cuộc đấu tranh giữa hai con đường: Chủ nghĩa xã hội và Chủ nghĩa tư bản, nhằm cải tạo kinh tế cũ và xã hội cũ, xây dựng kinh tế mới, xã hội mới, đời sống mới.
Các Tòa án nhân dân đã xét xử một số vụ vi phạm chính sách kinh tế tài chính như vụ Sầm Văn Bảo và Mạnh Hùng đầu cơ tích trữ thuốc tây; trừng trị những hành động chống lại việc cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh như vụ Núi Điện, vụ Chính Ký ở Hà Nội. Thái độ cương quyết của chính quyền và của các Tòa án nhân dân đã đem lại kết quả tốt là ổn định vật giá, bảo đảm chấp hành nghiêm chỉnh các chính sách kinh tế tài chính và được nhân dân lao động nhiệt liệt hoan nghênh. Qua các vụ án trên đây, Tòa án nhân dân đã cùng với các cơ quan hữu quan góp phần giáo dục cải tạo giai cấp tư sản dân tộc, nâng cao giác ngộ xã hội chủ nghĩa cho quần chúng nhân dân.
Trong 4 năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ (1965 - 1968), các Toà án nhân dân đã đóng vai trò rất quan trọng, góp phần to lớn trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Thực hiện nhiệm vụ chung do Trung ương Đảng đề ra cho toàn Đảng, toàn dân ở miền Bắc là: “Tiếp tục đẩy mạnh cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội, tăng cường bảo vệ miền Bắc, đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của giặc Mỹ; đồng thời tích cực chi viện cho cuộc chiến tranh yêu nước của đồng bào miền Nam, giải phóng miền Nam tiến tới thống nhất đất nước”, mặc dù trong hoàn cảnh có nhiều khó khăn, song nhìn chung trong 4 năm kháng chiến chống chiến tranh pháp hoại của Đế quốc Mỹ, các Toà án nhân dân đã thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác Tòa án trong thời chiến; nhiều cán bộ, Thẩm phán các Tòa án đã cùng nhân dân vừa xét xử, vừa anh dũng chiến đấu và phục vụ chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của địch.
Từ năm 1961 đến năm 1964, các Toà án quân sự đã xét xử trên 40 vụ gián điệp biệt kích, điển hình như vụ án gián điệp biệt kích C47. Thông qua việc xét xử các Toà án quân sự đã trừng trị nghiêm khắc bọn phản cách mạng đồng thời vạch trần âm mưu, thủ đoạn thâm độc của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai của chúng. Các Toà án quân sự còn xét xử trừng trị đích đáng những phần tử phản cách mạng, âm mưu và hành động gây bạo loạn, cướp chính quyền như vụ gây bạo loạn ở Pha Long; vụ gây bạo loạn ở Ninh Bình v.v... Sau năm 1975 các Toà án quân sự đã tập trung giải quyết một số lượng lớn vụ án tồn động trong chiến tranh, trong đó nhiều phần tử đầu hàng, phản bội Tổ quốc, làm tay sai cho địch bị trừng trị nghiêm khắc. Một số loại tội khác như: các tội xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa, xâm phạm tài sản của công dân, xâm phạm vũ khí, trốn tránh nhiệm vụ chiến đấu, đào ngũ, kháng lệnh hành hung cấp trên, gây rối trật tự công cộng v.v... được các Toà án quân sự xét xử kịp thời, nghiêm minh.
Từ năm 1961 đến năm 1975 các Toà án quân sự đã xét xử hơn 5.000 vụ án. Các Toà án quân sự ở miền Nam với danh nghĩa Toà án quân sự cách mạng, Toà án quân sự mặt trận được tổ chức và hoạt động xét xử trên khắp các chiến trường, kịp thời trừng trị bọn ác ôn và những phần tử đầu hàng, phản bội gây tội ác đối với nhân dân.
Bên cạnh việc đấu tranh, trấn án bọn phản cách mạng, Toà án nhân dân đã đóng vai trò quan trọng trong việc trừng trị những hành vi xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa, vi phạm các nguyên tắc, chính sách, chế độ, thể lệ quản lý kinh tế tài chính, quản lý thị trường cũng như trong việc trừng trị những hành vi xâm phạm trật tự, trị an và an toàn xã hội, vi phạm các chính sách lớn của thời chiến. Trong việc xét xử các loại tội phạm này, Toà án đã kết hợp nhuần nhuyễn nguyên tắc trừng trị và nguyên tắc nhân đạo xã hội chủ nghĩa.
Ngay năm đầu thống nhất nước nhà, các Toà án được tổ chức, củng cố trên toàn lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hội nghị toàn quốc đầu tiên của hệ thống Toà án nhân dân tháng 4-1977 đã xác định đúng đắn nội dung cụ thể nhiệm vụ chính trị của các Toà án trong giai đoạn mới, đề ra những biện pháp cụ thể để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị đó.
Đặc biệt, các Toà án đã tăng cường xét xử lưu động tại nơi xảy ra hành vi phạm tội, xác định và xét xử các vụ án điển hình, những vụ án phản cách mạng, âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân, những vụ án xâm phạm nghiêm trọng đến trật tự trị an hoặc những vụ án xâm phạm đến tài sản xã hội chủ nghĩa gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Điển hình là các vụ án nhóm phản động trong tổ chức “Dân quân phục quốc” do tên Nguyễn Việt Hưng cầm đầu, xảy ra tại Nhà thờ Vinh Sơn, được TAND thành phố Hồ Chí Minh đưa ra xét xử công khai tháng 9/1976; Tòa án nhân dân tỉnh An Giang trong năm 1977 đã mở phiên tòa công khai xét xử hàng trăm tên trong tổ chức “Sư đoàn 5 Thanh Long” với âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân, xét xử 16 tên trong cái gọi là “ Mặt trận Liên tôn chống cộng” do Nguyễn Long Châu và Trần Minh tổ chức; Tháng 12 năm 1987, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tòa phúc thẩm Tòa án Nhân dân tối cao đã mở phiên tòa xét xử nhóm phản động trong tổ chức Việt Tân do Hoàng Cơ Minh cầm đầu, cùng đồng bọn tổ chức Chiến dịch Đông tiến II, xâm nhập Việt Nam gây căn cứ ở Tây Nguyên hòng chống phá chính quyền cách mạng Việt Nam..v.v…
Bằng con người thật, sự việc thật qua phiên toà xét xử, các Toà án đã vạch trần thủ đoạn và ý thức phạm tội của các bị cáo, tỏ rõ thái độ kiên quyết trấn áp các hoạt động phản cách mạng, trừng trị nghiêm khắc bọn lưu manh côn đồ hung hãn và những phần tử thoái hoá, biến chất. Do đó, việc xét xử đã có tác dụng giáo dục và phòng ngừa rất tốt, phục vụ kịp thời các cuộc vận động lớn của Đảng và Nhà nước như: Bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, bảo vệ trật tự công cộng và an toàn xã hội, xây dựng cuộc sống mới, con người mới... đặc biệt là ở thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hải Phòng và các tỉnh, thành phố, quận, huyện ở phía Nam sau ngày giải phóng.
Cùng với công tác xét xử các vụ án hình sự, các Toà án nhân dân đã đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các tranh chấp dân sự, các vụ kiện về hôn nhân và gia đình. Đặc biệt, các Toà án đã đóng vai trò rất quan trọng trong việc hướng dẫn, giúp đỡ các Ban tư pháp xã, các tổ hoà giải ở cơ sở nhằm giải quyết tốt các tranh chấp nhỏ trong nhân dân. Sở dĩ đạt được những kết quả to lớn này là do các Toà án các cấp thực hiện tốt phương châm “gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân” như lời Bác Hồ dạy, nắm vững tình hình đặc điểm của tranh chấp dân sự mang tính chất phức tạp, nhất là đặc thù ở vùng mới giải phóng, đồng thời có sự chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời của Toà án nhân dân tối cao.
Trong những năm đầu của giai đoạn 1980-1992, mặc dù đất nước có nhiều khó khăn về kinh tế do thiên tai, chiến tranh ở biên giới phía Bắc và phía Tây Nam của Tổ quốc, song các Tòa án nhân dân đã cùng Toàn Đảng, Toàn dân, Toàn quân, các ngành các cấp phát huy những nhân tố tích cực, khắc phục khó khăn giành nhiều thắng lợi to lớn. Các Tòa án nhân dân đã giữ vai trò rất quan trọng trong công cuộc đấu tranh phòng và chống tội phạm. Nét nổi bật của các Tòa án trong những năm này là đã tăng cường sự phối hợp chặt chẽ với các ngành Công an, Viện kiểm sát đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng và chống tội phạm, phổ biến giáo dục pháp luật, đã xét xử kịp thời, nghiêm khắc đúng pháp luật nhiều vụ án phản cách mạng, nhiều vụ án về kinh tế và trật tự, an toàn xã hội.
Tòa án nhân dân tối cao đã xét xử sơ thẩm đồng thời chung thẩm 5 vụ án hình sự điển hình, trong đó có vụ án Mai Văn Hạnh, Lê Quốc Túy và đồng bọn ở thành phố Hồ Chí Minh phạm các tội “phản quốc” và “gián điệp”. Đây là vụ án gián điệp lớn nhất từ trước tới nay ở nước ta. Các Tòa án đã kết án 96 bị cáo với mức án tử hình và 93 bị cáo với mức án chung thân. Bên cạnh xét xử các vụ án hình sự các Tòa án các cấp đã đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các tranh chấp trong nội bộ nhân dân, các việc về hôn nhân và gia đình., góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự và an toàn xã hội, tăng cường sự đoàn kết trong nội bộ nhân dân trong phạm vi cả nước.
Qua quá trình 70 năm xây dựng và phát triển, vững bước dưới lá cờ vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam; với sự chỉ đạo sáng suốt của Trung ương Đảng và sự giám sát của Quốc hội; sự phối hợp, giúp đỡ, cộng tác, hỗ trợ nhiệt tình, vì nhiệm vụ chung của các cơ quan Ban, Ngành ở Trung ương và các cấp Ủy địa phương; sự nỗ lực phấn đấu, vượt mọi khó khăn của cán bộ, Thẩm phán các Tòa án nhân dân, Tòa án quân sự…Với chức năng nhiệm vụ của mình, các Tòa án nhân dân, Tòa án quân sự các cấp trong toàn quốc đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; làm tốt nhiệm vụ bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ tài sản Nhà nước, bảo vệ danh dự và nhân phẩm của con người, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân như Hiến pháp đã quy định…
(Còn nữa)