Tin vắn thế giới ngày 19/5: EC công bố kế hoạch chấm dứt phụ thuộc nhiên liệu Nga vào năm 2027

Bạch Dương| 19/05/2022 07:49
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bộ trưởng Y tế Mỹ mắc COVID-19; Indonesia chưa xác định được mối liên hệ giữa bệnh viêm gan bí ẩn với COVID-19; EC công bố kế hoạch chấm dứt phụ thuộc nhiên liệu Nga vào năm 2027… là tin tức thế giới đáng chú ý.

Bộ trưởng Y tế Mỹ mắc COVID-19

Người phát ngôn Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ xác nhận, Bộ trưởng Xavier Becerra đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 trong lúc đang thực hiện hành trình tới Berlin (Đức) để tham dự Hội nghị Bộ trưởng Y tế Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7).

Theo người phát ngôn trên, Bộ trưởng Becerra đã được chủng ngừa đầy đủ và được tiêm mũi tăng cường. Hiện nay, ông chỉ có các triệu chứng nhẹ và sẽ tiếp tục làm việc từ xa.

xavier19522.jpg
Ông Xavier Becerra. Ảnh: AP

Indonesia chưa xác định được mối liên hệ giữa bệnh viêm gan bí ẩn với COVID-19

Người phát ngôn Bộ Y tế Indonesia Mohammad Syahril cho biết tất cả 14 bệnh nhân nghi mắc bệnh viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân ở trẻ em tại nước này không có tiền sử mắc COVID-19.

Phát biểu họp báo ngày 18/5, ông Syahril cho hay, không có bất cứ dữ liệu nào về việc mắc COVID-19 ở các bệnh nhi nói trên. Dựa vào kết quả xét nghiệm PCR, các bệnh nhi này cũng đều âm tính với virus SARS-CoV-2.

PAHO cảnh báo số ca mắc COVID-19 mới gia tăng tại châu Mỹ

Ngày 18/5, Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) cho biết, số ca mắc COVID-19 mới ở khu vực châu Mỹ đang có xu hướng tăng trở lại trong bối cảnh nhiều nước đã chấm dứt các biện pháp bắt buộc đeo khẩu trang và giãn cách xã hội và tỷ lệ tiêm vaccine ở một số nước vẫn chưa đạt yêu cầu.

Chuyên gia cảnh báo thế giới chưa sẵn sàng ứng phó với những đại dịch mới

Những nỗ lực cải cách toàn cầu nhằm ngăn ngừa các mối đe dọa dịch bệnh mới trong tương lai vẫn còn chậm chạm và rời rạc, khiến thế giới vẫn ở trạng thái chưa sẵn sàng giống như lúc dịch COVID-19 mới bùng phát.

Đây là cảnh báo của Ủy ban độc lập về chuẩn bị và ứng phó đại dịch, do cựu Thủ tướng New Zealand Helen Clark và cựu Tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf làm đồng Chủ tịch, công bố ngày 18/5.

Chủ tịch Triều Tiên kêu gọi nỗ lực hơn để đẩy lùi dịch bệnh

Ngày 18/5, truyền thông nhà nước Triều Tiên đưa tin nhà lãnh đạo nước này Kim Jong-un đã chủ trì cuộc họp của đảng Lao động Triều Tiên cầm quyền nhằm thảo luận về các biện pháp chống dịch trên toàn quốcc và hối thúc các quan chức ổn định tình hình dịch bệnh sau khi Triều Tiên ghi nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên vào tuần trước.

Trung Quốc bỏ một số quy định xét nghiệm COVID-19 đối với du khách từ Mỹ

Từ ngày 20/5 tới, du khách từ các thành phố của Mỹ gồm Los Angeles, New York và San Francisco bay đến Trung Quốc sẽ không cần xét nghiệm RT-PCR đối với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 trong vòng 7 ngày trước chuyến bay. Đây là thông báo tối 17/5 của đại sứ quán và các lãnh sự quán Trung Quốc tại Mỹ.

Bồ Đào Nha phát hiện 5 ca bệnh đậu mùa khỉ hiếm gặp

Ngày 18/5, giới chức y tế Bồ Đào Nha cho biết nước này đã phát hiện 5 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ hiếm gặp, trong bối cảnh Anh vừa thông báo có ít nhất 7 ca nhiễm kể từ khi ghi nhận ca đầu tiên vào ngày 7/5 đến nay. Trong khi đó, các đơn vị y tế Tây Ban Nha cũng đang tiến hành xét nghiệm 8 ca nghi nhiễm.

Chuyên gia y tế Australia kêu gọi áp đặt trở lại quy định đeo khẩu trang bắt buộc

Các bác sĩ và chuyên gia y tế của Australia kêu gọi chính phủ và chính quyền địa phương ở nước này khẩn trương áp đặt trở lại quy định đeo khẩu trang bắt buộc, trong bối cảnh dịch COVID-19 có nguy cơ bùng phát trở lại ở một số địa phương.

Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Australia (AMA), Giáo sư Omar Khoshid, cho biết hệ thống y tế của bang Tây Australia sẽ không thể ứng phó với nguy cơ 25.000 ca mắc mới COVID-19/ngày, căn cứ tình hình lây lan dịch bệnh thực tế hiện nay.

EC công bố kế hoạch chấm dứt phụ thuộc nhiên liệu Nga vào năm 2027

Ngày 18/5, Ủy ban châu Âu (EC) công bố kế hoạch trị giá 210 tỷ euro để Liên minh châu Âu (EU) đến năm 2027 sẽ chấm dứt phụ thuộc vào nhiên liệu nhập từ Nga, tiếp đó tiến tới chuyển đổi nhanh hơn sang sử dụng năng lượng sạch.

Để giảm dần phụ thuộc năng lượng vào Nga, Brussels đề xuất kế hoạch gồm 3 trụ cột: Tìm thêm nguồn cung khí đốt khác ngoài Nga, đẩy nhanh triển khai sử dụng năng lượng tái tạo và tăng các biện pháp nhằm tiết kiệm năng lượng. Các biện pháp thực hiện kế hoạch bao gồm thông qua các luật, các cơ chế không ràng buộc và đưa ra các khuyến nghị cho chính phủ 27 nước thành viên trực tiếp quyết định các chính sách năng lượng ở mỗi quốc gia.

051722-khi-gas.jpg
Cơ sở khai thác khí đốt Bovanenkovo của Nga trên bán đảo Yamal, Bắc Cực. Ảnh: AFP

EU xem xét một khoản vay chung nhằm giúp tái thiết Ukraine

EC hôm 18/5 xem xét lựa chọn một khoản vay chung mới trong Liên minh châu Âu (EU) được lấy ý tưởng từ kế hoạch phục hồi sau COVID-19 để tài trợ cho việc tái thiết Ukraine. Để hỗ trợ quá trình tái thiết này, EC đề xuất thành lập một công cụ tài chính, "RebuildUkraine" (tái thiết Ukraine), được hỗ trợ bởi ngân sách châu Âu, có thể cấp cho Ukraine các khoản vay và trợ cấp, kèm theo điều kiện cải cách về Nhà nước pháp quyền, chống tham nhũng và đầu tư phù hợp với các mục tiêu kỹ thuật số và khí hậu của châu Âu.

Trong khi đó, Chủ tịch EC, bà Ursula von der Leyen đã đề xuất gói hỗ trợ bổ sung cho Ukraine lên tới 9 tỷ euro (9,5 tỷ USD) trong năm nay để giúp Kiev khắc phục hậu quả xung đột.

Nga trục xuất thêm nhiều nhà ngoại giao châu Âu

Ngày 18/5, Nga thông báo trục xuất 24 nhân viên Đại sứ quán Italy và 27 nhà ngoại giao Tây Ban Nha tại Nga, động thái đáp trả quyết định tương tự trước đó của các nước này nhằm vào Moscow liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine.

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao LB Nga thông báo nước này đã trục xuất 34 nhà ngoại giao Pháp nhằm đáp trả những động thái của Paris đối với Moscow.

Nội các Đức thông qua đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan

Ngày 18/5, Bộ trưởng Tư pháp Đức Marco Buschmann thông báo nội các nước này đã chấp thuận đơn xin gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Thụy Điển và Phần Lan.

Chia sẻ trên Twitter, ông Buschmann nêu rõ Đức luôn cam kết ủng hộ quy trình kết nạp nhanh chóng. Trong khi đó, một người phát ngôn của Chính phủ Đức cũng khẳng định nước này sẽ thúc đẩy để tiến trình kết nạp diễn ra nhanh nhất có thể.

Thổ Nhĩ Kỳ nêu điều kiện để Phần Lan, Thụy Điển gia nhập NATO

Thổ Nhĩ Kỳ ngày 18/5 khẳng định sẽ chỉ có thể đạt được tiến triển trong nỗ lực gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển nếu Helsinki và Stockholm triển khai các bước đi cụ thể nhằm giải quyết những quan ngại an ninh của Ankara.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 18/5 đã bày tỏ lạc quan về triển vọng thành công trong nỗ lực của Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO, bất chấp những tuyên bố phản đối từ phía Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh quan trọng trong khối.

Trung Quốc thông báo thời điểm tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao BRICS

Ngày 18/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân thông báo Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị sẽ chủ trì Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Ngoại giao Khối các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS - gồm Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi) vào ngày 19/5.

Lạm phát tại Canada xác lập mức cao kỷ lục mới của 31 năm

Tỷ lệ lạm phát tại Canada trong tháng Tư vừa qua đã lập mức cao kỷ lục mới của 31 năm - một diễn biến đáng lo ngại đối với nhiều người lao động, những người có mức lương không theo kịp lạm phát.

Cơ quan Thống kê Canada cho biết chỉ số giá tiêu dùng ở quốc gia Bắc Mỹ này đã tăng 6,8% trong tháng 4/2022, so với mức 6,7% của tháng trước đó.

Google Nga chuẩn bị nộp đơn phá sản

Trang The Verge dẫn tin từ Reuters cho biết, công ty con của Google tại Nga sẽ nộp đơn xin phá sản, tuyên bố rằng họ không thể tiếp tục duy trì hoạt động do bị nhà chức trách Nga thu giữ tài khoản ngân hàng.

Cho đến nay, Google dường như là công ty công nghệ lớn đầu tiên nộp đơn xin phá sản ở Nga do hậu quả của cuộc chiến Ukraine. Các công ty khác như Apple, Meta và Microsoft đều đã tạm ngừng hoạt động tại quốc gia này nhưng chưa có chi nhánh nào ở Nga tuyên bố phá sản.

google.png

Tajikistan: Giao tranh tại khu vực giáp ranh với Trung Quốc

Bộ Nội vụ Tajikistan ngày 18/5 xác nhận các cuộc đụng độ giữa lực lượng an ninh nước này với những “phần tử khủng bố” đã khiến 9 người thiệt mạng và 24 người khác bị thương tại khu vực bất ổn giáp ranh với Trung Quốc và Afghanistan.

Vụ tấn công xảy ra trong bối cảnh một “chiến dịch chống khủng bố” vừa được triển khai trước đó cùng ngày, sau khi khoảng 200 người có vũ trang đã chặn một tuyến đường quốc lộ ở khu vực biên giới với Afghanistan.

Phong trào Houthi cân nhắc gia hạn lệnh ngừng bắn

Phong trào Houthi tại Yemen ngày 18/5 thông báo đang cân nhắc gia hạn lệnh ngừng bắn với chính phủ nước này, trong bối cảnh thỏa thuận do LHQ làm trung gian sẽ hết hiệu lực trong vòng 2 tuần tới.

Hãng thông tấn Saba của Houthi đưa tin Hội đồng Chính trị Tối cao của phong trào này “sẽ cân nhắc đề nghị gia hạn lệnh ngừng bắn, vốn sẽ kết thúc vào ngày 2/6”.

Mỹ xác nhận không công bố thông tin về vụ tại nạn máy bay của Trung Quốc

Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ (NTSB) đã xác nhận với Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc (CAAC) rằng họ không công bố bất kỳ thông tin điều tra nào về nguyên nhân tai nạn máy bay MU5735 của China Eastern Airlines.

Theo tờ Thời báo Hoàn cầu, tuyên bố của NTSB phủ nhận thông tin trước đó từ một số phương tiện truyền thông Mỹ cho rằng chiếc máy bay Boeing 737-800 của hãng hàng không China Eastern gặp nạn do ai đó trong buồng lái cố tình đẩy chiếc máy bay rơi theo chiều thẳng đứng, khiến toàn bộ 132 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng.

Ấn Độ: Sập tường khiến ít nhất 12 người thiệt mạng

Ít nhất 12 người đã thiệt mạng và 1 người khác bị thương trong một vụ sập tường nghiêm trọng ngày 18/5 tại bang Gujarat, miền Tây Ấn Độ.

Nhật Bản: Chấp thuận kế hoạch xả nước thải nhiễm phóng xạ đã qua xử lý ra biển

Ngày 18/5, Ủy ban Quy chế năng lượng nguyên tử của Nhật Bản đã chấp thuận kế hoạch xả nước thải nhiễm phóng xạ đã qua xử lý của nhà máy điện nguyên tử Fukushima số 1 thuộc Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO).

WMO công bố báo cáo 'Tình trạng Khí hậu toàn cầu 2021'

Ngày 18/5, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) đã cảnh báo bốn chỉ số biến đổi khí hậu chính, bao gồm nồng độ khí nhà kính, mực nước biển dâng, nhiệt độ đại dương và axit hóa đại dương đều lên các mức kỷ lục mới vào năm 2021.

Báo cáo "Tình trạng Khí hậu toàn cầu năm 2021" của WMO xác nhận rằng 7 năm qua là 7 năm ấm nhất được ghi nhận. Năm 2021 “chỉ” là một trong 7 thời điểm ấm nhất do sự kiện La Nina diễn ra vào đầu và cuối năm. Điều này có tác dụng làm mát tạm thời nhưng không đảo ngược xu hướng tăng nhiệt độ chung. Nhiệt độ trung bình toàn cầu vào năm 2021 cao hơn khoảng 1,11 độ C so với mức trước công nghiệp.

Khai mạc Hội nghị Bộ trưởng về nước và vệ sinh

Ngày 18/5, Hội nghị Bộ trưởng về nước và vệ sinh (SMM) năm 2022 đã khai mạc tại thủ đô Jakarta của Indonesia, với sự tham gia của trên 70 bộ trưởng các nước trên thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tin vắn thế giới ngày 19/5: EC công bố kế hoạch chấm dứt phụ thuộc nhiên liệu Nga vào năm 2027