EU trả hơn 1 tỷ euro để mua thuốc kháng virus Remdesivir; Thái Lan triển khai xe xét nghiệm SARS-CoV-2 lưu động gần Myanmar; WTO ‘bật đèn xanh’ để châu Âu áp 4 tỷ USD thuế bổ sung với Mỹ… là tin tức thế giới đáng chú ý.
EU trả hơn 1 tỷ euro để mua thuốc kháng virus Remdesivir
Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý trả hơn 1 tỷ euro (tương đương 1,2 tỷ USD) để được Gilead cung cấp thuốc kháng virus Remdesivir trong vòng 6 tháng, ngay trước khi công ty này công bố kết quả cuối cùng cho đợt thử nghiệm lớn nhất đối với dược phẩm dành cho điều trị COVID-19.
Thuốc kháng virus Remdesivir được dùng trong điều trị COVID-19
Nauy sẽ cung cấp miễn phí vaccine phòng COVID-19 cho người dân
Chính phủ Nauy ngày 13/10 thông báo khi có vaccine phòng dịch COVID-19, nước này sẽ cung cấp miễn phí cho người dân và sẽ đưa loại vaccine này vào chương trình tiêm chủng quốc gia.
Thái Lan triển khai xe xét nghiệm SARS-CoV-2 lưu động gần Myanmar
Ngày 12/10, giới chức Thái Lan đã đưa 3 trạm xét nghiệm virus SARS-CoV-2 lưu động tới huyện Mae Sot của tỉnh Tak để xét nghiệm cho khoảng 4.000 người Thái Lan và Myanmar sau khi 3 lái xe tải người Myanmar có kết quả dương tính với COVID-19 này tại biên giới Thái Lan.
WHO: Số nhân viên y tế nhiễm virus SARS-CoV-2 có xu hướng giảm
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 13/10 cho biết tỷ lệ nhân viên y tế nhiễm virus SARS-CoV-2 đã bắt đầu giảm bớt. Theo người phụ trách kỹ thuật của lực lượng phòng và kiểm soát lây nhiễm của WHO Benedetta Allegranzi, thực tế trên có thể một phần là nhờ số lượng thiết bị bảo hộ cá nhân đã đầy đủ hơn, mọi người đã hiểu hơn và tuân thủ tốt hơn các biện pháp phòng dịch như liên tục đeo khẩu trang y tế hoặc sát khuẩn tay thường xuyên, giữ khoảng cách lớn nhất có thể với người xung quanh.
Ứng cử viên tổng thống Mỹ Joe Biden âm tính với SARS-CoV-2
Ngày 12/10, nhóm vận động tranh cử của ứng cử viên tổng thống Mỹ đảng Dân chủ Joe Biden thông báo ông Biden đã xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.
Ai Cập thay đổi biện pháp ứng phó dịch COVID-19
Phát biểu tại phiên họp thứ 67 của Ủy ban khu vực Đông Địa Trung Hải thuộc WHO, Bộ trưởng Y tế Ai Cập Hala Zayed cho biết, nước này sẽ không tái áp đặt biện pháp phong tỏa toàn bộ hoặc một phần nếu tình trạng lây nhiễm COVID-19 lại gia tăng.
WTO ‘bật đèn xanh’ để châu Âu áp 4 tỉ USD thuế bổ sung với Mỹ
Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ngày 13/10 đã cấp phép để EU áp đặt thuế tới 4 tỷ USD lên các sản phẩm của Mỹ hàng năm. Đây là lời đáp trả của EU liên quan tới cáo buộc Mỹ trợ cấp trái phép cho nhà sản xuất máy bay Boeing. Năm 2019, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp đặt thuế bổ sung với phi cơ, rượu, pho mai… và nhiều sản phẩm khác xuất xứ từ châu Âu sau khi được WTO cho phép.
Mỹ tăng cường đàm phán với EU sau phán quyết của WTO
Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer ngày 13/10 cho biết Washington sẽ tăng cường đàm phán với Liên minh châu Âu (EU) nhằm giải quyết tranh chấp kéo dài liên quan đến chính sách trợ giá sản xuất máy bay, sau khi WTO cho phép EU được áp thuế đối với hàng hóa xuất khẩu của Mỹ trị giá 4 tỷ USD để bồi thường cho các khoản trợ cấp cho Boeing của Washington.
EU không nhượng bộ Anh trong các vấn đề chính
Ngày 13/10, các bộ trưởng của EU cảnh báo mặc dù thời gian để liên minh và Anh đạt thỏa thuận thương mại trong giai đoạn hậu Brexit không còn nhiều, nhưng Brussels sẽ không nhượng bộ London trong các vấn đề như quy định về cạnh tranh công bằng và quyền đánh bắt cá, vốn đang là những vấn đề chính cản trở đàm phán song phương đi đến đích cuối cùng.
Tập đoàn vận tải Maersk của Đan Mạch sa thải 2.000 nhân viên
Cho dù từng tuyên bố công việc kinh doanh thuận lợi hơn dự báo trong giai đoạn đại dịch COVID-19, nhưng tập đoàn vận tải hàng hải AP Moller-Maersk của Đan Mạch (gọi tắt là Maersk) ngày 13/10 thông báo đang sa thải khoảng 2.000 nhân viên trong khuôn khổ kế hoạch tái cấu trúc.
Nga bước đầu xây dựng hệ thống quốc gia đối phó với các bệnh truyền nhiễm mới
Ngày 13/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh thành lập một ủy ban liên bộ trực thuộc Hội đồng An ninh quốc gia để lập ra một hệ thống đối phó với các bệnh truyền nhiễm mới ở cấp độ quốc gia.
Anh tìm cách duy trì cuộc sống bình thường mới
Chính phủ Anh ngày 13/10 đưa ra một quy định mới, theo đó không bắt buộc những người dễ bị tổn thương trước dịch COVID-19 tại England phải ở trong nhà như trong làn sóng lây nhiễm thứ nhất, thay vào đó khuyến cáo họ tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch để có thể tiếp tục cuộc sống trong trạng thái bình thường mới.
Cuba nới lỏng các biện pháp hạn chế
Nhà chức trách Cuba ngày 13/10 thông báo nới lỏng các biện pháp hạn chế sau 7 tháng áp dụng nhằm chống đại dịch COVID-19, theo đó các cửa hàng, cửa hiệu và cơ quan công sở được mở cửa trở lại, đồng thời các sân bay cũng được mở cửa đón khách du lịch tới hòn đảo xinh đẹp này nhằm trở lại cuộc sống bình thường và thúc đẩy kinh tế. Tuy nhiên, đeo khẩu trang và giãn cách xã hội vẫn là quy định bắt buộc, dù không còn áp dụng cách ly đối với những người có tiếp xúc với các ca nghi nhiễm.
EU nhất trí nguyên tắc chung về việc hạn chế đi lại
Ngày 13/10, các nước EU đã nhất trí một quy định chung liên quan đến việc hạn chế đi lại. Theo đó hàng tuần, Trung tâm quản lý và phòng chống dịch bệnh châu Âu sẽ công bố một bản đồ dịch bệnh EU, với các màu theo tín hiệu đèn giao thông gồm màu xanh lá cây, màu vàng và màu đỏ, cho thấy nguy cơ dịch bệnh tại mỗi khu vực.
Những người đến từ khu vực có màu đỏ, vàng da cam hoặc màu xám có thể phải cách ly hoặc tiến hành xét nghiệm, trong khi những người đến từ khu vực màu xanh lá cây sẽ không phải thực hiện bất kỳ biện pháp nào. Các nước EU cũng sẽ không được từ chối những người đến từ các quốc gia thành viên nhập cảnh vào nước mình.
Thủ tướng Ba Lan phải cách ly
Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki đã phải cách ly sau khi tiếp xúc với một trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Theo người phát ngôn Chính phủ Ba Lan, Thủ tướng nước này không có triệu chứng mắc bệnh COVID-19 và sẽ tiếp tục điều hành chính phủ trong thời gian cách ly. Cho đến nay, ông chưa được xét nghiệm virus SARS-CoV-2.
Nhiều nước dè chừng khi Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục thử S-400
Thổ Nhĩ Kỳ đã mua hệ thống phòng không S-400 của Nga trong năm 2019 trước phản đối dữ dội từ Mỹ. Vào đầu tháng 10, Thổ Nhĩ Kỳ đưa S-400 ra Biển Đen để thử nghiệm. Động thái này được cho sẽ khiến nhiều thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) lo lắng.
Truyền thông đưa tin FBI sẽ lập văn phòng tại Campuchia
Reuters dẫn lời phát biểu của đại diện cảnh sát Campuchia Chhay Kim Khoeun ngày 13/10 cho biết văn phòng của FBI dự kiến hỗ trợ cảnh sát địa phương bắt giữ tội phạm là người Mỹ và chống khủng bố. Nhưng ông Chhay Kim Khoeun không nêu rõ thời điểm văn phòng đi vào hoạt động.
Giao tranh tái diễn tại Nagorny-Karabakh bất chấp lệnh ngừng bắn
Ngày 13/10, giao tranh đã tái diễn giữa các lực lượng của Armenia và Azerbaijan tại khu vực xung đột Nagorny-Karabakh bất chấp việc các cường quốc khu vực và thế giới liên tiếp kêu gọi tuân thủ lệnh ngừng bắn mới đạt được cuối tuần qua.
CH Síp xóa bỏ chương trình cấp hộ chiếu thông qua đầu tư
CH Cyprus (Síp) tuyên bố sẽ bãi bỏ chương trình cấp quyền công dân gây tranh cãi của quốc gia này sau cuộc điều tra của báo Aljazeera tiết lộ nhiều chính trị gia cấp cao tại các nước đổi đầu tư lấy hộ chiếu.
Johnson & Johnson tạm ngừng thử nghiệm vaccine phòng ngừa COVID-19
Hãng Johnson & Johnson (J&J) ngày 12/10 cho biết đã tạm ngừng thử nghiệm vaccine phòng ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 vì một trong những người tham gia thử nghiệm có vấn đề về sức khỏe.