Iran trở thành đối tác đầu tiên sản xuất vaccine COVID-19 công nghệ Cuba; Thượng Hải (Trung Quốc) đặt mục tiêu trở lại cuộc sống bình thường từ 1/6; Quân đội Nga ngừng bắn, cho sơ tán thương binh Ukraine khỏi nhà máy thép Azovstal… là tin tức thế giới đáng chú ý.
Iran trở thành đối tác đầu tiên sản xuất vaccine COVID-19 công nghệ Cuba
Chủ tịch Tập đoàn công nghệ sinh học BioCubaFarma của Cuba Eduardo Martínez ngày 16/5 thông báo Iran vừa trở thành quốc gia đầu tiên được Cuba chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine COVID-19 với việc khánh thành nhà máy PastoCorona tại thủ đô Tehran.
Trước đó, ngày 15/5, Phó Thủ tướng Cuba Ricardo Cabrisas và Bộ trưởng Bộ Y tế Iran Bahram Ainollahi đã khánh thành nhà máy sản xuất vaccine PastoCorona, cùng thời điểm hai nước bắt đầu kỳ họp XVIII Ủy ban liên chính phủ tại Tehran.
Trung Quốc: Thượng Hải đặt mục tiêu trở lại cuộc sống bình thường từ 1/6
Phát biểu tại một cuộc họp báo trực tuyến hằng ngày, Phó Thị trưởng Thượng Hải Zong Ming công bố kế hoạch đưa thành phố 25 triệu dân này trở lại cuộc sống bình thường sau hơn 6 tuần áp đặt lệnh phong tỏa để phòng chống dịch COVID-19. Theo đó, từ ngày 1/6 khôi phục cuộc sống bình thường; từ ngày 16/5, các siêu thị, cửa hàng tiện ích và hiệu thuốc được mở cửa trở lại. Thành phố cũng có kế hoạch tăng dần các chuyến bay nội địa và dịch vụ đường sắt.
Giới chức Thượng Hải tuyên bố đã kiểm soát được dịch COVID-19 song mục tiêu đến ngày 21/5 là ngăn số ca mắc bùng phát trở lại, theo đó một số biện pháp hạn chế vẫn được duy trì.
Người nhiễm biến thể Omicron ít có nguy cơ nhiễm biến thể khác nếu đã tiêm vaccine
Hai nghiên cứu công bố mới đây cho thấy ở những người đã tiêm phòng nhưng vẫn mắc COVID-19, việc nhiễm virus SARS-CoV-2 thậm chí còn tạo ra phản ứng miễn dịch tốt hơn so với tiêm mũi vaccine tăng cường. Theo đó, hàng triệu người đã tiêm phòng COVID-19 và sau đó nhiễm biến thể Omicron có thể sẽ không sớm bị nhiễm các biến thể khác và xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng.
Các kết quả này được các nhà nghiên cứu tại công ty công nghệ sinh học BioNTech (Đức) và Đại học Washington (Mỹ) công bố trên trang bioRxiv, kho tư liệu đăng các nghiên cứu chưa được chứng thực.
Lào đón nhiều du khách sau khi mở cửa biên giới
Hơn 2.000 lượt công dân Lào và người nước ngoài đã nhập cảnh qua đường bộ và đường hàng không vào thủ đô Viêng Chăn kể từ khi Lào mở cửa biên giới vào ngày 9/5.
Theo nhật báo Vientiane Times số ra ngày 16/5, số liệu trên được công bố khi Phó Thủ tướng kiêm Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về phòng chống và kiểm soát COVID-19 Lào Kikeo Khaykhamphithoune đến thăm cầu hữu nghị Lào-Thái đầu tiên và Cảng hàng không Quốc tế Wattay ở Viêng Chăn vào tuần trước.
Thụy Điển chính thức tuyên bố chấm dứt lịch sử 200 năm trung lập, đệ đơn gia nhập NATO
Ngày 16/5 (tối 16/5 theo giờ Việt Nam), Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson đã chính thức tuyên bố quốc gia Bắc Âu này sẽ từ bỏ lịch sử trung lập và sẽ cùng Phần Lan xin gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Tổng thống Nga: Phần Lan, Thụy Điển tham gia NATO không phải là mối đe dọa
Ngày 16/5, trong phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) diễn ra tại Moscow Tổng thống Nga Vladimir Putin nhận định việc Phần Lan và Thụy Điển quyết định tham gia NATO không phải là mối đe dọa trực tiếp với Nga, song cảnh báo việc khối này mở rộng cơ sở hạ tầng quân sự trên lãnh thổ của 2 nước trên sẽ buộc Moscow phải có phản ứng.
Iran chờ phản hồi từ Mỹ về đàm phán hạt nhân
Ngày 16/5, Iran cho biết đang chờ phản hồi từ Mỹ đối với "các giải pháp" đã được thảo luận với trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Liên minh châu Âu (EU) Enrique Mora nhằm phá vỡ thế bế tắc trong các cuộc đàm phán tại Vienna.
Pháp có nữ Thủ tướng mới
Ngày 16/5, Điện Elysee thông báo, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã bổ nhiệm Bộ trưởng Lao động Elisabeth Borne làm tân Thủ tướng nước này, người phụ nữ đầu tiên nắm giữ cương vị thủ tướng kể từ năm 1992.
Trước đó cùng ngày, Thủ tướng Pháp Jean Castex đã nộp đơn xin từ chức lên Tổng thống Emmanuel Macron.
Quân đội Nga ngừng bắn, cho sơ tán thương binh Ukraine khỏi nhà máy thép Azovstal
Đài RT dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng Nga ngày 16/5 cho biết quân đội Nga và đồng minh đang phong tỏa các nhà máy thép Azovstal ở Mariupol cho phép các binh sĩ Ukraine bị thương rời khỏi thành trì này và đến bệnh viện ở Novoazovsk. Việc sơ tán được lên kế hoạch vào cuối ngày 16/5 (theo giờ địa phương), sau khi đạt được thỏa thuận.
Các nước EU không đạt được đồng thuận về lệnh cấm dầu mỏ Nga
Sau hơn 10 ngày đàm phán, các nước thành viên EU vẫn không đạt được đồng thuận đối với đề xuất cấm nhập khẩu dầu của Nga, trong đó Hungary dẫn đầu nhóm các nước phản đối biện pháp này.
Đề xuất cấm vận nhập khẩu mặt hàng dầu thô là một phần trong gói trừng phạt thứ 6 của phương Tây nhằm vào nền kinh tế của Nga sau khi Điện Kremlin phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Châu Âu nhắm sang Israel tìm nguồn cung khí đốt
Đài RT dẫn nguồn tờ Yeni Şafak của Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin ngày 16/5 rằng, nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên của Israel qua Thổ Nhĩ Kỳ tới châu Âu đang được coi là một giải pháp thay thế cho nguồn cung cấp năng lượng của Nga.
"Khí đốt của Israel được coi là một lựa chọn, tuyến đường ống được lên kế hoạch vượt Thổ Nhĩ Kỳ, qua Đông Địa Trung Hải", tờ Yeni Şafak đưa tin, và nói thêm rằng, trong trường hợp có thỏa thuận như vậy, "dự kiến tàu Thổ Nhĩ Kỳ sẽ làm nhiệm vụ trung chuyển”.
Saudi Arabia, Iraq công bố kế hoạch tăng sản lượng khai thác dầu
Ngày 16/5, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Abdulaziz bin Salman cho biết vương quốc này đang trên đà đạt mục tiêu đến cuối năm 2026 hoặc đầu năm 2027 sẽ tăng sản lượng khai thác dầu lên mức hơn 13 triệu thùng/ngày, tăng thêm 1 triệu thùng/ngày so với mức hiện nay.
Tổng thư ký LHQ đề xuất làm giảm nhẹ cuộc khủng hoảng lương thực
Nhật báo Phố Wall (WSJ) ngày 16/5 dẫn các nguồn thạo tin cho biết Tổng thư ký LHQ ông António Guterres đã đề xuất nới lỏng các hạn chế đối với việc xuất khẩu phân kali từ Nga và Belarus để đổi lấy việc cho các tàu chở ngũ cốc đi qua các cảng của Ukraine.
Văn phòng của TTK Guterres chưa bình luận. Trước đó, trong chuyến thăm tới Vienna, ông Guterres đã kêu gọi đưa phân bón của Nga và Belarus cũng như các sản phẩm nông nghiệp của Ukraine quay trở lại thị trường thế giới.
Nga đạt thỏa thuận quốc hữu hóa tài sản của Renault
Ngày 16/5, cơ quan chức năng Nga và Renault, hãng chế tạo ô tô của Pháp, đều đã xác nhận đã ký kết thỏa thuận về việc mua - bán tài sản của tập đoàn này tại Nga.
Theo thỏa thuận, Renault có quyền chọn mua lại cổ phần ở AvtoVAZ trong vòng 6 năm kể từ ngày ký kết thỏa thuận. Thỏa thuận bao gồm cả nhà máy của Renault ở Moscow.
Giá lúa mỳ tăng cao kỷ lục sau lệnh cấm xuất khẩu của Ấn Độ
Mở cửa thị trường châu Âu ngày 16/5, giá lúa mỳ đã tăng lên mức 435 euro (453 USD)/tấn. Giá mặt hàng này vốn đã tăng cao do tác động của cuộc xung đột tại Ukraine - nhà xuất khẩu lúa mỳ chính của thế giới.
Hôm 14/5, Chính phủ Ấn Độ bất ngờ ban hành lệnh cấm xuất khẩu lúa mỳ với hiệu lực tức thì nhằm ngăn chặn đà leo thang của giá mặt hàng này trong nước, khi lượng hàng trong các kho dự trữ đang giảm dần, do một đợt nắng nóng nghiêm trọng gây ảnh hưởng tới sản lượng.
Tesla thu hồi hơn 100.000 xe ô tô điện tại Trung Quốc do nguy cơ thiếu an toàn
Công ty chế tạo xe điện Tesla thông báo sẽ thu hồi 107.293 xe tại Trung Quốc từ ngày 23/5 do lỗi phần mềm gây mất an toàn. Cục Quản lý thị trường nhà nước Trung Quốc ngày 16/5 cho biết hãng Tesla Shanghai Co., Ltd đã gửi đơn xin phép tiến hành đợt thu hồi để khắc phục lỗi.
Iraq lại hứng chịu bão bụi khiến các sân bay, trường học phải đóng cửa
Ngày 16/5, Iraq lại hứng chịu một trận bão bụi đổ bộ khiến các sân bay, trường học và cơ quan chính phủ trên khắp nước này phải đóng cửa. Đây là trận bão bụi thứ 8 ở quốc gia Tây Nam Á kể từ giữa tháng 4 vừa qua.