Không chỉ các rạp chiếu phim tại Tp Hồ Chí Minh mà ở nhiều các tỉnh thành trong cả nước đang rơi vào tình cảnh kiệt quệ trước đại dịch covid-19. Sau hơn 4 tháng đóng cửa, các hệ thống rạp lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Họ chịu thua lỗ, phải cắt giảm lương nhân viên, đối diện với nguy cơ phá sản.
Ngày 3/5, hệ thống rạp chiếu phim tại TP.HCM đóng cửa toàn bộ vì dịch Covid-19. Sau đó không lâu, cụm rạp ở Hà Nội và các địa phương khác cũng dừng hoạt động.
Tính đến thời điểm này, các nhà rạp đã trải qua hơn 4 tháng cầm cự để tồn tại. Không được hoạt động, không có khách trong khi đó các chi phí vẫn phải chi trả đã khiến các rạp điêu đứng.
Theo bà Mai Hoa, giám đốc marketing của Galaxy cho biết: "Mỗi tháng, Galaxy chịu thua lỗ khoảng 20 tỷ đồng. Như vậy, hơn 4 tháng, con số này lên gần trăm tỷ đồng. Năm 2020, ngành chiếu phim, điện ảnh tụt lại vì dịch Covid-19 và thị trường giảm 60-70% so với năm 2019. Công ty đã cố gắng chèo chống qua thời kỳ đó. Nhưng hơn 4 tháng đóng cửa liên tiếp lại dội thêm những thách thức mới và rất khó giải quyết".
Để có thể tồn tại, Galaxy đã thực hiện nhiều giải pháp trong đó phải kể đến là việc giảm lương nhân viên và cắt các chi phí không cần thiết khác.
Mức lương giảm, cuộc sống bấp bênh, nhiều nhân viên của công ty đã phải xin nghỉ việc để tìm cơ hội ở những ngành khác.
Tương tự Galaxy, Lotte Cinema cũng đóng toàn bộ các cụm rạp trong cả nước. Anh Đoàn Thạch Cương - giám đốc kinh doanh của Lotte Cinema - cho biết ngành chiếu phim là lĩnh vực đóng cửa đầu tiên và sẽ mở cửa trở lại cuối cùng khi tình hình dịch được ổn định.
Vì thế, doanh nghiệp này đối diện với nhiều khó khăn. Trước tiên, theo quản lý của Lotte Cinema, hệ thống rạp phim phải chịu chi phí lớn về mặt bằng, lương nhân viên và các vấn đề khác trong việc bảo trì máy móc.
Ngoài ra, Lotte Cinema cũng phải chuẩn bị những trang thiết khử khuẩn, thay ghế ngồi bị cũ, hỏng nếu cụm rạp mở cửa trở lại.
Vào tháng 6, một số cụm rạp gửi văn bản tới Thủ tướng, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước về việc hỗ trợ cho doanh nghiệp điện ảnh vượt qua khó khăn vì đại dịch Covid-19.
Nhưng dù có sự hỗ trợ của Nhà nước đi chăng nữa, các cụm rạp cũng chỉ cầm cự đến 1 hoặc 2 tháng nữa. Bà Mai Hoa nói nếu đợi đến đầu năm 2022, chính phủ mới cho phép các hệ thống rạp chiếu phim mở cửa trở lại thì doanh nghiệp rất khó khăn để có thể trụ được đến thời điểm đó.
Vì thế, Galaxy và một số nhà rạp khác đang dự kiến làm văn bản, mong muốn được mở lại rạp chiếu phim vào tháng 11 tới đây.
"Sống chung với dịch là chiến lược chung của thế giới hiện nay. Ở Malaysia, số ca nhiễm Covid-19 mỗi ngày của họ lớn hơn Việt Nam nhưng đã cho phép mở cửa du lịch, trong đó hệ thống rạp chiếu phim tái hoạt động từ ngày 16/9.
Tại Việt Nam, nếu tốc độ tiêm chủng vaccine đạt đến ngưỡng có thể cho phép người dân sống chung với dịch, tôi nghĩ ngành chiếu phim có mở cửa sớm để còn tồn tại", bà Mai Hoa nêu quan điểm.
Trong trường hợp nhà rạp được mở lại thời gian tới, các hệ thống rạp chiếu phim không gặp khó khăn về nguồn phim. Vấn đề lớn nhất theo bà Mai Hoa là chính phủ cần có quy định cụ thể về quy trình vận hành để đảm bảo an toàn cho khách hàng lẫn nhân viên của nhà rạp.