Năm 2022, trái ngược sự bùng nổ du khách nội địa với trên 101 triệu lượt, thì khách quốc tế chưa như kỳ vọng. Giới chuyên môn cho rằng, Việt Nam sẽ khơi thông dòng chảy du khách quốc tế nếu nới lỏng chính sách visa.
Với dấu mốc mở cửa hoàn toàn du lịch quốc tế từ ngày 15/3/2022, Việt Nam nằm trong danh sách những nước mở cửa sớm nhất khu vực và được Tổ chức Du lịch thế giới đánh giá là có chính sách cởi mở nhất.
Bên cạnh sự bùng nổ du khách nội địa với trên 101 triệu lượt, thì khách quốc tế chưa như kỳ vọng. Thậm chí, Việt Nam còn nằm trong nhóm chậm phục hồi du lịch quốc tế, trong khi các quốc gia khác ở Đông Nam Á đều hoàn thành, có nước vượt mục tiêu đề ra.
Trong hai tháng đầu năm 2023, Việt Nam ghi nhận lượng khách quốc tế là khoảng 1,8 triệu người. Nhưng theo các chuyên gia nhận định, đây là con số gồm cả người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam vì nhiều mục đích khác nhau, chứ không riêng là khách du lịch.
Ngoài những nguyên nhân khách quan về tình hình chính trị, kinh tế trên toàn thế giới, thì cần nhìn nhận vào những "điểm nghẽn" về mặt chủ quan để cùng tìm hướng giải quyết.
Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, Chính phủ đã có sự quan tâm, ưu tiên các nguồn lực cho công tác truyền thông, quảng bá và hỗ trợ phát triển du lịch.
Tuy nhiên, Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch dù đã được thành lập từ lâu, nhưng vốn cho quỹ này hoạt động còn khiêm tốn. Đặc biệt, chính sách visa của Việt Nam vẫn là việc cần quan tâm và giải quyết.
Hiện các bộ đã báo cáo Chính phủ đệ trình Quốc hội xem xét đưa vào Nghị quyết chung của Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 đối với 3 nội dung: Cấp thị thực điện tử cho công dân của tất cả các nước và vùng lãnh thổ; Nâng thời hạn cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn visa từ 15 ngày lên 45 ngày; Kéo dài thời hạn thị thực điện tử cấp cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam từ 30 ngày lên tối đa 90 ngày, có giá trị một lần hoặc nhiều lần.
Như vậy, du khách quốc tế đến Việt Nam có thể lưu trú tới 3 tháng và thoải mái ghé thăm các nước khác rồi quay lại Việt Nam, mà không cần xin lại visa.
Việc này nhằm giải quyết một số vấn đề cấp bách để tạo thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài gồm khách du lịch, nhà đầu tư, doanh nhân... trong nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú, làm ăn tại Việt Nam, góp phần phục hồi, phát triển ngành du lịch nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung.
Đây cũng là nỗ lực của Chính phủ nhằm tạo đột phá cho ngành du lịch bằng chính sách visa cả về chiều rộng và chiều dài. Về chiều rộng, chính sách visa điện tử sẽ nới rộng ra nhiều nước. Về chiều dài, thời gian lưu trú sẽ được đề xuất kéo dài hơn.
Ngành kinh tế xanh và tất cả người làm du lịch đang ngóng đợi những đề xuất của Chính phủ sớm được thông qua và triển khai trong thực tiễn. Nếu được Quốc hội thông qua vào kỳ họp thứ 5 tới, đề xuất nới chính sách thị thực (visa) của Chính phủ sẽ là bước tiến mới để du lịch Việt Nam tăng sức hút với khách du lịch quốc tế.