Trung Quốc bình luận về báo cáo chấn động liên quan tới đường ống Nord Stream; Báo động không kích khắp Ukraine khi Tổng thống Zelensky đi thăm các nước châu Âu; Trung Quốc vượt EU trở thành nhà nhập khẩu thực phẩm lớn nhất của Nga… là tin tức thế giới đáng chú ý.
Trung Quốc bình luận về báo cáo chấn động liên quan tới đường ống Nord Stream
Đài RT của Nga cho biết sau khi nhà báo Seymour Hersh công bố cáo cáo cho rằng Mỹ đứng sau vụ tấn công vào tháng 9/2022 vào các đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói Washington "nợ thế giới một lời giải thích".
Trả lời câu hỏi từ Dragon TV ngày 10/2, bà Mao Ning cho biết: “Chúng tôi đã ghi nhận các báo cáo” và nói thêm rằng hai đường ống Nord Stream (1 và 2) là “cơ sở hạ tầng xuyên quốc gia quan trọng”, việc phá hủy chúng đã gây ra tác động nghiêm trọng về kinh tế và môi trường.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ning. Ảnh tư liệu: Bộ Ngoại giao Trung Quốc
Nga hối thúc điều tra sau cáo buộc Mỹ liên quan vụ nổ đường ống Dòng chảy phương Bắc
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 9/2 cho rằng cần triển khai việc điều tra sau khi có thông tin cáo buộc Mỹ có liên quan đến các vụ nổ làm hư hại các đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc hồi năm ngoái.
Theo ông, Nga đã nhiều lần nỗ lực tham gia vào cuộc điều tra tấn công khủng bố nhằm vào các đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc nhưng đều bị từ chối. Nga chưa bao giờ được phép tham gia cuộc điều tra quốc tế về vụ việc này. Tuy nhiên, các cơ quan liên quan của Nga vẫn "đưa vấn đề này vào chương trình làm việc".
Thủ tướng Moldova từ chức
Thủ tướng Moldova Natalia Gavrilita ngày 10/2 đã ra thông báo bà và toàn bộ nội các đã từ chức. Phát biểu trên truyền hình Moldova, Thủ tướng Gavrilita cho biết lý do dẫn đến quyết định nói trên là vì chính phủ hiện nay do bà đứng đầu không nhận được sự ủng hộ cần thiết để triển khai các chính sách, đặc biệt là trong bối cảnh Moldova đang đẩy mạnh các cải cách với mục tiêu sớm gia nhập Liên minh châu Âu (EU).
Bỉ nêu lý do không thể gửi máy bay chiến đấu cho Ukraine
Mạng tin Euractiv.com ngày 10/2 dẫn lời Thủ tướng Bỉ Alexander de Croo cho biết, nước này sẽ không gửi máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine vì chúng cần thiết cho việc phòng thủ của Bỉ.
Theo ông Croo, Bỉ sẵn sàng cung cấp các hình thức hỗ trợ khác cho quốc gia châu Âu đang bị xung đột tàn phá này.
Báo động không kích khắp Ukraine khi Tổng thống Zelensky đi thăm các nước châu Âu
Các quan chức và phương tiện truyền thông Ukraine đã đưa tin về một loạt cuộc tấn công bằng máy bay không người lái cảm tử và tên lửa nhắm vào cơ sở hạ tầng quan trọng của nước này sáng 10/2. Cùng thời điểm, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã có mặt ở Bỉ dự Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU).
Kênh RT (Nga) cho biết các cuộc tấn công được cho bắt đầu vào sáng sớm 10/2 và cảnh báo không kích đã được kích hoạt trên toàn quốc. Không quân Ukraine tuyên bố họ đã đánh chặn 5 máy bay không người lái cảm tử và 5 tên lửa Kalibr phóng từ biển.
Hiện trường một vụ nổ tại Kiev, Ukraine, ngày 17/10/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Tổng thống Palestine tới Ai Cập tham dự Hội nghị quốc tế về Jerusalem
Ngày 11/2, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas sẽ tới thủ đô Cairo của Ai Cập để tham gia Hội nghị quốc tế về Jerusalem sẽ được tổ chức ngày 12/2 tại trụ sở của Liên đoàn Arab (AL).
Đại sứ Palestine tại Ai Cập, kiêm Đại diện thường trực tại AL Diab Al-Louh cho biết Tổng thống Abbas tới tham dự hội nghị nhằm thống nhất lập trường của các nước Arab trong việc đối phó với các hoạt động chiếm đóng của Israel tại Jerusalem cũng như các cuộc tấn công nhằm vào các thánh địa Hồi giáo và Cơ đốc giáo ở thành cổ Jerusalem hay người dân Palestine đang sinh sống trong các khu vực bị chiếm đóng.
LHQ kêu gọi ngừng bắn tại Syria để cứu trợ sau động đất
Ngày 10/2, Cao ủy LHQ về nhân quyền Volker Turk kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức tại Syria, đồng thời tôn trọng đầy đủ nhân quyền và các nghĩa vụ về luật nhân đạo, nhằm tạo điều kiện cứu trợ cho các nạn nhân của trận động đất hôm 6/2.
Trước đó cùng ngày, đoàn xe viện trợ nhân đạo thứ hai của Liên hợp quốc, gồm 14 xe tải chở lò sưởi điện, lều, chăn và các vật dụng khác, đã đến khu vực Tây Bắc Syria, qua cửa khẩu Bab al-Hawa giáp Thổ Nhĩ Kỳ. Số hàng này đủ cung cấp cho khoảng 1.100 hộ gia đình.
Chính quyền ly khai tại Somalia đồng ý ngừng bắn vô điều kiện
Ngày 10/2, chính quyền khu vực ly khai Somaliland của Somalia cho biết đã đồng ý ngừng bắn vô điều kiện sau 5 ngày xảy ra đụng độ ở phía Đông vùng lãnh thổ này khiến hàng chục người thiệt mạng.
Thông tin được người phụ trách công tác quốc phòng của vùng ly khai Somaliland, ông Abdiqani Mahamoud Ateye, thông báo trên Twitter. Hiện chưa rõ lệnh ngừng bắn này đã chính thức được thực thi trên thực địa hay chưa.
Nga sẽ cắt giảm sản lượng dầu 500.000 thùng/ngày
Nga sẽ cắt giảm sản lượng dầu mỏ 500.000 thùng/ngày, tức khoảng 5% vào tháng 3 tới. Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak thông báo như vậy ngày 10/2 trong bối cảnh phương Tây vừa áp giá trần đối với dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ của Nga.
Nga sẵn sàng hợp tác thiết lập vùng an toàn xung quanh nhà máy Zaporizhzhia
Giám đốc điều hành Tập đoàn Năng lượng nguyên tử quốc gia Rosatom của Nga Alexey Likhachev cho biết Nga sẵn sàng tiếp tục công việc nhằm thiết lập một khu vực an toàn xung quanh nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia và thảo luận về các vấn đề mới nảy sinh.
Theo tuyên bố của Rosatom, cuộc thảo luận giữa hai quan chức trên tập trung vào việc bảo đảm an toàn hạt nhân của nhà máy điện Zaporizhzhia. Ông Likhachev đã thông báo cho ông Grossi các bước mà Nga đang thực hiện để đạt được mục tiêu này.
Lạm phát kỷ lục ảnh hưởng đến mức sống tại Italy
Năm 2022, người dân tại Italy đã phải trả số tiền nhiều hơn cho lượng hàng hóa ít hơn, một dấu hiệu cho thấy cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đã tác động như thế nào đến đời sống của người dân nước này.
Ssố liệu do Cơ quan Thống kê Quốc gia Italy (ISTAT) công bố cho thấy doanh số bán lẻ năm 2022 tại nước này tăng về giá trị (4,6%) nhưng lại giảm về số lượng (-0,8%) so với năm 2021. Điều này có nghĩa là trung bình người dân tại Italy đã phải trả thêm 4,6% số tiền cho mức giảm 0,8% hàng hóa trong năm 2022.
Trung Quốc vượt EU trở thành nhà nhập khẩu thực phẩm lớn nhất của Nga
Theo dữ liệu mới công bố hôm 9/2 của trung tâm Agroexport thuộc Bộ Nông nghiệp Nga, Trung Quốc đã vượt EU trở thành nhà nhập khẩu thực phẩm và nông sản lớn nhất của nước này.
Kênh RT (Nga) cho biết số lượng sản phẩm công nghiệp - nông nghiệp Trung Quốc nhập khẩu từ Nga tiếp tục đi lên, tăng 44% trong năm ngoái.
Thu hoạch đậu nành tại làng Khorol ở Nga. Ảnh: Global Times
Ai Cập thu hút mạnh đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực khí đốt
Ngày 10/2, Bộ trưởng Dầu mỏ và Tài nguyên khoáng sản Ai Cập Tarek el Molla cho biết các công ty nước ngoài sẽ đầu tư 1,5 tỷ USD vào lĩnh vực khí đốt ở nước này trong tài khóa 2023-2024.
Hiện doanh thu xuất khẩu khí đốt của Ai Cập đã tăng gấp 8 lần kể từ năm 2014. Đất nước “kim tự tháp” đặt mục tiêu sẽ trở thành một nhà cung cấp khí đốt lớn cho châu Âu, đặc biệt sau khi xảy ra cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine khiến giá nhiều mặt hàng năng lượng tăng cao trong khi nguồn cung khan hiếm.
Giới chức Israel: Khủng bố lao xe vào đám đông tại Đông Jerusalem
Ngày 10/2, một vụ tấn công bằng ô tô đã xảy ra tại một trạm xe buýt gần khu định cư Ramot ở Đông Jerusalem.
Camera an ninh tại hiện trường cho thấy ô tô đã lao nhanh vào một nhóm người tại trạm xe buýt, khiến một em nhỏ 6 tuổi tử vong và ít nhất 6 người khác bị thương, trong đó một người đang trong tình trạng nguy kịch. Nghi phạm là người Palestine khoảng 20 tuổi. Đối tượng này sau đó đã bị một cảnh sát gần đó bắn hạ.
Gia tăng nguy cơ khủng bố nhằm vào Thụy Điển
Cơ quan An ninh nước này (SAPO) ngày 9/2 cảnh báo các mối đe dọa khủng bố nhằm vào Thụy Điển đã gia tăng và vụ đốt Kinh Coran bên ngoài Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng trước là một trong những lý do chính.
Theo SAPO, Thụy Điển hiện là mục tiêu của chủ nghĩa cực đoan bạo lực hơn bao giờ hết.
Hàng chục nghìn nhân viên cứu thương và giáo vụ trường đại học ở Anh đình công
Ngày 10/2, các nhân viên cứu thương ở Anh tiếp tục tổ chức đình công yêu cầu tăng lương, trong khi các nhân viên, giáo vụ tại các trường đại học cũng ngừng làm việc. Khoảng 15.000 thành viên của Unison - tổ chức công đoàn lớn nhất đại diện cho nhân viên tại Cơ quan Y tế quốc gia (NHS), đã tiến hành đình công ở 5 vùng của Anh.
Trong khi đó, cuộc đình công của khoảng 70.000 nhân viên, giáo vụ tại các trường đại học thuộc Hiệp hội Các trường đại học và cao đẳng (UCJ) đã bước sang ngày thứ hai trong kế hoạch dự kiến kéo dài 48 ngày. Cuộc đình công ảnh hưởng đến việc giảng dạy và học tập tại khoảng 150 trường đại học ở Anh.
Peru triển khai 10.000 cảnh sát trước cuộc biểu tình mới tại Lima
Ngày 9/2, cảnh sát Peru đã triển khai khoảng 10.000 nhân viên an ninh tại trung tâm thủ đô Lima trong bối cảnh Tổng Liên đoàn Công nhân Peru (CGTP) kêu gọi cuộc biểu tình mới nhằm kêu gọi giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị và xã hội nghiêm trọng mà quốc gia này đang trải qua.
Theo truyền thông địa phương, trên đường phố dẫn vào trung tâm thành phố Lima còn có sự hiện diện của xe quân sự thuộc lực lượng Thủy quân lục chiến Peru.
Nhiều xác cá voi dạt vào bờ biển CH Cyrus
Ngày 10/2, nhà chức trách CH Cyprus cho biết ngư dân đã phát hiện một số xác cá voi trôi dạt vào bờ biển phía Bắc nước này. Nguyên nhân khiến cá voi chết có thể là do ảnh hưởng của trận động đất ở khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Syria hồi đầu tuần này.
Theo cơ quan nghiên cứu hải dương học và ngư nghiệp của CH Cyprus, 6 con cá voi mõm khoằm được tìm thấy đã chết vào ngày 10/2. Trước đó một ngày, một đàn 4 con cá voi đã bị mắc cạn trên bờ biển. Lực lượng cứu hộ đã giải cứu và đưa 3 con trở lại biển, trong khi con cá voi còn lại đã chết.