Ngày 19/9, Tỉnh ủy Tây Ninh tổ chức Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thành Tâm chủ trì Hội nghị.
Tại Hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh Nguyễn Mạnh Hùng đã trình bày dự thảo báo cáo sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh.
Theo dự thảo báo cáo, nửa đầu nhiệm kỳ 2020-2025, Nghị quyết Đại hội XI được triển khai trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức. Cùng với cả nước, tỉnh đối mặt với đại dịch Covid-19 chưa có tiền lệ, cả hệ thống chính trị duy trì trạng thái hoạt động cơ bản để phòng, chống dịch, bảo vệ an toàn tính mạng, sức khoẻ người dân.
Tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine; sự suy giảm kinh tế toàn cầu, lạm phát gia tăng, thị trường xuất khẩu thu hẹp, thu hút đầu tư nước ngoài sụt giảm...
Tuy nhiên, ngay sau Đại hội XI Đảng bộ tỉnh, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chủ động, linh hoạt lãnh đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị, không để trì trệ, thích nghi với tình hình dịch bệnh, góp phần triển khai, quán triệt tuyên truyền, cụ thể hoá thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng kịp thời, hiệu quả.
Thực hiện 24 chỉ tiêu Nghị quyết tỉnh Đảng bộ lần thứ XI đề ra, đến nay có 1/12 chỉ tiêu về kinh tế, 5/9 chỉ tiêu về xã hội và 3/3 chỉ tiêu về môi trường đảm bảo tiến độ thực hiện và khả năng cuối nhiệm kỳ sẽ hoàn thành.
Tuy nhiên với tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay, việc hoàn thành 15/24 chỉ tiêu kinh tế - xã hội còn lại là một thách thức lớn, nhiều khả năng không đạt mục tiêu đề ra.
Nhìn chung, tình hình kinh tế của tỉnh vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng dương, văn hóa xã hội có nhiều chuyển biến...
Về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh đề ra 4 chỉ tiêu về công tác xây dựng Đảng; kết quả thực hiện đạt 4/4 chỉ tiêu.
Cụ thể, tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ, đạt 96,9% (Nghị quyết: 85%). Tỷ lệ Đảng bộ xã biên giới hoàn thành tốt nhiệm vụ, đạt 98,33% (Nghị quyết: 90%). Tỷ lệ đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, đạt 97,24% (Nghị quyết: 90%).
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, toàn tỉnh đã kết nạp được được 3.105 đảng viên, chiếm 64,29% (Nghị quyết 4.830), nâng tỷ lệ đảng viên so với dân số toàn tỉnh lên 3,24% (Nghị quyết 3,4%); riêng 20 xã biên giới kết nạp 321 đảng viên, chiếm 65,51% (Nghị quyết 490), tỷ lệ đạt 2,18% so với dân số (Nghị quyết 2,1%).
Phát huy những kết quả đã đạt được, từ nay đến cuối nhiệm kỳ, để đạt các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra, Tỉnh ủy đề ra 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện.
Tây Ninh đề xuất, kiến nghị Trung ương điều chỉnh, bổ sung phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất tỉnh Tây Ninh, nhất là chỉ tiêu đất khu công nghiệp tại kỳ rà soát, điều chỉnh năm 2024 nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển tăng tốc của những năm cuối nhiệm kỳ và cho các giai đoạn tiếp theo; kiến nghị Trung ương cho chủ trương tỉnh Tây Ninh nghiên cứu cơ chế, chính sách đặc thù cho Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài theo Tờ trình số 43-TTr/TU, ngày 24/7/2023.
11 nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu từ nay đến cuối nhiệm kỳ:
1. Tập trung hoàn thành và triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án tại Chương trình hành động số 68-CTr/TU ngày 15/10/2021 của Tỉnh uỷ, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh.
2. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, cải thiện tính năng động và tiên phong của chính quyền xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, có ý thức kỷ luật, sự quyết tâm, năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm vì sự phát triển của địa phương; kịp thời thay đổi vị trí, thay thế cán bộ lãnh đạo, quản lý vô cảm, sợ rủi ro, sợ trách nhiệm, thiếu quyết liệt, vì sự phát triển chung của địa phương.
3. Tiếp tục tập trung thực hiện hiệu quả các giải pháp đột phá, chiến lược.
4. Triển khai hiệu quả Quy hoạch tỉnh sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
5. Đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số toàn diện, đồng bộ; xây dựng môi trường đầu tư công khai, minh bạch, có sức cạnh tranh cao.
6. Triển khai kịp thời, đầy đủ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, kinh tế hợp tác, hợp tác xã để doanh nghiệp phục hồi nhanh, sản xuất hiệu quả, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo tiền đề để tăng thu ngân sách nhà nước.
7. Tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng y tế, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ.
8. Tiếp tục rà soát các quy định pháp luật không còn phù hợp, chồng chéo, mâu thuẫn, gây khó khăn, kìm hãm sự phát triển.
9. Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành kinh tế (nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ - du lịch) theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
10. Bảo đảm quốc phòng, an ninh và đối ngoại, thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng - quân sự địa phương.
11. Tập trung công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, nâng cao hiệu quả hoạt động của dân vận, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội.