Ngày 23/3, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 708/QĐ-BKHĐT ngày 11/5/2020 đã tiến hành họp thẩm định Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đây là buổi họp thẩm định quy hoạch tỉnh lần thứ hai của cả nước trong điều kiện chưa có nhiều kinh nghiệm, với nhiều điểm mới theo quy định của Luật Quy hoạch.
Việc lập quy hoạch trong thời kỳ này được tiếp cận theo phương pháp mới mà Luật Quy hoạch đã quy định. Tất cả các ngành, lĩnh vực và lãnh thổ phải được tích hợp trong một bản quy hoạch tổng thể có tính đa ngành trên không gian phát triển của toàn tỉnh.
Tuy nhiên, để thể hiện tất cả các nội dung tích hợp của các ngành trong đó là rất khó, phải đảm bảo quản lý quy hoạch chặt chẽ, không tùy tiện nhưng không bó cứng, đòi hỏi phải có tính linh hoạt, chặt chẽ.
Hiện nay 60/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch; hai tỉnh đã hoàn thành sớm nhất quy hoạch trình Hội đồng thẩm định là tỉnh Bắc Giang và Hà Tĩnh. Đối với Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh có một số nhận xét bước đầu như sau:
Thứ nhất, các đồng chí Lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh rất quan tâm chỉ đạo các Sở, ban, ngành triển khai công tác quy hoạch. Các Sở, ban ngành và UBND các huyện, thành phố, thị xã của Hà Tĩnh đã thực sự vào cuộc với vai trò là chủ nhân - là người hơn ai hết hiểu về tỉnh Hà Tĩnh và đề xuất những vấn đề cần giải quyết trên cơ sở phát huy hết tiềm năng, lợi thế nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đảm bảo xây dựng bản quy hoạch một cách tốt nhất, khả thi nhất, chứ không phó mặc cho tư vấn lập quy hoạch.
Tiếp đó, tỉnh Hà Tĩnh đã xin ý kiến các Bộ, ngành để nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến xác đáng nhằm hoàn thiện bản quy hoạch để trình Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh theo quy định.
Thứ hai, Trong giai đoạn 2011-2020, tỉnh Hà Tĩnh đã có bước phát triển vượt bậc, từ một tỉnh tương đối nghèo của Việt Nam trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu về tăng trưởng kinh tế; tuy nhiên mức độ tăng trưởng chững lại trong thời gian gần đây.
Nhờ tập trung nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng và tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp, Hà Tĩnh đã có những đóng góp tích cực trong xây dựng và phát triển vùng Bắc Trung Bộ. Trong giai đoạn 2021-2030, Hà Tĩnh tiếp tục đặt mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, trở thành một trong những cực phát triển của vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung; vì vậy, Hà Tĩnh cần có một bản quy hoạch có chất lượng tốt để hiện thực được các mục tiêu đó.
Thứ ba, phương pháp và cách tiếp cận trong quá trình lập quy hoạch đã hướng tới sự đổi mới về nội dung, quy hoạch đã thể hiện một số ưu điểm chủ yếu như phân tích vùng, liên kết vùng, sử dụng một số chỉ số, chỉ tiêu định lượng để phân tích, đánh giá và luận cứ trong quá trình xây dựng kịch bản và lựa chọn phương án phát triển đảm bảo tính khoa học và thực tiễn.
Thứ tư, Việc xác định vai trò, vị thế của tỉnh trong vùng; quan điểm và mục tiêu phát triển của tỉnh; những định hướng phát triển của từng ngành, từng tiểu khu vực trong tỉnh; nguồn lực và các dự án ưu tiên phát triển để có thể khai thác được hết các tiềm năng lợi thế của tỉnh, đặc biệt là các điểm mạnh của Hà Tĩnh như vị trí địa lý, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực đã được tỉnh Hà Tĩnh nghiên cứu đề cập vào báo cáo quy hoạch; tuy nhiên, cũng cần phải xem xét từ các khía cạnh chung khác của nền kinh tế.
Cụ thể: Chính trị, xã hội, kinh tế ổn định; thủ tục hành chính, thể chế, nguồn nhân lực được cải thiện rõ nét;
Có 14 hiệp định thương mại tự do mở ra cơ hội phát triển;
Cuộc các mạng công nghiệp 4.0;
Sự chuyển dịch, cấu trúc lại nền kinh tế; đầu tư toàn cầu hiện đang có sự chuyển dịch mạnh đầu tư về Việt Nam;
Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng để nghiên cứu, cập nhật nhằm khai thác tốt nhất những lợi thế này.
Thứ năm, nhiệm vụ của Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh là phải thẩm định đầy đủ về trình tự, thủ tục và nội dung theo quy định của pháp luật về quy hoạch
Cụ thể là: Sự phù hợp với nhiệm vụ lập quy hoạch đã được phê duyệt;
Việc tuân thủ quy trình lập quy hoạch quy định tại Điều 16 của Luật Quy hoạch;
Việc tích hợp các nội dung đề xuất để tích hợp vào quy hoạch tỉnh do các sở, ngành, UBND cấp huyện được phân công thực hiện;
Sự phù hợp với nội dung quy hoạch tỉnh quy định tại Điều 27 Luật Quy hoạch và Điều 28 Nghị định số 37/2019/NĐ-CP.
Tuy nhiên, nội dung quy hoạch tỉnh cần lưu ý về một số vấn đề say đây:
Sự phù hợp của các nội dung quy hoạch với quy định tại Điều 21 và Điều 27 của Luật Quy hoạch; mức độ chi tiết, tích hợp nội dung đề xuất vào quy hoạch tỉnh;
Việc phân vùng phát triển của tỉnh và cân đối phát triển giữa các ngành, lĩnh vực và bố trí không gian phát triển trên địa bàn toàn tỉnh, đảm bảo tính hợp lý, hiệu quả và khả thi;
Phương pháp lập quy hoạch, đặc biệt là phương pháp tích hợp để lập các nội dung của quy hoạch và việc thu thập dữ liệu, phương pháp chồng lớp bản đồ với các mức độ chi tiết khác nhau.
Hà Tĩnh cùng với Bắc Giang là 02 địa phương đi đầu trong cả nước về việc xây dựng và trình thẩm định quy hoạch tỉnh theo quy định của Luật Quy hoạch.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh sẽ xem xét, cân nhắc quy trình, thủ tục của công tác thẩm định cũng như nội dung quy hoạch tỉnh để 02 bản quy hoạch này sẽ trở thành hình mẫu, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương tiếp theo trong cả nước xây dựng quy hoạch tỉnh một cách chất lượng nhất, đảm bảo tiến độ nhanh nhất, đáp ứng yêu cầu triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.