Tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự trong vụ giảng viên gây tai nạn liên hoàn rồi bỏ chạy

Hà An| 09/09/2022 12:10
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Phân tích dưới góc độ pháp luật, luật sư cho rằng, tài xế điều khiển phương tiện giao thông khi trong khí thở và máu có nồng độ cồn là hành vi vi phạm pháp luật. Ngoài ra, với hành vi cố tình bỏ chạy không cứu giúp người bị nạn, trốn tránh trách nhiệm được xem là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Liên quan đến vụ tai nạn liên hoàn trên đường Nguyễn Chánh vào tối 7/9 khiến 4 người bị thương, Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, tài xế gây tai nạn là Trịnh Văn Phương (SN 1981, quê phường Đại Phúc, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh), hiện trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội. Trịnh Văn Phương là giảng viên của một trường đại học.

Kết quả kiểm tra nồng độ cồn của tài xế gây tai nạn là 0,897 mg/l khí thở, gấp 2,24 lần mức kịch khung theo quy định tại Nghị định 100.

tai-nan-lien-hoan-o-cau-giay.jpeg
Hiện trường vụ tai nạn liên hoàn khiến 4 ngưởi bị thương

Bước đầu, công an làm rõ, khoảng 21h55 ngày 7/9, Trịnh Văn Phương lái xe ô tô BKS 30F-811.85 theo hướng từ đường Trần Duy Hưng về Dương Đình Nghệ (quận Cầu Giấy) rồi va chạm với xe máy do chị Đ. (trú tại quận Thanh Xuân) điều khiển, chở con gái phía sau.

Sau khi gây tai nạn, Phương không dừng lại mà lái xe bỏ chạy đến cạnh tòa nhà B6C Nam Trung Yên và tiếp tục đâm ngang hông xe ô tô Honda CRV do anh D.D.T (ở huyện Thanh Trì, Hà Nội) cầm lái và đâm tiếp xe máy do anh N.V.D (ở quận Đống Đa, Hà Nội) điều khiển. Chiếc xe chỉ dừng lại khi gãy trục trước, bánh xe gần như văng khỏi thân xe.

Vụ va chạm khiến chị Đ. cùng con gái và anh D.D.T, N.V.D bị thương, được đưa đi cấp cứu. Tại hiện trường, 2 ô tô và 2 xe máy bị hư hỏng.

Tại cơ quan công an, tài xế này khai do uống rượu từ trưa 7/9 nên trong lúc điều khiển xe không làm chủ được tốc độ và gây tai nạn liên hoàn.

Nêu quan điểm về vụ việc trên, tiến sĩ luật sư Đặng Văn Cường nhìn nhận đây là vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, gây thiệt hại đến tài sản và sức khỏe của nhiều người tham gia giao thông, có dấu hiệu vi phạm về nồng độ cồn, không làm chủ tốc độ của người lái xe. Theo luật sư Cường, cơ quan chức năng cần xác định yếu tố lỗi, diễn biến hành vi của người điều khiển chiếc xe ô tô này và tiến hành giám định, định giá tài sản để xác định thiệt hại đã gây ra đối với những người bị hại, làm căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật.

“Hành vi điều khiển phương tiện giao thông khi trong khí thở và máu có nồng độ cồn là hành vi vi phạm pháp luật. Vi phạm luật phòng chống tác hại rượu bia và luật giao thông đường bộ. Người tham gia giao thông mà vi phạm nồng độ cồn sẽ bị xử phạt hành chính có thể tới 40.000.000 đồng, tước giấy phép lái xe tới 24 tháng đối với xe ô tô, nếu gây tai nạn giao thông hậu quả nghiêm trọng thì hành vi này là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự”, luật sư Cường nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, luật sư Cường cho biết với hành vi cố tình bỏ chạy không cứu giúp người bị nạn, trốn tránh trách nhiệm đây được xem là là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự nếu như đủ căn cứ để khởi tố về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.

Trường hợp kết quả xác minh cho thấy người điều khiển chiếc xe ô tô này đã có lỗi và hậu quả thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng trở lên hoặc thương tích cho nạn nhân từ 61 % trở lên thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với tài xế về hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo quy định tại điều 260 bộ luật hình sự, trong đó có nhiều tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Đối với trường hợp cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, vi phạm luật giao thông đường bộ gây hậu quả nghiêm trọng, luật sư Cường cho biết, trong trường hợp này cơ quan tổ chức quản lý cán bộ cũng sẽ xem xét xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật, trong đó, hình phạt cao nhất có thể áp dụng là cách chức, buộc thôi việc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự trong vụ giảng viên gây tai nạn liên hoàn rồi bỏ chạy