Iran thông báo nối lại đàm phán hạt nhân vào ngày 9/12; Phát hiện hiệu quả bất ngờ của việc tiêm trộn vaccine AstraZeneca và Moderna; Vaccine Omicron sẵn sàng vào tháng 3/2022… là tin tức thế giới đáng chú ý.
Iran thông báo nối lại đàm phán hạt nhân vào ngày 9/12
Ngày 7/12, các hãng thông tấn Iran đưa tin các cuộc đàm phán gián tiếp giữa nước này và Mỹ nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân năm 2015 - còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), sẽ được nối lại vào ngày 9/12.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh khẳng định, nước này sẵn sàng nối lại đàm phán hạt nhân song phải dựa trên bản dự thảo đề xuất mà Tehran đưa ra hồi tuần trước.
Ba đảng tại Đức ký thỏa thuận liên minh thành lập chính phủ
Hai tháng rưỡi sau cuộc tổng tuyển cử tại Đức, sáng 7/12 tại Berlin, đảng Dân chủ Xã hội (SPD), đảng Dân chủ Tự do (FDP) và đảng Xanh đã ký thỏa thuận liên minh thành lập chính phủ mới, chính thức hoàn tất tiến trình đàm phán thành lập liên minh "Đèn giao thông" Đỏ - Vàng - Xanh cầm quyền tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
EC kêu gọi các quốc gia tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng
Ủy ban châu Âu (EC) ngày 7/12 đã kêu gọi 27 quốc gia thành viên phối hợp hạn chế hoạt động đi lại nhằm đối phó với sự bùng phát của dịch COVID-19 trong bối cảnh những lo ngại về sự xuất hiện của biến thể Omicron, đồng thời tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa các chiến dịch tiêm chủng.
Đức: Chính phủ phản đối các cuộc biểu tình chống tiêm chủng
Tại cuộc họp báo được tổ chức ngay sau khi liên minh cầm quyền gồm 3 đảng Dân chủ Xã hội (SPD), đảng Xanh và đảng Dân chủ Tự do (FDP) ký thỏa thuận thành lập chính phủ, Thủ tướng sắp kế nhiệm Olaf Scholz đã lên án các cuộc biểu tình chống đối việc áp đặt các biện pháp hạn chế và tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19.
Phát hiện hiệu quả bất ngờ của việc tiêm trộn vaccine AstraZeneca và Moderna
Theo trang The Guardian (Anh), các nhà khoa học tại học Oxford đã tiến hành nghiên cứu Com-Cov nhằm xác định việc tiêm kết hợp các loại vaccine COVID-19 sẽ tạo ra những lợi ích hay gây bất lợi gì cho phản ứng miễn dịch tổng thể.
Kết quả nghiên cứu được đăng tải trên Tạp chí Lancet cho thấy phản ứng miễn dịch của tế bào T tạo ra mạnh nhất khi tiêm kết hợp một mũi vaccine AstraZeneca và một mũi Novavax sau đó. Cả hai loại vaccine này đều có thể được bảo quản trong tủ lạnh thông thường.
EU thảo luận biện pháp chung ứng phó biến thể Omicron
Bộ trưởng y tế các nước EU đã có cuộc họp vào cùng ngày 7/12 nhằm bàn thảo các biện pháp chung trong toàn khối để ứng phó với sự xuất hiện của biến thể Omicron tại châu Âu. Số ca nhiễm biến thể Omicron gia tăng tại châu lục này đang làm dấy lên quan ngại về nguy cơ dịch bệnh trầm trọng thêm trước thềm Giáng sinh.
Các nhà quản lý y tế châu Âu khuyến nghị về tiêm kết hợp vaccine
Ngày 7/12, Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) và Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) khuyến nghị rằng việc tiêm kết hợp các liều vaccine ngừa COVID-19 đã được phê duyệt, có thể thực hiện với các mũi đầu tiên và mũi tăng cường, trong bối cảnh châu lục này đang chứng kiến số ca mắc tăng mạnh.
Campuchia sẽ sản xuất vaccine Sinopharm từ năm 2022
Công ty dược Sinopharm của Trung Quốc đã ký thỏa thuận với một công ty của Campuchia để bắt đầu sản xuất vaccine ngừa COVID-19 từ năm 2022.
Một quan chức cấp cao của Bộ Y tế Campuchia đã xác nhận thông tin nói trên sau khi Thủ tướng nước này - ông Samdech Techo Hun Sen đề cập vấn đề sản xuất vaccine ngừa COVID-19 tại buổi lễ khánh thành Quốc lộ 11 ngày 6/12.
CEO Pfizer: Vaccine Omicron sẵn sàng vào tháng 3/2022
Theo CNN, CEO của Pfizer Albert Bourla ngày 7/12 cho biết, nếu một loại vaccine mới cần thiết để đối phó với biến thể Omicron, công ty sẽ sẵn sàng vào tháng 3 và tự tin loại thuốc kháng virus do công ty sản xuất sẽ hiệu quả chống lại biến thể này.
Khi được hỏi về Paxlovid, phương pháp điều trị kháng virus đường uống của Pfizer, CEO Bourla cho biết “chúng tôi có mức độ tin tưởng rất cao rằng thuốc sẽ chống lại biến thể này và tất cả những biến thể mà chúng ta đã thấy cho đến nay".
Trung Quốc đẩy mạnh chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ nhỏ
Trung Quốc đang thúc đẩy chiến dịch tham vọng nhằm tiêm vaccine ngừa COVID-19 đầy đủ cho 160 triệu trẻ em nước này vào cuối năm nay, trong bối cảnh biến thể mới của virus SARS-CoV-2 xuất hiện làm dấy lên mối lo ngại toàn cầu. Đây là nỗ lực của Bắc Kinh nhằm tăng độ bao phủ vaccine, sớm tiến tới mục tiêu miễn dịch cộng đồng.
WHO kêu gọi tăng cường bảo vệ trẻ em trước đại dịch COVID-19
Ngày 7/12, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã kêu gọi tăng cường bảo vệ trẻ em trước đại dịch COVID-19, trong bối cảnh trẻ em trong độ tuổi từ 5-14 là nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao nhất.
Chuyên gia y tế Mỹ đề xuất cách tự bảo vệ trước biến thể Omicron
Giám đốc Viện Y tế Quốc gia Mỹ-bác sĩ Francis Collins nhận định: “Delta mới là rủi ro thực sự hiện nay. Omicron lại là mối đe dọa chưa chắc chắn”. Tuy nhiên, ông Francis Collins cũng nhấn mạnh rằng dù cho đó là biến chủng nào thì “chúng ta biết điều cần phải làm”.
Bác sĩ Julie Vaishampayan tại Hiệp hội Các bệnh truyền nhiễm Mỹ cho rằng trong thời gian này “chúng ta cần bổ sung thêm các lớp bảo vệ”. Liều vaccine phòng COVID-19 bổ sung sẽ là một trong những lớp bảo vệ này. Việc duy trì đeo khẩu trang thường xuyên, tránh đám đông, tăng cường lưu thông không khí và xét nghiệm là những bước bảo vệ khác.
Nam Phi: Hầu hết bệnh nhân mắc biến thể Omicron có triệu chứng nhẹ
Theo Chủ tịch Hiệp hội y khoa Nam Phi (SAMA) Angelique Cootze, hầu hết ca mắc biến thể Omicron đều có triệu chứng nhẹ, còn những bệnh nhân mắc mà chưa tiêm vaccine có triệu chứng nặng hơn.
Trả lời báo giới ngày 7/12, bà Cootze, người đang tham gia điều trị cho 70 bệnh nhân mắc biến thể Omicron, cho biết hầu hết những bệnh nhân COVID-19 đều có triệu chứng nhẹ như đau đầu, đau người, đau họng trong vòng 2 tuần qua.
Bộ trưởng Y tế Đức: EU vẫn cần hạn chế nhập cảnh cho đến khi rõ hơn về Omicron
Phát biểu khi dự cuộc họp của Bộ trưởng Y tế các nước EU tại Brussels (Bỉ), Bộ trưởng Y tế Đức, Jens Spahn nhấn mạnh: "Cho đến khi chúng ta biết nhiều hơn về biến thể Omicron, chúng ta cần thận trọng và do đó hạn chế đi lại là cần thiết để giữ cho việc nhập cảnh vào châu Âu nói chung và Đức nói riêng ở mức thấp nhất có thể". Các nguồn tin EU ngày 6/12 cũng xác nhận không có kế hoạch sớm nới lỏng hạn chế đi lại này.
Nhật Bản siết chặt kiểm soát nhập cảnh ngăn biến thể Omicron
Kể từ ngày 8/12, các công dân Nhật Bản và người nước ngoài thường trú ở nước này trở về từ 7 bang của Mỹ (gồm Connecticut, Nebraska, Pennsylvania, Massachusetts, Missouri, Maryland và Washington), vùng lãnh thổ thủ đô (ACT) của Australia và bang Maharashtra của Ấn Độ sẽ phải cách ly bắt buộc 3 ngày tại các cơ sở do chính phủ chỉ định ngay sau khi nhập cảnh.
Các đối tượng trên chỉ có thể rời các cơ sở cách ly nếu họ có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 vào ngày thứ ba kể từ khi nhập cảnh. Sau khi rời cơ sở cách ly, họ vẫn phải tiếp tục cách ly tại nhà cho đến khi hoàn thành thời gian cách ly bắt buộc kéo dài 14 ngày.
Thái Lan không áp đặt phong tỏa bất chấp biến thể Omicron
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul ngày 7/12 tuyên bố nước này sẽ không áp đặt phong tỏa bất chấp sự xuất hiện của biến thể Omicron.
Thái Lan trước đó đã ghi nhận ca đầu tiên nhiễm biến thể Omicron là một người Mỹ nhập cảnh ngày 30/11 từ Tây Ban Nha, trở thành nước thứ 47 phát hiện biến thể mới này.
Indonesia hủy kế hoạch áp dụng lệnh hạn chế cấp độ 3 trên toàn quốc
Chính phủ Indonesia đã quyết định hủy bỏ kế hoạch triển khai Lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM) cấp độ 3 trên toàn quốc và sẽ xem xét áp dụng đối với từng khu vực tùy thuộc tình hình dịch bệnh. Cùng với các biện pháp tăng cường phòng chống dịch như 3T (xét nghiệm, truy vết và điều trị) và chương trình tiêm chủng quốc gia, Bộ trưởng Luhu khẳng định Indonesia đã sẵn sàng hơn để đối phó với những nguy cơ từ dịch bệnh, nhất là trong thời điểm cuối năm.
Giới siêu giàu tăng mạnh tỉ lệ nắm giữ tài sản toàn cầu giữa dịch COVID-19
Báo cáo Bất bình đẳng Toàn cầu (WIR) do tổ chức World Inequality Lab thực hiện cho biết 2020 là năm chứng kiến tích tụ tài sản tăng thêm ở mức kỉ lục đối với các tỉ phú thế giới. Cùng thời điểm, có thêm 100 triệu người rơi xuống ngưỡng nghèo khổ cùng cực.
Cụ thể, 10% số người giàu trên thế giới hiện nắm giữ 52% tổng thu nhập toàn cầu, trong khi 50% những người nghèo nhất chưa có được mức 8%.
Nhật Bản cam kết hỗ trợ các nước đang phát triển giải quyết thách thức về dinh dưỡng
Ngày 7/12, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cho biết nước này sẽ hỗ trợ hơn 300 tỷ yen (tương đương 2,6 tỷ USD) trong 3 năm tới nhằm giúp các nước đang phát triển giải quyết các thách thức về dinh dưỡng, trong bối cảnh Tokyo đang đẩy mạnh thực hiện cam kết về giảm đói nghèo.
Phát biểu tại một hội nghị thượng đỉnh về dinh dưỡng diễn ra theo hình thức trực tuyến do Nhật Bản chủ trì, Thủ tướng Kishida cũng cam kết hỗ trợ 10 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 cho các nước châu Phi.
Pháp bắt giữ một đối tượng tình nghi tham gia vụ sát hại nhà báo Khashoggi
Ngày 7/12, giới chức Pháp cho biết Khalid Alotaibi, một đối tượng tình nghi trong nhóm hung thủ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi hồi năm 2018, đã bị bắt giữ cùng ngày tại sân bay Charles de Gaulle ở ngoại ô Paris.
Tuy nhiên sau đó cùng ngày, Đại sứ quán Arab Saudi tại Paris ra tuyên bố cho biết người đàn ông bị Pháp bắt giữ không liên quan tới vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi, đồng thời yêu cầu Pháp ngay lập tức trả tự do cho người này. Một nguồn tin an ninh Arab Saudi cũng khẳng định vụ bắt giữ là không chính xác và chỉ là “một trường hợp nhầm lẫn danh tính”.
Nga phạt Google 5 triệu ruble vì không xóa nội dung bị cấm
Một tòa án của Nga ngày 7/12 thông báo đã phạt Google của Alphabet 5 triệu ruble (67.190 USD). Đây là “án phạt” mới nhất trong chuỗi mức phạt dành cho gã khổng lồ công nghệ này vì không xóa nội dung mà chính phủ nước này cho là bất hợp pháp.
Mexico tiếp tục giải cứu tập đoàn dầu khí Pemex
Bộ Tài chính và Tín dụng công Mexico vừa thông báo sẽ “bơm” thêm 3,5 tỉ USD cho tập đoàn dầu khí quốc gia Pemex, nhằm giúp Pemex thanh toán một phần nợ nước ngoài và cải thiện hồ sơ đáo hạn bằng cách gia hạn các khoản nợ ngắn hạn và trung hạn.
UAE là nước đầu tiên trên thế giới giảm thời gian làm việc còn 4 ngày rưỡi/tuần
Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) ngày 7/12 thông báo sẽ chuyển lịch nghỉ cuối tuần sang thứ Bảy và Chủ nhật giống như lịch quốc tế đang áp dụng, đồng thời giảm thời gian làm việc còn 4 ngày rưỡi/tuần.
Quyết định có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, theo đó người lao động sẽ được nghỉ cuối tuần từ trưa thứ Sáu đến hết Chủ nhật, thay vì vào thứ Sáu và thứ Bảy như hiện nay. Lễ cầu nguyện vào thứ Sáu hằng tuần của các tín đồ Hồi giáo sẽ được tổ chức sau 13 giờ 15 phút.
Nổ ở miền Nam Iraq, nhiều người thương vong
Ngày 7/12, các nguồn tin y tế và cảnh sát tại Iraq cho biết có ít nhất 4 người thiệt mạng và 20 người khác bị thương trong vụ nổ xảy ra tại thành phố Basra, miền Nam nước này.
Cháy nhà tù tại Burundi làm 38 tù nhân thiệt mạng
Ngày 7/12, Phó Tổng thống Burundi Prosper Bazombanza cho biết một vụ hỏa hoạn lớn đã xảy ra tại một nhà tù ở thủ đô Gitega, khiến 38 tù nhân thiệt mạng và nhiều người bị thương.
Sập tòa chung cư tại Pháp làm 4 người thương vong
Một vụ nổ, được cho là nổ khí gas, đã làm sập một tòa chung cư ở thành phố Sanary của Pháp sáng sớm 7/12, khiến 1 người thiệt mạng và 3 người khác bị thương.