Tài chính - Ngân hàng

Tín dụng Hà Nội tăng bất chấp nền kinh tế cả nước suy giảm

Trang Nhi 02/03/2024 - 09:41

Tín dụng tại Hà Nội vẫn ghi nhận mức tăng trưởng dương, bất chấp tín dụng toàn nền kinh tế quay đầu giảm trong hai tháng đầu năm.

Theo báo cáo cập nhật mới đây của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), theo ước tính của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tín dụng của toàn nền kinh tế tăng trưởng âm trong hai tháng đầu năm. Cụ thể, tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 1 giảm 0,6% và tính đến ngày 16/2 giảm 1% so với cuối năm trước.

tin-dung-ca-nuoc.jpg
Tín dụng Hà Nội tăng bất chấp nền kinh tế cả nước suy giảm.

Tăng trưởng tín dụng thấp trong những tháng đầu năm là hiện tượng phổ biến, bình quân tăng trưởng tín dụng trong hai tháng đầu năm của giai đoạn 2013 - 2023 chỉ là 0,56%. Tăng trưởng tín dụng âm trong hai tháng đầu năm xuất hiện trong các năm 2014, 2018 và 2024.

Trong khi đó, tín dụng tại Hà Nội vẫn ghi nhận mức tăng trưởng dương. Đây là một tín hiệu tích cực giữa bối cảnh tín dụng toàn nền kinh tế giảm trong 2 tháng qua.

Cụ thể, theo Cục Thống kê Hà Nội, tính đến cuối tháng 2/2024, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn TP. Hà Nội ước tính đạt 5.431 nghìn tỷ đồng, tăng 0,84% so với tháng trước và tăng 1,79% so với thời điểm kết thúc năm 2023. Trong đó, tiền gửi đạt 4.762 nghìn tỷ đồng, tăng 0,94% và tăng 1,97%; phát hành giấy tờ có giá đạt 669 nghìn tỷ đồng, tăng 0,12% và tăng 0,58%.

Về hoạt động cho vay, đến cuối tháng 2/2024, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố ước tính đạt 3.688 nghìn tỷ đồng, tăng 0,93% so với tháng trước và tăng 1,96% so với thời điểm kết thúc năm 2023.

Trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 1.536 nghìn tỷ đồng, tăng 0,97% và tăng 2,04%; dư nợ trung hạn và dài hạn đạt 2.152 nghìn tỷ đồng, tăng 0,9% và tăng 1,9%.

Dư nợ cho vay theo chương trình tín dụng trên địa bàn thành phố: cho vay theo chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp chiếm 15,6% trong dư nợ cho vay; cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 19,05%; chương trình nông nghiệp, nông thôn chiếm 9%; cho vay xuất khẩu chiếm 5,18%; cho vay công nghiệp hỗ trợ chiếm 2,35%; cho vay doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm 0,36%; cho vay chính sách xã hội chiếm 0,44%.

Thực tế, cộng đồng doanh nghiệp đã bắt đầu quay trở lại tập trung sản xuất, kinh doanh, nhu cầu tiêu dùng trong nước cải thiện, doanh nghiệp xuất khẩu cũng có tín hiệu tích cực về đơn hàng... Nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh vì thế cũng sẽ tăng cao, dự báo tăng trưởng tín dụng có thể phục hồi tăng trở lại ngay từ tháng 3 này. Và các ngân hàng cũng sẽ nắm bắt được tín hiệu của thị trường để chủ động đẩy mạnh cho vay, đảm bảo kế hoạch tăng trưởng.

Các chuyên gia của Trung tâm phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI Research) dự báo, dư địa tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng trong năm nay có thể được hậu thuẫn mạnh từ khối doanh nghiệp xây dựng hạ tầng, doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Ngoài ra, các lĩnh vực ưu tiên, như nông nghiệp, xuất khẩu, công nghệ cao… cũng sẽ thu hút nguồn vốn tín dụng đáng kể và tăng trưởng cao ở nhiều ngân hàng thương mại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tín dụng Hà Nội tăng bất chấp nền kinh tế cả nước suy giảm