Anh sẽ cân nhắc rút khỏi Công ước châu Âu về nhân quyền; Triều Tiên tiến hành hội nghị Quân ủy trung ương; Nauy có kế hoạch viện trợ hơn 7 tỷ USD cho Ukraine… là tin tức thế giới đáng chú ý.
Anh sẽ cân nhắc rút khỏi Công ước châu Âu về nhân quyền
Sunday Times ngày 6/2 đưa tin Thủ tướng Anh Rishi Sunak sẽ cân nhắc rút Anh khỏi Công ước châu Âu về nhân quyền (ECHR) nếu các kế hoạch ngăn chặn tình trạng di cư bất hợp pháp của chính phủ nước này bị Tòa án nhân quyền châu Âu phán quyết là trái luật.
Báo này dẫn lời một nguồn tin thân cận với ông Sunak cho biết ông muốn đưa ra luật đáp ứng các nghĩa vụ quốc tế của Anh và luật này sẽ đi tới giới hạn xa nhất của luật pháp quốc tế khi Anh vẫn nằm trong ECHR. Tuy nhiên, nếu luật này được ban hành và được các tòa án trong nước cho là hợp pháp, nhưng vẫn bị trì hoãn ở thành phố Strasbourg (Pháp), nơi đặt trụ sở Tòa án nhân quyền châu Âu thì Thủ tướng Sunak sẽ cân nhắc liệu việc ở lại ECHR có mang lại lợi ích lâu dài cho Anh hay không.
Thủ tướng Anh Rishi Sunak
Triều Tiên tiến hành hội nghị Quân ủy trung ương
Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin ngày 6/2 nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã chủ trì Hội nghị Quân ủy trung ương để thảo luận về cách tăng cường các cuộc tập trận và hoàn thiện khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội nước này.
KCNA cho biết thêm Hội nghị “đã thảo luận sâu về các nhiệm vụ chính trị và quân sự lớn trong năm nay cũng như các vấn đề dài hạn liên quan đến định hướng xây dựng quân đội”. Các mục chính trong chương trình nghị sự bao gồm các biện pháp khác nhau để “không ngừng mở rộng và tăng cường các hoạt động cũng như diễn tập chiến đấu của Quân đội Nhân dân Triều Tiên (KPA) và hoàn thiện khả năng chuẩn bị cho chiến tranh của quân đội nước này.
Cựu Thủ tướng Tiệp Khắc Lubomir Strougal qua đời ở tuổi 98
Cựu Thủ tướng Chính phủ Tiệp Khắc (trước đây) Lubomir Strougal đã qua đời ngày 6/2, hưởng thọ 98 tuổi.
Ông Strougal là nhà lãnh đạo nổi tiếng khi từng làm Thủ tướng Tiệp Khắc trong gần 19 năm, từ tháng 1/1970 cho đến khi ông đệ đơn từ chức vào tháng 10/1988, chỉ hơn 1 năm trước khi Liên bang Tiệp Khắc tan rã và tách ra thành hai quốc gia độc lập là Cộng hòa Séc và Slovakia như ngày nay.
Cựu Thủ tướng Chính phủ Tiệp Khắc (trước đây) Lubomir Strougal. Ảnh: AP
Nauy có kế hoạch viện trợ hơn 7 tỷ USD cho Ukraine
Ngày 6/2, Thủ tướng Nauy Jonas Gahr Stoere đề xuất nước này nên viện trợ khoảng 75 tỷ crown (7,3 tỷ USD) cho Ukraine trong 5 năm tới.
Phát biểu với báo giới sau cuộc họp với các lãnh đạo phe đối lập, Thủ tướng Stoere nêu rõ trong năm nay, 50% khoản tài trợ sẽ dành cho quân sự trong khi số tiền còn lại sẽ dành cho các nhu cầu viện trợ nhân đạo. Tuy nhiên, ông Stoere nói rằng tỷ lệ này có thể thay đổi trong những năm tới.
Bloomberg: Mỹ sắp áp thuế 200% đối với nhôm nhập khẩu từ Nga
Ngày 6/2, hãng tin Bloomberg dẫn một nguồn thạo tin cho biết Mỹ chuẩn bị áp đặt mức thuế 200% đối với nhôm của Nga từ tuần này, trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine sắp tròn 1 năm.
Nguồn tin giấu tên cho biết động thái trên đã được lên kế hoạch trong nhiều tháng qua và Mỹ đang nhắm mục tiêu đến ngành kim loại này của Nga với lập luận Moscow bán phá giá nhôm trên thị trường Mỹ và gây tổn hại cho các công ty Mỹ. Tổng thống Joe Biden chưa đưa ra quyết định chính thức trong khi cũng có những lo ngại trong chính quyền Mỹ động thái này sẽ gây thiệt hại cho các ngành công nghiệp nước này, trong đó có ngành hàng không vũ trụ và ô tô.
Trung Quốc đẩy mạnh chương trình thám hiểm Mặt Trăng
Ngày 6/2, ông Ngô Vĩ Nhân, kiến trúc sư trưởng của Chương trình thám hiểm Mặt Trăng, cho biết Trung Quốc sẽ tiếp tục nghiên cứu Mặt Trăng thông qua các sứ mệnh Thường Nga 6, Thường Nga 7 và Thường Nga 8.
Theo kế hoạch, tàu thăm dò Thường Nga 6 sẽ hoàn tất nhiệm vụ đưa mẫu vật đất và đá về Trái Đất, còn tàu Thường Nga 7 sẽ thực hiện sứ mệnh hạ cánh trên cực Nam Mặt Trăng và phát hiện các nguồn nước. Tàu Thường Nga 8 dự kiến được phóng vào khoảng năm 2028 và sẽ phối hợp với tàu Thường Nga 7 để xây dựng mô hình cơ bản của một trạm nghiên cứu khoa học tại cực Nam Mặt Trăng, trong đó có nhiều thiết bị thăm dò như tàu vũ trụ bay theo quỹ đạo, tàu đổ bộ, xe tự hành.
Chính phủ Italy loại trừ thủ phạm tấn công mạng toàn cầu là thực thể nhà nước
Ngày 6/2, Chính phủ Italy cho biết vụ tấn công mạng toàn cầu bằng mã độc tống tiền nhằm vào hàng nghìn máy chủ tại Italy và các quốc gia khác có khả năng do các tội phạm mạng, chứ không phải từ một nhà nước hoặc thực thể giống như nhà nước.
Trong một tuyên bố, Chính phủ Italy đồng thời nêu rõ không có thể chế hoặc công ty lớn nào trong các lĩnh vực quan trọng đối với an ninh quốc gia bị ảnh hưởng.
25 người chết trong cuộc tấn công thánh chiến ở miền Bắc Burkina Faso
Ngày 6/2, Thống đốc khu vực Sahel của Burkina Faso, Trung tá Rodolphe Sorgho, thông báo ít nhất 25 người, bao gồm 22 dân thường và 3 cảnh sát, đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công nghi ngờ là do các phần tử thánh chiến thực hiện ở miền Bắc nước này hôm 4/2 vừa qua.
Theo báo cáo, thành phố Bani thuộc tỉnh Séno (phía Bắc) là mục tiêu của cuộc tấn công bạo lực do các nhóm khủng bố có vũ trang tiến hành này. Ngoài 25 người thiệt mạng, còn có nhiều người khác bị thương và những thiệt hại đáng kể về vật chất.
Cháy nhà ở Pháp làm 7 trẻ em trong một gia đình tử vong
Sáng 6/2 (theo giờ Việt Nam), hỏa hoạn nghiêm trọng đã xảy ra tại một ngôi nhà ở miền Bắc nước Pháp khiến 8 người thiệt mạng, trong đó có 7 trẻ em.
Cảnh sát và các nhân viên cứu hỏa cho biết ngọn lửa bùng phát vào rạng sáng 6/2 (giờ địa phương) tại một ngôi nhà ở thị trấn Charly-sur-Marne, cách thủ đô Paris khoảng 80 km về phía Đông.
Ít nhất 15 người thiệt mạng do lở đất ở Peru
Nhà chức trách ngày 6/2 cho biết một loạt vụ lở đất ở miền Nam Peru đã khiến ít nhất 15 người thiệt mạng, 20 người bị thương và 2 người mất tích, đồng thời cảnh báo rằng con số thiệt hại từ thảm họa có thể tăng lên.
Bão tuyết gây gián đoạn hoạt động ở thủ đô Athens (Hy Lạp)
Một cơn bão mùa Đông đã khiến tuyết rơi dày tại thủ đô Athens của Hy Lạp, buộc các trường học, nhà trẻ và tòa án phải đóng cửa trong ngày 6/2, gây gián đoạn hoạt động giao thông đường sắt và nguồn cung cấp điện.
Cơn bão được các nhà khí tượng học Hy Lạp đặt tên là Barbara, đổ vào Athens chiều 5/2 sau khi quét qua miền Bắc nước này, cùng các hòn đảo ở phía Bắc Biển Aegea.