Sau giờ học tập trên giảng đường, hình ảnh chàng trai ôm đàn kìm đã trở nên quen thuộc với nhiều người ở vùng đất Tây Đô. Nguyễn Đức Kiên và câu chuyện đam mê nhạc cổ bên cây đàn kìm đã để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng nhiều người.
Là người con của mảnh đất Tây Nam Bộ, Nguyễn Đức Kiên sinh ra và lớn lên tại tỉnh Cà Mau, vùng đất cực Nam của Tổ quốc. Cậu bé Nguyễn Đức Kiên đã lớn lên, trưởng thành trong những câu hò, điệu hát cải lương cùng với tiếng đàn từ mẹ, dì và những người thân; và không biết từ bao giờ, Nguyễn Đức Kiên đã yêu thích và đam mê những câu hò, điệu hát cải lương và nhạc cụ cổ truyền.
Nguyễn Đức Kiên bắt đầu tìm tòi, học hỏi những phím đàn và được một chú cùng xóm cũng là nghệ nhân đàn kìm chỉ dạy. Suốt một năm nỗ lực và cố gắng, Nguyễn Đức Kiên đã chơi được đàn kìm khi mới 15 tuổi. Đến thời điểm hiện tại, Nguyễn Đức Kiên chơi được thêm đàn ghi ta phím lõm.
Đàn kìm còn được gọi là đàn nguyệt do có mặt đàn hình trong như mặt trăng. Đàn kìm có hai dây, thuộc bộ dây chi gảy của dân tộc Việt. Ngoài tên gọi đàn nguyệt còn có các tên gọi khác là quân tử cầm, vọng nguyệt cầm. Đàn kìm là nhạc cụ gắn bó mật thiết với người miền Tây, là linh hồn của mỗi bài ca cổ và được mệnh danh là Quân tử cầm, là nhạc cụ quan trọng trong dàn nhạc tài tử.
Với độ khó, đòi hỏi người đàn phải am hiểu và có kĩ thuật cao. Tiếng nhạc của đàn kìm mang âm điệu trầm ấm, da diết, cái khó là người chơi phải biết kĩ thuật nhấn chữ đàn sao cho mượt, phối hợp nhịp nhàng và ăn ý với nghệ sĩ hát ca cổ.
Mỗi bài ca cổ, có nhiều loại nhạc cụ như: đàn kìm, đàn bầu, đàn tranh, ghi ta,.. nhưng đàn kìm chiếm vai trò quan trọng nhất, người chơi phải nhấn đúng chữ đúng nhịp, là cây giữ, kìm nhịp lại cho những loại đàn khác. Chỉ cần không đúng nhịp, nhấn không đúng chữ đàn là cả dàn nhạc tài tử trở nên không hay. Theo người xưa, đàn kìm là loại đàn duy nhất được cầm Song Lang.
Vốn mang trong mình niềm đam mê âm nhạc, Nguyễn Đức Kiên cũng như bao bạn trẻ khác thích theo dòng nhạc trẻ, nhạc thị trường. Nguyễn Đức Kiên cũng từng tìm hiểu đến các thể loại nhạc dân tộc khác như: nhã nhạc cung đình Huế, hát Chèo, mỗi loại đều mang giai điệu đặc trưng và ý nghĩa riêng. Nhưng chắc có lẽ, vì sinh ra trên mảnh đất miền Tây ân tình, gần gũi, nên Nguyễn Đức Kiên có tình yêu nhiều hơn và dừng lại ở dòng nhạc cổ đờn ca tài tử.
Nguyễn Đức Kiên cho hay, tập cách nhấn chữ đàn, kìm nhịp lại không chỉ đòi hỏi kĩ thuật mà còn dùng lực từng ngón tay phải nhanh, điêu luyện. Những ngày đầu tập chơi đàn ở quê, Nguyễn Đức Kiên được dạy cách cầm đàn, các ngón tay đặt ngay vị trí từng dây đàn sao cho phù hợp để lúc đàn các ngón đàn linh hoạt.
Quá trình tập luyện kìm dây đàn, nhấn theo câu, chữ đúng âm điệu rất khó, đòi hỏi phải dùng lực từng ngón tay nên có khi các đầu ngón tay rách da, chảy máu, có hôm đau nhức đêm về không ngủ được. Dù vậy, Nguyễn Đức Kiên luôn đều đặn tập luyện không muốn bỏ cuộc.
Năm 2020, Nguyễn Đức Kiên khăn gói lên Cần Thơ theo học tập tại Trường Đại học Cần Thơ chuyên nghành Sinh học, mang theo niềm đam mê cháy bỏng với loại nhạc cổ đến vùng đất mới. Ngoài giờ học, Nguyễn Đức Kiên đã tham gia một số câu lạc bộ như: Câu lạc bộ đờn ca tài tử trường Đại học Cần Thơ; Câu lạc bộ đờn ca phường Hưng Lợi; Câu lạc bộ đờn ca phường An Bình. Ngoài ra, Nguyễn Đức Kiên còn tham gia chơi đàn kìm trong một số tiết mục văn nghệ của trường, phường, quận.
Kể về con đường đến với đờn kìm và đàn ca tài tử, Nguyễn Đức Kiên nhớ lại những khó khăn đã gặp phải. Do gia đình không có truyền thống âm nhạc, chỉ chơi và ca hát theo xóm làng giải trí, nên việc Kiên theo đờn ca đã bị cha mẹ nghiêm cấm, không ủng hộ. Mãi sau này, lòng đam mê của Kiên đã thuyết phục được gia đình, thấy con vẫn có thể sắp xếp được việc học và việc chơi đàn nên gia đình dần chấp nhận.
Khi đã tự tin hơn trong việc chơi đàn, Nguyễn Đức Kiên cũng không ít gặp những lời bàn tán, bạn bè trêu rằng theo con đường này rất nghèo. Kiên cười tươi cho biết với bản thân mình, theo con đường này lại rất giàu, đó là giàu tình thương của khán giả và những người thích đờn ca tài tử.
Hiện tại, Nguyễn Đức Kiên đã có kinh nghiệm 10 năm trên sân khấu đồng hành với cây đàn kìm; biểu diễn nhiều tiết mục văn nghệ để lại dấu ấn tốt đẹp với người xem. Với lửa nghề cháy bỏng, Nguyễn Đức Kiên không chỉ được các thầy cô yêu mến, mà còn được khán giả biết đến khá nhiều bởi tiếng đàn mượt mà, gần gũi.
Nguyễn Đức Kiên đã tốt nghiệp trường Đại học Cần Thơ và tiếp tục theo học thêm nâng cao tại trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuât TP.Cần Thơ để trau dồi thêm ngón đàn và có cơ hội được truyền lửa nghề từ các nghệ nhân tâm huyết ở Cần Thơ.
Chia sẻ về con đường sắp tới, Nguyễn Đức Kiên cho biết, sẽ tiếp tục theo đuổi đam mê đi theo con đường nghệ thuật. Tiếp tục trau dồi kiến thức, kĩ thuật đàn ca, kĩ năng sân khấu; và nếu có ai đam mê với bộ môn này, Nguyễn Đức Kiên sẵn sàng hướng dẫn nhiệt tình, miễn phí. Và Kiên mong muốn rằng, một ngày nào đó trong tương lai sẽ được về quê nhà, cầm cây đàn kìm biểu diễn trên sân khấu cho gia đình và bà con quê nhà xem, cũng như xem ước mơ của cậu bé ngày nào đã trưởng thành.
Với người dân Nam bộ, Đờn ca tài tử đã trở thành một nét sinh hoạt văn hóa truyền thống lâu đời. Và cây đàn kìm đã trở thành biểu tượng gần gũi. Cuộc sống ngày càng hiện đại, âm nhạc ngày càng trở nên phong phú đa dạng, dòng nhạc truyền thống vô tình bị lãng quên với những người trẻ. Câu chuyện chàng trai trẻ Nguyễn Đức Kiên đam mê với nhạc cổ bên cây đàn kìm đã truyền cảm hứng cho những bạn trẻ. Góp phần giữ gìn, bảo tồn và phát huy dòng nhạc dân tộc.