Tin vắn thế giới ngày 5/11: Chuyên gia Mỹ khuyến cáo không nên tiêm mũi vaccine tăng cường cho tất cả mọi người

Bạch Dương| 05/11/2021 07:30
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tổng thống Nga, Belarus ký sắc lệnh hợp nhất Nhà nước Liên minh; Chuyên gia Mỹ khuyến cáo không nên tiêm mũi vaccine tăng cường cho tất cả mọi người; Anh duyệt thuốc Molnupiravir điều trị COVID-19… là tin tức thế giới đáng chú ý.

Tổng thống Nga, Belarus ký sắc lệnh hợp nhất Nhà nước Liên minh

Tại cuộc họp ngày 4/11 của Hội đồng Nhà nước tối cao, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã ký sắc lệnh hợp nhất Nhà nước Liên minh.

Hai tổng thống đã thông qua 28 chương trình của Nhà nước Liên minh đạt được hồi tháng 9, cũng như các phương hướng chính để thực hiện các điều khoản của Hiệp ước thành lập Nhà nước liên minh giai đoạn 2021-2023.

nga-belarus-51121.jpg
Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Tass

Tổng thống Iran: Không chấp nhận các đòi hỏi 'quá đáng' trong đàm phán hạt nhân

Ngày 4/11, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi cảnh báo các nước phương Tây rằng ông sẽ không chấp nhận "những đòi hỏi quá đáng" trong cuộc đàm phán hạt nhân dự kiến được nối lại vào cuối tháng này sau 5 tháng bị đình trệ.

Phát biểu tại một buổi lễ ở thành phố Semnam, phía Đông thủ đô Tehran, ông Raisi khẳng định Iran sẽ không rời khỏi bàn đàm phán nhưng cũng sẽ phản đối bất kỳ yêu cầu thái quá nào (của phương Tây) có thể gây tổn hại lợi ích của người dân nước này.

Thủ tướng Nhật Bản sẽ kiêm nhiệm chức Ngoại trưởng

Ngày 4/11, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết ông sẽ kiêm nhiệm chức Ngoại trưởng cho đến khi ông công bố nội các mới, có thể trong tháng này.

Trước đó, Thủ tướng Kishida đã bổ nhiệm Ngoại trưởng Toshimitsu Motegi làm Tổng Thư ký đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền, thay cho ông Akira Amari, người mới được đề bạt làm Tổng Thư ký LDP hôm 1/10 nhưng đã thất bại trong cuộc đối đầu với ứng cử viên của phe đối lập trong cuộc bầu cử Hạ viện ngày 31/10.

Thụy Điển: Nữ Bộ trưởng Tài chính có khả năng trở thành Thủ tướng

Ngày 4/11, Bộ trưởng Tài chính Thụy Điển Magdalena Andersson đã được bầu làm người đứng đầu Đảng Dân chủ Xã hội. Đây là bước đầu tiên để bà có thể trở thành Thủ tướng của Thụy Điển, thay ông Stefan Löfven tuyên bố từ chức hồi tháng 8 vừa qua.

Ukraine bổ nhiệm cựu Phó Thủ tướng làm Bộ trưởng Quốc phòng

Ngày 4/11, Quốc hội Ukraine đã bỏ phiếu phê chuẩn việc bổ nhiệm ông Oleksii Reznikov làm tân Bộ trưởng Quốc phòng theo đề cử của Tổng thống Volodymyr Zelenskiy.

WHO: Châu Âu lại trở thành tâm dịch COVID-19 của thế giới

Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 4/11, Giám đốc WHO phụ trách khu vực châu Âu Hans Kluge bày tỏ đặc biệt lo ngại về mức độ lây truyền dịch bệnh ở 53 quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Âu. Các ca mắc mới đang tiệm cận những mức kỷ lục từng ghi nhận trước đây, tăng đặc biệt nhanh với sự xuất hiện của biến thể Delta của virus SARS-CoV-2. Tình trạng gia tăng số ca mắc mới COVID-19 được ghi nhận ở tất cả các lứa tuổi.

Quan chức này cho biết thêm một mô hình dự báo đáng tin cậy chỉ ra rằng đến tháng 2/2022, châu Âu có thể ghi nhận thêm khoảng 500.000 ca tử vong vì COVID-19 nếu tình hình hiện nay tiếp diễn.

Chuyên gia Mỹ khuyến cáo không nên tiêm mũi vaccine tăng cường cho tất cả mọi người

Chuyên gia nghiên cứu thần kinh học, Tiến sĩ Michael Segal ngày 3/11 đã có bài viết trên báo Wall Street Journal cho rằng mũi tăng cường (mũi 3) vaccine ngừa COVID-19 không mang lại lợi ích cho những người trẻ và khỏe mạnh và vì vậy không nên đánh đổi khả năng phải chịu rủi ro tiềm ẩn, dù nhỏ để tiêm.

Theo Tiến sĩ Segal, lý do không nên tiêm mũi thứ ba cho tất cả mọi người bởi vì nhiều người tiêm 2 mũi vẫn ở trong ngưỡng cửa sổ điều trị - tức là cơ thể họ vẫn được vaccine bảo vệ tốt thì họ không có thêm lợi ích khi tiêm mũi thứ 3. Với những người như vậy, tiêm thêm mũi thứ 3 sẽ chỉ khiến họ bị đẩy lên ngưỡng phía đỉnh "cửa sổ điều trị", tức là ngưỡng mang lại nhiều tác dụng phụ.

050921-vaccine-dulich.jpg
Người dân được tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Chicago, Illinois, Mỹ. Ảnh: AFP

Singapore sẽ cho công chức nghỉ không lương nếu không tiêm phòng COVID-19

Trang tin của kênh truyền hình CNA ngày 4/11 đưa tin, Cơ quan Dịch vụ Công (PSD) của Singapore cho biết đây sẽ là giải pháp cuối cùng nếu các công chức vẫn không chịu tiêm vaccine ngừa COVID-19.Hiện tại, PSD sẽ cố gắng hết sức để có thể sắp xếp cho các nhân viên chưa tiêm phòng làm việc tại nhà từ ngày 1/1/2022 nếu công việc cho phép. Những người chưa tiêm vaccine cũng có thể sẽ được điều chuyển sang các bộ phận có thể làm việc tại nhà. Tuy nhiên, PSD nhấn mạnh rằng nếu họ đủ điều kiện tiêm chủng mà vẫn kiên quyết không tiêm thì sẽ không đủ tiêu chuẩn để điều chuyển, và sẽ bị buộc phải nghỉ không lương.

Đức cảnh báo áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt với người không tiêm phòng

Biện pháp đó có thể là quy tắc 2G, tức là chỉ những người đã khỏi bệnh hoặc đã tiêm chủng mới được vào hoặc tham gia các sự kiện, cơ sở giải trí, nhà hàng... Những hạn chế mới sẽ nhắm vào đối tượng là người trưởng thành không chịu tiêm chủng, trong khi những người không thể tiêm chủng vì lý do y tế sẽ được xét ngoại lệ. Tất cả những người đã tiêm chủng đầy đủ sẽ được "miễn trừ" với những quy định mới.

Indonesia chưa tiêm chủng cho trẻ em trong năm 2021

Tại Indonesia, người phát ngôn Bộ Y tế Indonesia Siti Nadia Tarmizi ngày 4/11 cho biết chính phủ nước này chưa thể tiến hành chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 6-11 tuổi trong năm nay do thiếu nguồn cung vaccine.

Quốc gia đầu tiên phê duyệt thuốc Molnupiravir điều trị COVID-19

Vương quốc Anh trở thành quốc gia đầu tiên phê duyệt thuốc kháng virus Molnupiravir để điều trị bệnh COVID-19 có triệu chứng ở những bệnh nhân dễ bị tổn thương.

Sau khi được cơ quan quản lý dược phẩm của Vương quốc Anh phê duyệt, Molnupiravir - thuốc viên được phát triển bởi công ty dược phẩm Merck của Mỹ- dự kiến sẽ tạo ra bước ngoặt trong điều trị bệnh COVID-19. Thuốc sẽ được kê đơn sử dụng 2 lần một ngày cho những bệnh nhân dễ bị tổn thương được chẩn đoán nhiễm virus SARS-CoV-2.

0411-thuoc-covid-19.jpg
Molnupiravir có thể bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất khỏi những tác động tồi tệ của bệnh COVID-19. Ảnh: Reuters

Campuchia thí điểm sử dụng thuốc kháng virus Molnupiravir

Bộ Y tế Campuchia ngày 3/11 đã đồng ý cấp phép sử dụng thí điểm thuốc kháng virus Molnupiravir trong trường hợp điều trị khẩn cấp cho các bệnh nhân COVID-19.

Trong thông cáo cấp phép, Bộ trưởng Y tế Campuchia Mam Bun Heng cho biết sẽ sử dụng thuốc kháng virus Molnupiravir trong điều trị khẩn cấp, trong khi vẫn phải tiếp tục nghiên cứu và đánh giá phác đồ điều trị xen kẽ. Các đơn vị liên quan sẽ theo dõi chặt chẽ việc sử dụng thuốc Molnupiravir để đảm bảo an toàn và kiểm soát các phản ứng bất lợi do dược phẩm này gây ra.

Trẻ sơ sinh có thể miễn dịch thụ động nhờ sữa mẹ khi mẹ từng mắc COVID-19

Những kháng thể COVID-19 có sẵn trong cơ thể người mẹ có tiền sử mắc COVID-19 truyền sang con trong quá trình nuôi con bằng sữa mẹ trên thực tế mang lại nhiều lợi ích vượt trội hơn so với những gì các nhà khoa học từng biết đến.

Thông tin này vừa được công bố trên JAMA Network Open ngày 3/11.

Virus SARS-CoV-2 không lây nhiễm sang các tế bào não ở người mắc COVID-19

Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Cell, virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 không lây nhiễm sang các tế bào não của con người.

Trong nghiên cứu mới nay, các nhà khoa học Bỉ và Đức khẳng định SARS-CoV-2 chỉ lây nhiễm cho các tế bào nâng đỡ có chức năng hỗ trợ cho các tế bào thần kinh khứu giác trong mũi, mà không phải các tế bào thần kinh cảm giác khứu (OSN) trong niêm mạc khứu giác. Chính các OSN bện chặt với nhau nhờ tế bào nâng đỡ này.

Latvia ban bố tình trạng khẩn cấp

Latvia đã ban bố tình trạng khẩn cấp có hiệu lực trong 3 tháng, bắt đầu từ ngày 8/11, sau khi số ca mắc mới COVID-19 tại nước này tăng lên các mức cao kỷ lục trong khi tỷ lệ tiêm chủng tại Latvia nằm trong số thấp nhất Liên minh châu Âu (EU).

Trung Quốc từng bước mở cửa biên giới nội địa với Hong Kong

Theo kế hoạch từng bước mở lại biên giới nội địa, khoảng giữa tháng 12 tới, cư dân Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) có thể được phép đến Trung Quốc đại lục mà không cần phải cách ly.

Tuy nhiên, việc di chuyển sẽ chỉ giới hạn ở tỉnh Quảng Đông và Thâm Quyến là điểm nhập cảnh duy nhất.

Trung Quốc siết chặt các biện pháp bảo vệ thủ đô Bắc Kinh

Nhà chức trách Trung Quốc đã quyết định siết chặt các biện pháp bảo vệ thủ đô Bắc Kinh trong bối cảnh số ca nhiễm đang gia tăng tại hơn một nửa số tỉnh thành trên cả nước trước thềm một hội nghị của các nhà lãnh đạo cấp cao trong vài ngày tới và Thế vận hội Olympic mùa Đông trong gần 100 ngày nữa.

Triều Tiên đề phòng nguy cơ dịch bệnh vào mùa Đông

Báo Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên, ngày 3/11 có bài viết kêu gọi người dân tăng cường áp dụng các biện pháp phòng dịch COVID-19 trong mùa Đông năm nay.

Bài viết nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh và giải pháp là nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng dịch.

Tổng Thư ký LHQ kêu gọi lãnh đạo quân đội Sudan khôi phục trật tự hiến pháp

Trong cuộc điện đàm mới đây với Tư lệnh các Lực lượng Vũ trang Sudan, trung tướng Abdel Fattah al- Burhan, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã lên tiếng kêu gọi hãy khôi phục trật tự hiến pháp và tiếp tục tiến trình chuyển tiếp tại quốc gia này.

Thông cáo của LHQ phát ra ngày 4/11 cho hay Tổng Thư ký LHQ nhắc lại lời kêu gọi của ông hãy thả tự do cho Thủ tướng Abdalla Hamdok cũng như những người khác đang bị giam giữ tại Sudan.

20 quốc gia cam kết chấm dứt tài trợ các dự án nhiên liệu hóa thạch ở nước ngoài

Ngày 4/11, Mỹ, Canada và 18 quốc gia khác cam kết sẽ chấm dứt tài trợ cho tất cả các dự án nhiên liệu hóa thạch ở nước ngoài vào cuối năm 2022, thay vào đó hướng đầu tư vào năng lượng sạch.

Trong tuyên bố chung được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh khí hậu trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra ở Glasgow, Scotland (Anh), các nước trên nêu rõ việc đầu tư vào các dự án năng lượng liên quan đến hóa thạch ngày càng tiềm ẩn rủi ro kinh tế và xã hội.

Giám đốc IEA lạc quan về mục tiêu kiềm chế mức tăng nhiệt độ

Những tuyên bố hành động nhằm trung hòa khí thải gây hiệu ứng nhà kính và cam kết giảm phát thải khí methane được các nhà lãnh đạo nhất trí tại hội nghị khí hậu toàn cầu đang diễn ra tại Vương quốc Anh sẽ giúp thế giới tiến gần hơn mục tiêu kiềm chế mức tăng nhiệt độ Trái Đất.

Ông Birol nêu rõ: "Những phân tích mới đây của IEA cho thấy, với việc thực hiện tất cả các cam kết cho đến nay về việc đưa mức phát thải ròng khí gây hiệu ứng nhà kính về 0 cũng như Cam kết cắt giảm khí methane trên toàn cầu, thế giới có thể giới hạn mức tăng nhiệt độ của Trái Đất ở mức 1,8 độ C".

Liban đề ra lộ trình giải quyết tranh cãi ngoại giao với Arab Saudi

Ngày 4/11, Tổng thống Michel Aoun và Thủ tướng Najib Mikati của Liban đã nhất trí với lộ trình giải quyết tranh cãi ngoại giao giữa nước này và Arab Saudi.

Qua mạng xã hội Twitter, Tổng thống Aoun đã xác nhận thông tin trên, song không cung cấp chi tiết về lộ trình này.

Người dân Afghanistan được rút tối đa 400 USD/tuần

Ngân hàng trung ương Afghanistan đã nới lỏng hạn chế về việc rút tiền mặt của người dân. Theo đó, người dân Afghanistan sẽ được rút tối đa 400 USD/tuần trong khi hạn chế trước đây là 200 USD/tuần.

Pháp giải cứu trên 400 người di cư tại eo biển Manche

Ngày 4/11, giới chức Pháp thông báo các lực lượng chức năng nước này đã giải cứu được trên 400 người di cư ở Eo biển Manche khi chiếc tàu chở họ bị đắm. Thông tin ban đầu xác nhận đã có một người di cư thiệt mạng và một người khác mất tích.

Ai Cập sẽ tăng phí quá cảnh qua Kênh đào Suez từ tháng 2/2022

Cơ quan Quản lý Kênh đào Suez (SCA) của Ai Cập ngày 4/11 cho biết sẽ tăng 6% phí quá cảnh qua tuyến hàng hải quan trọng này, sau khi Kênh đào Suez ghi nhận mức doanh thu kỷ lục trong tài khóa 2020-2021, bất chấp tác động của đại dịch CIVID-19.

Trong một tuyên bố, người đứng đầu SCA, ông Osama Rabie, cho hay quy định về mức phí mới sẽ có hiệu lực từ tháng 2/2022, nhưng các tàu du lịch và tàu vận chuyển khí đốt hóa lỏng sẽ được miễn áp dụng mức phí mới nói trên.

Thủ đô của Ấn Độ lại chìm trong khói bụi

Ngày 4/11, thủ đô New Delhi của Ấn Độ đã bị bao phủ trong lớp khói dày đặc và độc hại trong bối cảnh hàng triệu người tụ tập với gia đình và bạn bè để ăn mừng lễ hội ánh sáng Diwali của người Hindu.

Theo kết quả từ các trạm quan trắc đô thị do cơ quan kiểm soát chất lượng không khí SAFAR, nồng độ bụi mịn PM2.5 đã đạt mức trung bình 389 trong ngày 4/11. Con số này cao gấp 15 lần so với giới hạn an toàn do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đề ra.

Trung Quốc biến khí thải thành thức ăn chăn nuôi chỉ trong 22 giây

Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, nhóm nghiên cứu tại Công ty Công nghệ Sinh học Beijing Shoulang và Viện Nghiên cứu Thức ăn chăn nuôi, thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc (CAAS), cho biết họ đã phát triển thành công phương pháp tổng hợp khí thải công nghiệp có chứa CO và CO2 để tạo ra một loạt protein tế bào tổng hợp có tên Clostridium autoethanogenum, một loại vi khuẩn được sử dụng để sản xuất ethanol.

Theo đó, khí thải sẽ trải qua một loạt các quá trình xử lý bao gồm lên men, oxy hóa, chưng cất và khử nước, giúp chuyển hoá nitơ và carbon thành chất hữu cơ.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tin vắn thế giới ngày 5/11: Chuyên gia Mỹ khuyến cáo không nên tiêm mũi vaccine tăng cường cho tất cả mọi người