Sa Pa (Lào Cai) vốn được mệnh danh là thiên đường của vùng núi Tây Bắc. Nơi đây sở hữu nhiều thắng cảnh nổi tiếng và là điểm đến lý tưởng cho nhiều du khách, nhất là các bạn trẻ đam mê “xê dịch”. Nhưng sau những tàn phá tan hoang của trận bão lũ lịch sử, Sa Pa đã bị thiệt hại nặng nề. Dường như tiếng khèn đã bớt dần trong những phiên chợ, tiếng lộc cộc ngựa đi đã ít hơn trên những cung đường nơi lưng núi. Nhưng các cấp chính quyền tại Sa Pa đang chạy đua với thời gian để khôi phục lại cuộc sống.
Sa Pa (Lào Cai) vốn được mệnh danh là thiên đường của vùng núi Tây Bắc. Nơi đây sở hữu nhiều thắng cảnh nổi tiếng và là điểm đến lý tưởng cho nhiều du khách, nhất là các bạn trẻ đam mê “xê dịch”. Nhưng sau những tàn phá tan hoang của trận bão lũ lịch sử, Sa Pa đã bị thiệt hại nặng nề. Dường như tiếng khèn đã bớt dần trong những phiên chợ, tiếng lộc cộc ngựa đi đã ít hơn trên những cung đường nơi lưng núi. Nhưng các cấp chính quyền tại Sa Pa đang chạy đua với thời gian để khôi phục lại cuộc sống của người dân, ổn định sản xuất và tìm lại bức tranh du lịch sầm uất của nơi đây.
Khôi phục hạ tầng và cảnh quan
Sa Pa, với những dãy núi trùng điệp, ruộng bậc thang như tranh vẽ, là trái tim của vùng Tây Bắc. Nhưng sau trận bão lịch sử, vẻ hùng vĩ ấy đã bị tàn phá một phần khiến nét đẹp đã bị phai nhạt đôi chút. Sa Pa là thị xã có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch bền vững như kết hợp giữa bảo tồn văn hóa địa phương và khai thác tài nguyên thiên nhiên thì câu chuyện khôi phục lại du lịch cũng không phải bài toán dễ. Đó không chỉ là nỗ lực của người dân địa phương mà còn cần sự chung tay của toàn xã hội, từ các nhà chức trách, doanh nghiệp, đến du khách.
Từ phía chính quyền địa phương, ông Tô Ngọc Liễn, Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa đã có những chia sẻ sâu sắc về vấn đề này. Theo ông, quan điểm của Sa Pa là vừa phải khắc phục do hậu quả bão số 3 gây ra, vừa tập trung tái thiết khôi phục lại phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là du lịch.
"Đến giờ có thể khẳng định, xe chở khách, du khách, xe vận tải đã đến được các trung tâm xã có các cơ sở dịch vụ lưu trú. Dịch vụ ăn uống đã hoạt động trở lại. Tuy nhiên, hiện trên địa bàn vẫn còn 2 điểm sụt lún, sạt lở với khối lượng đất đá lớn. Chúng tôi đang phối hợp Ban bảo trì đường bộ của Sở giao thông vận tải tỉnh Lào Cai để xử lý xong và sớm thông tuyến đường tỉnh", ông Liễn chia sẻ.
Trước đó, thị xã Sa Pa đã thành lập tổ kiểm tra, đánh giá các cơ sở để đảm bảo các điều kiện đón khách. Cùng với việc khắc phục hậu quả, chính quyền địa phương yêu cầu kiểm tra các cơ sở dịch vụ để đảm bảo vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm sau bão.
Hoàn lưu cơn bão số 3 đã ảnh hưởng nặng nề đến Khu du lịch quốc gia Sa Pa, trong đó có hệ thống giao thông và điều kiện an toàn của các điểm du lịch trên địa bàn. Để nhanh chóng khắc phục hậu quả thiên tai, phục hồi và phát triển du lịch, thị xã Sa Pa đã sớm chủ động các phương án.
Thời điểm ảnh hưởng hoàn lưu cơn bão, trước tình trạng các tuyến đường có nguy cơ sạt lở, sụt lún, tiềm ẩn mất an toàn cho các phương tiện giao thông và du khách, thị xã Sa Pa đã thống nhất với Hiệp hội du lịch tạm thời không đón khách.
Tái tạo những bản sắc – Giá trị tới tương lai
Sa Pa – vùng đất nằm nơi mây mù và núi non hội tụ, nơi mà mỗi ngọn đồi, mỗi ruộng bậc thang đều gói ghém những câu chuyện dài của các dân tộc thiểu số với những bản sắc văn hoá rất riêng biệt, đa dạng và vô cùng thú vị. Không chỉ là nơi lưu giữ và tại đây, văn hoá các dân tộc Việt Nam được quảng bá tới rộng khắp bạn bè trên thế giới. Chính vì vậy, việc bảo tồn, tái tạo bản sắc được các cấp chính quyền rất chú trọng. Đặc biệt là sau những mất mát, tổn thất do bão lũ gây ra.
Điều đó đã được thể hiện nhất quán, kịp thời của các cấp chính quyền địa phương ngay từ những ngày đầu được thông báo về việc bão lũ trên địa bàn. Ngay khi có mưa lớn và cảnh báo về cơn bão số 3, UBND thị xã Sa Pa đã ban hành Công điện số 06/CĐ-UBND ngày 4/9/2024 về việc chủ động triển khai, ứng phó với bão. 05 văn bản triển khai các biện pháp ứng phó với bão và hoàn lưu bão trong các lĩnh vực.
Chỉ đạo các thành viên Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và phòng thủ dân sự thị xã thực hiện theo đúng chức năng, nhiệm vụ được phân công. Chủ động phối hợp với UBND các xã, phường triển khai thực hiện Phương án ứng phó với thiên tai theo cấp độ rủi ro tại Quyết định số 672/QĐ-UBND ngày 25/3 để ứng phó kịp thời với mưa, lũ. Thành lập 03 tổ công tác theo Quyết định số 2990/QĐ-UBND ngày 6/9/2024 tiến hành kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống, ứng phó với cơn bão số 3. Yêu cầu 100% các cơ quan chuyên môn thực hiện trực 100% quân số để kịp thực hiện các nhiệm vụ trước trong và sau cơn bão. Chỉ đạo 16/16 xã, phường ban hành lịch trực và tổ chức trực phòng chống bão lũ theo quy định.
Nhờ thực hiện đồng bộ, nghiêm túc những phương án phòng, chống thiên tai nên những thiệt hại tại thị xã vẫn trong tầm kiểm soát. Cuộc sống của người dân cũng được an toàn và hậu quả để lại cũng không quá nặng nề. Điều đó không chỉ có ý nghĩa to lớn với chính quyền địa phương, với người dân mà còn là một trong những bài học về chủ động ứng phó với thiên tai.
Vì có một quy luật tự nhiên, chúng ta cần hiểu rằng thiên nhiên ban tặng cho nơi nào sự kỳ vĩ thì cũng không ít lần giáng xuống những cơn thịnh nộ của đất trời. Những địa hình càng hiểm trở, càng cao lớn bao nhiêu thì khi thiên tai đến lại dữ dội bấy nhiêu. Nhưng khi chủ động ứng phó, mọi thứ sẽ trở nên dễ dàng hơn. Để rồi, giữa bão giông, bản sắc văn hóa của Sa Pa vẫn không bị mai một, mà dường như càng sáng rõ hơn.
Những người dân tộc H’Mông, Dao, Tày, Giáy… vẫn đứng vững trên mảnh đất họ đã gắn bó qua bao thế hệ. Họ đứng lên từ đổ nát, từ những trận lũ cuốn trôi, nhưng vẫn giữ gìn những điều cốt lõi của văn hóa mà tổ tiên truyền lại. Có thể, ngôi nhà gỗ nhỏ đã bị hư hại, nhưng trên khung dệt trong góc nhà, những hoa văn thổ cẩm vẫn hiện lên sắc sảo và tràn đầy sinh khí như hàng trăm năm nay.
Bàn tay người phụ nữ H’Mông vẫn đều đặn dệt nên những họa tiết phức tạp, mỗi mũi chỉ là một sợi nối quá khứ với hiện tại, giữa truyền thống và tương lai. Dù thiên tai có khắc nghiệt đến đâu, con người nơi đây vẫn cần mẫn giữ lại từng mảnh văn hóa trong từng sợi vải, từng chiếc khăn, từng bộ quần áo thổ cẩm đầy màu sắc.
Tiếng khèn, tiếng sáo dần dần lại vang vọng giữa núi rừng, nhắc nhở rằng, dù cảnh vật có thay đổi, nhưng hồn cốt của văn hóa vẫn còn đó, mãi mãi hiện diện trong cuộc sống hàng ngày của người dân. Và còn những buổi chợ phiên, nơi mà sau những ngày tháng khó khăn, người dân vẫn đội nón, khoác áo truyền thống, gùi hàng lên chợ. Những chiếc khăn, chiếc váy đầy màu sắc vẫn bày biện, như muốn nhắn gửi rằng, nét đẹp của văn hóa không bao giờ mất đi, chỉ cần có lòng yêu và sự kiên trì, bản sắc ấy sẽ mãi tỏa sáng, dù trong hoàn cảnh khắc nghiệt nhất.
Thiên tai có thể lấy đi nhiều thứ – nhà cửa, cây cối, nhưng nó không thể cuốn trôi đi tinh thần văn hóa và truyền thống lâu đời của người dân Sa Pa. Họ sống với núi rừng, sống với văn hóa, và sống với niềm tin rằng, từ đống tro tàn của thiên tai, một Sa Pa mới sẽ lại trỗi dậy – mạnh mẽ hơn, rực rỡ hơn, và mãi mãi đậm đà bản sắc văn hóa đặc trưng của núi rừng Tây Bắc.
Tuyết Nhung - Nguyễn Hải