Giữa năm 1965, Mỹ và chính quyền Sài Gòn mở những cuộc hành quân ác liệt nhất trên khắp miền Đông Nam Bộ. Trong bối cảnh đó, Tiểu đoàn Phú Lợi được thành lập ngày 5/6/1965 với nhiều trận đánh đi vào lịch sử, vang danh khắp chiến trường Thủ Dầu Một nói riêng miền Đông Nam Bộ nói chung.
Khi Mỹ giăng “vòng cung lá chắn” bảo vệ Sài Gòn
Cách đây 60 năm, vào mùa hè 1965, Mỹ thực hiện chiến dịch rải quân chiếm giữ hầu hết các vị trí trọng yếu tại hai tỉnh Thủ Dầu Một và Phước Thành (nay là tỉnh Bình Dương).
Mỹ tung Sư đoàn bộ binh số 1 (được mệnh danh “Sư đoàn Anh cả đỏ”) đến đóng tại căn cứ Phú Lợi. Lữ đoàn 3 thuộc Sư đoàn bộ binh số 25 (Tia chớp nhiệt đới) đổ bộ đến chốt tại Dầu Tiếng, Núi Cậu.
Sau đó, Mỹ đưa thêm 02 trung đoàn lính đánh thuê đóng tại căn cứ Sóng Thần (Dĩ An)... Ngoài ra, còn có Sư đoàn 5 bộ binh Việt Nam Cộng hòa đóng tại Bến Cát. Tất cả tạo vòng cung lá chắn nhằm bảo vệ Sài Gòn.
Sau khi dàn quân, Mỹ và Việt Nam Cộng hòa càn quét vào hệ thống căn cứ cách mạng Thuận An Hòa, Chiến khu Đ, Bến Cát, Dầu Tiếng... nhằm “tìm diệt” bộ đội chủ lực của ta. Đồng thời để hỗ trợ công cuộc “bình định” gom dân, lập ấp chiến lược trở lại.
Ban Chỉ huy quân sự tỉnh Thủ Dầu Một đã chuẩn bị tốt về tinh thần, ý chí chiến đấu, trình độ chiến thuật, kỹ thuật cho lực lượng vũ trang, triệt để vận dụng ba mũi giáp công: đấu tranh quân sự, đấu tranh chính trị và binh vận; nắm vững phương châm đánh lâu dài, dựa vào sức mình là chính...
Bước vào mùa khô 1965-1966, với khoảng 720.000 quân, Mỹ mở liên tiếp 450 cuộc hành quân. Tại tỉnh Thủ Dầu Một, Mỹ càn quét vào Tân Uyên, Phước Vĩnh, Bến Cát và Chiến khu Đ... Với tâm thế chủ động, quân dân tỉnh Thủ Dầu Một đã giáng cho địch những đòn đau.
Tiểu đoàn Phú Lợi anh dũng, mưu trí diệt gọn 01 tiểu đoàn lính Việt Nam Cộng hoà ở tua Suối Dứa (thuộc xã An Thạnh, huyện Dầu Tiếng); tập kích và diệt gọn 01 đại đội địch trú quân dã ngoại ở khu vực Gò Mối (xã Tân Định), thu toàn bộ vũ khí.
Trên đường Căm Xe - Dầu Tiếng, Tiểu đoàn Phú Lợi cùng bộ đội địa phương Bắc Bến Cát, Dầu Tiếng phối hợp Sư đoàn 9 phục kích, tấn công chia cắt đội hình hơn 300 xe quân sự của Mỹ. Trận chiến đã tiêu hao nhiều sinh lực địch, ta bắn cháy và phá hủy hơn 20 xe. Tiểu đoàn Phú Lợi còn phục kích diệt gọn 01 trung đội lính Việt Nam Cộng hoà đang hành quân mở đường tại “ấp chiến lược” Hòa Mỹ.
Tiểu đoàn Phú Lợi, lá cờ đầu chống ngoại xâm
Những chiến thắng của Tiểu đoàn Phú Lợi là rất đáng chú ý, góp phần vào việc đập tan cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ nhất của Mỹ. Ngày 30/1/1966, Lữ đoàn 1 thuộc Sư đoàn 1 bộ binh Mỹ tiến hành xây dựng sân bay Phú Lợi và đặt căn cứ tại đây. Với sự giúp đỡ của nhân dân và đơn vị bạn, Đại đội 4, Tiểu đoàn đã pháo kích vào sân bay Phú Lợi, phá hủy 15 máy bay lên thẳng và khiến 100 lính địch tử trận.
Trận đánh do Đại đội trưởng Bảy Đạo và Chính trị viên Lưu Minh Tân chỉ huy, Đại đội 4 chỉ sử dụng 01 khẩu ĐKZ 75, 02 cối 81 và 05 khẩu cối 60. Trận đánh thắng lợi là nhờ cán bộ đại đội bố trí trận địa thích hợp, pháo thủ chỉnh tầm, hướng chính xác… Sau trận đánh, Tiểu đoàn Phú Lợi được Bộ chỉ huy Miền tuyên dương là một trong những lá cờ đầu diệt Mỹ ở chiến trường miền Đông Nam Bộ.
Ngày 7/3/1966, 02 lữ đoàn quân Mỹ cùng với 01 tiểu đoàn quân đánh thuê mở cuộc hành quân mang tên “Thành phố bạc” đánh vào Chiến khu Đ. Sư đoàn 5 quân đội Việt Nam Cộng hoà triển khai lực lượng trên đường 13 để ngăn chủ lực ta cơ động và hỗ trợ cho kế hoạch bình định trục lộ 13.
Tiểu đoàn Phú Lợi bám sát địch hai lần tập kích vào khu vực xuất phát và sở chỉ huy, khiến địch chịu nhiều thiệt hại lớn.
Đến ngày 15/3/1966, với tinh thần chủ động “tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt”, Tiểu đoàn Phú Lợi do Tiểu đoàn trưởng Trương Văn Quảng (Ba Quăng) chỉ huy phối hợp với đơn vị bạn thực hiện tập kích vào các vị trí đóng quân của 01 tiểu đoàn địch tại ấp Gò Mối diệt gọn tiểu đoàn này, khiến 02 tiểu đoàn địch còn lại phải tháo chạy về Bến Cát.
Với chiến công này, Tiểu đoàn Phú Lợi được Bộ chỉ huy Miền tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba.
Trận đánh tạo tiếng vang lớn tiếp theo của Tiểu đoàn Phú Lợi diễn ra ngay sau trận Gò Mối vừa mới kết thúc - đó là trận Truông Bồng Bông ngày 18/3/1966. Địch phản kích dữ dội sau trận Gò Mối bằng cách cho hàng chục khẩu pháo, máy bay và xe tăng yểm trợ cho hơn 01 tiểu đoàn Mỹ mở cuộc hành quân càn quét vào căn cứ Truông Bồng Bông.
Nhờ kinh nghiệm qua những lần đương đầu nên Đại đội 1 Tiểu đoàn đã bảo tồn được lực lượng. Cụ thể, địch thường dùng máy bay và pháo binh bắn phá trước. Chỉ huy Đại đội 1 lệnh cho các chiến sĩ ẩn nấp kỹ trong công sự để tránh thương vong.
Sau đợt pháo kích, tiểu đoàn Mỹ hình thành một mũi tiến công vào khu căn cứ Truông Bông Bông, lúc này các chiến sĩ Đại đội 1 bật dậy tiến ra công sự chiến đấu dưới sự chỉ huy của đồng chí Chín Vui (Chính trị viên đại đội). Chờ địch tiến lại thật gần, các chiến sĩ Trung đội 3 mới nổ súng tấn công, cùng lúc đó Trung đội 1 và Trung đội 2 đánh tạt sườn địch.
Bị đòn bất ngờ, địch choáng váng rút ra, tổ chức lại đội hình, cho pháo bắn và tiến công lần hai. Một cách máy móc, địch vẫn tổ chức thành một mũi tiến công và hướng vào trận địa của Trung đội 3. Trong suốt 5 giờ đồng hồ, quân Mỹ tổ chức nhiều đợt tiến công, nhưng đều bị đánh bật.
Bị thiệt hại nặng, đến chiều cùng ngày, quân Mỹ buộc phải rút quân. Kết quả, Đại đội 1 đã đánh thiệt hại nặng 01 đại đội Mỹ, loại khỏi vòng chiến đấu 185 tên, bắn cháy và phá huỷ 3 xe tăng, thu 31 súng.
Với kinh nghiệm và bản lĩnh chiến đấu, tác phong nhanh gọn, sắc sảo trong kỹ chiến thuật tác chiến, dưới sự chỉ huy của Chính trị viên Chín Vui, Đại đội 1 đã đánh thắng một tiểu đoàn tăng cường của địch, bẻ gãy cuộc tiến công.
Chiến thắng đã tiếp thêm sức mạnh cho Tiểu đoàn Phú Lợi, niềm tin đánh và thắng Mỹ được nhân lên gấp nhiều lần. Đó là cơ sở để Tiểu đoàn lập thêm nhiều chiến công mới.
“Tàng hình” trong trận tập kích hung bạo
Sau những thắng lợi vang dội, Tiểu đoàn Phú Lợi khiến Mỹ- Ngụy hoang mang khiếp sợ. Dù lực lượng hùng mạnh, vũ khí, phương tiện hiện đại vẫn thua choáng váng đơn vị vũ trang địa phương nhỏ bé như Tiểu đoàn Phú Lợi.
Do đó, Mỹ - Ngụy quyết mọi cách tiêu diệt bằng được Tiểu đoàn. Địch tung tình báo, gián điệp ngày đêm rình mò, tìm kiếm nơi trú quân của Tiểu đoàn để tập trung lực lượng tiêu diệt.
Thời điểm tháng 8/1966, Tiểu đoàn Phú Lợi đóng tại căn cứ Bông Trang - Lò Gạch, củng cố lực lượng. Một kẻ phản bội ở địa phương đã đầu hàng, chỉ điểm cho địch nơi trú quân của Tiểu đoàn.
Trung tướng Giắc-cơ Đề-puy nhận tin, triệu tập khẩn cấp Trung tướng Khang, Tư lệnh Quân đoàn 3 Việt Nam Cộng hòa ở Biên Hòa lên căn cứ Phú Lợi để thống nhất kế hoạch “hốt trọn một mẻ” đối với Tiểu đoàn.
Ngày 25/8/1966, Giắc-cơ Đề-puy quyết định tung toàn bộ Lữ đoàn 1, hơn 100 xe tăng, thiết giáp và nhiều máy bay ném bom, trực thăng đổ quân, có 3 cụm pháo binh ở Phú Lợi, Lai Khê, Phước Vĩnh được điều động cho trận đánh. Với lực lượng “khủng” này, Mỹ - Ngụy cho rằng Tiểu đoàn Phú Lợi có “mọc cánh” cũng không thể thoát khỏi kết cục bị tiêu diệt.
Thậm chí, Mỹ còn tự tin chuẩn bị cho phóng viên các hãng thông tấn sẵn sàng đưa tin về chiến thắng.
Đến 5 giờ sáng 25/8/1966, 30 chiếc xe tăng M.113, M.114 từ Gò Đậu tiến vào nhằm tiêu diệt Tiểu đoàn Phú Lợi. Cuộc chiến không cân sức diễn ra ác liệt. Tại chiến hào Đại đội 1, hai xạ thủ “dũng sĩ” Trung đội phó Nguyễn Văn Bé và đồng chí Kiều bắn B40 và 02 khẩu ĐKZ chính xác từng phát đạn, diệt nhiều xe tăng địch.
Địch tổ chức đột kích thêm nhiều đợt vào trận địa của Đại đội 1, Đại đội 3, nhưng đều bị ta đẩy lui, bắn cháy hai xe tăng và 01 trực thăng.
Sau đợt tiến công cuối cùng vào 17 giờ cùng ngày, địch rút quân cụm lại phía trước để củng cố, cho xe tăng án ngữ xung quanh và sử dụng trực thăng đổ quân ở phía sau, nhằm vây chặt Tiểu đoàn để hôm sau tiếp tục tấn công.
Bấy giờ, Ban chỉ huy Tiểu đoàn lệnh cho các đơn vị kiểm tra trận địa, giải quyết thương binh, tử sĩ; trinh sát được tung đi các hướng tìm đường rút. Các chiến sĩ Phú Lợi thông thạo địa hình, thuộc từng gốc cây đã lặng lẽ men theo đường mòn vượt suối Lò Gạch rút về suối Đòn Gánh, sau đó rút về vị trí đóng quân mới tại Bờ Cảng - Long Nguyên.
Sáng 26/8/1966, địch tiến vào căn cứ, nhưng Tiểu đoàn Phú Lợi như đã “tàng hình”, biến mất khỏi trận địa.
Sau trận đánh, Tiểu đoàn đã tiêu diệt và làm bị thương gần 400 tên địch thuộc Lữ đoàn 1, Sư đoàn bộ binh 1 Mỹ, bắn cháy 1 máy bay trực thăng và 16 xe tăng, xe thiết giáp, thu 20 súng các loại… Đây là một trận đánh điển hình, đạt hiệu suất chiến đấu cao; là chiến thắng của tinh thần chiến đấu dũng cảm ngoan cường.
Các chiến thắng vang dội của Tiểu đoàn Phú Lợi đã góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của dân tộc, để rồi ngày 30/4/1975, giang sơn gấm vóc Tổ quốc liền một dải. 50 năm trôi qua sau ngày đại thắng, chiến công của Tiểu đoàn Phú Lợi anh hùng vẫn còn mãi ngân vang...
Ông Dương Văn Liễu, nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn Phú Lợi từng chia sẻ: “Người chiến sĩ Tiểu đoàn hoạt động, công tác và chiến đấu bao giờ cũng ở bên cạnh nhân dân và trong lòng nhân dân, dựa chắc vào nhân dân. Nhân dân ngày ấy chăm lo cho cán bộ, chiến sĩ từ cái ăn, cái mặc, từng viên thuốc, cuộn băng bông mỗi khi chiến sĩ bị ốm, bị thương, lo cho anh em từng chiếc hầm bí mật và nuôi dưỡng, che giấu khi về địa phương hoạt động. Xúc động nhất là những bà mẹ, những người chị đêm đêm xé rào “ấp chiến lược”, không ngại hiểm nguy đem đến cho từng thúng gạo, cân đường. Những khi Tiểu đoàn bị địch bao vây với bom tạ, pháo bầy thì nhiều cụ ông, bà mẹ đứng ngồi không yên…”.