Đường lối đổi mới mọi mặt về đời sống xã hội do Đại hội lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng đã tạo tiền đề cho việc nghiên cứu, xây dựng Hiến pháp năm 1992 - Hiến pháp của thời kỳ đổi mới đất nước.
Nhìn chung nhiều quy định của Hiến pháp năm 1992 về tổ chức và hoạt động của Toà án nhân dân được kế thừa các quy định của Hiến pháp năm 1980, tuy nhiên một số quy định của Hiến pháp năm 1992 về tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp nói chung và của Toà án nhân dân nói riêng đã thể hiện rõ nét đổi mới các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của các cơ quan này.
Thứ nhất là, Hiến pháp năm 1992 chỉ quy định “trong tình hình đặc biệt” và cũng chỉ có “Quốc hội có thể quyết định thành lập Toà án đặc biệt”.
Thứ hai là, Hiến pháp năm 1992 đã quy định: “chế độ bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức và nhiệm kỳ của Thẩm phán thay thế cho chế độ bầu cử Thẩm phán được quy định trong Hiến pháp năm 1980”.
Thứ ba là, nếu trong Hiến pháp năm 1980 quy định nhiệm kỳ của Hội thẩm Toà án nhân dân tối cao là hai năm rưỡi; nhiệm kỳ của Hội thẩm nhân dân Toà án nhân dân địa phương là hai năm, thì Hiến pháp năm 1992 chỉ khẳng định nguyên tắc là thực hiện chế độ bầu cử đối với Hội thẩm nhân dân các Toà án các cấp, còn nhiệm kỳ do luật định.
Thứ tư là, Hiến pháp năm 1992 bổ sung một quy định mới rất quan trọng làm cơ sở cho việc thành lập các Toà án khác khi xét thấy cần thiết, ngoài các Toà án đã có ở nước ta trước năm 1992.
Để cụ thể hoá những quy định của Hiến pháp năm 1992 về tổ chức và hoạt động của Toà án nhân dân, ngày 6/10/1992 Quốc khoá IX, kỳ họp thứ nhất đã thông qua Luật tổ chức Toà án nhân dân và được sửa đổi, bổ sung theo các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Toà án nhân dân, được Quốc hội thông qua ngày 28/12/1993 và ngày 28/10/1995. Đồng thời ngày 19/4/1993 Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh tổ chức Toà án quân sự và ngày 14/5/1993 Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm Toà án nhân dân.
Có thể nói rằng việc ban hành các đạo luật và các Pháp lệnh cụ thể hoá các quy định của Hiến pháp năm 1992 về tổ chức và hoạt động của Toà án nhân dân là một bước tiến dài trong công cuộc cải cách tư pháp. Theo các văn bản pháp luật này thì tổ chức và hoạt động của Toà án nhân dân đã được kiện toàn và đổi mới một bước.
Theo Điều 2 Luật tổ chức Toà án nhân dân năm 1992 thì ở nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam có: Toà án nhân dân tối cao; các Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các Toà án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; các Toà án quân sự, các Toà án khác do luật định. Trong tình hình đặc biệt, Quốc hội có thể quyết định thành lập Toà án đặc biệt.
Về cơ cấu tổ chức của các Toà án nhân dân có sự bổ sung căn bản so với các quy định của pháp luật trong các giai đoạn trước năm 1992.
Cơ cấu tổ chức của Toà án nhân dân tối cao gồm có: Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao; Uỷ ban Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao; Toà án quân sự trung ương, Toà hình sự, Toà dân sự, Toà kinh tế, Toà lao động, Toà hành chính và các Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao; bộ máy giúp việc; trong trường hợp cần thiết Uỷ ban thường vụ Quốc hội quyết định thành lập các Toà chuyên trách khác theo đề nghị của Chánh án Toà án nhân dân tối cao.
Cơ cấu tổ chức của Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gồm có: Uỷ ban Thẩm phán; Toà hình sự, Toà dân sự, Toà kinh tế, Toà lao động, Toà hành chính, bộ máy giúp việc; trong trường hợp cần thiết Uỷ ban thường vụ Quốc hội quyết định thành lập các Toà chuyên trách khác theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp sau khi thống nhất ý kiến với Chánh án Toà án nhân dân tối cao.
Đối với cơ cấu tổ chức của Toà án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh mặc dù được giao thêm thẩm quyền xét xử nhưng vẫn giữ nguyên như trước đây không có Uỷ ban Thẩm phán và cũng không có các Toà chuyên trách.
Đối với các Toà án quân sự, thì theo Điều 2 của Pháp lệnh tổ chức Toà án quân sự, có: Toà án quân sự trung ương; các Toà án quân sự quân khu và tương đương; các Toà án quân sự khu vực. Trong cơ cấu tổ chức của Toà án quân sự trung ương được thành lập Uỷ ban Thẩm phán. Tuy nhiên, tổ chức này không có nhiệm vụ giám đốc thẩm như Uỷ ban Thẩm phán của Toà án quân sự quân khu và tương đương.
Lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp của nước nhà, cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã ban hành một văn bản pháp luật riêng biệt về Thẩm phán và Hội thẩm Toà án nhân dân. Trong Pháp lệnh này đã quy định cụ thể tiêu chuẩn của Thẩm phán, Hội thẩm Toà án ở mỗi cấp; nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán, Hội thẩm Toà án. Sau rất nhiều năm, chế độ bổ nhiệm Thẩm phán được khôi phục lại.
Khái quát tổ chức và hoạt động của Toà án nhân dân trong giai đoạn này, có thể thấy rằng bước đầu thực hiện công cuộc đổi mới chúng ta đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, đó là:
Trong cơ cấu tổ chức của Toà án nhân dân tối cao, các Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được thành lập một Toà chuyên trách mới - Toà kinh tế, để giải quyết các tranh chấp kinh tế, tuyên bố phá sản doanh nghiệp, đáp ứng đòi hỏi của nền kinh tế thị trường.
Thực hiện chế độ bổ nhiệm Thẩm phán theo nhiệm kỳ năm năm thay cho chế độ bầu Thẩm phán (được duy trì từ năm 1960 đến năm 1992).
Có quy định cụ thể về tiêu chuẩn Thẩm phán. Đồng thời để bảo đảm cho việc bổ nhiệm Thẩm phán đúng và có chất lượng đã thành lập Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán Toà án các cấp.
Đã có một bước tiến mới trong việc cải cách chế độ tiền lương đối với Thẩm phán, thể hiện sự đánh giá lao động xét xử là một loại lao động quan trọng, cần được sự ưu đãi của Nhà nước.
Về cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ cho hoạt động xét xử của Toà án được chú trọng hơn và được nâng cao lên một bước. Công tác đào tạo mới và đào tạo lại cán bộ công tác ở các Toà án đã được chú trọng và đẩy mạnh thêm một bước.
Chuyển giao việc thi hành án dân sự từ Toà án sang cơ quan tư pháp tạo điều kiện thuận lợi cho Toà án tập trung hoàn thành nhiệm vụ trọng tâm là xét xử.