Tổ chức xe buýt dành riêng cho phụ nữ: “Không giải quyết được tận gốc vấn đề quấy rối tình dục”

Việt Văn| 27/12/2014 06:30
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Việc có xe buýt dành cho phụ nữ sẽ tạo sự phân biệt đối xử, đẩy xa khoảng cách giữa phụ nữ và nam giới. Đặc biệt, không giải quyết được tận gốc vấn đề quấy rối tình dục” - Đó là ý kiến của TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội.

Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị Hà Nội, bắt đầu từ ngày 5/1/2015, TP. Hà Nội sẽ có xe buýt dành riêng cho phụ nữ và trẻ em.

Trước đó, UBND Tp. Hà Nội đã giao cho Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị Hà Nội - Sở GTVT Hà Nội chủ trì thí điểm xe buýt dành riêng cho phụ nữ. Sở GTVT đang phối hợp với Công ty vận tải Hà Nội (Transerco) tiến hành các công việc cần thiết, dự kiến bắt đầu cho xe buýt dành cho phụ nữ chạy từ ngày 5/1/2015 tới.

Được biết, chủ trương tổ chức xe buýt dành cho phụ nữ được đưa ra sau khi Tổ chức Plan Quốc tế tại Việt Nam, ActionAid Quốc tế tại Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu Giới - Gia đình & Môi trường trong Phát triển cộng đồng công bố kết quả khảo sát, trong đó, 31% nữ sinh từng bị quấy rối trên xe buýt, 20% người chứng kiến trẻ em gái bị quấy rối tình dục trên xe buýt nhưng không hành động gì.... Tuy nhiên, liên quan đến chủ trương này, có nhiều ý kiến băn khoăn trái chiều.

Trao đổi với phóng viên báo điện tử Công lý về chủ trương trên, Tiến sỹ Khuất Thu Hồng, Nhà tâm lý học, Chuyên gia nghiên cứu về giới tính, sức khỏe tình dục - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội đã đưa ra những góc nhìn riêng.

Tổ chức xe buýt dành riêng cho phụ nữ: “Không giải quyết được tận gốc vấn đề quấy rối tình dục”

 Tiến sỹ Khuất Thu Hồng: "Tổ chức xe buýt dành riêng cho phụ nữ sẽ không giải quyết được tận gốc vấn đề tình dục"

PV: Việc có xe buýt dành riêng cho phụ nữ sẽ tác động đến tâm lý xã hội và cộng đồng như thế nào, thưa bà?

TS Khuất Thu Hồng: Về mặt xã hội, việc có xe buýt dành cho phụ nữ sẽ tạo sự phân biệt đối xử, đẩy xa khoảng cách giữa phụ nữ và nam giới. Đặc biệt , không giải quyết được tận gốc vấn đề quấy rối tình dục.

Nếu chủ trương có xe riêng cho phụ nữ đi vào hoạt động, chỉ tăng thêm khoảng cách giữa phụ nữ và nam giới và điều đó không có nghĩa giải quyết được vấn đề tình dục. Chúng ta phải làm sao để phụ nữ ở đâu cũng không bị quấy rối, chứ không phải tạo ra một xe buýt dành riêng cho phụ nữ.

Xe buýt phải trở thành phương tiện an toàn chứ không phải tạo ra một một xe buýt khác cho phụ nữ. Nếu trên xe buýt không bị quấy rối, họ có thể bị quấy rối ở chỗ khác. Chúng ta cần giáo dục cho tất cả mọi người không quấy rối phụ nữ, bảo vệ phụ nữ, tạo môi môi trường an toàn cho phụ nữ, dù ở bất cứ đâu.

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng về giao thông còn rất khó khăn, đường xã nhỏ, chật chội, không đủ để lưu thông. Nếu thêm một tuyến xe buýt nữa là thêm gánh nặng cho hạ tầng cơ sở, thêm chi phí và quản lý, từ đó thêm gánh nặng cho nền kinh tế.

Tổ chức xe buýt dành riêng cho phụ nữ: “Không giải quyết được tận gốc vấn đề quấy rối tình dục”

Theo kết quả công bố của Tổ chức Plan Quốc tế tại Việt Nam có 31% nữ sinh từng bị quấy rối trên xe buýt. (Ảnh minh họa)

PV: Theo kết quả công bố của Tổ chức Plan Quốc tế tại Việt Nam có 31% nữ sinh từng bị quấy rối trên xe buýt... Con số này nói lên điều gì?

TS Khuất Thu Hồng: Thống kê này còn chưa đầy đủ. Thực tế còn nhiều người bị quấy rối tình dục, tuy nhiên mọi người ngại không dám nói ra và không lên tiếng. Việc cảnh báo tình trạng quấy rối tình dục phụ nữ là cần thiết và nên làm. Tất cả mọi người đều phải có ý thức về chuyện đó, nhất là nam giới, cần làm sao để phụ nữ cảm thấy được an toàn, chứ không phải ra khỏi nhà là cảm thấy sợ hãi.

PV: Để ngăn chặn hành vi quấy rối tình dục trên xe buýt, chúng ta phải làm gì.

TS Khuất Thu Hồng: Quấy rối tình dục là một hình thức bạo lực đối với phụ nữ, những hiện tượng như vậy phải được chấm dứt. Chúng ta phải giáo dục để nâng cao nhận thức cho tất  cả mọi người, đặc biệt là cho nam giới.

Với phụ nữ chúng ta cũng phải tuyên truyền để phụ nữ mạnh dạn đấu tranh với hiện tượng như vậy, chứ không phải là im lặng và chịu đựng. Giáo dục toàn xã hội làm sao để tạo ra môi trường an toàn cho phụ nữ, phụ nữ phải được bình đẳng như nam giới,

Mặt khác, cần phải xử lý nghiêm những kẻ quấy rối tình dục, để làm được điều này, trên các phương tiện giao thông công cộng cần phải có camera để giám sát phát hiện ghi lại bằng hình ảnh, có đường dây nóng để có biện pháp xử lý cương quyết đối với những kẻ quấy rối.

PV: Xin cảm ơn Tiến sỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tổ chức xe buýt dành riêng cho phụ nữ: “Không giải quyết được tận gốc vấn đề quấy rối tình dục”