Các nước châu Âu chuẩn bị nới lỏng biện pháp chống dịch Covid-19, tình hình đại dịch Covid-19 ở Nga diễn biến xấu, Hy Lạp bắt đầu đưa trẻ em di cư sang các nước khác... là những tin tức thế giới nổi bật.
Các nước châu Âu chuẩn bị nới lỏng biện pháp chống dịch Covid-19
Ngày 14/4, Cơ quan hành pháp của EU đã kêu gọi các nước thành viên có cách tiếp cận chung đối với việc nới lỏng hay dỡ bỏ bỏ lệnh phong tỏa. Cơ quan này cảnh báo, nếu không có chiến lược toàn diện sẽ rất có thể dẫn đến một đợt bùng phát dịch Covid-19 mới. Theo các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu, các biện pháp nới lỏng phong tỏa chỉ nên thực hiện sau khi sự lây lan của dịch Covid-19 đã giảm đáng kể trong một thời gian dài và khi bệnh viện đủ khả năng xử lý các đợt nhiễm mới
Lời kêu gọi của Ủy ban châu Âu đưa ra trong bối cảnh một số quốc gia châu Âu công bố các kế hoạch hoặc đã bắt đầu nới lỏng phong tỏa vốn áp đặt để ngăn chặn sự bùng phát của dịch Covid-19, trong nỗ lực vực dậy nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.
Cơ quan hành pháp của EU cảnh báo các biện pháp nới lỏng phong tỏa chỉ nên thực hiện sau khi sự lây lan của dịch Covid-19 đã giảm đáng kể.
Tình hình đại dịch Covid-19 ở Nga diễn biến xấu
Tờ The Moscow Times dẫn nguồn các cơ quan y tế Nga cho biết đến sáng ngày 15/4 (giờ Việt Nam), nước này ghi nhận thêm 2.774 ca COVID-19, nâng tổng số người nhiễm lên 21.102. Đây là mức tăng ca nhiễm một ngày cao nhất từ khi dịch bệnh bùng phát ở Nga. Trong những ngày qua Nga liên tục ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 trên 1.000 người, dấu hiệu cho thấy tình hình dịch bệnh ở quốc gia này diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, Nga cũng có thêm 22 ca tử vong trong 24 giờ qua. Tổng số người chết vì dịch COVID-19 ở nước này hiện là 170.
Mỹ cam kết hỗ trợ Triều Tiên, Iran chống đại dịch Covid-19
Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ (NSC) vừa tuyên bố, nước này sẽ hỗ trợ Triều Tiên và các nước khó khăn khác trong đại dịch Covid-19, bao gồm cả việc gỡ bỏ lệnh trừng phạt nhằm giúp dễ dàng cung cấp viện trợ nhân đạo hơn.
Theo hãng tin Yonhap, NSC đưa ra tuyên bố trên Twitter kèm theo đường dẫn thông cáo báo chí do Bộ Tài chính Mỹ đưa ra vào tuần trước, qua đó chấp thuận miễn trừ trừng phạt đối với việc cung cấp viện trợ nhân đạo cho các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, bao gồm cả quốc gia đang nằm trong diện trừng phạt của Mỹ như Triều Tiên, Iran, Venezuela và Syria.
“Các lệnh trừng phạt của Mỹ không nhắm vào các gói viện trợ nhân đạo chính đáng, như thuốc men, thiết bị, vật tư y tế và nông sản. Chúng tôi sẽ hỗ trợ người dân Iran, Venezuela, Syria và Triều Tiên trong việc chống dịch Covid-19”, NSC cho biết.
Pháp triệu Đại sứ Trung Quốc để phản đối truyền thông về Covid-19
Ngày 14/4, Bộ Ngoại giao Pháp đã triệu Đại sứ Trung Quốc tại Pháp để phản đối về một số lập trường mới đây của Đại sứ quán Trung Quốc liên quan cuộc chiến chống dịch Covid-19. Trong một thông cáo, Bộ Ngoại giao Pháp cho biết đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc tại Pháp, ông Lu Shaye, để phản đối một số lập trường mới đây của Đại sứ quán Trung Quốc liên quan dịch Covid-19. Bộ trưởng Ngoại giao Pháp, ông Jean-Yves Le Drian cho rằng, một số tuyên bố gần đây của Đại sứ quán Trung Quốc không phù hợp với quan hệ song phương giữa hai nước.
Bộ Ngoại giao Pháp muốn nhắm tới chiến dịch truyền thông của Trung Quốc mà nước này cho là nhằm ca ngợi thành tựu của chính phủ Trung Quốc trong cuộc chiến chống Covid-19, đồng thời chiến dịch này chỉ trích các biện pháp của các nước phương Tây, trong đó có Pháp, liên quan công tác đối phó dịch bệnh này.
Cựu Tổng thống Obama ủng hộ ứng cử viên Tổng thống Joe Biden
Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama có kế hoạch tuyên bố ủng hộ cựu Phó Tổng thống Joe Biden, ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ trong cuộc đua vào Nhà Trắng sẽ diễn ra cuối năm nay. Cựu Tổng thống này bày tỏ sự ủng hộ của mình đối với ông Biden bằng một thông điệp qua video trong ngày 14/4.
Quyết định ủng hộ ông Biden được ông Obama đưa ra sau khi ứng cử viên đối thủ duy nhất của ông Biden là Thượng nghị sỹ bang Vermont, Bernie Sanders tuyên bố dừng cuộc đua và ủng hộ ông Biden nhằm đánh bại đương kim Tổng thống Donald Trump của đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử sắp tới.
Triều Tiên phóng tên lửa hành trình “chống hạm” tầm ngắn
Quân đội Hàn Quốc cho biết, Triều Tiên hôm 14/4 đã phóng nhiều tên lửa hành trình “chống hạm” tầm ngắn hướng ra phía biển Nhật Bản và những chiếc máy bay chiến đấu Sukhoi của Triều Tiên cũng đã phóng ra các tên lửa “không đối đất” như 1 phần của các cuộc tập trận quân sự. Vụ việc xảy ra 1 ngày trước khi Triều Tiên bước vào ngày lễ quốc gia kỷ niệm ngày sinh nhật của Cố Nhà lãnh đạo sáng lập ra đất nước Kim Il Sung, ông nội của Nhà lãnh đạo hiện tại Kim Jong Un.
Các tên lửa chống hạm được phóng lúc 7 giờ sáng qua (theo giờ địa phương) và rơi xuống biển ngoài khơi thị trấn phía Đông Munchon sau khi bay được hơn 150km. Trong khi các máy bay chiến đấu Sukhoi cũng đã tiến hành phóng tên lửa. Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc tới nay vẫn chưa xác nhận có tổng cộng bao nhiêu tên lửa được bắn. Trong khi, giới chức tình báo Hàn Quốc và Mỹ vẫn đang tiến hành phân tích tình hình.
Hy Lạp bắt đầu đưa trẻ em di cư sang các nước khác
Ngày 14/4, Bộ trưởng Di trú Hy Lạp Notis Mitarachi thông báo những trẻ em di cư không có người đi kèm sẽ được đưa tới các nước khác trong Liên minh châu Âu (EU). Phát biểu trên đài phát thanh tại thủ đô Athens, Bộ trưởng Mitarachi nêu rõ sẽ có 12 em được đưa tới Luxembourg vào ngày 15/4, trong khi 50 em khác sẽ được đưa tới Đức vào ngày 18/4.
Ngày 8/4 vừa qua, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas xác nhận trong những tuần tới, nước này sẽ đón nhận khoảng 500 người ở độ tuổi vị thành niên không có người đi kèm từ các trại tị nạn ở Hy Lạp. Ông hy vọng các nước thành viên EU khác cũng sẽ noi theo gương của Đức tiếp nhận thêm nhiều người tị nạn ở tuổi vị thành niên.