Thượng viện Mỹ thông qua dự luật ứng phó với mối đe dọa công nghệ Trung Quốc; Australia khẳng định có thể điều trị hội chứng đông máu hiếm gặp liên quan đến vaccine AstraZeneca; Pfizer bắt đầu thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19 ở trẻ em dưới 12 tuổi… là tin tức thế giới đáng chú ý.
Thượng viện Mỹ thông qua dự luật ứng phó với mối đe dọa công nghệ Trung Quốc
Với 68 phiếu thuận và 32 phiếu chống, ngày 8/6 (rạng sáng 9/6 theo giờ Việt Nam), Thượng viện Mỹ đã nhất trí thông qua một gói dự luật nhằm tăng cường năng lực quốc gia để ứng phó với mối đe dọa công nghệ từ Trung Quốc.
Dự luật này cho phép chi khoảng 190 tỷ USD cho các hoạt động nhằm tăng cường công nghệ và công tác nghiên cứu của Mỹ, đồng thời sẽ phê duyệt riêng khoản chi khoảng 50 tỷ USD để Mỹ tăng cường sản xuất và nghiên cứu chất bán dẫn và thiết bị viễn thông, trong số này có 2 tỷ để phát triển các loại chip sử dụng trong ngành chế tạo ô tô.
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đắc cử nhiệm kỳ hai
Trong cuộc bỏ phiếu ngày 8/6 tại Hội đồng Bảo an LHQ, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã đắc cử nhiệm kỳ hai.
Có khoảng 10 người khác cũng muốn tranh cử vị trí Tổng thư ký LHQ, nhưng đều không trở thành ứng cử viên chính thức vì không được nước nào trong số 193 thành viên LHQ ủng hộ. Vì vậy, trong cuộc bỏ phiếu trên, cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha 72 tuổi Guterres không có đối thủ.
Mexico và Mỹ ký bản ghi nhớ hợp tác quốc tế về di cư
Ngày 8/6, trong khuôn khổ chuyến thăm Mexico của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, đại diện Bộ Ngoại giao Mexico và Cơ quan Phát triển quốc tế của Mỹ (USAID) đã ký bản ghi nhớ về hợp tác quốc tế để thúc đẩy phúc lợi xã hội ở các quốc gia Trung Mỹ, qua đó giải quyết gốc rễ vấn đề di cư trái phép.
Nhiều nhân vật nổi tiếng đề nghị các nước G7 chia sẻ vaccine khẩn cấp
Nhiều nhân vật nổi tiếng là đại sứ thiện chí của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) như cựu cầu thủ bóng đá David Beckham, diễn viên Whoopi Goldberg và nhạc sĩ Angelique Kidjo ngày 8/6 đã cùng ký thư ngỏ gửi tới Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) nhằm thúc giục các nước này khẩn cấp chia sẻ vaccine phòng COVID-19 cho các nước khác.
EC công bố số liệu về việc áp dụng chứng nhận kỹ thuật số
Tại châu Âu, tỷ lệ mắc COVID-19 đang cho thấy xu hướng giảm rõ rệt, song song với tỷ lệ tiêm chủng vaccine ngừa căn bệnh này đang ngày một gia tăng. Trên cơ sở ấy, nhiều quốc gia tại “Lục địa Già” đang dỡ bỏ dần các hạn chế đi lại, mang tới cuộc sống “dễ thở” hơn cho người dân cũng như triển vọng phục hồi mạnh mẽ cho ngành du lịch khi kỳ nghỉ hè tới gần.
Theo thông báo ngày 8/6 của Ủy ban châu Âu (EC), trên 1 triệu người ở châu lục này đã nhận được "Chứng nhận kỹ thuật số về COVID của EU" - một công cụ được đề xuất với mục tiêu tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho người dân EU
Australia khẳng định có thể điều trị hội chứng đông máu hiếm gặp liên quan đến vaccine AstraZeneca
Các bác sĩ Australia mới đây khẳng định có thể phát hiện và điều trị hội chứng đông máu hiếm gặp, còn được gọi là huyết khối kèm hội chứng giảm tiểu cầu (TTS), liên quan đến vaccine AstraZeneca.
Theo các bác sĩ, hội chứng TTS hết sức bất thường vì gây ra cả cục máu đông và lượng tiểu cầu thấp trong máu, tuy nhiên cho đến nay, tỷ lệ tử vong do TTS đã giảm xuống ở châu Âu, nơi lần đầu tiên phát hiện hội chứng này. Trong khi đó tại Australia, tính đến cuối tuần trước, nước này ghi nhận 31 ca mắc TTS và 10 ca bị nghi ngờ xuất hiện hội chứng trên.
Nhật Bản thúc đẩy chương trình tiêm vaccine COVID-19 đại trà
Trong nỗ lực thúc đẩy chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 đại trà của Chính phủ Nhật Bản, ngày 7/6, chính quyền thủ đô Tokyo đã mở một trung tâm tiêm chủng ngay tại Tsukiji, chợ cá nay đã đóng cửa, từng nổi tiếng nhất thế giới với những phiên đấu giá cá ngừ lúc bình minh.
Bộ Y tế Nga: Vaccine Sputnik V phù hợp để chủng ngừa lại
Bộ Y tế Nga ngày 8/6 cho biết vaccine Sputnik V và phiên bản Sputnik Light tiêm một mũi có thể được sử dụng để chủng ngừa lại phòng virus corona.
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Thứ trưởng Bộ Y tế Nga, ông Oleg Gridnev cho biết nghiên cứu đang được tiến hành để xác định liệu 2 loại vaccine trên có thể sử dụng cho những người đã được tiêm loại kia hay không. Thông báo khẳng định "Cả hai loại vaccine - Sputnik V và Sputnik Light - đều có thể được sử dụng hiệu quả để tái chủng, kể cả ở những người đã được tiêm chúng trong vòng đầu tiên".
Chính phủ Ấn Độ đặt mua hơn 700 triệu liều vaccine phòng COVID-19
Chính phủ Ấn Độ đã đặt mua 250 triệu liều vaccine Covishield và 190 triệu liều vaccine Covaxin, và số vaccine phòng COVID-19 này sẽ được cung cấp bắt đầu từ nay cho đến tháng 12/2021.
Ông V.K. Paul l, thành viên Ủy ban cải cách thể chế quốc gia (Niti Ayog), cơ quan tư vấn chính sách công của Chính phủ Ấn Độ cho biết, chính phủ đã tạm ứng 30% cho Viện Huyết thanh Ấn Độ và công ty dược phẩm Bharat Biotech để mua hai loại vaccine ngừa COVID-19 nói trên. Ngoài ra, chính phủ cũng đã đặt mua 300 triệu liều vaccine của Biological E, dự kiến được cung cấp vào tháng 9 tới.
Pfizer bắt đầu thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19 ở trẻ em dưới 12 tuổi
Ngày 8/6, liên minh dược Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) thông báo sẽ bắt đầu thử nghiệm mức độ hiệu quả của vaccine phòng COVID-19 ở trẻ em từ 12 tuổi trở xuống.
Pfizer/BioNTech sẽ thực hiện một nghiên cứu trên gần 4.500 trẻ em tại hơn 90 cơ sở khám bệnh ở Mỹ, Ba Lan, Tây Ban Nha và Phần Lan. Nghiên cứu cũng sẽ tuân theo một chế độ sử dụng thuốc cụ thể cho các nhóm tuổi nhất định. Theo đó, trẻ em từ 5-11 tuổi được cung cấp một liều 10 microgam vaccine, trong khi trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi sẽ được tiêm 3 microgam vaccine.
Đan Mạch dùng trò chơi thực tế ảo tuyên truyền tiêm vaccine
Các nhà nghiên cứu Đan Mạch đang sử dụng công nghệ thực tế ảo để khuyến khích nhiều người dân nước này tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Theo Reuters, trong một thử nghiệm của đại học Copenhagen, người chơi sẽ đeo một chiếc kính thực tế ảo đóng vai một người cao tuổi đang tìm cách đi qua quảng trường thành phố đông người. Những nhân vật mặc quần áo màu đỏ thể hiện bị nhiễm virus SARS-CoV-2, trong khi những nhân vật màu xanh thể hiện người đã được tiêm vaccine.
Canada dự kiến nới lỏng hạn chế tại biên giới với người đã tiêm chủng đủ liều
Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 8/6 ở thủ đô Ottawa, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết việc nới lỏng các biện pháp hạn chế tại biên giới, chẳng hạn như yêu cầu cách ly ở khách sạn, sẽ tập trung vào những khách nhập cảnh đã được tiêm phòng đầy đủ.
Ngân hàng Thế giới tăng dự báo tăng trưởng toàn cầu lên 5,6%
Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 8/6 dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay sẽ đạt mức 5,6%, tăng 1,5 điểm phần trăm so với ước tính của cơ quan này hồi tháng 1.
Theo WB, khoảng 90% các nền kinh tế phát triển dự kiến đến năm 2022 sẽ trở về mốc thu nhập bình quân đầu người ghi nhận trước khi dịch COVID-19 bùng phát. Chỉ 1/3 thị trường mới nổi và nền kinh tế đang phát triển dự kiến có thể đạt được điều này.
Mỹ bác bỏ cáo buộc dùng tập trận làm vỏ bọc tuồn vũ khí cho Ukraine
Quân đội Mỹ đã phủ nhận cáo buộc của Nga rằng cuộc tập trận chung tại Biển Đen mang tên Sea Breeze, dự kiến tổ chức từ 28/6 đến 10/7, là vỏ bọc để Mỹ chuyển vũ khí cho Ukraine.
Trước đó, hôm 2/6, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, Tướng Igor Konashenkov nhấn mạnh Bộ Quốc phòng Nga “sẽ theo dõi chặt chẽ quá trình chuẩn bị, tổ tiến hành tập trận Sea Breeze và nếu cần thiết sẽ có phản ứng đối với tình huống phát sinh dự trên việc đảm bảo an ninh của Nga”.
Hàn Quốc yêu cầu công dân rời khỏi Afghanistan
Hàn Quốc đã yêu cầu công dân nước này rời khỏi Afghanistan do tình hình bạo lực leo thang trong bối cảnh Mỹ thúc đẩy kế hoạch rút quân khỏi quốc gia Tây Nam Á vào tháng 9.
Phát biểu với báo giới ngày 8/6, một quan chức giấu tên tại Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết chính phủ nước này đã kêu gọi công dân tạm thời rời khỏi Afghanistan trước ngày 20/6.
Các tay súng tấn công một khu chợ và sân bóng ở Nigeria gây thương vong lớn
Cảnh sát Nigeria ngày 8/6 cho biết các tay súng đã tấn công một khu chợ và một sân bóng ở thị trấn nông thôn Agatu, miền Trung nước này cuối tuần qua, làm ít nhất 27 người thiệt mạng và nhiều người bị thương.
Tòa án Tối cao Brazil xem xét yêu cầu dừng tổ chức Copa America
Tòa án Tối cao Brazil ngày 8/6 cho biết sẽ tổ chức phiên điều trần về 2 yêu cầu hủy tổ chức giải vô địch bóng đá Nam Mỹ Copa America, đặt giải bóng đá quốc tế lâu năm nhất hành tinh này vào thế bấp bênh khi chỉ còn 5 ngày nữa sẽ khai cuộc theo dự kiến.
Thủy triều đỏ gây hại cho hoạt động nuôi trồng thủy sản
Ủy ban Đại dương học liên chính phủ, thuộc Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO) ngày 8/6 công bố một đánh giá toàn cầu cho biết hoa tảo biển có nguy cơ gây chết người (HABs) không tăng về số lượng trong 3 thập kỷ qua, nhưng đặt ra một mối đe dọa nghiêm trọng đối với nghề nuôi trồng thủy sản.
Báo cáo trên là kết quả một phân tích gần 10.000 loài hoa tảo biển từ năm 1985-2018. Báo cáo khẳng định biến đổi khí hậu không đóng vai trò nào trong việc này.
Mỹ phát hiện nồng độ CO2 trong khí quyển Trái Đất tăng cao kỷ lục
Ngày 7/6, Cơ quan Khí quyển và Đai dương Mỹ (NOAA) cho biết trạm nghiên cứu khí quyển đặt ở Hawaii đã ghi nhận nồng độ tập trung của khí CO2 tăng ở mức cao nhất kể từ khi cơ quan này thực hiện các biện pháp đo đạc chính xác từ năm 1958.