Sống chậm lại, tĩnh lặng và sâu sắc hơn là cách mỗi người chúng ta chuẩn bị hành trang để tiến xa hơn trong một xã hội văn minh mới.
Buổi sáng 30 Tết “bình thường mới”, quán hàng hai bên đường phố Hà Nội gần như đã đóng cả, thành phố thật quá yên ắng trước ngưỡng Xuân về. Thỉnh thoảng bắt gặp các trung tâm thương mại, siêu thị còn mở cũng chẳng mấy người mua bán. Chỉ vài chợ dân sinh là còn có người vội vã gom thêm thực phẩm mới cho mấy ngày Tết.
Ngược lên mạn Tây Bắc chừng 50km, trong tiết xuân se se, mờ mịt còn chưa có tý ánh mặt trời nào, sự vắng lặng, heo hút chưa từng diễn ra này ắt khiến cho bất kỳ ai cũng không tránh khỏi cảm giác lạ lẫm, nao nao.
Độ này những năm trước, Hà Nội tuy vắng vẻ hơn vào những ngày cận Tết, nhưng cũng chẳng khi nào ngừng chuyển động gấp gáp. Người thưa hơn, nhưng nhịp sống không vì thế mà chậm lại. Ai cũng bộn bề, vội vã. Hoàn thành công đoạn cuối của một dự án to tát, thanh toán cho xong khoản nợ không nhỏ, hay chỉ giản đơn thôi, đi kiếm một chậu quất bán rẻ trong ngày cuối của năm, rửa cái xe, gội cái đầu… Và trong những giờ khắc cuối đó, cả người bán lẫn người mua đều như những tay chơi chính hiệu, xông xênh hơn bao giờ hết, rẻ-đắt, hàng tốt xấu đều không còn là vấn đề. Đôi bên kết thúc giao dịch còn hào phóng rôm rả tặng nhau câu chúc mua may, bán đắt cho một năm mới đang về.
Và giờ đó từ các cửa ngõ Thủ đô về các tỉnh, thành thậm chí còn không ít người xa quê vội vã rời thành phố để kịp về đón giao thừa với gia đình sau một năm bộn bề mưu sinh.
Nhưng chuyện đâu phải vô cớ, ngay cả khi chiều muộn ngày 30 Tết, dải đất hình chữ S thân yêu của chúng ta vẫn tiếp tục ghi nhận đến hàng chục ca nhiễm COVID-19 mới lây lan trong cộng đồng, trong đó còn có 1 em nhỏ mới 2 tháng tuổi.
Sự thật là cuộc chiến âm thầm ác liệt với virus SARS-CoV-2 đã khiến chúng ta phải đau đầu đối phó. Mọi thứ kể cả những thói quen giản dị bình thường nhất, đến truyền thống văn hóa từ ngàn đời của dân tộc cũng đã không diễn ra được bình thường như vốn diễn ra.
Nhưng sâu bên trong đó thật xúc động biết bao khi thông điệp về Tết an toàn mà Bộ Y tế đưa ra, khuyến khích mọi người không ra khỏi nhà khi không cần thiết, hạn chế đi lại dịp Tết Nguyên đán đã được người người, nhà nhà nhận thức rõ và đang lan tỏa bằng hành động.
Hàng loạt các thành phố lớn hoặc tỉnh lỵ thông báo ngừng bắn pháo hoa, ngưng các hoạt động mừng xuân....
Hàng ngàn vé máy bay của khách đã đặt mua được yêu cầu hủy. Sân bay, ga tàu, bến xe đìu hiu khách.
Nhiều những cuộc tổng kết, hội họp ăn mừng thành công sau một năm vất vả gian nan, những chuyến về quê, nghỉ dưỡng… đã phải hoãn lại, để gìn giữ cho sự bình an và “bình thường mới”.
Nhiều tình nguyện viên, y bác sỹ, chiến sỹ… đã phải xa chồng/vợ, từ biệt con nhỏ và gia đình thân yêu lên tuyến đầu chống dịch bảo vệ tính mạng cho người dân.
Không chỉ là tuyến đầu, hàng nghìn công nhân lao động, người xa quê cũng tình nguyện “giữ nguyên vị trí” không trở về vui Tết đoàn viên để đảm bảo cho một cái Tết an toàn.
Và không khí tĩnh lặng trên đường phố là những ứng xử đáng trân trọng của nhà nhà, người người Việt Nam ủng hộ thông điệp Tết an toàn, thể hiện cho tinh thần “mình vị mọi người, mọi người vì mình”, an toàn cho sức khỏe cộng đồng.
Hạn chế ra đường, nhưng không khí Tết vẫn ngập tràn trong từng gia đình trên đôi mắt trong nụ cười của mỗi người. Tất cả ở trong nhà, dọn dẹp nhà cửa, sửa sang, cắm đào và hoa, thay khăn trải bàn mới. Người sắp xếp thực phẩm vừa mua vào tủ lạnh, chuẩn bị món ăn. Mọi câu chuyện trong nhà, ai đó luôn kèm theo thông tin cập nhật về bao nhiêu ca bệnh mới, ở đâu.
Không lên chùa hay đi thăm thông gia, họ hàng, thầy cô giáo, bạn bè thân thiết, mà chúc Tết từ xa qua điện thoại, máy tính, video call trên mạng xã hội.
Tết khẩu trang và giãn cách cũng không phải điều gì tồi tệ lắm. Không có khách đến và cũng chẳng đi thăm ai có thể xem là sự ích kỷ vì người khác. Trong khi cả nhà quây quần bên nhau còn là dịp để vun đắp tình cảm, cũng như các giá trị văn hóa truyền thống gia đình mà đôi khi cuộc sống bận bịu thường nhật đã cuốn trôi.
Thật đáng trân trọng và đáng để làm khi mỗi người chúng ta chỉ hy sinh đi một chút quyền lợi riêng, nhưng lại chung sức được với cả dân tộc để làm nên những điều có thể lớn lao.
Sáng nay- ngày mùng 1 Tết cũng vậy, Mùa xuân thật rực rỡ đến từ thông tin, Việt Nam không ghi nhận thêm ca COVID-19 nào lây nhiễm trong cộng đồng. Niềm vui lớn được đón nhận trong sự điềm tĩnh và lặng lẽ trên các đường phố của Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành.
Trong thời khắc này, chuyện bánh chưng, dưa hành ngày Tết, hay thậm chí là ngày mai sẽ ra sao ai cần biết. Xuân Tân Sửu 2021 đã tràn ngập lặng lẽ nhưng vẫn mãnh liệt biết bao!
Hãy tin tưởng vào một tương lai tươi sáng khi chúng ta đã mới thật sự trong cuộc sống bình thường mới. Và để làm được điều đó chúng ta hãy làm tốt như ngày hôm nay sống chậm lại, tĩnh lặng và sâu sắc hơn, chuẩn bị hành trang để tiến xa hơn trong một xã hội văn minh, mà khi đó có thể là trạng thái mới hay cũ, chúng ta đều có thể kiểm soát một cách bình thường theo những gì ta muốn.