Trong mối quan hệ với quyền lập pháp và hành pháp thì quyền tư pháp chính là một trong những phương thức thực hiện quyền lực Nhà nước,thông qua hoạt động xét xử của Tòa án đưa ra phán quyết cuối cùng nhằm đảm bảo sự công bằng của công dân trước pháp luật.
Đó là những vấn đề đặt ra khi áp dụng các Luật về tố tụng mới hiện nay nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp (CCTP) mà Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị đã đề ra.
Tòa án là trung tâm của hoạt động tố tụng
Với mục đích giải quyết vụ án hình sự trên cơ sở xác định sự thật khách quan của vụ án đòi hỏi tố tụng hình sự (TTHS) phải được tiến hành bởi nhiều chủ thể khác nhau với sự phân định quyền và nghĩa vụ phù hợp với yêu cầu của các bên tham gia và đều hướng đến mục tiêu chung của TTHS. Trong TTHS, các hoạt động buộc tội, bào chữa và xét xử có quy định cụ thể, các chức năng bào chữa và buộc tội còn đối lập nhau nhưng đều nhằm giải quyết vụ án sao cho không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội trên cơ sở xác định sự thật khách quan. Để đạt mục tiêu đó, trong CCTP vấn đề đặt ra là việc phân định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các chủ thể như thế nào để phù hợp với định hướng chủ yếu của hoạt động tố tụng nói chung chứ không phải là chức năng riêng biệt hay những hành vi tố tụng của chủ thể. TTHS có ba chức năng cơ bản là chức năng buộc tội, bào chữa và xét xử.
Buộc tội là chức năng thực hành quyền công tố của VKSND trong TTHS. Hoạt động này được thực hiện ngay từ khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và được thực hiện trong giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự. Chúng ta đều biết rằng, mặc dù Cơ quan điều tra và cơ quan có thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra có quyền quyết định việc bắt, tạm giữ, tạm giam… nhưng các quyết định đó đều phải được thực hiện bởi VKS. Còn chức năng bào chữa là khả năng mà pháp luật dành cho bị can, bị cáo được đưa ra chứng cứ, lý lẽ, tranh luận… trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử bằng cách tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa. Chủ thể thực hiện quyền bào chữa là bên đối lập với bên buộc tội; phạm vi chức năng bào chữa được bắt đầu từ khi buộc tội và kết thúc khi bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
Hội đồng xét xử của một phiên tòa hình sự
Trong mối quan hệ với hai chức năng trên của VKS và người bào chữa thì chức năng xét xử của Tòa án được coi là trung tâm của TTHS có vai trò quyết định. Bởi lẽ, chỉ có Tòa án thông qua hoạt động xét xử tại phiên tòa mới có quyền quyết định một người nào đó có tội hay không có tội, hình phạt và áp dụng các biện pháp tư pháp.
Kiểm soát các hoạt động tố tụng
Xuất phát từ các nguyên tắc trên, thấy rằng tại phiên tòa xét xử thì các chức năng tố tụng thể hiện một cách rõ nét và đầy đủ nhất, trong đó Tòa án giữ vai trò trọng tài có quyền đưa ra phán quyết cuối cùng về vụ án trên cơ sở các ý kiến, chứng cứ của VKS, luật sư và các quy định của pháp luật. Chức năng buộc tội của VKS có vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện để Tòa án đưa vụ án ra xét xử và là cơ sở cho việc đảm bảo thực hiện tranh tụng tại phiên tòa một cách dân chủ, bình đẳng, công khai, góp phần giúp cho Tòa án ra bản án công minh, đúng pháp luật. Còn chức năng bào chữa có vai trò và ý nghĩa trong việc bảo vệ quyền con người trong TTHS; giúp cơ quan tố tụng giải quyết vụ án trên cơ sở xác định sự thật khách quan của vụ án, bảo đảm mọi hành vi vi phạm pháp luật đều được xử lý nghiêm minh, không để lọt tội phạm và không làm oan người vô tội. Mặt khác, thông qua việc thực hiện chức năng của mình sẽ góp phần hạn chế sự lạm quyền và sự vi phạm pháp luật của bên buộc tội. Còn chức năng xét xử của Tòa án có vai trò trong việc thực hiện quyền lực Nhà nước.
Trong mối quan hệ với quyền lập pháp, hành pháp thì quyền tư pháp của Tòa án chính là một trong những phương thức thực hiện quyền lực Nhà nước, thông qua hoạt động xét xử của Tòa án đưa ra phán quyết cuối cùng mang tính quyền lực Nhà nước nhằm đảm bảo sự công bằng của công dân trước pháp luật. Mặt khác, chức năng này còn góp phần giúp cho xã hội phát triển bền vững, hòa bình và trật tự được đảm bảo, củng cố lòng tin của nhân dân vào trật tự pháp luật. Chức năng xét xử trong TTHS là những đảm bảo pháp lý quan trọng nhất trong việc đảm bảo quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Như vậy, có thể thấy rằng, sự tồn tại ba chức năng tố tụng này là yêu cầu khách quan để đạt được nhiệm vụ chung của TTHS là phát hiện chính xác, nhanh chóng, xử lý công minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội và không bỏ lọt tội phạm. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, khi thực hiện chức năng bào chữa, các chủ thể thực hiện vì lợi ích cá nhân cũng có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích chung của xã hội. Do vậy, Tòa án thông qua hoạt động xét xử của mình cần kiểm soát chức năng buộc tội và gỡ tội, khắc phục những sai sót, vi phạm trong việc thực hiện chức năng buộc tội và chức năng bào chữa, đảm bảo cho quá trình TTHS được vận hành và đạt mục đích của nó, đáp ứng yêu cầu CCTP đặt ra.