Tin vắn thế giới ngày 9/12: Cuba phê duyệt sử dụng vaccine Soberana Plus cho trẻ em

Bạch Dương| 09/12/2021 07:30
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ông Olaf Scholz chính thức được bầu làm Thủ tướng Đức; Châu Âu có thể dư thừa nguồn cung vaccine trong năm 2022; Cuba phê duyệt sử dụng vaccine Soberana Plus cho trẻ em… là tin tức thế giới đáng chú ý.

Ông Olaf Scholz chính thức được bầu làm Thủ tướng Đức

Ngày 8/12, Quốc hội LB Đức đã chính thức bầu ông Olaf Scholz làm Thủ tướng nước này thay cho bà Angela Merkel.

Theo hãng tin DW, với 395 phiếu ủng hộ trên tổng số 707 phiếu, Quốc hội Đức (Bundestag) đã bầu ông Olaf Scholz, lãnh đạo đảng Dân chủ Xã hội (SPD) làm Thủ tướng mới của nước này trong phiên họp đặc biệt sáng 8/12.

olaf-scholz.jpg
Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Ảnh: DW

EU, Pháp, Nga khẳng định mong muốn hợp tác với chính quyền mới tại Đức

Ngày 8/12, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã chúc mừng ông Olaf Scholz được bầu làm Thủ tướng Đức, đồng thời nhấn mạnh mong muốn hợp tác với chính phủ mới ở Đức vì một Liên minh châu Âu (EU) vững mạnh hơn.

Anh quyết định không cử quan chức dự Olympic mùa Đông Bắc Kinh 2022

Trả lời câu hỏi chất vấn của hai nghị sĩ Quốc hội ngày 8/12 về việc liệu Anh có gia nhập cùng Mỹ, Australia và Litva tẩy chay kỳ Thế vận hội mùa Đông 2022 được tổ chức vào tháng 2 tới tại Bắc Kinh, Thủ tướng Anh Boris Johnson nói rằng cá nhân ông phản đối việc tẩy chay các vận động viên tham dự sự kiện thể thao này, nhưng Anh sẽ tẩy chay ngoại giao bằng quyết định không cử đại diện tham dự và ông gọi đây là hình thức tẩy chay ngoại giao “hiệu quả”.

Kazakhstan thông báo thời điểm nối lại vòng đàm phán Syria

Bộ Ngoại giao Kazakhstan ngày 8/12 cho hay vòng đàm phán tiếp theo về Syria sẽ diễn ra từ ngày 21-22/12 tại Nur-Sultan, tập trung vào tình hình của quốc gia Trung Đông và việc thực thi các thoả thuận đã đạt được trước đó.

Bên cạnh đó, các quốc gia bảo trợ - gồm Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran - sẽ tổ chức cuộc họp của Nhóm công tác về những người bị giam giữ bằng sức mạnh với sự tham gia của Liên hợp quốc (LHQ) và Hội Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC).

Tổng Thư ký LHQ phải cách ly do tiếp xúc gần ca mắc COVID-19

Theo các nguồn tin ngoại giao, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã phơi nhiễm với virus SARS-CoV-2 từ một quan chức LHQ mắc COVID-19 và phải cách ly trong vài ngày tới.

Người phát ngôn của Tổng Thư ký LHQ Stephane Dujarric đã từ chối công bố thông tin về tình hình sức khỏe của ông Guterres.

Phó Thủ tướng Australia mắc COVID-19

Phó Thủ tướng Australia Barnaby Joyce đã có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 tại thủ đô Washington D.C. của Mỹ, khi đang có chuyến công du ở nước này. Thông báo ngày 9/12 của Văn phòng của Phó Thủ tướng Australia cho biết, ông Joyce đã xuất hiện "các triệu chứng nhẹ" trước khi quyết định đi xét nghiệm.

Ngoại trưởng Mỹ chuẩn bị công du Anh và các nước Đông Nam Á

Ngày 8/12, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo Ngoại trưởng nước này, ông Antony Blinken, sẽ có chuyến công du nước ngoài từ ngày 9 - 17/12.

Theo lịch trình, sau khi đến Anh tham dự cuộc họp các bộ trưởng của Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), ông Blinken sẽ đến Indonesia, Malaysia và Thái Lan.

WHO kêu gọi cần hành động ngay để ứng phó biến thể Omicron

Ngày 8/12, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã kêu gọi chính phủ các nước cần đánh giá lại các biện pháp ứng phó quốc gia đối với đại dịch COVID-19 và tăng tốc các chương trình tiêm chủng vaccine nhằm giảm đà lây lan của biến thể Omicron.

Theo WHO, tất cả các nước cần tăng cường giám sát, xét nghiệm, giải trình tự gen và "bất kì sự tự mãn nào cũng phải trả giá bằng mạng sống".

Châu Âu có thể dư thừa nguồn cung vaccine trong năm 2022

Sản lượng vaccine của châu Âu trong năm 2022 dự kiến đạt khoảng 3,6 tỷ liều, vượt quá nhu cầu của EU, trong khi tổng sản lượng vaccine toàn cầu ước tính vượt mức 20 tỷ. Thông tin trên được giới chức EU đưa ra trong một cuộc họp báo ngày 8/12.

Số lượng này, theo EU, đủ để thúc đẩy tiêm chủng và tiêm mũi tăng cường cho người dân EU, đồng thời đáp ứng các mục tiêu hỗ trợ các chiến dịch tiêm chủng trên thế giới.

Cuba phê duyệt sử dụng vaccine Soberana Plus cho trẻ em

Trung tâm Kiểm soát Dược phẩm, Thiết bị và Dụng cụ Y tế Cuba (CECMED) ngày 7/12 đã phê duyệt sử dụng trong trường hợp khẩn cấp vaccine Soberana Plus do nước này tự phát triển và sản xuất cho đối tượng trẻ em trên hai tuổi đang điều trị COVID-19 tại nhà hoặc đã xuất viện được hai tháng.

Kết quả sơ bộ của thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I và II ở trẻ em và thanh thiếu niên đang dưỡng bệnh sau khi mắc COVID-19 cho thấy việc sử dụng một liều duy nhất vaccine Soberana Plus là an toàn và góp phần tăng cường miễn dịch giúp chống lại nguy cơ tái nhiễm virus SARS-CoV-2.

soberena-290621.jpg
Cuba phê duyệt sử dụng vaccine Soberana Plus cho trẻ em

Tiêm mũi tăng cường với vaccine của Pfizer/BioNTech giúp tăng khả năng miễn dịch trước Omicron

Công ty dược phẩm Pfizer (Mỹ) và BioNTech SE (Đức) thông báo, phân tích mẫu huyết thanh từ những người đã được tiêm 2 mũi cho thấy lượng kháng thể giúp vô hiệu hóa virus giảm khoảng 25 lần khi gặp biến thể Omicron, so với biến thể gốc. Tuy nhiên, khi tiêm liều tăng cường sử dụng vaccine của Pfizer/BioNTech sẽ giúp tăng lượng kháng thể lên 25 lần, tương đương với mức bảo vệ trước biến thể gốc và các biến thể khác sau khi tiêm đủ 2 mũi vaccine ban đầu.

SII giảm ít nhất một nửa sản lượng vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca

Từ tuần tới, Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII), nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, sẽ giảm một nửa sản lượng vaccine phòng COVID-19 của hãng AstraZeneca do không có đơn đặt hàng mới từ chính phủ.

Giám đốc điều hành SII, ông Adar Poonawalla, thông báo Viện sẽ giảm ít nhất 50% sản lượng cho đến khi đơn đặt hàng trong nước và quốc tế tăng trở lại.

Phát hiện thuốc điều trị COVID-19 có tác dụng với mọi đột biến của Omicron

Theo trang Daily Mail (Anh), các nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng thuốc Sotrovimab có hiệu quả với 37 đột biến có trong biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Thuốc này do Tập đoàn Dược phẩm khổng lồ GlaxoSmithKline của Anh và công ty Vir Biotechnology của Mỹ phát triển.

0812-sotrovimab1.jpg
Thuốc Sotrovimab dùng để điều trị COVID-19 do Công ty dược GlaxoSmithKline phối hợp với Công ty công nghệ sinh học Vir Biotechnology của Mỹ nghiên cứu và phát triển. Ảnh: PA

WHO cảnh báo tỷ lệ nhập viện do biến thể Omicron sẽ tăng lên

Ngày 8/12, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết đã ghi nhận biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 tại 57 quốc gia, với số ca nhiễm tại miền Nam châu Phi, trong đó có Zimbabwe, đang có xu hướng tăng lên. Số bệnh nhân cần nhập viện nhiều khả năng cũng sẽ tăng theo khi virus lây lan.

Singapore sẽ theo dõi tỷ lệ tăng ca mắc theo tuần thay vì theo ngày

Singapore từ ngày 7/12 đã dừng việc công bố thông cáo báo chí thống kê tình hình lây nhiễm COVID-19 hàng ngày, đồng thời sẽ theo dõi số ca mắc tăng theo tuần để xác định mức độ lây lan. Bộ Y tế Singapore cho biết quyết định trên căn cứ vào việc số ca mắc mới tại nước này đang giảm.

Anh áp dụng 'Kế hoạch B' chống COVID-19

Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 8/12 thông báo khởi động cái được gọi là "Kế hoạch B" cho vùng England nhằm ngăn chặn đà lây lan của biến thể Omicron.

Thủ tướng Johnson cho biết, từ ngày 12/12, người dân có thể làm việc từ ở nhà nếu có thể. Trong khi đó, từ ngày 10/12, yêu cầu đeo khẩu trang bắt buộc sẽ được mở rộng đều hầu hết các địa điểm đông người trong nhà như rạp hát hay rạp chiếu phim. Bên cạnh đó, chứng nhận tiêm chủng vaccine sẽ là yêu cầu bắt buộc để có đến hộp đêm và các địa điểm tập trung đông người.

Đức đưa ra nhận định về thời điểm kiểm soát dịch COVID-19

Giới chức y tế và chính trị gia của Đức đã từng hy vọng đại dịch COVID-19 sẽ kết thúc vào mùa Xuân năm 2022. Tuy nhiên, theo các nhà dịch tễ học biến thể Omicron được Nam Phi phát hiện hồi tháng 11 vừa qua có thể làm phức tạp thêm tình hình và khó dự đoán về thời điểm Đức có thể kiểm soát được dịch bệnh.

Philippines cấm du khách nhập cảnh từ Pháp

Văn phòng Tổng thống Philippines thông báo nước này sẽ cấm du khách nhập cảnh từ Pháp nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan biến thể Omicron. Lệnh cấm trên được áp dụng đối với các du khách từng đến Pháp trong 14 ngày qua. Lệnh cấm có hiệu lực kể từ ngày 10-15/12 tới.

Trước đó, Philippines áp dụng lệnh cấm trên đối với Nam Phi và 13 quốc gia khác nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan biến thể Omicron. Hiện Philippines chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm biến thể mới này.

Campuchia gia hạn giấy phép cho lao động nước ngoài

Ngày 8/12, nhật báo Khmer Times đưa tin Campuchia sẽ gia hạn thêm 2 tháng cho lao động nước ngoài có giấy phép lao động hết hạn vào ngày 31/12/2021. Như vậy, lao động nước ngoài sẽ có thêm 2 tháng để thực hiện các thủ tục xin phép lao động với cơ quan chức năng Campuchia.

Hàn Quốc coi việc điều trị tại nhà là yếu tố quan trọng

Phát biểu tại cuộc họp của Ủy ban Phòng chống tai nạn và quản lý an toàn trung ương ngày 8/12, Thủ tướng Hàn Quốc Kim Boo-kyum cho biết số ca nhiễm COVID-19 mới ở nước này lần đầu tiên đã vượt 7.000 ca, cho thấy tốc độ lây lan chóng mặt của virus SARS-CoV-2.

Lào tăng cường kiểm soát biên giới nhằm ngăn chặn biến thể Omicron

Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát Các bệnh truyền nhiễm của Bộ Y tế Lào, Tiến sĩ Sisavath Soutthanilaxay cho biết để ngăn ngừa biến thể Omicron xâm nhập, nước này đã áp dụng các biện pháp mạnh hơn và mọi cá nhân khi nhập cảnh sẽ phải cung cấp mẫu xét nghiệm để kiểm tra biến thể Omicron.

Tổng Tham mưu trưởng quân đội Ấn Độ tử nạn trong vụ rơi máy bay trực thăng

Ngày 8/12, Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết Tổng Tham mưu trưởng quân đội nước này, Tướng Bipin Rawat, đã tử nạn trong vụ rơi máy bay trực thăng cùng ngày.

Theo trang indiatvnews, chiếc trực thăng MI của Không quân Ấn Độ chở theo Tổng Tham mưu trưởng quân đội, Tướng Bipin Rawat, đã rơi tại khu vực Coonoor thuộc huyện Nilgiris, bang miền nam Tamil Nadu.

Vừa xong thượng đỉnh, Mỹ dọa cô lập Nga khỏi hệ thống tài chính toàn cầu

Phát biểu tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện ngày 7/12 (giờ địa phương), Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Victoria Nuland đã đề cập đến những cách thức mà Mỹ có thể trừng phạt Nga nếu như chính quyền Tổng thống Putin quyết định can dự quân sự ở Ukraine.

Theo bà Nuland, biện pháp trừng phạt có thể được đẩy căng lên mức cô lập hoàn toàn Nga khỏi hệ thống tài chính toàn cầu, gây ảnh hưởng, thiệt hại cho các doanh nghiệp và người dân Nga về giao thương, đi lại và làm việc.

Mỹ công bố vụ bắt giữ lô tên lửa, dầu thô Iran lớn nhất từ trước đến nay

Theo thông báo được Bộ Tư pháp Mỹ đưa ra tối ngày 7/12 (giờ địa phương), Hải quân Mỹ đã thu giữ khoảng 1,1 triệu thùng dầu cùng hàng trăm tên lửa của Iran từ một số tàu chở chở hàng ở vùng biển Arab hồi cuối năm 2019 và đầu năm 2020.

Đây được coi là lô hàng vũ khí, nhiên liệu lớn nhất của Iran bị chính phủ Mỹ bắt giữ, tịch thu từ trước đến nay. Theo quy định của Mỹ, tài sản bị tịch thu này sẽ thuộc quyền sở hữu của Mỹ và Mỹ có quyền bán.

Google đánh sập mạng botnet Glupteba

Google ngày 7/12 thông báo công ty này đã đánh sập botnet Glupteba - một mạng lưới sử dụng mã độc Glupteba tấn công khoảng 1 triệu thiết bị điện tử trên toàn cầu và sau đó sử dụng các thiết bị này để thực hiện hành vi phạm tội trên mạng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tin vắn thế giới ngày 9/12: Cuba phê duyệt sử dụng vaccine Soberana Plus cho trẻ em