Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển” do thành phố Hà Nội tổ chức.
Tham dự Hội nghị có hơn 1.800 đại biểu, bao gồm lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương và thành phố Hà Nội; lãnh đạo 25 tỉnh, thành phố, đại biểu Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng Đồng bằng sông Hồng và Vùng Thủ đô; 29 đại sứ, đại diện các cơ quan ngoại giao; 8 tổ chức quốc tế, các chuyên gia kinh tế. Đặc biệt, hội nghị đã có hơn 1.300 nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài tham dự.
Ngay tại hội nghị, nhiều biên bản ghi nhớ được ký kết, nhiều dự án đầu tư được cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Các chuyên gia nhìn nhận Hà Nội đã tận dụng làn sóng đầu tư mới và lan tỏa làn sóng này ra cả nước, chính quyền thành phố bảo đảm phục vụ tốt nhất những dự án của các doanh nghiệp hiện có. Hà Nội nên nghiên cứu xây dựng bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp quận, huyện để có thể phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.
Được biết, từ năm 2016 đến nay, thành phố đã thu hút được 24,8 tỉ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trong đó, hai năm 2018-2019, Hà Nội dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI; đã phê duyệt chủ trương đầu tư và điều chỉnh chủ trương đầu tư cho 817 dự án trong nước, đạt 693,08 nghìn tỉ đồng; tiếp tục phát huy vai trò của kinh tế tư nhân dần trở thành một động lực quan trọng, đóng góp khoảng trên 39% GRDP, giải quyết khoảng 83% tổng số lao động xã hội cho thành phố.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, để hiện thực hóa tầm nhìn trong tương lai, Hà Nội cần xây dựng 3 trụ cột “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” và đội ngũ cán bộ, lãnh đạo đạt 5 nội hàm: Tinh thông trong công việc - tinh nhuệ trong hành động - tinh gọn bộ máy - tinh túy về chất cán bộ và tinh ý hiểu được người dân, doanh nghiệp đang cần gì.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, hội nghị là cơ hội để Hà Nội tìm được “cổ đông chiến lược” để cùng đồng hành phát triển, đồng thời là nơi để các doanh nghiệp đặt niềm tin và phát triển vùng đất rồng bay.
Thủ tướng lưu ý, một mặt, chúng ta yêu cầu Hà Nội tạo ra môi trường đầu tư thông thoáng, công khai thuận lợi. Nhưng mặt khác, tất cả các bộ, ngành phải tạo điều kiện cho Hà Nội. Chính phủ luôn bên cạnh Hà Nội, cùng Hà Nội tháo gỡ khó khăn nhanh hơn, thuận lợi hơn.
Tại hội nghị, đã diễn ra lễ trao 38 biên bản ghi nhớ của thành phố Hà Nội với các đối tác trong và ngoài nước. Tổng giá trị các biên bản ghi nhớ khoảng 28,67 tỷ USD, trong đó có 12 biên bản ghi nhớ có vốn đầu tư nước ngoài với trị giá khoảng 8,32 tỷ USD; 26 biên bản ghi nhớ có vốn của nhà đầu tư Việt Nam với giá trị khoảng 20,35 tỷ USD.
Cũng trong khuôn khổ hội nghị, thành phố đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 229 dự án, với tổng số vốn 405.570 tỷ đồng (tương đương 17,6 tỷ USD) với số vốn tăng thêm 270.458 tỷ đồng. Trong số này có 100 dự án trong nước, với số vốn 227.499 tỷ đồng (vốn tăng thêm 192.215 tỷ đồng); 22 dự án đầu tư FDI với số vốn 5,7 tỷ USD, vốn tăng thêm 3,4 tỷ USD; 107 dự án đầu tư công. Tính ra, tại hội nghị năm nay, về việc trao quyết định chủ trương đầu tư gấp 5 lần về tổng số dự án và 11 lần về số vốn so với hội nghị năm 2016.
Tín hiệu lạc quan từ Hà Nội cho thấy đã có “đại bàng” về Thủ đô làm tổ.